Mình vẫn luôn mong có được những ký ức ngày thơ bé, tiếc là không làm sao nhớ nổi. Chỉ hình dung qua những lời kể của mẹ rằng con bé còi cọc làm tội làm tình mẹ suốt 3 tháng 10 ngày. Hồi ấy nhà nghèo chẳng có gì để tẩm bổ cho con, mỗi khi trời mưa bố lại mò mẫm khắp nơi để bắt những con cóc về làm thịt, chỉ lấy hai cái đùi nhỏ nấu cháo cho con ăn. Mỗi lần nhìn những vết mụn cóc xấu xí trên tay bố và những câu chuyện yêu thương của mẹ, mình cảm giác như được trở về thời thơ bé, nằm trong vòng tay của bố mẹ.
Dù không nhớ nhiều ký ức thuở nhỏ của chính bản thân nhưng mình lại là người giữ lại những ký ức cho con. Những ký ức không đơn thuần chỉ để mọi người cảm thấy hạnh phúc khi hồi tưởng lại mà đó là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình.
Bởi vì thông thường, trẻ nhỏ chỉ sẽ bắt đầu hình thành ký ức lâu dài từ thời điểm bắt đầu biết nói. Các nhà khoa học đã đặt câu hỏi tại sao trẻ em lại không thể giữ lại ký ức trong nhiều tình huống, sự kiện và các nghiên cứu đã phát hiện, chỉ có một phần não đặc biệt chịu trách nhiệm sản xuất nơ ron thần kinh có vai trò quan trọng trong việc tạo ra kỷ niệm. Sự sản sinh tế bào thần kinh này sẽ diễn ra trong suốt cuộc đời nhưng sẽ giảm dần theo độ tuổi.
Trong khi càng lớn, trẻ càng cần thu nạp nhiều ký ức thì số tế bào thần kinh này lại giảm dần. Do đó, để trẻ thu nạp ký ức trong tương lai, não bộ sẽ phải thải hồi những kỷ niệm cũ.
Đối với bố mẹ, nhưng ký ức nào liên quan đến con sống động như mới diễn ra ngày nào. Đôi lúc không chỉ là những dấu mốc lớn trong cuộc đời con như ngày con ra đời, ngày con đi học mà… chỉ là cái ngày đầu tiên con biết vỗ tay.
Suốt ngày mẹ ra rả “oan hô chú bộ đội” nhưng hai tay cu cậu cứ trơ trơ. Thế mà nửa đêm không ngủ vỗ tay rầm rầm làm mẹ la toáng lên như bị cháy nhà, gọi chồng dậy xem bị gắt như mắm tôm vì phá hỏng giấc mơ đẹp của chàng. Lúc đó Bun và Beo (sinh đôi) mới tròn ba tháng.
Hay kỷ niệm ngọt ngào về chiếc răng đầu tiên.
Buổi trưa hôm ấy ru mãi Bun không chịu ngủ, mẹ bế anh Bun nhìn ánh sáng nơi giếng trời và bất ngờ thấy hai cái gì trắng trắng ở hàm dưới. Không tin vào mắt mình nữa, mẹ cứ ép anh ấy há miệng ra kiểm tra lại như trăm lần làm anh ấy phát cáu khóc rầm lên. Mẹ cứ nghĩ là em Beo sẽ mọc răng trước vì em ấy nhễ nhãi nước miếng suốt từ hồi năm tháng, em ấy trộm vía cũng cứng cáp hơn anh Bun. Thế mà cuối cùng anh Bun lại chạy nước rút trước.
Hóa ra những đợt sốt liên tục rồi đi ngoài hoa cà hoa cải (bà ngoại gọi là đi nghề) rồi ăn vào cứ nôn ra là do anh mọc răng. Mới mọc hai cái răng mà mẹ sụt đi mấy cân còn anh Bun cứ còi gí như em bé sơ sinh. Mẹ gọi điện thông báo ngay cho bố, bố cứ hỏi đi hỏi lại có thật không, kiểm tra lại đi hay là sữa dính vào? Bố mẹ tám về cái hai cái răng của anh Bun mất hơn một tiếng đồng hồ, sẽ khó mà kết thúc nếu anh Bun không chán nghe chuyện cái răng của anh ấy quá khóc đòi đi ngủ.
Mẹ cứ hay ca cẩm sao hai đứa không thấy mọc cái răng nào cả trong khi con mấy đứa bạn ít nhất mọc một cái rồi. Ông ngoại động viên: mọc sớm rụng sớm. Bây giờ anh Bun mọc răng rồi, ông lại bảo chứng tỏ con cũng cứng cáp đấy. Câu chuyện chiếc răng đầu tiên của con là “tình hình thời sự nóng bỏng” của cả nhà mình suốt thời Bun và Beo 6 tháng.
Mỗi ngày của con là những ký ức đẹp đẽ vẹn nguyên trong trái tim mẹ. Mẹ kể cho con nghe để con biết tuổi thơ ngây của con mãi mãi là thiên đường của đời con. Mẹ mong khi con bước qua thiên đường này, con sẽ bước vào thiên đường mới, hạnh phúc và yêu thương trọn vẹn.
Khi chào đời, tất cả vạn vật với trẻ đều mới mẻ lạ lẫm. Chẳng có ký ức nào của giai đoạn trong bụng mẹ. Tuy nhiên có một sự thật không thể thay đổi, đó là bé chắc chắn sẽ biết mẹ là ai. Cơ sở cho khẳng định này là do trẻ có khả năng nhận ra giọng mẹ sau khi sinh.
Khi một em bé được sinh ra, thính giác của chúng chưa chuẩn 100%. Thế nhưng bé vẫn có thể nhận ra âm thanh từ giọng nói của mẹ. Mối liên hệ kỳ diệu giữa mẹ con là ký ức chung được lưu giữ mãi mãi.
Mẹ chỉ mong một điều rất giản dị khi mẹ già yếu và không còn minh mẫn, các con sẽ nắm bàn tay nhăn nheo của mẹ và nhắc lại những ký ức yêu thương đã qua để mẹ được sống trong cảm xúc ngọt ngào.
Ký ức về con – niềm hạnh phúc giản dị của mẹ sẽ chẳng bao giờ mất đi mà là sự tiếp nối giữa các thế hệ và chất keo kết dính các mảng ký ức chính là tình yêu.
Bài: Thu Huyền
Xem thêm: Xử phạt trẻ thế nào cho hiệu quả?