Dù dành nhiều thời gian cho việc sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng những năm gần đây thì Ngô Viết Nam Sơn đã dành phần lớn thời gian ở quê nhà và bắt tay quy hoạch nhiều dự án lớn trong nước.
Hổ phụ sinh hổ tử
Ông từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, Quy hoạch Đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), Dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)…
Như người ta vẫn hay nói: “Hổ phụ sinh hổ tử”, cha của Nam Sơn chính là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người châu Á duy nhất giành được giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) của nước Pháp vào năm 1955, và cũng là người Á Châu đầu tiên trở thành hội viên danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA). Ngô Viết Thụ đã để lại hàng loạt dấu ấn kiến trúc trên khắp Việt Nam thông qua các công trình tiêu biểu như Hội trường Thống Nhất ở TP.HCM, Viện Hạt nhân và Chợ Đà Lạt, Nhà thờ Phủ Cam và Viện Đại học Huế…
Là người duy nhất chọn lựa việc nối nghiệp cha trong số 8 người con trong gia đình, Nam Sơn từng cho biết: “Tôi tự hào về cha, và ảnh hưởng nhiều về phong cách Á Đông kết hợp với kiến trúc cổ điển Pháp trong các công trình kiến trúc của ông”. Với Nam Sơn, một trong những kỷ niệm làm ông nhớ nhất về cha là: “Hồi nhỏ, tôi thích trò chơi xếp hình Lego. Mọi người cằn nhằn vì những thành phố mô hình ‘mọc’ lên giữa nhà, làm vướng lối đi. Riêng cha tôi thì cười vui”.
Tuy vậy, thành công ngày hôm nay của Nam Sơn cũng đến từ việc ông dám mở lối đi riêng cho bản thân, dù điều đó có lúc dẫn tới bất đồng giữa hai cha con, mà như Nam Sơn từng miêu tả là: “Cha tuổi Bính Dần, còn tôi Nhâm Dần, hai con cọp trong nhà nhiều lần tranh cãi nảy lửa”.
Nam Sơn từng kể rằng một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông là lúc quyết định mở công ty của riêng mình sau khi đã làm việc cho công ty của cha được 7 năm. Ông kể: “Đối với cha, đó là một quyết định rất bất ngờ, vì ở công ty của ông, việc làm không hết”. Sau đó, hai cha con nhà Ngô Viết đã có một cuộc trao đổi, để rồi cuối cùng Nam Sơn đã thuyết phục được cha mình rằng việc mở lối đi riêng là quyết định mà ông chỉ đưa ra sau khi đã có nhiều đêm suy nghĩ thấu đáo.
Sau đó, giữa lúc công ty đang phát triển thì Nam Sơn lại quyết định đi du học, và một lần nữa điều này lại khiến ông Viết Thụ không vui, vì sợ rằng con mình sẽ đi xa mãi. Tuy thế, Nam Sơn vẫn kiên định theo đuổi con đường đã chọn, và tới ngày nay ông đã có trong tay bằng Tiến sĩ Quy hoạch và Kiến trúc tại Đại học Washington (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quy hoạch & Kiến trúc ở Đại học California tại Berkeley (UC Berkeley, Mỹ). Về sau, hai cha con nhà Ngô Viết cũng đã trở nên gần gũi nhau hơn và hiểu nhau nhiều hơn.
Đừng để Sài Gòn ngập trong “rác công trình”
Dù dành nhiều thời gian cho việc sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng những năm gần đây thì Ngô Viết Nam Sơn đã dành phần lớn thời gian ở quê nhà và bắt tay quy hoạch nhiều dự án lớn trong nước. Ông thường xuyên đưa ra nhiều ý kiến và đóng góp có giá trị về tình hình quy hoạch và kiến trúc Việt Nam, thể hiện tấm lòng của một người nặng tình với quê hương, đất nước.
Với Nam Sơn, chất lượng sống của người dân phải là yếu tố được cân nhắc hàng đầu trong quy hoạch đô thị. Ông từng cho biết đã chối từ đề nghị của một nhà đầu tư lớn, khi được yêu cầu “thiết kế sáu cao ốc như bàn cờ”. Thay vào đó, ông đề nghị chỉ nên có bốn cao ốc để tạo không gian xanh giữa các công trình, và từ đó nâng giá trị của các căn hộ để bù lại phần diện tích đã mất. Tuy nhiên, rất tiếc là khi đó hai phía đã không thể tìm được tiếng nói chung.
Theo Nam Sơn, phát triển đô thị không thể chỉ là chạy theo vẻ bề ngoài của những đường cao tốc và trung tâm mua sắm sang trọng, mà phải tính đến môi trường, không gian xanh, chất lượng sống: “Đầu tư văn hóa, công viên, trường học, bệnh viện… tốn kém hơn nhiều so với đầu tư thương mại, nhưng đó mới thực sự là đầu tư khôn ngoan”. Ông cũng cảnh báo về tình trạng “rác công trình”, khi mà có những tòa nhà cao tầng bề ngoài rất hoành tráng và hiện đại nhưng thực ra là lại phá hoại môi trường sống và cảnh quan, thông qua việc phá hủy các công trình cổ để lấy mặt bằng, gia tăng áp lực giao thông lên các con đường nhỏ hẹp và tạo ra ánh nắng, sức nóng phản chiếu quá độ lên không gian xung quanh. Kinh nghiệm của Nam Sơn khi tham gia tư vấn bảo tồn khu phố cổ Xintiandi (Tân Thiên Địa) ở Thượng Hải đã cho thấy rằng việc bảo tồn kiến trúc cổ hoàn toàn có thể sinh lời, khi khu phố này giờ đây đã trở thành một trong những nơi đóng góp GDP nhiều nhất cho Thượng Hải.
Ngoài công việc kiến trúc sư, Ngô Viết Nam Sơn còn dành ra khá nhiều thời gian bên những phím đàn dương cầm. Ông từng cho biết mình đã sáng tác được vài trăm bản nhạc, và xem đây như những bản “nhật ký, ghi lại những cảm xúc của mình vào những thời điểm đặc biệt”. Với Nam Sơn, “Âm nhạc đỉnh cao và kiến trúc đỉnh cao đều thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, không còn gắn với những toan tính đời thường như vật chất, danh tiếng… Bởi nếu chạy theo những thứ phù phiếm ấy thì mãi mãi không bao giờ là nghệ sĩ thực thụ”.
Bài: Tuấn Minh
(TTVH & Đàn Ông số 138 – 4/2017)