Kỳ lạ người ‘trường sinh bất lão’ ở Bến Tre

Đến ấp Phú Đa hỏi người đàn không có tuổi hầu như ai cũng biết. Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà người đàn ông này.

Kỳ bí một đời không có “tuổi già”

Cậu bé mà chúng tôi gặp tự giới thiệu tên Lê Minh Mẫn (11 tuổi) có nước da đen nhẻm, thấp bé hơn so với tuổi thực. Thông tin về người chúng tôi muốn tìm, cậu bé cho biết: “Đó là cậu của cháu. Ông chuyển về ở với bà ngoại trong kia kìa. Phải qua phà rồi đạp xem hơn ba cây số nữa mới tới. Cậu Dân cũng nhỏ xíu à, cao hơn cháu chừng một lóng tay. Cậu tên Đỗ Quý Dân”.

Ngồi trên phà, trả lời thắc mắc của chúng tôi việc anh Dân dù đã ở tuổi tứ tuần nhưng vẫn mang khuôn mặt nhi đồng, bà Bùi Thị Nghĩa cho biết: “Theo bà Ba (mẹ của Dân) thì năm nay nó đã 44 tuổi rồi nhưng thân hình thấp bé, mặt mũi y như một cậu bé 11-12 tuổi. Ấp Phú Đa chẳng ai lạ lẫm gì Dân cả”.

Kỳ lạ người 'trường sinh bất lão' ở Bến Tre
Bà Ba đã khóc hết nước mắt vì con trai mình 

Cũng theo cậu bé Mẫn, anh Dân sống cùng mẹ và một người anh trai tên Hồng. Thông tin về hai người cậu của mình, Mẫn cho biết: Cậu Hồng thì cao lớn nhưng cậu Dân chỉ thấp đến lạ kỳ. Vậy nên cậu Dân được người ta kêu là Dân “không biết già”, hay Dân “bất lão”.

Xuống phà cậu đạp xe chạy trước dẫn chúng tôi đi trên con đường ngoằn ngoèo như lối dẫn vào mê cung rợp bóng cây xanh. Sau hơn 30 phút chạy xe, cậu bé rẽ ngoặt vào ngõ nhỏ phủ đầy xác lá mục nơi căn chòi lụp xụp, xiêu vẹo núp mình sau bụi tre xanh, tối tăm đầy muỗi.

Tiếp chúng tôi sau bốn bức vách lá dừa rách bươm, một người đàn bà tự xưng là Nguyễn Thị Ba, mẹ ruột của anh Đỗ Quý Dân. Năm nay bà Ba đã hơn 70 tuổi. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, những khắc khổ của đời người dường đã hằn hết lên khuôn mặt của bà.

Nói chuyện với chúng tôi, những giọt nước mắt chảy trên đôi mắt đã lòa, bà Ba chia sẻ: “Các cô chú lại đến tìm Dân à? Đã lâu lắm không ai tìm nó. Trước đây cũng có nhiều nhà báo đến tìm, phường xã xuống hỏi thăm nhưng dạo này không thấy họ đến nữa”.

Sau câu nói dường như được thốt ra từ những nỗi đau bấy lâu chất chứa, bà với tay chỉ về phía góc căn chòi lụp xụp nơi một cậu bé đang ngồi yên lặng, mặt ngờ nghệch, mắt buồn nhìn vào nền trời chiều xa xăm.

Trước mặt chúng tôi là một cậu bé khoảng 11-12 tuổi, mặc bộ đồ ngủ trắng đôi chỗ đã mục rách. Khi được hỏi, cậu không nói, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi rồi nhìn chúng tôi với ánh mắt sợ sệt. Bà Ba cho biết, đó Đỗ Quý Dân, con trai thứ năm của bà.

Được biết, anh sinh năm 1968. Tuy nhiên, nếu không được thông tin trước, rất có thể nhiều người sẽ lầm tưởng Đỗ Quý Dân chỉ là một cậu bé đang theo học cấp 2. Anh có khuôn mặt bầu bĩnh, không có bất kỳ đặc điểm của người đã ở tuổi tứ tuần.

Kỳ lạ người 'trường sinh bất lão' ở Bến Tre
Ngôi nhà “nhốt” anh Dân trong mấy chục năm qua 

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, không chỉ khuôn mặt mà toàn bộ cơ thể của Đỗ Quý Dân cũng không khác gì một cậu bé. Theo đó, tay chân anh cũng không có những vết chai, sần mà mịn màng trắng trẻo. Anh cũng chỉ cao khoảng 90cm. Tuy nhiên, anh có thân hình cân đối đủ để những người lần đầu gặp mặt biết chắc anh không phải một người lùn bẩm sinh.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi xung quanh chuyện “bất lão” của anh Dân, bà Nguyễn Thị Ba cho biết: “Nó bị bệnh tật chứ không phải thần thánh gì cả. Tuy nhiên, chúng tôi không biết nó mắc bệnh gì. Cả phường, xã cũng chịu thua rồi”.

