Lại Văn Sâm: Tôi đâu có xấu trai - Tạp chí Đẹp

Lại Văn Sâm: Tôi đâu có xấu trai

Bộ Sưu Tập

Sinh nhật lần thứ 47 của Lại Văn Sâm là chuyến “dạt đêm” cùng thằng Danka – con trai anh. “Tọa” lưng xuống giường cũng đã khá khuya, nhưng sáng sớm hôm sau Lại Văn Sâm còn đến trước hẹn. Anh mở đầu cuộc phỏng vấn với Đẹp bằng một câu rất tỉnh táo – khác hẳn với mái tóc “dựng ngược” và đôi mắt thâm quầng của anh: “Tôi thỏa thuận từ đầu, tôi không thích trả lời tức là tôi không trả lời, còn tôi đã trả lời là trả lời thật, tin hay không đó là việc của bạn”
 
Chưa bao giờ tôi là người đẹp trai
 
Đang yên vị trên ghế sếp, sao anh lại “tái xuất” với Đoán giá?
 

Đoán giá là một trong những trò chơi được đánh giá là khó nhất thế giới, tổ chức của nó rất phức tạp. Mà cái gì khó thì tôi thích lăn vào, chứ không thích đứng ngoài chỉ đạo.
 
Khó đến mức anh không yên tâm giao cho quân của mình?
 

Không phải không yên tâm, mà tạm thời chưa tìm được người thích hợp. Đội ngũ MC trẻ bây giờ có nhiều người tài, nhưng không thể nào một người dẫn 2 trò chơi được. Ví dụ 10 giờ Long Vũ dẫn Đoán giá, đến 12 giờ lại dẫn Chiếc nón kỳ diệu sẽ rất quá tải. 
 
Chưa chắc khán giả đã “welcome” anh mà lại chép miệng vì một “hội chứng” cũ -“Lại Anh Sâm” thì sao?
 

Tôi là người không để ý lắm đến chuyện người ta nghĩ về mình như thế nào. Tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ mình phải làm gì để vừa lòng ai đấy. Những gì cảm thấy cần phải làm và thích thì tôi làm. Người ta thích hay không là việc của họ. Sự đào thải của nghề chính là thước đo.
 
Nhìn các MC đẹp trai lồng lộng như Anh Tuấn, Quang Minh, anh có ao ước: giá mình được như vậy…?
 

Tôi quan niệm cái gì không phải của mình thì đừng có giữ, chưa bao giờ tôi là người đẹp trai, nên không bao giờ tôi mơ quay lại quãng thời gian trước đây để được giống họ. Mà cái đẹp còn do quan niệm của từng người. 
 
Anh cũng tự tin đấy chứ?
 

Tôi không đẹp nhưng cũng đâu có xấu trai. Tôi là người sống theo ý thích của mình, nên dù bạn nhận xét tôi đẹp hay xấu tôi vẫn cứ cười.
 
Quân của tôi cãi tôi nhiều lắm!
 

Một ông sếp độc đoán, “phát xít” thì sao, có người nói anh như thế đấy!
 

Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy có người nói về tôi như thế.
 
Sao quân của anh có vẻ sợ anh?
 

Không. Ở ban của tôi, không chỉ MC, mà cả biên tập viên, phóng viên, chẳng ai sợ tôi cả.
 
Làm sếp mà quân không sợ thì cũng đáng lo lắm!
 

Có nhiều cách. Tôi không nghĩ cứ là sếp thì quân phải sợ. Quan điểm của tôi là khi làm việc phải tuân theo nguyên tắc. Nguyên tắc đó không phải do tôi thích, tôi áp đặt, mà là công việc đòi hỏi như thế. Nguyên tắc của tôi chính là hiệu quả công việc.
 
Vậy anh có vui vẻ khi quân của anh cãi lại?
 

Họ cãi nhiều chứ. Nhiều khi hai bên cãi nhau tay đôi.
 
Anh thích nghe cãi hay thích nghe tán dương? 
 

Tôi thích nghe những lời nói thật lòng. Khi người ta khen cũng phải xem khen ở góc độ nào, chưa chắc tất cả những lời khen đều đúng. Hay khi người ta chê, cũng phải xem người ta chê đúng hay chê sai. Có những chương trình tôi làm, có người khen thật, người khen vờ. Nói chung, cái nào đúng thì tôi nghe, cái nào không đúng tôi thường bỏ qua. 
 
