Ký sinh trùng tàn phá não người

Nam bệnh nhân 25 tuổi, quê Phú Yên, sinh sống tại TP.HCM, có biểu hiện đau mũi, chảy nước mũi, đau đầu, sốt cao, vào khám ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP.HCM. Chẩn đoán bước đầu, bác sĩ (BS) nghĩ đến bệnh viêm màng não, nhưng chưa rõ nguyên nhân. Qua xét nghiệm dịch não tủy, thì thấy có sự hiện diện của amip (một loại ký sinh trùng), nhưng không rõ loại. Các BS quyết định đưa bệnh nhân về BV Bệnh nhiệt đới điều trị. Nhưng, khi qua BV Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân diễn tiến nặng nhanh chóng với các triệu chứng: sốt cao, cứng gáy, lơ mơ, suy hô hấp…, và tử vong rất nhanh chỉ hơn một ngày sau khi được chuyển viện.

xét nghiệm benhej nhân nhiễm ký sinh trùng amip 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ tiếp tục cho làm xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) về ca bệnh nói trên – Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, bệnh nhân cho biết vào giữa tháng 7, anh này đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà ở Phú Yên khi về quê.

Kết quả xét nghiệm, đọc hình thể học ban đầu, cộng với những biểu hiện trên lâm sàng của bệnh nhân, bước đầu cho thấy, hơn 90% nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong là do amip có tên Naegleria Flowleri – loại amip có thể xâm nhập lên não người gây viêm não, mà giới chuyên môn có người gọi là “amip ăn não người”. Thạc sĩ – BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới cho biết: “Hiện còn chờ thêm kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) để khẳng định chắc chắn đó là amip Naegleria Fowleri”.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới: “Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm amip Naegleria Fowleri nói trên là ca bệnh đầu tiên BV Bệnh nhiệt đới gặp; và có thể đây cũng là ca đầu tiên xảy ra trong nước”. Thạc sĩ – BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn cho biết thêm, trước đây, tại một labo xét nghiệm ở TP.HCM cũng đã từng nghe nói phát hiện con amip nói trên.

Không quá lo lắng

Mặc dù rất nguy hiểm, dễ bị tử vong khi amip Naegleria Fowleri tấn công lên não, tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, “dạng bệnh do amip nói trên rất hiếm gặp trên thế giới”. Tương tự, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP (nguyên là chuyên gia về ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới) cũng cho biết: “Lâu nay, amip Naegleria Fowleri cũng gây bệnh ở các nước trên thế giới, nhưng chỉ xảy ra rải rác, không phát triển thành dịch. Nhưng, tỷ lệ tử vong do amip Naegleria Fowleri rất cao – hơn 90%, bệnh diễn tiến nặng rất nhanh khi bị amip này tấn công não”. Chuyên gia bệnh nhiễm – BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) – nơi điều trị cho các bệnh nhi viêm não cho biết, không chỉ amip Naegleria Fowleri mới tấn công lên não bộ con người, mà cả loại amip kinh điển (amip gây bệnh đường ruột lâu nay) cũng có thể đến và gây bệnh ở não. “Tuy nhiên, ngay cả với amip kinh điển cũng rất hiếm gặp trường hợp tấn công gây viêm não, viêm màng não. Riêng với amip Naegleria Fowleri thì càng hiếm hơn nữa, loại amip này đã được thế giới nói đến từ lâu, nhưng nó rất hiếm, lẻ tẻ, chưa khi nào xảy ra tập trung cả”, BS Khanh nói. Ngoài ra, theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, amip này có thể sống lâu dưới dạng bào nang ở môi trường nước ngọt ao, hồ, nhưng chúng rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ.

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, amip Naegleria Fowleri thường sống trong môi trường nước ngọt ở ao, hồ tù đọng. Những người thợ lặn, làm ruộng nếu hít phải nước có chứa amip Naegleria Fowleri (nhất là bơi lội bị sặc nước càng dễ bị nhiễm hơn), thì amip sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, theo các niêm mạc mũi, vào mạch máu, rồi lên não và gây bệnh. Naegleria Fowleri tấn công (ăn) các nơ-ron của tế bào thần kinh não bộ gây viêm não, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau và cứng gáy, rối loạn tri giác, đi vào nguy kịch. 

Phòng ngừa nhiễm amip, ký sinh trùng

Các BS khuyến cáo, để phòng ngừa các loại bào nang amip xâm nhập cơ thể cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, ăn chín uống sôi; rửa tay trước khi ăn, vì bào nang amip thường hiện diện ở móng tay; tránh để ruồi bâu thức ăn vì chúng mang theo mầm bệnh… Còn để hạn chế bị nhiễm các ký sinh trùng nói chung, theo BS Trương Hữu Khanh, cần hạn chế dùng các món tái (chưa chín) từ sản phẩm động vật, các loại hải sản; hạn chế tiếp xúc các con vật (chó, mèo)…

Các loại amip khác

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, thường gặp nhất, được nói đến nhiều nhất là loại amip gây bệnh đường ruột; ngoài ra còn có trường hợp amip gây bệnh tại đường ruột, rồi từ đây phát triển xâm nhập lên gan làm áp xe gan, phá cơ hoành chui qua làm áp xe phổi (trường hợp này cũng gặp tương đối nhiều); amip ký sinh ở nha chu gây bệnh răng miệng (thường là gây bệnh lên cao răng), có khi làm viêm họng, viêm a mi đan, hiếm khi vào máu; rồi amip ký sinh ở đường mũi… Ngoài ra, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM), còn có những trường hợp ký sinh trùng (giun, sán) lạc chỗ – thay vì thông thường, ký sinh trùng từ môi trường bên ngoài vào đường ruột rồi đi ra, thì chúng lại đi lạc chỗ là từ đường ruột tấn công lên não gây viêm não, viêm màng não. Với trường hợp não, màng não do amip lạc chỗ, mỗi năm BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng hơn 10 bệnh nhi, với những triệu chứng: sốt, nhức đầu, nôn ói, hôn mê…

Theo Thanh Niên


From the same category