Gặp được chị không phải là điều dễ dàng, khi mà chị đang tập trung hối hả cho những chuyến từ thiện – công việc chị đã theo đuổi trong bao năm rút khỏi ánh hào quang sân khấu. Trước mặt tôi là kỳ nữ một thời vang bóng, trong bộ đồ giản dị, mái tóc trễ nải không phấn son.
Chị vẫn cười tiếng cười lanh lảnh của một Trà Hoa Nữ, vẫn cái giọng Nam bộ lỏn lẻn của một cô Diệu ngày nào, nhưng trên hết, trước mắt tôi, là một Kim Cương, vẫn nhiệt tình hào sảng, nhưng thanh thản nhẹ nhõm hơn bao giờ, bên ngoài vầng hào quang của một thời thanh sắc.
Ân phúc cùng hệ lụy
Vào nghề từ khi còn nhỏ và được khán giả mộ điệu khắp nơi biết đến, chị đã có ý niệm về sự nổi tiếng của bản thân từ khi nào?
Tôi không nhìn nhận mình là người nổi tiếng, bởi bản thân nghĩa của từ này quá rộng. Ừ thì được nhiều người biết tới, nôm na là người nổi tiếng. Nhưng nổi rồi thì phải ngó lại coi mình nổi vì cái gì. Làm chuyện thiện, cứu người chẳng hạn, cũng khiến người ta nổi tiếng. Quậy làng phá xóm bị kêu tên réo họ, cũng là nổi tiếng đó chớ?
Còn tôi, vào nghề đào hát từ hồi vị thành niên. Hồi đó còn nhỏ, lại vào nghề theo truyền thống gia đình nên đến khi tài ca diễn được đôi ba tờ báo ưu ái khen tặng, được khán giả thương, biết tới vậy mà lấy làm mừng, chứ có chút ý thức nào về cái sự “nổi tiếng” to tát ấy đâu.
Mà cái sự nổi tiếng ấy, cũng có hai mặt của nó, ân phúc cùng hệ lụy. Đối với tôi, ân phúc của sự nổi tiếng ấy chính là phần thưởng cộng thêm cho những gì mình làm được, còn hệ lụy, đó là cái giá đương nhiên phải trả của mỗi cái nghề, mà có nghề nào mà không cực.
Rồi về sau, tôi vừa diễn, vừa tập tành viết kịch, dựng tuồng, lại còn trách nhiệm quản lý đoàn hát. Chưa kịp nổi tiếng đã phải học cách hiểu mà vừa thông cảm, vừa điều tiết cái đỏng đảnh của người nghệ sĩ, nhất là những người vừa trẻ lại có tài, bởi vậy nên trong suốt sự nghiệp sân khấu của mình, soi vô tiền nhân, lại coi vào hậu bối khiến tôi may mắn giữ lại cho mình ít nhiều sự tỉnh táo mà biết mình là ai, “nổi” cỡ nào và nhờ đâu mà “nổi”.
Câu tự vấn “Mình là ai” ấy phải chăng quá thừa khi báo chí thời ấy đã chẳng nhất loạt mệnh danh chị là “kỳ nữ”?
Hồi trẻ ngây ngô, nghe hai tiếng “kỳ nữ” anh Nguyễn An Ca tờ “Tiếng Dội” đặt cho, tôi cự nự bởi nghe tên gì ngộ quá, nghe… kì kì. Về sau, được giải thích rằng tên nọ lấy từ điển tích cũ của Tàu, ý gọi người con gái giỏi giang đa tài, tôi mới yên, lòng lấy làm hãnh diện vì hiểu công việc và thành quả của mình được công nhận với sự yêu thương.
Ngoài danh hiệu “Kỳ nữ Kim Cương”, dường như sự ưu ái đặc biệt của giới văn sĩ dành cho chị còn được biết đến qua mối tình lãng mạn của thi sĩ Bùi Giáng?
Đó chính là một trong những món quà lớn thứ hai mà tôi có được từ giới văn sĩ – một món quà đôi khi phiền toái nhưng tôi vô cùng trân trọng, dù không cách chi đáp trả cho vừa lòng người tặng.
Đúng hơn đó là mối tình thơ, như một thi sĩ cần một nàng thơ, mà nàng thơ thì bao giờ cũng nên là một hình ảnh không chạm tới được. Thi hứng được nuôi sống bằng tình yêu bị bỏ đói là vậy.
