Lạc chốn thần tiên ở Trương Gia Giới và Phượng Hoàng Cổ Trấn

Một trong những niềm tự hào của người dân Hồ Nam chính là khu danh thắng Vũ Lăng Nguyên vốn đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1992 có diện tích gần 400km2 và 570 điểm tham quan khác nhau. Chỉ bây nhiêu đó thôi cũng đủ để chúng tôi phải đặt chân đến một lần trong đời. Chuyến đi này cũng đồng thời tìm hiểu lý do vì sao một điểm đến khác, cũng cách Vũ Lăng Nguyên không xa, lại làm điên đảo cư dân mạng Việt Nam trong suốt năm qua: Phượng Hoàng Cổ Trấn.

ttvhdo_cotran-5-768x547
Toàn cảnh trấn Phượng Hoàng nhìn từ trên cao

Phượng Hoàng Cổ Trấn – Hơn cả bức tranh thủy mặc

Phượng Hoàng cổ trấn thật ra là một phố cổ hay trấn cổ thuộc huyện Phượng Hoàng nằm ở phía Tây tỉnh Hồ Nam. Trước đó, nơi đây được các bạn trẻ Việt Nam nhiệt tình lăng xê với những bài nhận xét chi tiết cùng hình ảnh thơ mộng và hiển nhiên không thiếu những lời khen có cánh. Và chúng tôi phải công nhận một điều rằng mọi lời quảng cáo về Phượng Hoàng Cổ Trấn quả không sai.

ttvhdo_cotran-1-768x424
Con sông Đà Giang xanh biếc vắt ngang cổ trấn tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho vùng đất trăm tuổi

Nguồn gốc tên gọi “Phượng Hoàng Cổ Trấn” có nhiều dị bản nhưng thông dụng và hợp lý nhất có lẽ là điển tích gắn với một đôi chim phượng hoàng, vốn đã tu luyện ngàn năm bên cạnh Đức Phật. Vào một ngày nọ, đôi chim chứng kiến vùng đất nơi đây chìm trong hỏa hoạn rất nguy kịch. Xót thương cho người dân và mảnh đất xinh đẹp, đôi chim đã cùng nhau lao vào lửa nguyện hy sinh mạng sống ngàn năm tu luyện để cứu mảnh đất này. Cái tên Phượng Hoàng trấn cũng từ đó mà ra.

ttvhdo_cotran-9-768x506
Các tiệm bánh kẹo tại đây luôn có màn trình diễn kéo kẹo phục vụ du khách

Được chính thức xây dựng từ những năm 1700 nhưng đã tồn tại trước đó từ thời Chiến Quốc, trấn Phượng Hoàng thuộc huyện cùng tên là nơi sinh sống chủ yếu của tộc người Miêu, Hán và Thổ Gia. Tại đây vẫn còn lưu giữ một phần của “Vạn Lý Trường Thành Phương Nam” vốn được nhà Minh xây dựng từ 1554 – 1622 nhằm tránh các đợt tấn công của tộc người Miêu trong giai đoạn căng thẳng với triều đình. Ngày nay, Phượng Hoàng trấn khoác lên mình chiếc áo cổ kính tách biệt với nhịp sống hối hả bên ngoài thông qua những dãy nhà cổ, đền thờ, thành quách và cả nhịp sống chậm rãi của người dân nơi đây. Khó có thể tưởng tượng chỉ vài trăm mét đi bộ nhưng phía bên kia là con đường lộ tấp nập xe cộ đi lại, thì phía bên này sự tĩnh lặng bao trùm mọi ngõ ngách, mỗi bước chân ai đó đi cũng phải thật khẽ khàng như sợ sẽ phá vỡ bức tranh đượm buồn hiếm có khó tìm.

ttvhdo_cotran-6-768x512
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Miêu bày bán các vật lưu niệm thủ công

Vẻ đẹp của Phượng Hoàng Cổ Trấn còn được tăng lên bội phần khi con sông Đà Giang vắt ngang chia đôi cổ trấn nằm trọn trong những ngọn núi. Nước sông xanh biếc áng mình bên cạnh những ngôi nhà gỗ mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian, đủ khiến bức tranh Phượng Hoàng Cổ Trấn lãng mạn, đầy chất thơ và đôi chút hoài niệm. Đừng quên thức dậy thật sớm dạo bước trên cầu Hồng Kiều khi mọi sinh hoạt ở đây còn chưa bắt đầu. Đó là lúc bạn cảm nhận trấn cổ vẹn toàn trong làn sương mờ ảo và chút se lạnh ban mai.

ttvhdo_cotran-2-768x512

Tuy được mệnh danh là vùng đất với ẩm thực phong phú nhưng theo ý kiến cá nhân các món ăn tại Vũ Lăng Nguyên và Phượng Hoàng Cổ Trấn không thật sự ấn tượng. Một phần do thói quen nhiều dầu mỡ của người dân bản địa và gia vị không phong phú. Dẫu sao trong tiết trời giá lạnh mà thưởng thức lẩu cá chua cay hay cầm một tá xiên nướng rong ruổi khắp mọi ngõ ngách ở Phượng Hoàng cũng không là một ý kiến tệ.

