– Tôi còn nhớ, cách đây đã lâu, Trần Bình từng là “ông bầu” đầu tiên dám đứng ra“tuyên chiến” với tệ bỏ sô…
– Bằng cách nói to vào loa (trước giờ diễn) cho toàn thể khán giả có mặt tại buổi diễn hôm đó hay rằng ca sĩ A, B… nào đó đã thất hứa với chương trình và nêu đích danh tên ca sĩ đó. Chuyện xảy ra lâu rồi, chắc cũng phải đến gần hai mươi năm nay. Thực ra thì cũng chẳng phải “dũng khí” gì đâu, mà chẳng qua mình bị họ đẩy vào cái thế không làm vậy không được! Bởi nếu không làm thế, khán giả họ sẽ đổ mọi tội vạ lên đầu “ông bầu”, uy tín của mình và quan trọng là của nhà hát, mất bao năm gầy dựng sẽ tiêu tan trong phút chốc chỉ vì sự vô trách nhiệm của một cá nhân…
– Thế mới hiểu tâm trạng của người vừa ký vào công điện tạm cấm Trọng Tấn và Anh Thơ biểu diễn sau vụ bỏ hát tại Lào vừa qua?
– Thì đúng rồi, nhất là đây lại còn là chuyện đại sự quốc gia! Bản thân Thứ trưởng Bộ Thông tin – Văn hóa và Du Lịch Lào (có mặt tại cuộc giao lưu vừa qua) cũng từng học tại Việt Nam, cùng thời với Quang Thọ, Ái Vân…, con cái họ hiện cũng đang theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia của ta, Anh Thơ – Trọng Tấn vì thế là những cái tên không xa lạ gì với họ, thế nên mới là “khó ăn khó nói”…
– Anh có nghĩ rằng điều đáng thông cảm ở đây là ca sĩ nhạc đỏ dù là hạng “sao” đi nữa thì cũng có rất ít cơ hội kiếm tiền (so với sao thị trường) nên có thể cái sự “cơm áo không đùa…” đã làm khó họ?
– Nhầm đấy! Nhạc đỏ nhiều năm trở lại đây đắt sô không kém gì nhạc thị trường đâu, nhất là ở miền Bắc. Lễ lạt, kỷ niệm và biết bao nhiêu sự kiện lớn, bé ở hầu khắp 63 tỉnh thành, đâu đâu chả cần đến nhạc đỏ vừa vui tươi, khí thế, lại vừa… “lành”. Mà sao nhạc đỏ lúc này thì đâu có nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ giới hạn trong mấy cái tên: Anh Thơ, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Tân Nhàn, rồi thứ nữa là đến Phương Thảo, Thành Lê… Cát sê cho sao nhạc đỏ cũng giúp họ sống tốt, sống khỏe với từ 10 – 15 triệu/ 1-2 bài, và nếu đi tỉnh nữa thì thường cũng phải vào cỡ từ 20 – 30 triệu… Nhiều sao nhạc đỏ không những sống được bằng nghề mà còn sống quá tốt bằng nghề!
– Đấy, thì có thể chính vì thế mới tiếc!
– Vì gì thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu hơn ai hết! Cũng chỉ có người trong cuộc như tôi (NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam thường được Bộ chỉ định là tổng đạo diễn các chương trình giao lưu nghệ thuật tại Việt Nam và nước ngoài trong các sự kiện: Những ngày văn hóa, Tuần văn hóa… – P.V) mới biết được còn có nhiều “ca” khác đáng buồn hơn nhiều và rất khó “bắt được vào đâu”…
– Chết, còn “ca” nào nữa đây? Tưởng vụ việc vừa qua là hy hữu chứ?
– Hy hữu, đúng! Nhưng riêng cái này thì không hề hy hữu nhé: rất, rất nhiều ca sĩ hạng “sao” ở ta, khi được mời tham dự các sự kiện “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại nước ngoài đều viện cớ này hay cớ khác (hầu hết là cáo bận, cáo ốm) để từ chối. Lúc chạy sô như “hóa dại”, thì lại chả thấy ai kêu ốm cả! Và lý do, tôi đồ rằng chỉ là vì cátsê. Khi mà, nếu như chạy sô trong nước, từ 1-2 buổi diễn cũng đã bỏ túi từ một đến vài nghìn đô, vậy mà đi diễn phục vụ chính trị như thế ở nước ngoài thì chỉ được có vài chục đô mà thôi! Không có ý thức công dân, không có tinh thần dân tộc, thì đúng là là họ thấy “chả bõ” còn gì!
– Chả trách Bộ cần một đại sứ du lịch như Lý Nhã Kỳ: gần như có thể điều động bất kỳ lúc nào và chưa bao giờ làm tốn của nhà nước một xu?
– Thì đấy, cứ bảo Lý Nhã Kỳ này nọ nữa đi, nhưng thử hỏi ở ta, liệu có “sao” nào dám bỏ tiền tỉ để lo việc cho đất nước không? Nếu như không muốn nói ý thức công dân ở nhiều nghệ sỹ ngôi sao của ta phải nói là quá kém, quá chán, quá đáng buồn ở một đất nước mà bao năm qua đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền để bao cấp, nâng đỡ các đoàn nhà nước, các cơ sở đào tạo nghệ thuật…! Trong khi đó, cả một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng hàng trăm năm tuổi của Hoa Kỳ, tên tuổi lẫy lừng như thế, họ cũng chỉ yêu cầu được lo chi phí ăn ở (chỉ hơn 100 ngàn đô cho 4 ngày ở VN) mà không hề đòi hỏi cát sê. Kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Hàn, Bi Rain vui vẻ thừa lệnh Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sang VN tham gia đêm giao lưu nghệ thuật Việt – Hàn trong vai trò sở đoản: MC, trong màu áo lính – một sự quảng bá hình ảnh thật đẹp cho đất nước kim chi! Dù tất cả bọn họ đều đâu phải là “người nhà nước”. Thôi đừng ngồi đó chê bai Lý Nhã Kỳ nữa! Làm được như cô ấy rồi hẵng nói!