Là phẳng thế giới công nghệ

Các mối liên hệ kinh tế chằng chịt là động lực thúc đẩy quá trình “làm phẳng” thế giới hiện đại, trong tiến trình toàn cầu hóa; trong khi thế giới công nghệ – một thành phần không thể thiếu của thế giới hiện đại, cũng được làm “phẳng”, nhưng với một ý nghĩa hơi khác: san phẳng ranh giới truyền thống giữa sản phẩm cho phái mạnh và sản phẩm cho phái yếu. Đó thực sự là một quá trình “unisex hóa”.

Sẽ là rất bình thường, nếu ngày nay chúng ta thấy một cô nàng thoăn thoắt gẩy ngón tay trên màn hình cảm ứng của chiếc điện thoại iPhone, cũng tương tự như khi thấy một anh chàng cưỡi trên chiếc LX hoặc Atilla Elizabeth.

Thứ đồ chơi công nghệ cao tưởng chừng như chỉ có thể dành cho đàn ông, lại nằm ngoan ngoãn trong bàn tay quý cô, khi mà cái phương tiện di chuyển tưởng chừng như được đặc chế cho đàn bà, lại hãnh diện cõng trên lưng một quý anh.

Đã đến lúc phải phết một dấu chấm hỏi, vào ý nghĩa nặng chất “giới tính” mà các nhà sản xuất quy kết (hoặc trông đợi) vào sản phẩm của mình?

Nếu như các “tiến trình unisex” khác gặp khá nhiều “trắc trở” trước định kiến xã hội, thì unisex trong thế giới đồ chơi công nghệ (gadget) lại rẽ sang một hướng êm thấm lạ thường.

Một phần, nguyên do là gadget còn khá mới mẻ với đại đa số hơn 80 triệu dân vốn chưa kịp quên cái tên cũ An Nam. Đứng trước một cái mới (gadget chẳng hạn), một cái mà người ta chưa kịp hiểu hết về nó, thì sẽ có hai khả năng: dễ dàng chấp nhận, hoặc dễ dàng phủ định sạch trơn.

Của đáng tội là, công nghệ cao, nó tiện ích quá, nên chẳng mấy người phủ định được, nên số chấp nhận nhiều hơn. Và thế là, các trào lưu lựa chọn, sử dụng gadget mới có cơ hội nảy nở, pha trộn, trong đó có unisex. Chưa có con đường nào dẫn từ “hủ lậu” đến “cấp tiến” lại ngắn đến thế!

Bên cạnh đó, về bản chất, hàm lượng “sex” (giới tính) trong sản phẩm công nghệ thường không quá nhiều, tập trung chủ yếu ở màu sắc và kiểu dáng. Nhỏ, mỏng, ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc, những đặc tính đó hay được gắn cho “techgirl”.

Nghe có vẻ khá mơ hồ, phần nữa là bởi lượng sản phẩm mang những đặc tính trên chỉ như nhúm muối bỏ vào một biển gadget vốn chẳng phân biệt được là cho nam hay nữ.

Nói một cách sòng phẳng thì các chị em không có quá nhiều lựa chọn, và thế là bị rơi vào tình huống “unisex thụ động”.

Unisex công nghệ còn chịu ảnh hưởng của các trào lưu unisex khác trong mối tương quan.

Chẳng hạn, với một anh chàng tóc dài ép thẳng lõa xõa, áo sơ mi trắng cổ rộng tay xòe, quần jeans đen bó sát, anh ta sẽ khó chấp nhận “cưỡi” một chiếc mô-tô Harley Davidson hầm hố. Atilla Elizabeth có thể lại là một lựa chọn khả dĩ.

Một cô nàng mê mẩn chiếc Apple MacBook thon đẹp có khả năng “thay áo” nhiều màu, chắc chắn sẽ chọn Apple iPod thay vì Walkman, Apple iPhone thay vì bất cứ gì khác của Nokia, Samsung, LG,… “Tông xuyệc tông” là như vậy.

Hiệu quả và tiện ích cũng là hai lưỡi dao lạnh lùng cắt đứt nhiều vương vấn trong triết lý lựa chọn sản phẩm của các quý cô.

Đừng tròn mắt khi thấy một dáng kiều tự tin rút chiếc BlackBerry đời cao ra để chat, trong khi bóng hồng khác lục trong mảnh “quần hồng” lấy chiếc Nokia E61 để “check mail”.

Sức mạnh công nghệ là mấu chốt của vấn đề ở đây, nó làm cho tính mục đích (thực dụng) của người dùng vượt xa sự chi phối của các yếu tố cảm quan (màu sắc, kiểu dáng sản phẩm).

Người ta có thể phán xét hay cổ động, khen hoặc chê unisex nói chung, nhưng unisex trong thế giới công nghệ cao thì lại có tính độc lập tương đối với quan điểm kể trên.

Cho đến một khi nào đó, hiệu quả công nghệ của sản phẩm đạt tới độ tối ưu, thì bản thân khái niệm “unisex công nghệ” cũng sẽ không cần thiết phải tồn tại nữa, vì nó là đương nhiên.

Tán dương hoặc dè bỉu một cái gì đó là đương nhiên, thì đều hết sức vô nghĩa và vô duyên.

 Hạo Đông

 

 


From the same category