"La La Land" – 2 giờ thổn thức với những kẻ khờ mộng mơ - Tạp chí Đẹp

“La La Land” – 2 giờ thổn thức với những kẻ khờ mộng mơ

Review

Họ bước ra khỏi xe, hòa vang tiếng ca và nhảy theo giai điệu vui tươi của bài hát “Another Day of Sun.” Tất cả được đưa tới khán giả trong một cú long-take (quay dài không nghỉ). 

Đó chính là cảnh mở màn của bộ phim “La La Land,” báo hiệu cho người xem về một không gian tràn ngập âm nhạc, cảm xúc và đam mê trong 2 tiếng đồng hồ sau đó.

Ryan Gosling và Emma Stone trong La La Land

Những kẻ mộng mơ

Trong tiếng Anh, “La La Land” dùng để chỉ một vùng đất mộng tưởng, nơi những gì khó tin nhất cũng có thể xảy ra. Đó cũng là biệt danh của Los Angeles – nơi thường được gọi là “Thành phố của những thiên thần.” Los Angeles là một mảnh đất vừa giống với “La La Land” lại cũng vừa đối nghịch với nó. Ai cũng biết đây là cái nôi của Hollywood, nơi mà một nữ diễn viên vô danh có thể vụt sáng trở thành sao nhờ một cơ duyên nào đó đưa cô tới với một dự án phim tầm cỡ. Nhưng cũng chính nơi đây đã chôn vùi ước mơ, hoài bão tuổi trẻ của biết bao người cố bám trụ lại mảnh đất này chỉ để chờ tới lúc số phận mỉm cười với mình.

Hai nhân vật chính của “La La Land” là chàng nghệ sỹ dương cầm Sebastian (Ryan Gosling thủ vai) và nàng diễn viên Mia (Emma Stone) là những kẻ mơ mộng lúc khởi đầu. Sebastian như một kẻ sinh nhầm thời, khi mà thứ nhạc jazz thuần túy mà anh tôn thờ đang dần bị mai một và ngay cả những địa điểm chơi nhạc mà anh ưa thích cũng bị thay thế bởi những thứ thời thượng hơn. Mia thì mơ mộng trở thành diễn viên hạng sao, thể hiện qua bức hình minh tinh Grace Kelly choán hết bức tường phòng ngủ của cô. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng “cơm áo không đùa với khách thơ.” 

Để có thể duy trì hoài bão của mình, cả hai đều phải làm những gì mình không thích. Sebastian phải chơi thứ nhạc anh không hề mong muốn để có tiền dành dụm và nuôi bản thân trong khi Mia là nhân viên phục vụ tại một tiệm bánh ở phim trường. Hai kẻ nuôi mộng lớn ấy đến với nhau như một lẽ tự nhiên bởi sự đồng điệu trong tâm hồn. Câu chuyện tình giữa Sebastian và Mia được kể qua đủ bốn mùa Đông-Xuân-Hạ-Thu với âm nhạc đưa lối…

Một bộ phim dũng cảm

Có thể nói “La La Land” là một bộ phim “dũng cảm” khi ra mắt giữa thời điểm mà Hollywood đang dần cạn kiệt ý tưởng và những bộ phim ăn khách nhất luôn là những phim siêu anh hùng hành động. 

Dòng phim âm nhạc vốn đã kén người xem và thời hoàng kim đã từ những năm 1950 và 1960 của thế kỷ trước. Ấy vậy mà đạo diễn 31 tuổi Damien Chazelle vẫn dám làm một bộ phim âm nhạc với phong cách cổ điển và sử dụng những chất liệu âm nhạc hoàn toàn mới. Chazelle có lẽ cũng là một kẻ mộng mơ sống trong “La La Land,” khi mà anh đã viết kịch bản cho bộ phim từ năm 2010. 

 

  Trailer chính thức của ”La La Land”

Ý tưởng của Chazelle là “tạo ra một bộ phim mang phong cách phim âm nhạc kinh điển nhưng gắn với thực tế khi mà nhiều khi mọi sự diễn ra không theo ý muốn của mình.” Anh thừa nhận mình là một fan ruột của những phim kinh điển và “La La Land” sẽ có nhiều chi tiết gợi nhớ tới những kiệt tác xưa. Đó là lý do tại sao mà khi xem “La La Land,” khán giả nếu tinh ý sẽ nhận ra cách Chazelle tri ân những tác phẩm kinh điển như “Casablanca,” “Rebel Without A Cause,” “81/2,” “Singing in the Rain,” “The Young Girls of Rochefort” hay “The Umbrella of Cherbourgh”…

