Câu thần chú “Julley!”
Điểm tập kết của chúng tôi trong suốt chuyến đi là nhà nghỉ Kanda-Lha ở Leh (thị trấn nằm ở độ cao 3.524m so với mực nước biển nhưng vẫn là nơi thấp nhất ở Ladakh), cách chợ khoảng 10 phút đi bộ. Ngày đầu tiên đến nơi, người chủ tour dặn mọi người nằm nghỉ một chút rồi đi loanh quanh cho quen dần với việc hít thở bầu không khí loãng ở độ cao này.
Nếu hỏi về điều yêu thích nhất ở Leh, dám chắc rằng cả 4 đứa con gái chúng tôi đều đồng thanh trả lời: chợ! Ở Leh có vô vàn các khu chợ, những tiệm bán đồ cổ và các cửa hàng hấp dẫn gọi mời, dù ở góc phố, trong ngõ nhỏ hay trên tầng hai một cửa tiệm lớn. Những món đồ lưu niệm ở đây đều mang màu sắc sặc sỡ bắt mắt, lại được làm thủ công vô cùng tỉ mẩn. Giống như những khu chợ du lịch ở Việt Nam, đến Leh, bạn cũng nên mặc cả. Bí quyết của tôi là hạ giá xuống hẳn 1/3 rồi nâng lên dần.
“Julley” (hoặc “Jullay”) là một từ thần kỳ trong ngôn ngữ của người Ladakh. Nó mang một loạt ý nghĩa: xin chào, cảm ơn và tạm biệt. Trước khi mua đồ, chúng tôi nói “Julley!”. Sau khi mua được món đồ yêu thích, chúng tôi cũng nói: “Julley!”. Có lần, khi tôi cố gắng mặc cả một món đồ, chú bán hàng sau một hồi suy nghĩ đã hỏi tôi: “Are you happy?”. Đương nhiên, được giảm giá thì ai cũng “happy” cả, tôi bèn nói “Yes!” rất to, vậy là chú chịu bán. Vùng đất này thật đáng yêu, người ta mua bán đồ bằng “niềm hạnh phúc”.
Hu-sen – “người vận chuyển” dễ mến
Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn gặp được rất nhiều người tốt, anh lái xe Hussain là một trong số đó. Hussain (đọc là Hu-sen) theo đạo Hồi, anh chỉ biết chút ít tiếng Anh nên chúng tôi gần như chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng “niềm tin” và ngôn ngữ hình thể. Khi muốn dừng lại chụp ảnh, bọn tôi bảo: “Hu-sen ơi, stop!”, khi muốn dừng xe mua cam, cả lũ nói: “Hu-sen ơi, orange!”, muốn ăn kem thì nói “ice-cream”, còn lại cứ nhìn vào mắt nhau hoặc Hu-sen nói tiếng Ấn còn chúng tôi nói tiếng Việt, huơ chân múa tay một hồi là hiểu nhau cả.
Những ngày lái xe đưa chúng tôi đi khắp Ladakh cũng là đợt Hu-sen đang ăn kiêng theo lịch đạo Hồi. Mỗi ngày, anh chỉ được ăn hai bữa: một bữa lúc 4 giờ sáng, một bữa lúc 7 giờ tối, giữa hai bữa đó không được ăn uống bất cứ thứ gì, cứ thế trong vòng 1 tháng.
Vậy là suốt quãng đường đi, bốn đứa chúng tôi cứ nhìn nhau rồi lại nhìn Hu-sen, thi thoảng mang đồ ăn vặt ra kêu: “Hu-sen ơi ăn đi này!” nhưng đều bị anh từ chối. Biết ý, cứ đi khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, chúng tôi lại giả vờ đòi dừng xe chụp ảnh để Hu-sen được nghỉ ngơi. Buổi tối, chúng tôi soạn những đồ ăn chay mang theo như bánh chocopie, snack, bánh gạo mời Hu-sen để anh dùng cho bữa sáng hôm sau. Hu-sen lúc nào cũng lái xe một cách ôn hòa, không những vậy còn nhanh nhạy “bắt sóng” tâm lý của chúng tôi: thấy chỗ đẹp là dừng xe gọi các em – đứa thì đang ngủ mê mệt vì khó thở, đứa thì đang bịt vỏ cam lên mũi vì say xe – rồi chỉ chỉ ra vẻ hỏi rằng có ai muốn chụp ảnh không để anh dừng lại.
Hạt cát xanh trên thảo nguyên
Ngày thứ 3 của hành trình, chúng tôi đi chơi hồ Pangong (trong tiếng Tây Tạng, Pangong có nghĩa là “hồ đồng cỏ cao”). Để đến được địa điểm nổi tiếng này, chiếc xe của Hassain phải băng qua con đèo Changla – đèo cao thứ 2 ở Ladakh (5.360m). Tuyết đóng dày trên đỉnh đèo, bao phủ trắng xóa hai bên đường đi khiến chúng tôi không khỏi nảy sinh ham muốn được ghi lại cảnh tượng trong mơ này. Nhưng ngay khi mở cửa xe, tôi lập tức sụp xuống vì cái lạnh tê tái và cảm giác khó thở.
Lên cao rồi lại xuống thấp, sau 6 tiếng di chuyển bằng đường núi, ai nấy đều mệt lử khi bánh xe chạm đích. Hồ Pangong được ví như chốn thần tiên dưới hạ giới bởi mặt nước màu xanh kì ảo có thể thay đổi sắc độ linh hoạt dưới ánh mặt trời. Chui ra khỏi xe, mấy đứa chúng tôi trông tròn vo trong lớp lớp quần áo, lê từng bước chân nặng nhọc tới nhà ăn rồi ngồi… nhìn nhau là chính.
