Làm bánh Trung thu cần những nguyên liệu gì? - Tạp chí Đẹp

Làm bánh Trung thu cần những nguyên liệu gì?

Ẩm Thực

Phố đầu ngõ nhà mình sáng nay đi qua đã thấy một gian hàng dài bày bán bánh trung thu với màu đỏ rực rỡ. Cảm giác không khí trung thu khi nhìn những hình ảnh này, màu sắc này trở nên rõ rệt lắm rồi. Nhất là trong khoảng một tháng trở lại đây, mình liên tục nhận được những câu hỏi của các bạn về việc tự làm bánh trung thu tại nhà, mà câu hỏi thường xuyên nhất là: “Mình muốn làm bánh trung thu mà không biết là cần những nguyên liệu gì?”. 

Trân trọng cảm ơn blogger Kokotaru đã chia sẻ với bạn đọc Đẹp Online bài viết này.
Bánh trung thu vừa dễ, lại vừa khó, vì riêng khoản nguyên liệu thôi đã lỉnh kỉnh đủ thứ rồi. Mà một khi đã mất công “bày vẽ” thì chị em nào cũng muốn làm bánh với nhiều vị, nhiều nhân khác nhau, thế nên nguyên liệu vốn đã lỉnh kỉnh lại thêm phần lắt nhắt, vì cứ mỗi thứ một ít. Trong bài viết này, mình hy vọng sẽ tổng hợp được hầu hết các thứ lỉnh kỉnh đó để các bạn, đặc biệt là các bạn mới tập làm bánh trung thu, sẽ có hình dung sơ bộ về những thứ mình sẽ phải chuẩn bị để mùa Trung thu này tự tay mình làm được những chiếc bánh xinh xắn và ngon lành, làm quà tặng bất ngờ cho người thân cùng bạn bè nhé.

A. Nguyên liệu làm vỏ bánh nướng



1. Bột mì
Vỏ bánh nướng được làm từ bột mì, chính là bột mì đa dụng mà chúng ta vẫn thường thấy bán trong siêu thị, hoặc dễ dàng mua được ở quầy hàng khô trong các chợ.


2. Nước tro tàu (lye water)

Là một thành phần được dùng để đun nước đường làm bánh nướng, và dùng cho vào phần bột vỏ bánh. Đúng như tên gọi thì bản chất nước tro tàu tự nhiên ngày xưa được làm như sau: tro được lấy sau khi đun củi, gỗ, hoà với nước trắng, để lắng cặn tro và gạn lấy phần nước trong. Nước này là nước tro, ở miền Bắc, đến Tết nhiều nhà ở nông thôn vẫn thường tự làm bánh gio để ăn cho dễ “tiêu” những món ăn nặng ngày Tết. Nước tro tàu là một trong những loại phụ gia thực phẩm được sử dụng khá nhiều, do nhu cầu đó mà ngày nay nước tro bán trên thị trường không phải là nước tro tự nhiên mà là nước tro hoá học, thường là NaOH hoặc KOH. Lượng nước tro tàu dùng trong một công thức đun nước đường rất ít, với một lượng ít như vậy không gây độc hại, nhất là sau khi qua nấu chín, nướng chín. Nó chỉ độc khi dùng trực tiếp (ví dụ như chẳng may uống phải, vì nó có màu trắng y như nước hay rượu vậy, nên nhiều người bảo quản không cẩn thận đã bị nhầm lẫn và uống phải).
Nước tro tàu dùng để đun nước đường bánh nướng có tác dụng làm cho vỏ bánh nướng mềm, lên màu sậm đều. Tuy nhiên, nhiều chị em e ngại sự độc hại của  nước tro tàu mà bỏ đi, không dùng, thay vào đó là chế thêm một ít “nước hàng” để đường thắng có màu đẹp. Bạn có thể làm cách nào cũng được, tuỳ lựa chọn của bạn, bởi vì mình biết rằng để có được chiếc bánh có màu đẹp và sậm đều thì yếu tố nước đường không thôi là chưa đủ.


3. Nước đường bánh nướng

Đây là nước đường được đun theo một tỉ lệ nhất định các nguyên liệu. Nước đường này đun trước thời gian sử dụng càng lâu thì càng ngon, đường càng xuống màu đậm. Sau khi kết thúc mùa trung thu, nhiều chị em chăm chỉ, cẩn thận đã đun ngay mấy mẻ nước đường và để dành cho mùa trung thu năm sau. Hiện nay nước đường bánh nướng được bán sẵn cũng trở nên phổ biến, nhất là khi bạn bận quá chưa đun được nước đường, hoặc ngại lỉnh kỉnh, hoặc đang làm thì hết mất nước đường.

nguyen-lieu-lam-banh-trung-thu-deponline

B. Nguyên liệu làm vỏ bánh dẻo


1. Bột bánh dẻo

Bột để làm vỏ bánh dẻo là loại bột nếp đã được làm chín, vì bánh dẻo là loại bánh không cần nướng. Có nhiều loại bột bánh dẻo trên thị trường (loại thường, loại đặc biệt), nhưng mình nghĩ nếu đã mất công làm bánh ở nhà rồi thì nên chọn bột bánh dẻo loại đặc biệt, là loại bột thơm và chất lượng cao hơn, để bánh được ngon nhất.


