Lái chỉ tiêu khu kinh tế - Tạp chí Đẹp

Lái chỉ tiêu khu kinh tế

Tin Tức

15 khu kinh tế ven biển hiện có được hình thành và phát triển chủ yếu nhờ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trong chín năm qua, tính đến hết năm 2011 chiếm khoảng 11.261 tỉ đồng. Việc dừng lập thêm khu kinh tế mới là nhằm tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế đã có, nhất là trong điều kiện vốn ngân sách và đầu tư công phải thắt chặt hiện nay.

Hôm 10/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời lãnh đạo các địa phương có khu kinh tế ven biển về Hà Nội để thông báo về tiêu chí rà soát. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung đã nói rõ đây là việc chẳng đặng đừng: “Mấy năm qua khu kinh tế thành lập nhiều nhưng sức thu hút kém. Nguồn lực nhà nước có hạn nên việc chọn khu kinh tế nào để ưu tiên là cần thiết”.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Vũ Đại Thắng bổ sung, kế hoạch phân bổ vốn năm 2012 cho các khu kinh tế là 2.300 tỉ đồng đã tạm ngừng giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng cho đến khi việc rà soát được thông qua.

Các tiêu chí rà soát được Bộ KH-ĐT tạm thời xây dựng theo vị trí chiến lược của khu kinh tế đối với phát triển (địa phương, vùng); khả năng thu hút đầu tư; dự án động lực của khu kinh tế; có cảng hàng không thuận lợi và có cảng biển đầu mối vận chuyển hàng hóa. Theo những tiêu chí này, có năm nhóm khu kinh tế trong danh sách ưu tiên gồm: nhóm khu kinh tế Chu Lai – Dung Quất (Quảng Nam – Quảng Ngãi) thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) mang tính chất tổng hợp đa ngành, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, khu kinh tế đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang) mang tính chất khu tổng hợp về dịch vụ, du lịch; khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) tập trung phát triển công nghiệp nặng và khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) tập trung phát triển công nghiệp nặng, luyện thép…

 

Khu kinh tế Đình Vũ. Ảnh VNEconomy.

Khi trình tiêu chí, Bộ KH-ĐT cũng giải thích rằng đây có thể được xem là những tiêu chí ưu tiên nhưng không phản ánh hoàn toàn chính xác, đầy đủ mức độ thuận lợi hay khó khăn của các khu kinh tế trong việc thu hút đầu tư vì ngoài những điều kiện khách quan về vị trí tự nhiên, hạ tầng còn nhiều điều kiện chủ quan khác về cơ chế, chính sách, bộ máy, con người. Nói cách khác, thành công hay thất bại của khu kinh tế còn phụ thuôcọ vào sự năng động trong thu hút đầu tư của địa phương, việc cải cách thể chế tại chỗ…

Việc Chính phủ yêu cầu rà soát tiêu chí để lựa chọn một số khu kinh tế làm động lực, ưu tiên tập trung vốn ngân sách lẽ ra phải nhận được sự đồng thuận của các tỉnh có khu kinh tế. Đặt ra một bộ tiêu chí rà soát, dù đã để lại 35% tổng ngân sách trung ương năm nay cho các khu kinh tế nằm ngoài danh sách ưu tiên, nhưng Bộ KH-ĐT vẫn vấp phải phản ứng khá quyết liệt từcác địa phương có khu kinh tế nằm ngoài danh sách ưu tiên.

“Chắc chắn có xung đột lợi ích”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, người từng nhận định các khu kinh tế là biểu hiện của nhiều “nền kinh tế địa phương” đã bình luận như vậy.

Để bảo vệ lợi ích của tỉnh mình, mỗi lãnh đạo địa phương đã “lái” các tiêu chí ra những hướng khác nhau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho rằng, khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thuận lợi vì có cảng Cửa Lò và sân bay Vinh đang được nâng cấp để trở thành cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế và sân bay quốc tế theo tiêu chuẩn cao hơn, tuy chưa có các dự án lớn nhưng cũng cần được ưu tiên rót vốn ngân sách. Thậm chí ông còn đưa lý lẽ khu kinh tế nằm trên “quê hương Bác” để lưu ý bộ khi rà soát.

Đại diện ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) thì đề nghị ngược lại những tỉnh nghèo, thu ngân sách thấp phải được rót vốn ngân sách cho các khu kinh tế nhiều hơn để phát triển mới hợp lý.

Ông còn đề nghị nới rộng danh sách ưu tiên giải ngân vốn trung ương, thay vì “gói gọn” vào các khu kinh tế như đề xuất.

Lãnh đạo khu kinh tế Định An (Trà Vinh) cũng lưu ý bộ phải ưu tiên khu kinh tế này vì cả 13 tỉnh miền tây mới có một khu kinh tế. Hiện tại khu kinh tế này mới được Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung (tháng 9/2011).

Ngay cả ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, nơi có khu kinh tế Vân Đồn, người ủng hộ quan điểm rà soát để bảo đảm hiệu quả “bỏ ba đồng phải thu được mười đồng”, cũng “lái” tiêu chí ưu tiên theo kiểu “khu kinh tế ưu tiên phải có thị trường lớn” và dẫn ra rằng Quảng Ninh có vịnh Hạ Long tầm cỡ quốc tế, có các dự án tương lai lớn như casino, quần thể sân golf, khách sạn 5 sao…


“Nếu Vân Đồn không phải là khu kinh tế ưu tiên thì tỉnh sẽ “ăn nói” thế nào với các nhà đầu tư lớn vào đây?”, ông còn hỏi ngược lại lãnh đạo Bộ KH-ĐT.

Khi ngân sách bị co hẹp, các tỉnh gặp khó khăn trong việc tiếp tục thực hiện quy hoạch sẵn có và thu hút đầu tư thì việc đầu tư là kêu gọi điều chỉnh chỉ tiêu trước. Song, họ quên rằng nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc các khu kinh tế hoạt động kém hiệu quả chính là do sự phát triển dàn trải và thiếu chủ động, năng động của lãnh đạo địa phương trong việc tìm kiếm, huy động các nguồn đầu tư khác ngoài ngân sách. Do vậy, lãnh đạo các địa phương phải chủ động hơn tìm lối đi cho chính khu kinh tế của mình thay vì tìm cách “lái” chỉ tiêu hay “chạy” vốn ngân sách.

Đây cũng là một “phép thử” cho sự năng động của từng địa phương vậy.

Theo TBKTSG

Thực hiện: depweb

21/07/2012, 08:18