Nhưng có ý tưởng vẫn là chưa đủ khi mà kịch bản “La La Land” của Chazelle từng bị nhiều hãng phim lớn từ chối. Chỉ khi bộ phim kinh phí thấp “Whiplash” của anh thành công rực rỡ với doanh thu 50 triệu USD và nhận năm đề cử Oscar thì hãng Summit Entertainment mới mạnh dạn đầu tư cho “La La Land.” Họ còn hào phóng cho Chazelle ngân sách lên tới 30 triệu USD để anh làm hết sức mình, bởi “phim nhạc kịch hay thì không có chuyện rẻ.” 

Kết quả là các nhà đầu tư đã không phải thất vọng khi “La La Land” sớm gây tiếng vang ngay từ chiếc khi được công chiếu rộng rãi. Bộ phim đã dẫn đầu số lượng đề cử giải Quả Cầu Vàng với 7 hạng mục, trong đó có cả “Đạo diễn xuất sắc nhất.” 

Ryan Gosling thủ vai một nhạc sĩ Jazz không gặp thời

Khi xem phim, khán giả có thể hiểu tại sao. Gazelle như một nhạc trưởng tài ba có được sự kiểm soát tuyệt đối với dàn nhạc để từng đạo cụ được cất lên đúng thời điểm và không một lần lạc nhịp.

Vẫn là một cốt truyện kinh điển trong phim ca nhạc là nam thanh nữ tú gặp và yêu nhau; nhưng mọi sự lại diễn ra thực tế hơn, “đời” hơn rất nhiều. Tài kể chuyện của Chazelle có lẽ được thể hiện rõ nhất ở cảnh khi Sebastian và Mia đối diện với nhau trên bàn ăn và nói về tương lai. Họ bắt đầu một cách ngọt ngào nhưng kịch tính dần được đẩy lên cao khi những xung khắc vốn âm ỉ từ trước được dịp bùng nổ. 

Sebastian và Mia dù là những kẻ mộng mơ yêu nhau, nhưng thực tế khắc nghiệt tại Los Angeles và chốn giải trí có thể nghiền nát bất cứ tâm hồn mộng mơ nào. Họ khác nhau từ quan điểm nghệ thuật (Seb tin rằng nghệ thuật chỉ cần tuyệt vời là đủ còn Mia lại cho rằng nghệ thuật là vô vị nếu thiếu đi khán giả) cho tới dự định tương lai.

Không chỉ giỏi đưa đẩy câu chuyện, Chazelle còn tài năng trong việc dàn dựng “La La Land” khiến bộ phim như một vở kịch Broadway được đưa lên màn ảnh rộng.  Những cảnh ca hát liên tục chỉ một lần quay là cả một kỳ công, dù cho số người tham gia có là 2 (cặp Seb với Mia) hay lên tới hàng chục người như trường đoạn đầu phim. 

Sebastian và Mia – những kẻ mộng mơ yêu nhau giữa thực tế khắc nghiệt tại Los Angeles

Dụng ý nghệ thuật của đạo diễn còn được thể hiện qua tông màu được chuyển dần theo thời gian. Ở đầu phim, những gam màu pastel rực rỡ chiếm chủ đạo như những sắc cầu vồng mộng mơ. Song càng về cuối phim, những màu đỏ, vàng, xanh … dần được thay thế bởi những gam màu tối hoặc pha lẫn họa tiết; như một phép ẩn dụ cho những giấc mơ bị đồng hóa để có thể tồn tại. Cái cách mà Chazelle lột tả Los Angeles qua bầu trời sao, giao thông hay những nhà hát bị lãng quên… và việc anh dành 1 năm để biên tập phim cho thấy anh đam mê đến nhường nào với dự án này.

Sáu năm để đưa một ý tưởng từ trên giấy thành một bộ phim kỳ công như ý sau nhiều lần bị từ chối, Chazelle quả thực là một kẻ mộng mơ giữa đời thường.

Hãy mơ khi còn có thể

Bên cạnh tài năng đạo diễn không thể phủ nhận, âm nhạc vả sự ăn ý của bộ đôi diễn viên chính là những yếu tố khác biến “La La Land” trở thành ứng cử viên sáng giá cho mùa giải thưởng điện ảnh sắp tới. 