Một thiên tài, nhưng ngô nghê say say tỉnh tỉnh. Nói là yêu thì bảo sao yêu được ông nhà thơ liêu xiêu, mình treo trái cây tòng teng. Hôm nào vui thì làm thơ tặng, tôi còn giữ cả chục bài, hôm thì ổng qua ổng… chọi đá. Thơ thì tôi cất giữ, người thơ tôi trân quý. Ngày ổng mất tôi chỉ biết cám ơn anh đã là một thi sĩ thiên tài, và đã cho tôi một mối tình đơn phương chung thủy suốt 40 chục năm trời.
Quanh chuyện này xưa nay cũng không thiếu lời vào ra thêm thắt. Tôi chỉ biết rằng nếu tôi ngày xưa không phải là một “kỳ nữ Kim Cương” và anh không là một tài thơ vang tiếng, chắc chẳng ai buồn tìm hiểu sâu xa, những vần thơ nọ cũng sẽ chỉ là mấy bài thơ con cóc một anh thi sĩ quèn nào đó viết tặng một cô Kim bất kỳ. Và dẫu nếu có là như vậy, thì đối với tôi, mối tình ấy vẫn đáng trân trọng không mảy may suy giảm.
Một đồng bạc danh dự
Không chỉ với mối tình trứ danh của Bùi Giáng, sự ưu ái dành cho chị khi ấy cũng đến từ công chúng nói chung, và đặc biệt là báo giới?
Hầu hết quãng đường sự nghiệp, và cả cuộc đời mình, tôi có cái may mắn được giới báo chí, văn sĩ thông hiểu và quí mến. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Lại nhắc đến chuyện xưa. Có phải đâu ngày nay mới có chuyện lá cải lá hẹ, mới có những chuyện giật gân về đời tư nghệ sĩ. Thậm chí báo giới ngày đó còn tàn nhẫn hơn rất nhiều. Không ít chị em đồng nghiệp của tôi đã bị ghép mặt vô hình nude như nghệ sĩ Kiều Chinh chẳng hạn, rồi phát hành đăng bán khắp nơi.
Đến khi cổ giận quá, truy hỏi tòa báo, thì được trả lời rằng báo đang bán chạy quá, đợi đôi ba số rồi sẽ đăng bản đính chánh. Bằng không có kiện thì cứ kiện, một đồng bạc danh dự chớ có nhiêu đâu.
Bản thân tôi, chưa kịp có ý trung nhân đã có lời trên báo kể rằng “K.C. tuyên bố không ngủ được nếu không có đàn ông” cùng những lời miêu tả như thể anh bồi bút nọ trốn dưới gậm giường nhà tôi rình tả lại vậy.
Nếu từ thời má tôi, áp lực lớn mà người nghệ sĩ, nhất là nữ nghệ sĩ, phải trải qua là định kiến của xã hội về nghề ca xướng.
Đến thời của tôi, dù được khán giả mọi nơi yêu quý trọng vọng, thì ngược lại, người nghệ sĩ, đặc biệt là nữ, lại phải chịu đựng những áp lực tinh thần khác từ phía báo giới, dưới chiêu bài “tự do ngôn luận”, mà họ cũng không cần màng đến việc người chịu đựng sự bêu riếu ấy là những người phụ nữ, bình thường như bất cứ ai, làm hết sức công việc của mình một cách lương thiện và mong được tôn trọng, nếu không là trân trọng hay yêu quý.
Ở độ tuổi còn quá trẻ, lại là nữ, phải đối mặt với điều tiếng, chị đã chấp nhận đối diện với những scandal ấy ra sao?
Sau vài lần đầu, tôi dần tự hiểu lấy một điều rằng mình còn may mắn lắm – tôi làm nghề nghiệp mà tôi say mê như một thứ đạo, được khán giả yêu thương tôn trọng, đã là quá đủ. Để có được điều đó, thì nghề nào mà chẳng có mặt trái, mà ở đây là những nhiễu điều hệ lụy của cái sự nổi tiếng.