Còn anh Đỗ Thanh Hồng (anh trai Dân) khẳng định, mọi người trong nhà từ anh trai chị gái đều cao lớn, phát triển bình thường, riêng Dân từ năm 12 tuổi đến giờ cả khuôn mặt và hình dạng không thay đổi. Được biết, gia đình bà Ba cũng nghĩ đến nhiều nguyên nhân và chạy chữa nhưng kết quả chỉ là sự vô vọng.

Kể lại những tháng ngày đầu đời của đứa con được mệnh danh là “bất lão”, bà Ba nói, lúc mới sinh anh Dân chỉ nặng 2,5 kg. Bà cũng chăm đứa con trai thứ năm như những người con khác. Khi anh Dân biết đi, biết ăn, biết nói, cũng sinh hoạt như những đứa trẻ khác.

Ngày ấy, người con thứ năm của bà ăn gì cũng không lớn lên thêm, thời gian cũng không làm khuôn mặt anh già đi. Tuy nhiên, anh lại hay đau ốm hơn trước. Theo anh Hồng, cũng từ đấy, anh trở nên bần thần, đờ đẫn, lơ ngơ như người thiếu ngủ. Người trong nhà vẫn hay đùa anh là người “bất lão”.

Nỗi đau của người mang danh “kỳ nhân”

Cái danh Dân “bất lão” được người ta biết đến từ đó. Thế nhưng, ít ai biết được đằng sau cái “danh” ấy là một bi kịch. Người mẹ già tâm sự: “Con trai tôi hay mệt và ốm đau triền miên. Những lúc mệt, Dân dường như không biết gì. Tôi biết con khó ở lắm. Lúc nó đau thấy mà thương nhưng không biết bị làm sao. Hai mẹ con chỉ biết nhìn nhau và khóc “.

Anh Hồng cũng khẳng định thêm, trước đây dù khó khăn túng thiếu, cha mẹ cũng đưa em trai đi khám. Nhưng đi đủ các bệnh viện nhưng bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ khẳng định, anh Dân không hề nhiễm chất độc da cam, cũng không giống những người bị bệnh lùn hay trẻ mang bệnh down.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Bình cho biết, có nhiều đoàn từ thiện về thăm khám cho anh Dân và vận động gia đình đưa anh đến chữa trị tại các bệnh viện, tuy nhiên đều vô ích.

Mặc cảm với bệnh tật của mình, Dân “bất lão” trở nên nhút nhát, thấy người lạ lập tức tránh xa. Quanh năm anh chỉ quanh quẩn trong nhà, chơi đùa với trẻ em cùng xóm. Khi lũ trẻ lớn lên không chơi cùng nữa thì anh lại chơi cùng tốp trẻ khác.

Nói chuyện với chúng tôi, bà Ba cười gượng cho biết, nhiều năm qua nhà bà luôn chìm trong cảnh đói khát. Được biết, bữa nào ngon lắm thì chỉ có được mấy con cá, một mớ rau bà tự tay nhặt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bà có sáu đứa con nhưng ai cũng khó cũng khổ chẳng đỡ đần được bà nhiều. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy đáng lẽ phải được an nhàn thì bà vẫn phải chăm lo cho con phải khóc cho những đứa con bất hạnh.

Anh Đỗ Thanh Hồng là người con thứ ba của bà đang bị xuất huyết đường ruột phải nằm liệt giường. Gia đình bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào bà với người con gái thứ hai.

Con gái bà phải đi làm thuê ở lò gạch để nuôi em trai và anh trai. Nhắc đến bệnh của anh Hồng và anh Dân mắt bà lại ngân ngấn nước: “Mỗi lần chúng nó bệnh, không lo nổi tiền thuốc nên tôi lo lắm. Tôi sợ cái ngày người đầu bạc phải đi đưa người đầu xanh lắm cô chú ơi”.

Hơn hai tiếng đồng hồ tiếp xúc, chúng tôi mới làm quen được với anh Dân. Người đàn ông này đã dám nhìn thẳng mặt chúng tôi và gắng gượng trò chuyện. Tuy nhiên, những câu trả lời anh phải khó khăn lắm chúng tôi nghe mới hiểu. Anh không ngờ nghệch như cơ thể và vẻ mặt của anh. Theo đó, khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, anh buồn bã trả lời bằng hai từ: “Buồn lắm”. Chúng tôi hỏi ước mơ của anh là gì, người đàn ông này trả lời: “Mình chỉ ước có bữa cơm ngon!”.

Theo VTC


From the same category