Nhạc và ca khúc trong phim được soạn bởi Justin Hurwitz – người bạn cùng học với đạo diễn Chazelle ở trường Havard. Dù có nhiều giai điệu song ấn tượng nhất với khán giả có lẽ vẫn là ca khúc “City of Stars” và giai điệu dương cầm “Sebastian and Mia’s Theme” bởi dư vị vừa lãng mạn vừa pha chút cay đắng.

Ryan Gosling và Emma Stone từng đóng cặp trong hai phim là “Crazy, Stupid, Love” và “Gangster Squad.” Do đó, họ ăn ý là việc dễ hiểu, song chứng kiến cảnh hai người đi dạo lững thững trong đêm trước khi nhảy múa ca hát thì mới hiểu tại sao Chazelle lại ví cặp đôi này như hai huyền thoại màn bạc Fred Astaire và Ginger Rogers. Họ ăn ý với nhau từ những cảnh tình cảm cho tới những bước nhảy và thuyết phục được khán giả về tình cảm giữa hai nhân vật. Họ đến với nhau không phải ngay từ lần gặp đầu tiên hay thậm chí là lần thứ hai.

 Mia và Sebastian – cặp đôi trong La La Land để lại ấn tượng về tình yêu đẹp như thơ qua diễn xuất ăn ý của Ryan Gosling và Emma Stone

Âm nhạc và đam mê là thứ kết nối hai tâm hồn mơ mộng này, và điều này lý giải tại sao dù số cảnh lãng mạn trong phim không quá nhiều nhưng mỗi cảnh đều thực sự đem lại cảm giác bay bổng, ngọt ngào cho người xem.

Để có thể chơi các cảnh piano điêu luyện như trên màn ảnh rộng, Gosling đã phải dành 2 tiếng mỗi ngày và 6 buổi mỗi tuần để tập chơi đàn. Kết quả là khán giả thấy được một nghệ sỹ dương cầm thực thụ, với gương mặt luôn phảng phất nét đượm buồn ưu tư. 

Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là Emma Stone – nữ diễn viên có nét duyên gợi nhớ tới những cô đào của Hollywood vàng son trong quá khứ. Stone yêu nhạc kịch kể từ khi xem vở “Những người khốn khổ” năm lên 8 tuổi, cô chia sẻ: “Tôi luôn mơ ước đóng cảnh được bùng nổ và hòa mình vào âm nhạc.” Cô đã được thỏa nguyện với trường đoạn độc diễn ca khúc “The Fools Who Dream” trong phân cảnh Mia đi thử vai.

La La Land (tựa Việt là Những Kẻ Khờ Mộng Mơ) 

Thể loại: Tình cảm, Âm nhạc 

Thời lượng: 128 phút 

Đạo diễn: Damien Chazelle 

Diễn viên: Ryan Gosling, Emma Stone, J.K. Simmons 

Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 16/12

Ca khúc này nói về người cô của Mia sống tại Paris, có đoạn:

“Cô tôi từng kể chuyện về việc cô nhảy xuống dòng sông Seine

Cô mỉm cười nhớ lại mình đã bước chân vào dòng sông lạnh như băng

Chân trần, và không cần ngước nhìn

Dòng nước lạnh như đá và cô đã bị cảm trong suốt một tháng

Nhưng nếu có thể, cô vẫn sẽ làm điều đó một lần nữa …”

Hình ảnh người cô hòa mình vào dòng Seine này như một phép ẩn dụ, về những kẻ khờ dám mộng mơ, dám vượt ra vùng an tòa một lần trong đời để làm điều mình muốn. 

Và đôi khi nó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, như cách chàng trai Chazelle năm 25 tuổi đã ấp ủ kịch bản “La La Land” và không ngừng thuyết phục các hãng phim. Để rồi khán giả được có một “La La Land” ngọt ngào mà cũng cay đắng, nhưng trên hết vẫn đem lại cảm giác lạc quan. 

Bộ phim có thể kén người xem giống như dòng nhạc jazz mà Seb tôn thờ, nhưng một khi đã xem thì nó hoàn toàn có thể giúp khán giả có những giây phút được “phiêu” theo mối tình Seb-Mia, theo những khúc nhạc réo rắt và chạm được vào cảm xúc, hoài niệm của chính bản thân.

Dù mới chỉ được đề cử Quả Cầu Vàng, nhưng có lẽ sẽ không phải quá mơ mộng nếu ngay từ lúc này, ai đó nói tới cơ hội đoạt Oscar của “La La Land”.

Theo Thịnh Joey

Nguồn ảnh: Internet
logo

Thực hiện: depweb

18/12/2016, 11:41