Còn những người “đâm” anh sau lưng thì sao?
 

Tôi nghĩ điều này ở đâu cũng có. Cuộc sống mà, đừng hão huyền mơ đến một cái gì đó hoàn hảo, chẳng bao giờ có đâu, ngay cả con người mình có hoàn hảo đâu. Có ai đó ghét mình cũng là chuyện bình thường, đương nhiên thôi.
 
Thế nên đài truyền hình mới mang điều tiếng hay chia bè chia cánh?
 

Ngày xưa thì có. Bây giờ tôi nghĩ không đến nỗi lắm, ổn rồi, việc ai người ấy làm. Chẳng hạn như tôi, chỉ quan tâm đến việc làm được hay không.
 
Vậy có hay không chuyện nghe sếp thì sống cãi sếp thì chết? 
 

Chuyện này bây giờ tôi mới nghe, quả thật tôi không biết, hay vì tôi quá vô tình?!
 
Người ta thường nói, với nhiều người đàn ông, quyền lực hay đi cùng với tật xấu. Vậy tật xấu của anh là gì, có phải xuất phát từâ “những người phụ nữ đẹp”? 
 

Thứ nhất là quyền lực của tôi không to, thứ hai là tiền tôi không nhiều để có thể làm những chuyện ấy. Thấy người ta hơn mình mà lồng lên thì điên à!
 
Anh đánh giá thế nào về thế hệ MC sau anh?
 

Họ thông minh, tiếp cận với cái mới rất nhanh, tư duy đa dạng, đa chiều. Nói chung đây là một đội ngũ MC năng động, có nhiều sáng tạo.
 
Anh có nghĩ những người trẻ này sẽ hơn anh? 
 

Đó là chuyện bình thường. Nếu không hơn mới là lạ. 
 
Nhưng khi đã tạo được dấu ấn, có người khác bước qua mình cũng xót xa lắm!
 

Không. Cuộc sống mà cứ thế thì làm sao sống được. Cá nhân tôi cũng vậy, bây giờ nhìn sang nhà hàng xóm, thấy người ta giàu hơn mình một tí là mình lồng lên thì điên mất, sống thế sao được. Quân cũng là bạn, là đồng nghiệp của mình. Hơn nữa, quân mà giỏi hơn tôi thì sướng quá. Cương vị chính của tôi là quản lí, mà người quản lí nào chả muốn quân mình giỏi, nếu không thì chết à.
 
Từng tạo nên hội chứng “Lại Văn Sâm” trên truyền hình, anh có nhận thấy có MC nào là bản sao của mình?
 

Như những gì họ đang làm bây giờ thì không.
 
Nhiều khán giả nhận thấy Hoa Thanh Tùng là “bản sao” của anh? Anh có nhận ra điều đó?
 

Những chuyện như thế này tôi không thích trả lời.
 
Vậy, anh nghĩ gì khi thấy những “bản sao” MC? 
 

Chẳng riêng gì đài truyền hình, bản sao là chuyện của cuộc sống, cứ để nó tồn tại đi. Tại sao mình lại phải đưa ra để lên án? Tôi cho là chuyện bình thường, có thể họ không cố gắng, nhưng cũng có thể do ngẫu nhiên.
 
Không bao giờ tôi hướng thằng Ka thành Lại Văn Sâm thứ hai
 

Anh có một niềm say mê đặc biệt khi nói về cậu con trai duy nhất của mình – Lại Bắc Hải Đăng, điều gì làm ông bố Lại Văn Sâm thích thú đến vậy?
 

Quan niệm của tôi giản dị lắm: Một người bố có một đứa con phát triển như một người bình thường, được ăn học tử tế, có ích cho xã hội là đã tự hào và kiêu hãnh rồi, không cần nó phải thật nổi bật hay giỏi giang. Bởi hạnh phúc đó đôi khi không phải ai cũng có được. Ngay trong họ hàng của tôi có một câu chuyện rất đau lòng: có những đứa không phát triển bình thường, đã tự hủy hoại cuộc sống của mình bằng con đường nghiện ngập.
 
Những người bố quá yêu con thường hay áp đặt cách sống, suy nghĩ của con, anh cũng không phải là ngoại lệ? 
 