Húp qua loa cốc mì dở sống dở chín vì nước không đủ sôi rồi lết về lều, tôi đắp hẳn 3 cái chăn cho đỡ lạnh (sau nặng quá, đành dỡ bớt 1 cái). Đêm hôm ấy dài kinh hoàng, mỗi lần trở mình là một lần khó thở, mỗi lần tỉnh giấc tôi lại cầu mong trời mau sáng để được quay lại Leh. Nhẩm tính 9 ngày nữa mới được về quê mẹ, đứa nào đứa nấy đần mặt ra vì mệt. Không quen với việc hít thở ở độ cao này, chẳng có sức bay nhảy, sáng hôm sau, chúng tôi chỉ chụp vài cái ảnh tranh thủ rồi lên xe nằm một mạch về thị trấn. Giờ nhớ đến Pangong, bọn tôi vẫn tấm tắc với nhau: “Hồ đẹp ha! Nhưng cũng mệt ha!”.
Hồ Tso Moriri là điểm đến của ngày thứ 9, lúc này đã là gần cuối chuyến đi, và kì thay, chúng tôi bắt đầu thấy sợ việc phải chia tay bầu không khí khó thở này. Di chuyển đến Tso Moriri cũng mất 6 tiếng ngồi trên ô tô. Con đường quanh co lượn qua những rặng núi đá có đoạn màu be vàng, lại có đoạn màu xanh lá, kỳ lạ hơn cả là rặng núi màu ghi ánh tím chạy dài suốt quãng đường 10km khiến 4 đứa chúng tôi cứ ngây người nhìn.
Càng đi, những dãy núi càng hiện lên sâu hút khiến tôi có cảm giác mình đang tiến vào nơi tận cùng thế giới. Cho tới khi nhìn thấy một khoảng hồ màu xanh ngọc bích nổi bật giữa nền sa mạc phía trước cửa kính, chúng tôi hét váng cả xe rồi quay qua nhìn nhau vui mừng khôn xiết: “Trời! Đúng tiên cảnh đây rồi!”. Tôi mở hẳn cửa sổ ra để ngắm nhìn khung cảnh tuyệt diệu trên đường vào hồ Tso Moriri, không chớp mắt, ngay cả khi những hạt tuyết ngoài trời đã bay thẳng vào chiếc xe của Hassain. Hai bên đường là sa mạc lấp lánh cát, nơi những đàn cừu đen trắng bé xíu đang ngọ nguậy như những chấm nhỏ.
Thú thực, cả 4 đứa đều thích hồ Tso Moriri hơn hẳn hồ Pangong. Đứng trước khoảng xanh ngắt của nước, xanh lơ của bầu trời, trước mặt là những đụn cát cao hùng vĩ, sau lưng là dãy núi tuyết trắng trải dài, tôi thấy mình thật bé nhỏ, như là “hạt cát xanh” có lần Ngọt hát. Rồi có lúc lại thấy mình như chàng chăn cừu Santiago trong “Nhà giả kim” (nếu khi ấy mong ước một điều gì đó, dám chắc “cả vũ trụ sẽ hợp sức lại” để giúp đỡ). Hay ở một phân cảnh khác, thấy mình như hoàng tử bé mới bỏ tiểu tinh cầu của mình rơi xuống xứ này. Lòng tôi yên lặng như mặt hồ lấp loáng ánh nắng, yên lặng mà vẫn tỏa sáng. Dù cho khó thở, dù cho gió lạnh cóng tay, dù cho nắng chói mắt cũng không sao cả, vì tôi đã đổi được một điều kỳ diệu cơ mà.
Tối cuối cùng ở Leh, trên quãng đường từ chợ về khu nhà trọ Kanda-Lha, chúng tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm hát theo bản nhạc “Yellow” phát ra từ loa điện thoại bé xíu, vừa ngửa cổ ngắm dải ngân hà cao cao trên kia, thấy giây phút này thật đặc biệt, và mình dường như cũng đang “tỏa sáng” giữa con đường tối om ấy.
Tips
Vé máy bay
Tôi đặt 2 chặng: Hà Nội – Bangkok và Bangkok – Leh (transit ở New Delhi). Tổng tiền vé khứ hồi rơi vào khoảng 11 triệu đồng do đặt trước nửa năm.
Visa
Visa đi Ấn Độ khá đơn giản, bạn có thể làm thủ tục online hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại đại sứ quán, nộp phí 103USD (khoảng 2.400.000VND), và nhận lại visa trong vòng 1 tuần.
Tour
Giá cho tour 4 người (không bao gồm ăn trưa) là 9.000.000VND/10 ngày. Bạn không cần lo phương tiện đi lại, vé tham quan, nơi ở, bữa sáng và bữa tối, vì tất cả đã gói gọn trong tour rồi.
Đồ ăn
Do đặc thù tôn giáo nên ở Ladakh chỉ có thịt gà, thịt cừu hoặc đồ chay, tất cả đều có vị cà-ri khá nặng mùi. Nếu kén ăn, bạn nên mang theo đồ hộp, mì gói, ruốc, muối vừng… từ Việt Nam.
Quán ăn
Có hai quán ăn ở Leh tôi muốn giới thiệu, đó là Gesmo chuyên về đồ Tây và Amigo chuyên đồ Hàn. Điểm cộng của cả hai quán là các bạn phục vụ đều dễ mến và rất… đẹp trai!
Sức khỏe
Để có thể lực tốt nhất, trước chuyến đi khoảng 3 tháng, bạn nên bắt đầu uống hoạt huyết dưỡng não. Nhớ mang theo các loại thuốc cơ bản như đau đầu, cảm cúm, đau bụng và Salonpas.