Tuy vậy khi màn đêm buông xuống sự thanh bình ấy lẳng lặng lui bước cho những giờ phút náo nhiệt sôi động đến từ các cửa hàng ăn tấp nập người ra kẻ vào hay các quán café acoustic, vũ trường (Vâng, vũ trường nhạc xập xình ngay trong trung tâm của trấn!)… Quả thật người dân nơi đây rất biết cách làm du lịch. Họ sợ ban ngày du khách ngắm nhà, ngắm cửa, ngắm người rồi cũng chán nên bày rất nhiều hoạt động vui chơi về đêm nhằm giữ chân người xứ lạ.

ttvhdo_cotran-8-683x1024
Góc nhỏ bình lặng ở Phượng Hoàng cổ trấn

Điều thú vị là suốt thời gian lưu lại nơi đây, chúng tôi gần như không đặt chân đến những điểm tham quan đã được giới thiệu trước đó như Bắc Môn cổ thành, Lầu phong Thúy Hồng Kiều, Viện Bảo Tàng Cổ Thành, lầu Miêu Miêu hay thậm chí là ngồi thuyền vãn cảnh sông Đà Giang. Đơn giản vì bách bộ trên 20 con phố cổ và hàng trăm ngõ ngách cũng như dõi theo cuộc sống sinh hoạt của người dân ở Phượng Hoàng thú vị hơn nhiều. Đó cũng là một trong những cách đơn giản nhất để cảm nhận trọn vẹn về Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2008.

ttvhdo_cotran-7-copy-768x379
Phượng Hoàng cổ trấn lung linh sắc màu lúc về đêm
ttvhdo_cotran-3-768x512
Hãy để bản thân “được” lạc giữa những con hẻm nhỏ hẹp ở Phượng Hoàng Sững sờ kỳ quan đá thạch

Xưa kia vùng Vũ Lăng Nguyên vốn là một đại dương mênh mông nhưng trải qua quá trình vận động phức tạp của vỏ Trái đất trong hàng trăm triệu năm, cùng sự xâm thực xói mòn của nước biển đã hình thành một cảnh quan kỳ vĩ với vô số các ngọn núi, rừng rậm bao phủ và cơ man các thung lũng.

Khu danh thắng Vũ Lăng Nguyên trực thuộc thành phố Trương Gia Giới (nằm ở phía Bắc tỉnh Hồ Nam) bao gồm 4 khu vực chính là công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới (CV RGQ), khu bảo tồn thung lũng Sở Khê, núi Thiên Tử và thành viên mới gia nhập gần đây là khu thắng cảnh Dương Gia Giới. Nếu công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới gây ấn tượng với hằng hà sa số các cột đá có hình thù quái dị thì thung lũng Sở Khê có khe nước sâu bí hiểm bên cạnh hàng chục con suối trong vắt và các hang động tự nhiên. Riêng núi Thiên Tử có thế núi hiểm trở được rừng rậm bao quanh, vào thời tiết đẹp lại thoắt ẩn thoắt hiện sau từng đám mây tạo nên cảnh sắc kỳ ảo khó tả. Vốn thời gian hạn hẹp nên chúng tôi đành chủ yếu tập trung để khám phá các khu vực chính tại CV RQG Trương Gia Giới.

thien-tu-son-4-767x1024

Là công viên rừng quốc gia đầu tiên được Trung Quốc công nhận vào năm 1982 và cũng mặc nhiên được xem là công riêng rừng quốc gia đẹp nhất của đất nước tỷ dân, công viên Trương Gia Giới quả thật không có gì ngoài… cảnh sắc mê hồn. Với diện tích 48km2 và 98% được bao phủ bởi hệ thống thực vật đa dạng, công viên khổng lồ này là “nhà” của một rừng đá sa thạch với hơn 3.000 cột đá có độ cao trung bình từ 800m – 1.000m với hình thú kỳ quái khác lạ. Xen kẽ giữa các cột đá và khe núi là vô số các hang động, dòng suối và rừng cây nguyên sinh. Vốn đã từng tìm hiểu thông qua hình ảnh thế nhưng chúng tôi vẫn choáng ngợp khi tận mắt chứng kiến khung cảnh hùng vĩ này. Vô số những cột đá mạnh mẽ vươn lên từ lòng đất để rồi sừng sững giữa không trung bao la như thách thức thời gian. Nếu may mắn vào thời tiết lý tưởng có thể chiêm ngưỡng những cột đá này vờn từng đám mây tạo nên cảnh tượng bồng lai tiên cảnh vốn xuất hiện rất nhiều trong các bức họa nổi tiếng của Trung Quốc ngày xưa.

CV RQG Trương Gia Giới được chia thành 4 khu vực chính để du khách tiện tham quan gồm: suối Kim Tiên (phía Nam), Viên Gia Giới (khu trung tâm), núi Thiên Tử (phía Bắc) và Dương Gia Giới (phía Tây). Trong đó, nổi tiếng nhất và được ghé thăm nhiều nhất là núi Thiên Tử (cao 1.182m) và Viên Gia Giới – nơi được chọn làm bối cảnh cho hành tinh Pandora trong siêu phẩm kinh điển “Avatar” của đạo diễn James Cameron. Một cột đá cao 1.182m thậm chí còn được đổi tên thành “Avatar Hallelujah” vào năm 2010 để ăn theo sự thành công của bộ phim.

ttvhdo_cotran-10-768x576

Công viên rừng quốc gia Trương Gia Giới được chia thành 4 khu vực chính để du khách tiện tham quan gồm: suối Kim Tiên (phía Nam), Viên Gia Giới (khu trung tâm), núi Thiên Tử (phía Bắc) và Dương Gia Giới (phía Tây). Trong đó, nổi tiếng nhất và được ghé thăm nhiều nhất là núi Thiên Tử (cao 1.182m) và Viên Gia Giới – nơi được chọn làm bối cảnh cho hành tinh Pandora trong siêu phẩm kinh điển “Avatar” của đạo diễn James Cameron. Một cột đá cao 1.182m thậm chí còn được đổi tên thành “Avatar Hallelujah” vào năm 2010 để ăn theo sự thành công của bộ phim.

Leave a Comment


From the same category