Thôi thì cứ coi như chuyện vay trả thường tình mà người nghệ sĩ phải học cách thanh thản đón nhận. Hay nghĩ cho đơn giản, đi làm cày ruộng thì cũng phải chịu cực, thì nghề ca diễn cũng có khác gì.
Nhưng chỉ đến khi quyết định rời xa sân khấu, trút bỏ tấm áo cô đào để làm việc từ thiện, có lẽ đây là một trong những khoảng thời gian trong đời mà tôi cảm thấy thật sự tự do, thanh thản nhất. Tôi ra đường không phải cân nhắc lo lắng bữa nay bận đồ nào, xách cái bóp nào coi cho được, cho đẹp mắt công chúng ngó vô. Quanh năm suốt tháng tôi búi xùi xùi vậy đó, mà vui, tự tại.
Thời bây giờ, tư tưởng báo chí chặt chẽ hơn xưa, công luận cũng cởi mở hơn với giới nghệ sĩ rất nhiều so với thời má tôi hay thời của tôi, thì mọi chuyện lại khác đi. Không ít những cô cậu nghệ sĩ, thậm chí những người bình thường, lại miệt mài tự vẽ chuyện giật gân, tự đăng hình nọ kia. Phải chăng hữu sắc vô thanh, mới nên nỗi phải làm chuyện ngược đời?
Vậy mới hay, không có gì là tuyệt đối, chuyện đối với người này là hệ lụy, đối với kẻ khác, lại là hào quang. Tùy là ở chỗ con người ta đứng từ đâu mà soi vào cái sự “nổi tiếng”.
Bản thân chị đã bao giờ mắc bệnh “sao”?
Quả tình, việc nổi tiếng, hay nói đúng hơn là lợi thế được công chúng yêu quí và trọng vọng, luôn là một sự chiều chuộng dễ khiến người nghệ sĩ, vốn sẵn chất “mát mát” như đứa nhỏ được nuông chiều, ắt sẽ sinh ra nhõng nhẽo. Nhưng nếu có nhõng nhẽo cũng phải dễ thương, và phải “ngoan”.
Nếu họ đã làm trọn vẹn bổn phận của người giải trí cho công chúng, thì bù lại, đương nhiên, hãy để nghệ sĩ họ làm eo một chút, âu cũng là cái thói nhạy cảm con trẻ mà hầu như nghệ sĩ nào cũng có.
Là nghệ sĩ, có tài, trái tính một chút, đòi hỏi được săn đón o bế một chút, âu là chuyện thường tình, thời nào, xứ nào cũng vậy. Nhưng một chút khó chiều đó không có nghĩa là ra điều cao ngạo phách lối hay trác táng buông tuồng.
Thời đó, phần nhiều người theo nghiệp diễn cũng rất duy tâm, tuy không học trong trường lớp, nhưng kiểu rèn nghề thời đó, coi nghề diễn như một cái đạo. Chỉ cần cô đào cậu kép trẻ nào tỏ ra phách lối, là bị chỉnh liền “coi chừng Tổ lấy lại nghề”, nên ít ai dám cậy mình nổi tiếng mà cao ngạo làm tàng.
Hồi đó tôi cũng vậy, thi thoảng thấy được đón rước thỉnh vời, cũng ra điều khó khăn này nọ. Có bận, được mời đi hát tận Gò Công. Xong đêm diễn, thấy khán giả khen, ông bầu mới ra mặt nài nỉ ở lại diễn thêm buổi nữa. Tôi cũng không bỏ dịp làm bộ làm tịch, than rằng có chuyện tối trọng lắm phải về Sài Gòn cấp kỳ.
Gạn hỏi mãi, tôi mới cho hay rằng phải đưa con chó cưng đi khám bịnh, cũng là tính chuyện nói chơi làm tàng vậy thôi. Ông tỉnh trưởng mới hào phóng bảo tôi rằng cứ ở lại diễn tiếp, ổng sẽ đích thân cho xe, mời thầy thú y đến tận nhà thăm khám đàng hoàng.
Ai dè sáng hôm sau, người nhà tôi kể lại, xe pháo rầm rộ kéo đến, chữa bệnh cho con chó quý, ai dè tới lúc mang ra, mọi người ai cũng té ngửa khi thấy có mỗi con chó mực chút xíu. Chuyện này vui, nhưng kể lại tới giờ vẫn mắc cỡ.
