Koshika Kiyoshi: Niềm vui lớn nhất trên đời là được làm việc - Tạp chí Đẹp

Koshika Kiyoshi: Niềm vui lớn nhất trên đời là được làm việc

Sống

Bước vào con hẻm đầu đường Nguyễn Văn Tráng (Q.1, TP.HCM), bạn sẽ bắt gặp một căn nhà vách gỗ có treo tấm biển “Curry Shika” – nơi anh Koshika Kiyoshi (tên thường gọi là Shika) làm việc và sinh sống cùng gia đình. Khi được hỏi điều gì khiến một người Nhật như anh yêu quý Việt Nam, Shika cười, đáp: “Bia rẻ, nhiều loại rau thơm, cà phê rất ngon và cuộc sống dễ thở!”.

Nơi ở, nơi làm việc

Đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, Shika đã phải lòng vùng đất xinh đẹp này. Mỗi năm anh đều quay lại Việt Nam và đến một ngày thì có ý muốn định cư tại đây. Năm 2010, khi đọc được một nghiên cứu rằng người Việt Nam thích ăn cà ri với bún hoặc bánh mì hơn là ăn với cơm như người Nhật, và cũng nhận thấy rằng ở Việt Nam chưa có nhà hàng nào chuyên về cà ri chuẩn Nhật, Shika cùng vợ của anh đã quyết định mở tiệm “Curry Shika”.

Nhà hàng nhỏ xinh, ấm cúng của anh cũng chính là nơi cả gia đình bốn người sinh sống. Tầng một là không gian tiếp đón khách với mấy bộ bàn ghế bằng gỗ và tre. Tên cửa tiệm lấy theo họ Shika có nghĩa là “con hươu nhỏ” nên trong nhà có nhiều hình vẽ con hươu trên những tấm vải treo tường. Ngoài ra, tường nhà còn đầy ắp những món đồ kỷ niệm do gia đình sưu tầm hoặc được khách tặng. Tầng hai là khu vực sơ chế với một dàn bếp ga chế biến thức ăn. Tầng ba là không gian riêng của gia đình.

Nguyên tắc của người đầu bếp

Shika phục vụ cà ri dùng kèm với cơm. Cà ri anh nấu được phủ thêm phô mai phía trên, có mùi vị đậm đà. Chỉ cần nếm một miếng, bạn sẽ cảm nhận được ngay tâm huyết của người đầu bếp qua từng tầng vị ngọt, mặn, béo, chua, cay, tất cả hòa quyện với nhau nhờ việc sử dụng nguyên liệu tươi và cách nấu chậm nhiều giờ. Shika tìm nguồn cung tốt cho từng loại gia vị như tiêu, ớt, gừng, nghệ… để tự làm bột cà ri. Bột này anh chỉ làm hai lần mỗi năm, cất vào vại, dùng dần.

Shika nấu mỗi nồi cà ri suốt ba ngày ba đêm. Khi bán gần hết, anh sẽ nấu mẻ mới. Sau mỗi lần, phần cốt cà ri cô đặc dưới đáy nồi luôn được anh giữ lại để cho vào mẻ sau.

Anh mua thịt vào buổi sớm mỗi ngày. Để tìm được nguồn nguyên liệu uy tín cần có một nguyên tắc nghiêm ngặt. Cụ thể, anh mua thịt cùng một nơi liên tục trong nhiều ngày, chỉ cần một ngày thịt không ngon, anh sẽ đổi sang hàng khác.

Niềm vui được làm việc

Những tưởng phải là một đầu bếp chuyên nghiệp mới có đủ kiên nhẫn và sự khắt khe dành cho việc bếp núc như vậy. Nhưng thực chất, trước khi cùng vợ mở nhà hàng này, Shika là một kĩ sư. Anh chỉ bắt đầu học nấu ăn từ khi quyết định mở tiệm. “Và cho đến tận bây giờ, anh ấy cũng chỉ nấu mỗi món cà ri thôi. Món tráng miệng do tôi và các phụ bếp cùng làm”, Phương Yên, vợ của Shika chia sẻ.

Trước khi mở tiệm cà ri, hai vợ chồng đã trở về Nhật, ăn thử tất cả các tiệm cà ri mà họ được giới thiệu. Tiếp đến là chuỗi ngày liên tiếp nấu thử và ăn thử, hai vợ chồng cùng phân tích để chỉnh sửa công thức. Cho đến tận khi mở cửa đón khách, Shika vẫn không ngừng đọc tài liệu tham khảo. Bị khách chê, anh không buồn mà tiếp tục nghiên cứu để cải tiến.

Những năm đầu tiên, “Curry Shika” không được nhiều người biết đến vì Shika không chủ động quảng bá rộng rãi, chủ yếu là khách tự truyền tai nhau. Ngạn ngữ Nhật có câu “Ngồi trên đá cũng phải hết ba năm”, Shika luôn tự nhắc bản thân rằng cho dù có gian nan, khổ sở đến mấy cũng phải cố gắng và nhẫn nại.

Chị Yên kể, vào giai đoạn khủng hoảng nhất, chị bàn với anh cho thuê mặt bằng tiệm, thu nhập sẽ tốt hơn việc kinh doanh. Anh hỏi một câu khiến chị không thể nào không ủng hộ lựa chọn của anh: “Có tiền rồi, sau đó mình sẽ làm gì?”. Đối với anh, niềm vui lớn nhất khi sống trên đời chính là được làm việc, tự tay chăm chút cho những thứ mình yêu.

“Khi còn là một kĩ sư, tôi có cơ hội tiếp xúc với những người ở nhiều quốc gia khác nhau, lúc đó tôi mới nhận ra là người Nhật rất khác biệt. Còn như đa số người Nhật Bản, tôi không cảm thấy mình có gì đặc biệt. Người Nhật luôn làm việc say sưa vì đó là điều chúng tôi muốn. Chúng tôi thấy cuộc đời ý nghĩa khi được làm việc”, Shika chia sẻ.

Kết nối trong yên lặng

Một cánh cửa nối với gian bếp chính dẫn vào khu vực kho. Tại đây, Shika kê bàn làm việc cạnh bên kệ sách để tiện việc nghiên cứu trong lúc không bận nấu ăn cho khách. Các loại sách anh đọc đa dạng chủ đề từ ẩm thực đến văn hóa, lịch sử, địa lý. Tối muộn, sau khi đóng cửa quán và chơi với các con, anh thường ngồi một mình tại chiếc bàn này, uống rượu sake và xem ảnh gia đình. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh đó, vợ anh đều cảm thấy xúc động. “Mọi suy nghĩ, hành động của anh Shika trong đời sống đều thẳng thắn, trực diện đến tận cùng, tạo cho mình cảm giác cực kỳ an tâm”, Yên nói.

Anh chị đặt tên cho hai cậu nhóc là Koshika Sei và Koshika Shia. Koshika Sei mang ý nghĩa “chú hươu nhỏ chân thành”, Koshika Shia mang ý nghĩa “chú hươu nhỏ châu Á”. Hai cậu bé thường đọc sách, chơi đùa cùng nhau trong yên lặng. Những bữa ăn của gia đình Shika cũng thường diễn ra trong sự tĩnh lặng vì người Nhật quan niệm rằng như vậy mới có thể thưởng thức trọn vẹn mùi vị thơm ngon của từng hạt gạo, miếng thịt, cọng rau, qua đó có thể bày tỏ lòng biết ơn với người nấu và những người gián tiếp mang đến cho ta một bữa ăn no bụng.

Shika thích nấu cho gia đình những món ăn đơn giản như cơm gà trứng oyakodon vào ngày nghỉ. Cảm giác đó rất khác với khi anh nấu ăn cho khách – thoải mái hơn, món ăn ngon hay dở cũng không quan trọng, quan trọng là có thể chia sẻ bữa ăn cùng nhau. Thỉnh thoảng, anh đóng cửa hàng để cùng gia đình đi đâu đó. Kể cả những lúc kinh tế có phần eo hẹp, họ vẫn vui vẻ cùng nhau leo lên một chiếc xe buýt đi quanh thành phố. Đi đâu không quan trọng, miễn là khoảng thời gian đó họ dành trọn cho nhau.

FEATURE: PERFECT DAYS

Trong bộ phim “Perfect Days” của đạo diễn Wim Wenders, nhân vật chính Hirayama là một công nhân lau dọn nhà vệ sinh công cộng. Mỗi ngày, ông lặp lại lịch trình quen thuộc: làm việc, nghe nhạc, đọc sách, chụp ảnh, chăm sóc cây cối, thi thoảng dạo bước trên đường phố và ghé vào một quán ăn bình dân. Đơn giản vậy thôi nhưng Hirayama vui và tâm huyết với từng việc mình làm. Vì ngày nào cũng giống nhau nên ngày nào với ông cũng là ngày hoàn hảo.

Phim ảnh thường chắt lọc những góc khuất đẹp đẽ của đời sống. Mỗi ngày, bước chân ra khỏi cửa, chúng ta cũng rất dễ bắt gặp những con người bình dị đang tận hưởng “những ngày hoàn hảo” giống như Hirayama. Đó có thể là một người đầu bếp cần mẫn nấu đi nấu lại một món ăn, một nhân viên chăm sóc thú lặp đi lặp lại lịch trình quen thuộc, một nghệ sĩ opera hát đi hát lại những bản nhạc kinh điển đã ra đời cách đây vài thế kỷ… Hạnh phúc luôn có thể được tìm thấy ngay tại giây phút mà ta đang hiện diện. Những ngày hoàn hảo chính là những ngày mà ta sống trọn vẹn với những gì mình có.

Nội dung: Lê Ngọc – Ảnh: Nguyễn Ngọc Ánh – Minh họa: Nha Đam

Đọc thêm:
Koshika Kiyoshi: Niềm vui lớn nhất trên đời là được làm việc
Nghệ sĩ opera Thế Huy: Làm nghệ thuật để luôn tiến về phía trước
Ngày bình thường của anh chăm sóc thú ở Thảo Cầm Viên

Tác giả: Lê Ngọc

02/07/2024, 17:30