Lãi 6.000 tỉ, EVN vẫn đòi tăng giá

Công nhân ngành điện lắp đặt điện kế cho một hộ nông dân ở ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng – Ảnh: Nguyễn Công Thành 

Năm 2012, EVN đã tăng thu hàng ngàn tỉ đồng từ hai lần tăng giá điện – Ảnh: Nguyễn Công Thành

Thế nhưng EVN vẫn tiếp tục đòi tăng giá điện trong thời gian tới.

Tại hội nghị tổng kết, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cam kết sẽ đủ điện nhưng cũng thông báo trước có thể có căng thẳng về cung cầu điện ở miền Nam…

Lãi hơn dự kiến…

Theo báo cáo tổng kết của EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của EVN năm qua lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức gần 7 tỉ USD – PV). Đáng lưu ý, tại buổi họp báo tăng giá điện ngày 21-12-2012, phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay dự kiến năm 2012, EVN sẽ lãi khoảng 3.500-4.000 tỉ đồng, nhưng tại báo cáo tổng kết EVN lại không đưa ra con số lãi. Nếu như các năm trước báo cáo tổng kết của EVN đều nêu mức lãi hoặc lỗ thì năm nay chỉ ghi: năm 2012 tập đoàn kinh doanh có lợi nhuận, đã trích bù để giảm lỗ các năm trước được 3.500 tỉ đồng.

Trao đổi khi được hỏi có phải năm nay EVN có lợi nhuận khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng, ông Hoàng Quốc Vượng, chủ tịch EVN, đã xác nhận mức lợi nhuận năm 2012 của tập đoàn này là gần 6.000 tỉ đồng. Ông Vượng cũng cho rằng con số lợi nhuận có thể công khai, không cần giấu. Một phó tổng giám đốc EVN khi được hỏi chỉ cho biết mức lợi nhuận trên chưa bù lỗ theo quy định… nên sau khi bù lỗ và làm các nghĩa vụ tài chính, có thể lợi nhuận của EVN sẽ thấp hơn rất nhiều.

Giải thích về “hiệu quả kinh tế cao” năm 2012, báo cáo EVN nêu năm qua tập đoàn này đã huy động được nhiều thủy điện hơn, vượt tới 5,5 tỉ kWh so với kế hoạch. Sản lượng phát điện bằng dầu cũng giảm tới 125 triệu kWh. Ngoài ra, năm 2012 EVN đã được tăng giá điện hai lần và mỗi lần EVN đều công nhận việc tăng giá giúp thu thêm được vài ngàn tỉ đồng…

Về tổn thất điện năng mà người dân quan tâm mỗi lần tăng giá điện, báo cáo của EVN nêu mức tổn thất năm 2012 ở mức 9%, đã giảm 0,23% so với năm 2011. Phát biểu ở một hội nghị tại Bộ Công thương ngay sáng 11-1, ông Hoàng Quốc Vượng đã tự đặt câu hỏi mức tổn thất 9% là cao hay thấp và dẫn chứng mức tổn thất của một số nước như Indonesia 9,4%, Philippines trên 11%, Malaysia 10%, Nhật Bản 5,5% và Trung Quốc 8%… Từ đó, theo ông Vượng, mức tổn thất hiện nay của VN là “không đến mức, dù còn nhiều việc phải làm”…

Về hạn chế, EVN công nhận năm qua nhiều đơn vị truyền tải và phân phối không tuân thủ đúng quy trình và kỷ luật khiến đôi khi gây ra những sự cố nghiêm trọng. Sự cố thấm nước thủy điện Sông Tranh 2, EVN cũng cho rằng đã có yếu kém trong quản lý dự án, giám sát thi công và quản lý chất lượng công trình…

Tiềm ẩn khả năng tăng giá điện…

Giống như EVN năm qua đã có lãi, lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng thông báo năm 2012 lãi khoảng 100 tỉ đồng. Dù đã có lợi nhuận nhưng các lãnh đạo EVN đều cho rằng năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.

