Lại thắt điều kiện nhập cư vào 5 thành phố lớn

Ban Chỉ đạo sửa đổi luật Cư trú 2006 mới hoàn thiện dự thảo lần đầu, đang quá trình trình, xin ý kiến các cơ quan chức năng trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận. Theo đó, dự thảo luật quy định điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc T.Ư (Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ) chặt chẽ hơn quy định hiện hành.

Cụ thể, Điều 20 của luật Cư trú 2006 dự kiến được viết lại các điều kiện nhập cư vào 5 thành phố lớn là phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ ba năm trở lên. Kèm với đó là điều kiện về chỗ ở. “Nếu chỗ ở hợp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người”.

Riêng đối với các quận nội thành của thành phố Hà Nội, người đăng ký thường trú này phải có chỗ ở hợp pháp là nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà ở được cơ quan, tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ hai nãm trở lên.
 
Dân nhập cư vẫn là áp lực đối với các thành phố lớn thời gian qua.
Dân nhập cư vẫn là áp lực đối với các thành phố lớn thời gian qua.

So với quy định hiện hành, các điều kiện đều đã được nâng lên. Luật 2006 chỉ đòi hỏi thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ một năm trở lên, nhà ở không kèm điều kiện đảm bảo quy định về diện tích tối thiểu. Luật cũng không đề ra quy định riêng nào đối với địa bàn thủ đô.

Điều khoản quy định thêm về điều kiện “nhập khẩu” Hà Nội là để tương ứng với những quy định tại luật Thủ đô, sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp bắt đầu vào cuối tháng này.

Để đảm bảo tính chặt chẽ của quy định, dự thảo luật sửa đổi lần này cũng bổ sung thêm 2 nội dung khác ở Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, ngoài việc cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú, nhận hối lộ, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký cư trú… luật cấm thêm hành vi cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi và ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc TƯ.

Điều 22 quy định về các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú bổ sung thêm điều khoản áp dụng với người phải chấp hành hình phạt tù từ 15 năm trở lên, xuất cảnh từ 5 năm trở lên…

Những điều chỉnh theo hướng siết điều kiện nhập cư này được lý giải do luật Cư trú 2006 đã bộc lộ những sơ hở, bất cập có thể bị lợi dụng, làm khó công tác quản lý nhà nước. Luật hiện hành đã thực hiện theo hướng quy định điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn chặt chẽ hơn so với các địa phương khác nhưng vẫn còn cơ sở, gây áp lực gia tăng dân số khó kiểm soát ở các đô thị.

Trong khi đó, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ (giáo dục, y tế, điện, nước, nhà ở…) đã không những không đáp ứng được cho những người chuyển vào thành phố, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi những người đã đăng ký thường trú tại thành phố đó.

Trước đó, khi luật Cư trú sửa đổi năm 2006 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007), dư luận đã đánh giá, các quy định tạo ra bước đột phá, quyền tự do cư trú của công dân ghi nhận trong Hiến pháp được cụ thể hóa rõ ràng, tạo điều kiện tối đa với những thủ tục thông thoáng…
 

Theo thống kê, 5 thành phố trực thuộc TƯ (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) hiện có tổng số dân khoảng 18 triệu người, chiếm hơn 20% dân số cả nước.

Riêng Hà Nội, năm 2011 (sau 03 năm tính từ thời điểm Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh có hiệu lực), dân số toàn thành phố đã tăng 225.070 hộ, 592.543 người, bằng 9% so với năm 2008 với mật độ trung bình 2.129 người/1km2, gấp 8 lần bình quân cả nước. Ở nội thành Hà Nội năm 2008 có 593.023 hộ với 2.346.864 người thì đến tháng 10.2011 đã tăng thêm 216.954 người, bằng 9,2%.

Theo Dân trí


From the same category