Không hiểu đó có phải là cái “bệnh sao” mà em đang nói tới ở đây không. Nhưng riêng tôi cho rằng đó chỉ trở nên lố bịch hay đáng trách khi mà bản thân người nghệ sĩ đó đã không tỏa sáng cho xứng tầm với những đòi hỏi của mình. Như một đứa trẻ hư mà còn quấy quả khó chiều.
Câu hỏi sẽ vô cùng luẩn quẩn, nhưng có thể bắt đầu bằng việc tự hỏi phải chăng họ “hư” cũng phần nào do được “cưng chiều” sai cách?
Vậy trong cái vòng luẩn quẩn của “con vịt” và “quả trứng”, chị cho rằng công chúng tạo nên người nổi tiếng?
Tôi không cho rằng đó là vòng tròn luẩn quẩn, mà đúng hơn, là một vòng tròn khép kín của hiệp thông tương tác. Người nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn, phụng sự khán giả cho hết mình, ắt được biết đến và yêu quý. Ngược lại, thanh sắc ấy cũng chả thể tỏa sáng trên sân khấu nếu thiếu tiếng khen chê công luận.
Nghệ thuật ca diễn, hay việc dựng tuồng viết kịch, không chỉ là trò mua vui – bán buôn, mà sâu xa nó phải là một thứ văn hóa, một công việc mang tính giáo dục, và đối tượng của nó là khán giả, là xã hội. Nhưng ngược lại, khán giả và công luận cũng chính là những người thầy của người nghệ sĩ. Mọi sự khen chê, yêu ghét, đều tác động đến và góp phần tạo nên độ chín về nghề và tâm cho người nghệ sĩ.
Cũng như đứa trẻ, nếu nuông chiều sai thói, ắt sẽ hư. Mà một khi đã hoạnh họe khó chiều, mà song song thường là thói tự tôn mù quáng, sớm muộn rồi cũng sẽ chả ai yêu quý được. Ấy là lẽ thường tình.
Nhưng so sánh vậy khập khiễng ở chỗ, “đứa trẻ” ở đây lại là những người trưởng thành, và đủ hiểu biết để biết mình xứng đáng với lời khen nào, và đâu là tâng bốc quá tay để tránh sự hoang tưởng tự tôn. Ngược lại, với những lời phê bình, cũng phải biết đâu là đáng nghe, và đâu là những chỉ trích thói thường độc miệng để mà tỉnh táo bỏ qua.
Như vậy, công chúng góp phần tạo nên người nghệ sĩ, nhưng để định hình mình, nghệ sĩ cũng không thể chỉ chạy theo khán giả – vốn cũng có thể trở nên không kém phần thất thường và khó chiều.
Nếu công chúng góp phần tạo nên sự nổi tiếng của một nghệ sĩ, thì có thể nói, phần thưởng ấy không phải lúc nào cũng được phân phát một cách công bằng?
Đúng vậy. Đôi khi đứa trẻ ngoan không luôn là đứa nhỏ được cưng nhất nhà. Có những nghệ sĩ sinh ra cho nghề ca diễn, nhưng trọn đời họ chỉ chuyên về những vai phụ, mà vai phụ thì ít ai nhắc tới. Đó không phải vì họ kém tài.
Sẽ không có một “Lá Sầu Riêng” nếu thiếu má tôi, nghệ sĩ Bảy Nam, dẫu bà chỉ đóng một vai phụ. Còn khi khác, chính tôi vẫn đảm nhận vai phụ cho Thẩm Thúy Hằng trong phim “Tứ Quái Sài Gòn”, thì về sau, trong “Lôi Vũ”, Hằng lại đóng vai phụ khi tôi vào vai Thị Bình.
Cái hạnh phúc của mỗi diễn viên là làm tròn vị trí nâng đỡ, bổ trợ trong vở tuồng hay cuốn phim. Thậm chí còn thiệt thòi hơn nữa, đó là nếu người nghệ sĩ đóng vai phản diện, sự thành công của họ tỉ lệ thuận với ác cảm của khán giả. Đó mới trọn vẹn cái viên mãn của nghề.