EVN cảnh báo tình hình khô hạn ở miền Trung và khả năng thiếu khí có thể khiến EVN phải huy động 1,8-2,4 tỉ kWh điện chạy dầu để đảm bảo điện cho miền Nam. Trao đổi với phóng viên, một phó tổng giám đốc EVN cho biết nếu trường hợp này xảy ra, chưa biết năm 2013 EVN có lại lỗ to hay không nhưng chắc chắn tập đoàn này sẽ phải bù khoảng 10.000 tỉ đồng. Và theo quy định, chắc chắn những khoản lỗ do đổ dầu phát điện sẽ được phân bổ vào giá thành điện để tính toán việc điều chỉnh giá trong những lần tiếp theo…

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1-7-2012, do giá EVN đang mua của các nhà máy thấp nên khi chào giá trên thị trường, thực tế xu hướng giá lại tăng lên. Thực tế năm qua giá điện EVN phải trả tăng thêm do thị trường vận hành đã khoảng 300 tỉ đồng… Nếu thị trường mạnh hơn, các chi phí được đưa hết vào giá thành thì giá EVN phải mua có thể sẽ còn cao hơn.

Cũng trong báo cáo tổng kết, năm 2013 tập đoàn này sẽ cần khoảng 106.000 tỉ đồng (khoảng 5 tỉ USD) để đầu tư nguồn và lưới điện. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị “Chính phủ kiên trì thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường”…

“Đừng nghĩ giá điện rẻ”

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết của EVN, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cố gắng của EVN và cho rằng năm nay EVN lãi sẽ giúp hình ảnh tập đoàn cải thiện hơn trong mắt các nhà tài trợ vốn. Liên quan đến đề xuất giá điện theo thị trường, ông Hải có nhắc lại khoản lỗ tích lũy khoảng 40.000 tỉ đồng và sau đó ông cho biết liên bộ Công thương – Tài chính đang chỉ đạo giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ông Hải cũng thẳng thắn nêu mức tổn thất điện năng 9% dù EVN đã nỗ lực nhưng vẫn còn cao, cần giảm hơn vì “bình quân thế giới là 8,4%”.

Về những tồn tại như quá tải, mất điện, chất lượng điện chưa cao, Phó thủ tướng yêu cầu EVN phải có chương trình, phân công cụ thể để khắc phục, tránh tình trạng lỗi “muôn thuở”. Cho rằng vấn đề trên liên quan đến chất lượng quản lý, ông Hải cho rằng phải tiêu chí hóa từng việc. Như phàn nàn của khách hàng thì giải quyết trong bao lâu, thời gian sửa chữa hai giờ hay lâu hơn.

Theo ông Hoàng Trung Hải, giá điện ở VN giờ đã là 7,2 cent/kWh, thấp hơn quốc gia khác nhưng không phải rẻ nữa! Vì vậy, EVN phải đẩy dịch vụ đi theo tương ứng. “Khách hàng không cần giá rẻ, họ cần giá cạnh tranh, minh bạch và dịch vụ tương ứng” – ông Hải nhận định.

“Năm 2012, Thủ tướng đã phải kỷ luật một số đồng chí EVN, vì vậy đề nghị hội đồng thành viên phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không lại tái lỗi” – Phó thủ tướng nhắc và yêu cầu EVN tiếp tục giải thích rõ hơn cho người dân về động đất kích thích ở Sông Tranh 2. Dù trước mắt là hạn hán nhưng ông Hải nêu EVN cần quan tâm phương thức vận hành và tiết kiệm để năm 2013 có lãi…

Rút ngắn lộ trình điện theo thị trường

Theo lộ trình ngành điện đi theo thị trường của Bộ Công thương, từ ngày 1-7-2012, VN đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh. Đến năm 2015 sẽ bắt đầu thị trường bán buôn cạnh tranh. Đến sau năm 2022 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Bộ Công thương sáng 11-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu EVN phải đảm bảo đủ điện cho đất nước, đi liền là chất lượng điện, không phập phù. Điện lực phải giảm tổn thất mạnh hơn. Việc tiến tới thị trường điện, Thủ tướng nêu rõ cần “cố gắng rút nhanh hơn lộ trình đã công bố” và nhấn mạnh giá điện phải đảm bảo tính minh bạch…

Theo Tuổi trẻ

From the same category