Cũng có những lúc tôi cư xử không phải với Ka. Nhưng nó sống như thế nào, thích những gì tôi không can thiệp. Ví dụ điện ảnh, ca nhạc là sở thích lớn nhất của Ka, còn tôi thì thích đủ thứ, nhưng tôi không bắt Ka phải thích theo tôi. Tôi mê và chơi hầu như tất cả các môn thể thao, nhưng Ka không chơi thể thao. Có một lần tôi động viên nó chơi, nhưng nó không thích và tôi vui vẻ chấp nhận.
 
“Ông chủ” của chương trình Vườn cổ tích đã 25 tuổi, anh có hướng cậu ấy phải chọn người phụ nữ theo “mẫu” của mình?
 

Không chỉ tôi mà cả vợ tôi đều có quan điểm rất thoáng. Ka lấy vợ cho nó, không phải cho mình. Có thể tôi không thích, nhưng con thích là được rồi.
 
Còn thâm tâm anh muốn có một nàng dâu như thế nào? 
 
Đầu tiên là Ka lấy được người nó yêu và người ta yêu nó, chứ không phải người ta lấy nó vì mục đích khác. Con dâu của tôi cũng đừng có xấu quá.
 
Những ông bố coi con là lí tưởng số 1 đôi khi hay bị ám ảnh bởi một điều tồi tệ nào đó xảy ra, anh có như vậy không?
 

Tôi chỉ sợ những điều rủi ro, không may mắn. Bởi trong cuộc sống nhiều điều có thể xảy ra mà mình không thể kiểm soát hết được. Còn với bản tính của Ka, những cái đã định hình trong nó rồi thì tôi chẳng sợ gì, gần như là an toàn tuyệt đối.
 
Nhiều người cho việc anh để Hải Đăng dẫn chương trình Vườn cổ tích là một phép tính khôn ngoan, bởi đó là bàn đạp để sau này cậu ấy “bật” cao hơn?
 

Tôi nhớ khi vào đài truyền hình, có người bảo tôi là con ông này ông kia. Mãi về sau họ mới biết bố tôi chỉ là một ông thợ thủ công già ở tỉnh lẻ. Chẳng ai biết bố tôi là ai cả, họ hàng nhà tôi cũng chẳng có ai làm to. Nguyên tắc của tôi là cố gắng trong khả năng của mình tạo mọi điều kiện cho con học hành. Còn nó phát triển như thế nào là chuyện của nó. Thằng con tôi ngay từ bé đã vào trong nhà trẻ Nga rồi, 2 năm sống cách biệt, thi thoảng chúng tôi mới vào thăm nó. Khi đưa Ka về nước, vợ chồng tôi lại sang Nga 6 năm nữa, để nó sống ở nhà với ông bà. Có lẽ ý thức tự lập của nó đã có từ bé. Chuyện Ka vào đài cũng bình đẳng như mọi người khác. Ka học đúng ngành truyền hình, được về đài truyền hình thực tập. Thấy nó có khả năng thì cho làm cộng tác viên, làm được mấy năm, có chỉ tiêu của đài thi hợp đồng, nó cũng dự thi như mọi người, đủ điểm và cứ thế vào. Bản thân Ka cũng không bao giờ nghĩ tôi là chỗ dựa của nó.
 
Có thể anh để con anh đi trên đôi chân của mình, nhưng cuối cùng rồi “con vua thì lại làm vua”? 
 
Có một điểm Ka rất giống tôi: thích làm nghề chứ không thích làm lãnh đạo. Vị trí hiện tại của tôi là do sự phân công của cấp trên, còn tôi thích làm nghề hơn.
 
Vậy anh có định hướng Hải Đăng thành ông Lại Văn Sâm thứ hai?
 
Không bao giờ, mà Ka cũng không thích như thế.
 
Lí do để từ đầu đến giờ anh gọi con anh bằng cái tên là lạ: Ka?
 

(Cười) Hồi Đăng ở nhà trẻ, các cô mẫu giáo của Nga gọi âu yếm là Danka, Đan-nhet-ka, nghĩa là bé bỏng. Khi về Việt Nam, vì Đăng không hiểu tiếng Việt, nên hồi đầu tôi phải nựng nó là Danka. Nhà tôi ở phố Đồng Xuân, có nuôi một con chó tên là Votka. Cứ mỗi khi bà ngoại gọi Danka thì Votka chạy sầm sầm từ trong nhà ra, lắm lúc bà gọi con Votka cho ăn thì Danka lại chạy xuống. Để cho đỡ nhầm với con Votka, bà mới quyết định gọi thằng Danka là Ka.
 
(Dương Thúy)

Thực hiện: depweb

22/11/2004, 14:03