Làm đẹp da bằng phương pháp lăn kim: muốn đẹp, phải chịu đau - Tạp chí Đẹp

Làm đẹp da bằng phương pháp lăn kim: muốn đẹp, phải chịu đau

Tổn thương ảo giúp da đẹp thật

Làm đẹp da bằng những mũi kim, mới nghe thì thật vô lý. Một đầu kim nhọn vô tình đâm vào ngón tay đã đủ buốt đến xương chứ nói gì cả trăm mũi kim trượt trên da hàng chục phút? Thế nhưng, đây lại là phương pháp tái tạo da có cơ sở khoa học. Theo đó, với thiết kế sắc bén và mỏng, loại kim đặc biệt dùng trong phương pháp này sẽ không phá vỡ cấu trúc da mà chỉ đủ để tạo nên các tổn thương giả trên bề mặt.

Lúc này, tế bào biểu bì da sẽ phóng tín hiệu yêu cầu “viện trợ” để đối phó với tổn thương. Cơ thể gửi lại thông điệp bằng cách kích thích sự tái tạo biểu bì. Theo đó, sợi collagen và elastin được hình thành nhiều hơn thông thường để giúp các tổn thương nhanh lành, đồng thời các tế bào keratinocyte tạo nên lớp sừng làm vết thương đóng vẩy. Khi lớp sừng được đẩy lên và bong ra, lớp da mới sẽ xuất hiện.

Kim lăn nào cho làn da của bạn?

Bởi những tổn thương trên làn da phái đẹp là muôn hình vạn trạng, ngành thẩm mỹ thế giới đã cho ra đời những hình thức lăn kim phù hợp với tùng nhu cầu. Tiêu biểu nhất có thể kể đến:

– Lăn kim thủ công Dermaroller: Kỹ thuật viên sử dụng con lăn bằng tay thiết kế như cây lăn sơn, có tay cầm và vòng quay cắm hàng trăm đầu kim. Người dùng tự điều chỉnh lực mạnh, nhẹ và tốc độ nhanh, chậm khi trị liệu. Phương pháp này có thể tự thực hiện tại nhà với đầu kim ngắn.

– Lăn kim bằng bút điện Demarpen: Sản phẩm này mang hình dáng cây bút nhưng chạy bằng động cơ điện và có đầu tròn gắn kim lăn. Khi trị liệu, chuyên viên sẽ cầm dụng cụ di chuyển trên mặt bạn, tùy vùng da mà họ điều chỉnh tốc độ lăn, lực tác động cho phù hợp.  

– Phi kim bằng máy Dermastamp: Thiết bị điện tử này có khả năng tự điều chỉnh sự lên xuống, tốc độ chạy của đầu kim theo tình trạng da hoặc do kỹ thuật viên cài đặt. Thay vì thao tác lăn truyền thống, Dermastamp thực hiện chu trình dập đầu kim liên tục như máy khâu.

Lăn xong có chắc sẽ đẹp?

Khi cụm từ “lăn kim/phi kim” được đề cập rộng rãi trên các diễn đàn làm đẹp, kèm theo đó là những tấm ảnh “before – after” với lời hứa “đảm bảo không dùng phần mềm chỉnh ảnh” thể hiện sự hài lòng của người dùng về phương pháp làm đẹp này, rất nhiều chị em đã nhấp nhổm không yên, cho rằng đây là một liệu pháp thần kì có khả năng cứu giúp mọi vấn đề da đang khiến họ đau đầu. Nhưng trước khi ghi tên mình vào danh sách chờ lăn kim tại viện thẩm mỹ, bạn cần đảm bảo rằng mình đã thật sự hiểu những điều sau, nếu không muốn bỏ ra một đống tiền và mang về một làn da còn tệ hơn cả khi chưa can thiệp.

Thứ nhất, lăn kim không trị được nám và tàn nhang. Phương pháp này chỉ góp phần hạn chế sự hình thành sẹo rỗ sau mụn, giảm tình trạng thâm và cân bằng sắc tố da. Nếu viện thẩm mỹ quảng cáo rằng vết nám và vùng da thâm tối của bạn sẽ được chữa trị, đừng tin kẻo bị mất tiền.

Thứ hai, lăn kim không xóa được mọi loại sẹo. Phương pháp này chỉ nên áp dụng và có hiệu quả với sẹo lõm mới hình thành. Bạn cần cẩn trọng khi lăn kim trên vùng da có sẹo lồi hoặc sẹo mụn sâu. Dạng tổn thương này cần tới đầu kim dài, kỹ thuật viên phải có trình độ cao chứ bạn không thể tự chữa trị tại nhà.

Thứ ba, lăn kim không phải phương pháp trị mụn. Bạn tuyệt đối không được lăn kim khi da còn mụn hoặc chưa hết tổn thương vì mụn. Việc lăn kim vào thời điểm này sẽ làm lây lan vi khuẩn, khiến tình trạng mụn viêm nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng và hỏng da vĩnh viễn nếu áp dụng sai kỹ thuật.

 

Tác dụng của lăn kim

– Tăng sự thẩm thấu của các sản phẩm chăm sóc da

– Hỗ trợ phục hồi độ săn chắc, đàn hồi cho da

– Kích thích tái tạo biểu bì, ngăn hình thành sẹo rỗ lõm, sẹo thâm sau mụn

– Góp phần làm giảm độ dão lỗ chân lông

Lưu ý khi lăn kim

– Phải làm sạch, sát trùng bề mặt da kỹ càng trước khi trị liệu

– Không dùng chung kim lăn để tránh nhiễm khuẩn và bệnh truyền nhiễm

– Nếu tự lăn kim tại nhà, chỉ dùng đầu kim ngắn (0,18 – 1,2mm). Các loại kim dài hơn cần kỹ thuật viên có trình độ hoặc máy móc hiện đại tại bệnh viện, spa chuyên nghiệp.

– Sau khi lăn kim, da cần tránh ánh sáng 1 – 3 giờ, hạn chế tiếp xúc với nắng và các loại mỹ phẩm trong tối thiểu 3 – 5 ngày

– Không lạm dụng lăn kim tần suất cao. Khoảng cách giữa các lần trị liệu phải trong khoảng 6 – 8 tuần để tế bào kịp phục hồi.

 

Bài: Minh Tâm

logo

Thực hiện: Phạm Huyền

03/12/2016, 16:26