Ngược lại, có phải cô đào chánh nào cũng là giỏi nhất đâu. Nhưng tôi cho rằng khả năng thu hút công chúng của một ngôi sao thật sự đôi khi nằm ngoài những gì người ta có thể học được, luyện được. Có những người sinh ra với cái tố chất mà chúng tôi hay nôm na gọi là “bắt đèn sân khấu”. Họ chưa ca chưa diễn, xuất hiện là đã hút khán giả rồi. Và như vậy là họ cũng đã tròn vẹn cái công việc giải trí cho khán giả rồi đó.
Thêm nữa, sự nổi tiếng chỉ là một giá trị cộng thêm khi người nghệ sĩ sống hết mình với nghề. Có hay không có nó, họ sẽ vẫn xuất hiện trên sân khấu, đúng tại vị trí của mình và thể hiện hết sức công việc của mình.
Nghệ thuật là một cái đạo, không phải là cuộc đánh đổi.
Những lần cuối cùng xuất hiện trở lại trong vai diễn trứ danh của “Trà Hoa Nữ”, “Lá Sầu Riêng” … chị đã không còn ở cái tuổi thanh tân của những nhân vật như trong kịch bản, dẫu “Trà Hoa Nữ” hay cô Diệu của những năm về sau ngày càng sâu sắc và đầy cảm xúc hơn thuở chị còn trẻ. Phải chăng đây là một sự níu kéo ánh hào quang quá vãng?
Đó là một điều trớ trêu của nghệ thuật. Tuổi trẻ và nhan sắc lại tỉ lệ nghịch với chiều sâu và bề dày kinh nghiệm. Dẫu nói rằng đã rời xa sân khấu làm chuyện thiện nguyện, dẫu thấy lòng thanh thản hơn, nhưng không lúc nào tôi không nhớ sân khấu. Đó là lí do vì sao tôi không bao giờ nói rằng tôi “giã từ” sân khấu, mà chỉ dám nói tôi tạm xa sân khấu mà thôi.
Má tôi trước khi mất còn nằng nặc nói lẫy, đòi “chết trên sân khấu” khi tôi ngăn không để bà diễn trong chương trình “Những Cánh Chim Không Mỏi”, bạn diễn bao năm, anh Vân Hùng, trước lúc khuất núi còn nói “Tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả quá, bà Kim ơi!”.
Mỗi một ngôi sao rút vào hậu đài làng nghệ là cả một rừng sao trẻ thay thế. Khán giả có thể quên nghệ sĩ, sân khấu có thể đào thải diễn viên, chớ người nghệ sĩ, đã mang nghiệp vào người thì không bao giờ “bỏ” sân khấu hay khán giả được. Và người nghệ sĩ sẽ cháy đến cuối cùng, và tỏa sáng viên mãn nhất ngay vào khoảnh khắc trước khi vụt tắt, như những que diêm vậy.
Và đó là những lần cuối cùng tôi còn sắm vai, khi mà tuổi đã không còn là cô Diệu, cô Trà Hoa Nữ ngày nào, thì bù lại, tôi mang được một sức diễn “đầy” hơn đến cho khán giả như một thứ đắp đổi có thể chấp nhận được.
Bước khỏi vùng hào quang sân khấu, có bao giờ chị chạnh lòng những khi sắm lại tích cũ, mà không trọn câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”?
Đã bao nhiêu năm trong nghề, lúc nào ra đường cũng sửa soạn cho chỉn chu để giữ cho khán giả một cách trọn vẹn hình ảnh mà họ yêu quý. Giờ đây, tôi lại về đúng như hồi tôi còn nhỏ, xuề xòa thoải mái, thì tôi biết công chúng vẫn dành cho tôi sự yêu thương đó, có khác chăng là ngày xưa, người ta thương cô Kim đóng kịch diễn tuồng tài tình trên sân khấu.
Nhưng giờ đây, tôi mới thật sự là người của công chúng. Tôi sống cùng họ, đồng cảm chia sẻ, và tôi là một bà Kim Cương xuề xòa chân đất, gần bên công chúng của tôi hơn bao giờ hết.
Tôi có để những khán giả ngày xưa “kiến bạch đầu” chăng, âu là điều không tránh khỏi. Đến khi mọi hào quang đã tắt, hạnh phúc và lòng ngưỡng mộ thật sự còn lại cho người nghệ sĩ “bất hứa nhân gian kiến bạc lòng”, ấy mới là điều đáng nói.
Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp