Là vợ, đâu phải là osin phục vụ "ông hoàng" - Tạp chí Đẹp

Là vợ, đâu phải là osin phục vụ “ông hoàng”

Sống

“Đàn ông coi nhà, đàn bà coi bếp” – quan niệm này ngày nay vẫn gây ra vô số những tranh cãi. Liệu phụ nữ hiện đại có cần được giải phóng khỏi căn bếp không? Những góc nhìn thú vị của các tác giả sẽ cho chúng ta cái nhìn đa chiều về vấn đề này. Mời độc giả cùng đón đọc những bài viết sau trên Đẹp Online: 
– Chuyện cổ tích về đàn ông, đàn bà và căn bếp
– “Đàn bà coi bếp” dưới góc nhìn  của đàn ông

Tôi có một nhóm bạn rất thân, đều là những bà mẹ sinh con năm Rồng. Mỗi năm vài ba bận, chúng tôi cho các con gặp nhau rồi tranh thủ tám chuyện. Trong nhóm, có hai cô bạn cùng tuổi nhưng lại rất khác nhau. Nếu như Hạnh Phúc (tạm gọi thế) lúc nào cũng được chồng tháp tùng và nàng thường xuyên nở nụ cười tươi rói thì Bù Xù (cũng tạm gọi thế) gần như luôn tới muộn và một mình. Lần nào, Bù Xù cũng phải nhắn tin cho chúng tôi, lúc thì tao nấu cơm cho cả nhà cái đã, đợi tao tắm rửa cho thằng cu xong, lúc thì tao giặt nốt quần áo, lau dọn cái nhà… Đứa nào cũng ái ngại cho sự vất vả của Bù Xù. Chẳng thế mà so với Hạnh Phúc, Bù  Xù dường như già hơn mấy tuổi.

Bù Xù thường xuyên than phiền về anh chồng gia trưởng, đi làm về nhà chẳng giúp được gì vợ, kể cả chuyện nhà cửa lẫn con cái. Tôi tự hỏi, tại sao Bù Xù lại chấp nhận chuyện đó để rồi không biết làm gì ngoài việc than thở với bạn bè nỗi cực nhọc của mình?

phụ nữ và việc nhà, đàn ông coi nhà đàn bà coi bếp, chia sẻ việc nhà, việc nhà là của phụ nữ, đàn ông con lợn

Nếu bạn đủ 3 đầu 6 tay, thì cũng nên dành một tay để chăm sóc bản thân mình

Bù Xù cũng đi làm, chưa kể, lương của nàng còn khá cao. Nàng là kế toán của một công ty lớn, công việc quay cuồng, thu nhập chẳng kém gì ông chồng. Ấy thế mà, đi làm về, nàng lại tất bật chợ búa, bếp núc, tắm rửa cho con rồi dọn dẹp nhà cửa. Lúc nàng có thể ngẩng mặt lên thì đồng hồ cũng đã điểm 11 giờ. Chồng nàng, ngoài việc giúp đón cậu con trai lớn thì về nhà, ăn cơm xong, không nằm xem tivi cũng tranh thủ xuống tầng 1 khu chung cư “chém gió” với mấy ông bạn.

Cuộc sống của Bù Xù lúc nào cũng vội vàng, tất bật từ sáng tới tối, nàng không còn thời gian chăm sóc bản thân. Với cả mớ những thứ đó, làm sao, nàng có thể coi vào bếp là niềm vui, nàng thấy “đó là công việc phải làm”.

Tôi nghĩ, cái chuyện “coi bếp” là niềm vui, hẳn chỉ có ở những phụ nữ thảnh thơi và rỗi rãi. Không đi làm, hoặc đi làm kiểu chơi chơi, thì cái chuyện vào bếp để nấu cơm cho chồng con mình kể cũng đáng vui thật, vì bạn đâu chịu áp lực của công việc, của cơm áo gạo tiền. Còn những người như Bù Xù, cũng chịu gánh nặng công việc, ngày làm 8 tiếng như ai, cớ sao, lại đổ ập lên đầu họ thêm những gánh nặng khác như bếp núc hay việc nhà, việc con cái?

Cái “đỉnh cao của sự tiến bộ” mà tác giả Hương Ngân nói ở bài viết “Phụ nữ, hãy cứ xem ‘coi bếp’ là niềm vui“, tôi cho rằng, nó là “đỉnh cao của sự chấp nhận”, đỉnh cao của việc AQ. Không thể có chuyện, tôi đang mệt mỏi quá chừng sau một ngày làm việc căng thẳng mà có thể vui vẻ vào bếp nấu nướng, bày biện rồi ngay sau đó, ăn xong, lại “xử” mớ bát đĩa, quần áo bẩn rồi lại còng lưng lau nhà…. Tôi chỉ thấy vui nếu biết, khi tôi vào bếp, sẽ có một người chăm sóc các con; khi tôi vào bếp, sẽ có một người nếu không rửa bát thì cũng lau nhà hộ tôi… Hà cớ gì, đàn ông không thể làm việc đó chứ?

Tôi cũng đi làm, kiếm tiền như anh ấy, cùng anh ấy gánh vác chuyện lớn như mua nhà, mua xe, tạị sao, anh ấy lại không có thể chia sẻ cùng tôi việc nhà? 

phụ nữ và việc nhà, đàn ông coi nhà đàn bà coi bếp, chia sẻ việc nhà, việc nhà là của phụ nữ, đàn ông con lợn

Vào bếp chỉ thực sự vui nếu bạn được yêu thương và san sẻ

Nói việc nhà là “bổn phận” của phụ nữ ư? Chuyện đó xa rồi. Bạn lấy chồng, để có một người yêu thương và san sẻ chứ không phải lấy về một “ông hoàng” cho bạn phục vụ. Hoặc nếu bạn lấy một “ông hoàng” thì bạn cũng nên là một “bà hoàng” chứ không có chuyện “ông hoàng” với một osin đầu bù tóc rối.

Nếu bạn đủ thảnh thơi để coi căn bếp là niềm vui, không sao, nhưng nếu bạn cũng đủ những bận rộn, nhọc nhằn của cơm áo gạo tiền rồi, đừng tự đánh lừa bản thân, rằng cứ lấy việc nhà làm niềm vui. Hãy yêu thương bản thân mình hơn, đừng ngại ngần yêu cầu đòi hỏi sự chia sẻ. Tôi tin rằng, nếu người đàn ông ấy yêu bạn, anh ta cũng không ngại làm cùng bạn những việc cần thiết đâu. Chưa kể, đôi khi, việc bạn tự nhận lấy hàng tá việc nhà đã biến người đàn ông của mình thành kẻ đại lãn đấy. Vô số những người phụ nữ tự nhủ, việc nhà, việc con cái, là của mình mà, để rồi, vô số đàn ông cũng bảo: “Đó là việc đàn bà”. Sao lại phải có những mặc định như thế?

Tôi rất yêu căn bếp của mình, tôi thích được nấu những món ngon chồng con thích. Nhưng tôi biết rằng, tôi chỉ có thể vui vẻ vào bếp khi tôi cảm thấy tinh thần mình thoải mái nhất và quan trọng hơn, tôi được yêu thương và chia sẻ. Cứ vùi đầu mãi trong căn bếp tới mức không có nổi thời gian cho mình, sớm muộn gì, “ông hoàng” của bạn cũng tìm đến “bà hoàng” khác cho xem.

Bạn thích rạng rỡ như Hạnh Phúc hay suốt ngày than vãn hệt Bù Xù?

Bài: San San

logo

Thực hiện: depweb

23/03/2015, 12:57