2. Nước đường bánh dẻo

Làm bánh dẻo cũng cần đun nước đường, tuy nhiên nước đường bánh dẻo thì làm nhanh và dễ hơn nước đường bánh nướng rất nhiều, chỉ cần đun đường và nước là xong, có thể dùng được luôn.


3. Nước hoa bưởi

Vỏ bánh dẻo có mùi thơm nhẹ đặc trưng, đó chính là nhờ nước hoa bưởi. Nước hoa bưởi chỉ cần thêm một lượng nhỏ vào bột bánh dẻo là đủ rồi, cho nhiều mùi sẽ bị nồng quá.

nguyen-lieu-lam-banh-trung-thu-deponline


C. Nguyên liệu làm nhân bánh nướng, bánh dẻo


1. Các loại hạt đậu, đỗ, hạt sen, khoai lang, khoai môn…

Đây là nguyên liệu chính để làm các loại nhân bánh, từ đó chúng ta có các loại nhân bánh: nhân đậu xanh, nhân đậu đỏ, nhân hạt sen, nhân khoai môn, nhân khoai lang…

Trong các loại nhân trên, đậu xanh và hạt sen được sử dụng nhiều nhất, bởi đây là loại nhân cơ bản để từ đó pha trộn ra các loại nhân với mùi vị khác nhau. Ví dụ, từ nhân đậu xanh bạn có thể chế biến thành nhân đậu xanh socola, nhân đậu xanh lá dứa… bằng cách thêm bột hoặc thêm tinh chất lá dứa (xay từ lá dứa hoặc mua chai tinh dầu pha sẵn), hoặc nhân hạt sen trà xanh (dùng bột trà xanh trộn vào nhân sen trắng)….


2. Trứng muối

Nhiều người thích có trứng muối trong nhân bánh của mình. Bạn có thể tự muối trứng, hoặc mua trứng muối sẵn ở chợ. Nếu tự muối trứng thì cần muối trước ngày làm bánh khoảng 20-25 ngày.

nguyen-lieu-lam-banh-trung-thu-deponline


3. Các loại hạt

Tác dụng làm tăng hương vị cho nhân bánh, ví dụ: vừng trắng, vừng đen, hạt dưa, hạt bí…bóc vỏ và rang chín. Nhân có thêm những hạt này sẽ thơm và ngon hơn, khi ăn cắn vào hạt cho cảm giác sần sật giòn giòn khá thú vị.


4. Mạch nha

Mạch nha là một loại đường sệt như keo, rất dính, được dùng trong công đoạn sên nhân bánh để cho nhân bánh được kết dính với nhau hơn, giữ độ ẩm cho nhân bánh và tránh hiện tượng lại đường.
nguyen-lieu-lam-banh-trung-thu-deponline


D. Nguyên liệu làm nhân thập cẩm
Có rất nhiều cách chế biến nhân thập cẩm, tuỳ theo sở thích của mỗi người. Ở đây mình liệt kê những nguyên liệu mà mọi người hay dùng nhất cho phần nhân thập cẩm, bao gồm: mứt bí, mứt hạt sen, hạt dưa, hạt bí, vừng trắng, lá chanh, jambon, lạp xưởng, lá chanh, mỡ đường (mỡ gáy luộc sơ, thái nhỏ, ướp đường với tỉ lệ 1:1 cho săn lại), trứng muối,…

Trên đây mình đã điểm qua những nguyên liệu cần chuẩn bị để có một mùa làm bánh nướng rộn ràng và thành công. Những hướng dẫn làm bánh trung thu ở trên mạng được các chị em chia sẻ rất nhiều, các bạn có thể tự tra cứu và tìm cho mình một công thức ưng ý để bắt đầu tập làm bánh nhé.

Chị Đặng Ngọc Linh là chủ nhân của blog Kokotaru, ngoài việc chia sẻ cách nấu nướng cũng như các công thức món ăn mới trên food blog của mình, thì chị cũng thường xuyên có những bài viết, tổng hợp rất hữu ích về tất cả các vấn đề liên quan đến nấu nướng như: vật dụng làm bánh cơ bản, hệ đo lường trong nấu ăn, cách phân biệt các loại bột…v…v…Nhờ food blog của chị mà rất nhiều chị em đã hiểu rõ hơn về cách phân biệt các loại nguyên liệu, dụng cụ nấu bếp, cũng như ngày càng say mê hơn với nghệ thuật ấm thực.

Xem thêm: Kinh nghiệm chọn mua khuôn bánh trung thu

khuon-banh-trung-thu-deponline

Thực hiện: depweb

14/08/2014, 01:48