Cảnh sắc tuyệt đẹp và… có một vua Khỉ giống con người
Cảnh sắc chân thực là điều khán giả sẽ cảm nhận khi xem “KONG: Skull Island”. Với khán giả Việt, họ dễ dàng nhận ra hình ảnh của Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình qua từng phân cảnh, kể từ phút thứ 20, khi Vịnh Hạ Long hiện ra từ trên cao, trong ánh mắt ngạc nhiên của nhóm thám hiểm vừa vượt qua cơn bão để vào được vùng lãnh thổ trên không của hòn đảo, bắt đầu một cuộc thám hiểm đầy gian nan phía trước.
Vua khỉ, những quái thú khổng lồ dần dần hiện diện trên nền thiên nhiên hùng vĩ ở Ninh Bình gây ấn tượng hơn cả. Những quả núi xếp liền kề có kích cỡ tương đương linh trưởng đã tôn lên sức mạnh của nhân vật chính và tạo ấn tượng về thị giác. Những đúp quay từ trực thăng tạo ra đại cảnh với những quả núi liền kề xếp lớp xen giữa các hồ nước, phủ màu xanh mướt của cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ nhưng cũng rất thân thiện, mang tính ẩn dụ về nhân vật chính – King Kong.
Nhiều đại cảnh được tạo ra bằng các đúp quay như thế đã phác thảo một không gian thơ mộng tráng lệ của cảnh sắc Việt Nam. Điều quan trọng, cảnh sắc tự nhiên ấy tự nó tạo ra sự kỳ vĩ, không cần đến kỹ xảo khiến cho mọi sự xuất hiện của quái thú sau đó trở nên chân thực. Vì thế, có lẽ đây là lần đầu tiên con người thấy vua Khỉ gần gũi với họ như thế. Sự chân thực của cảnh sắc đã góp phần không nhỏ cho cảm giác ấy của người xem. Khán giả dần thấy đạo diễn Jordan Vogt-Roberts có lý khi anh muốn tạo ra một linh trưởng khổng lồ không chỉ là một quái thú giết chóc mà sở hữu nhiều đặc tính người với suy nghĩ, tư duy, tình cảm hệt như một con người, điểm khác biệt so với những phiên bản vua Khỉ trước đó.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam lên màn ảnh Hollywood, Việt Nam từng là bối cảnh của “Người Mỹ trầm lặng”, “Indochine”, đặc biệt Hạ Long và Quảng Bình từng trở thành không gian của câu chuyện giả tưởng của “Pan” (năm 2015). Nhưng lần này núi non, sông suối trùng điệp của những danh thắng Việt lần đầu trở nên mãn nhãn và chân thực trong những đúp quay của “KONG: Skull Island”. Dẫu những cảnh sắc ấy (khoảng 70% bối cảnh của Việt Nam cùng các phân cảnh ở Hawaii (Mỹ) và Australia hợp thành không gian trọn vẹn của một hòn đảo hư cấu Nam Thái Bình Dương) chỉ là một bức tranh minh họa cho “KONG”, tạo ra sự mãn nhãn đầy tính giải trí trong phút chốc với khán giả mà không đọng lại gì nhiều, thì với nhiều người Việt, đó cũng là những giây phút xúc động không nhỏ vì một giấc mơ đã tồn tại trong họ từ quá lâu: bao giờ Việt Nam có thể quảng bá về chính mình như thế.
Những ngôi làng thổ dân trong phim được tạo dựng ở đầm Vân Long trong thung lũng Ninh Bình giữa những hòn núi im lìm xếp bên cạnh dòng sông lớn đã vẽ tạo ra một xứ xở vừa yên bình, vừa lạ lẫm và kỳ bí. Cũng lần đầu tiên hàng trăm khuôn mặt Việt Nam xuất hiện trên màn hình Hollywood, dẫu họ mang khuôn mặt vằn vện của thổ dân và chẳng được nói tiếng nào, nhưng cũng tạo ra những lao xao về cảm xúc trong lòng người Việt xem phim.
Và những điều đáng tiếc…
Sau những hân hoan của một người Việt chờ đợi, đối diện với tác phẩm như một bộ phim điện ảnh, “Kong: Skull Island” đã không mang đến cảm giác thăng hoa thực sự ở người xem. Bởi đối với một tác phẩm điện ảnh được kỳ vọng, đặc biệt đối với khán giả trung thành của những quái thú trong suốt quãng thời gian dài qua, sự tái sinh của vua Khỉ dưới bàn tay đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã bộc lộ sự xuống tay khi so với phiên bản đậm chất sử thi ra mắt năm 2005 của Peter Jackson.
Điểm hấp dẫn nhất ở “Kong: Skull Island” vẫn là ở những màn đấu long trời lở đất giữa một tinh tinh khổng lồ với các đối thủ có tầm vóc tương tự, ở đó con người chỉ là nhân vật phụ chứng tỏ cho sự khốc liệt của những giống loài tưởng như đã tuyệt diệt từ triệu năm. Những màn đấu sinh tử của phần cuối phim của vua Khỉ với những đòn đánh điệu nghệ, sự xuất hiện bất ngờ và liên tiếp của những quái vật hung dữ vẫn gây hiệu ứng thót tim với khán giả.
Nhưng với 180 triệu đô cùng dàn diễn viên sáng giá như Tom Hiddelston, Brie Larson, Samuel L. Jackson….. ở rất nhiều phân cảnh trong phim khán giả phải thốt lên câu hỏi: họ xuất hiện ở đây để làm gì, chứng tỏ sức đuối của đạo diễn trong việc triển khai ý đồ kịch bản. Ngay cả vai diễn nhà báo Mason (do nữ minh tinh Brie Larson – người từng sở hữu tượng vàng Oscar) không ít lần khiến khán giả cười ồ với hành động liên tục chụp hình những gì cô thấy trước mặt, nhưng không hề mang về một ý nghĩa nào sau đó. Có thể thấy rõ bộ ba tuyến nhân vật: Vua Khỉ – đại úy James Conrad và nhà báo nữ Mason Weaver đã không cân sức. Sự nhạt nhòa đáng tiếc lại thuộc về tuyến nhân vật: con người.
Chi tiết thừa, hoặc chi tiết không được đẩy lên tới cực điểm đã ít nhiều giảm đi tinh thần chiến đấu sống còn, không phác họa rõ tính cách của ba tuyến nhân vật trong phim. Cuộc chiến giữa họ cuối cùng đã được biểu đạt bằng phần kết của phim nhưng nó không mang lại cảm xúc hồi hộp nào, ngược lại chỉ là những diễn cảnh đầy tính minh họa.
Đối với một khán giả đến xem “KONG: Skull Island” vì giải trí có thể hài lòng với sự mãn nhãn của những trận chiến của quái thú và cảnh sắc trong phim, nhưng với những khán giả chờ đợi một điều gì sâu hơn trong cảm xúc, họ đã ít nhiều thất vọng. Đáng nói, những cảm xúc đó hoàn toàn có thể đạt được trong bộ phim này nếu đạo diễn dụng công thêm chút nữa.
“Kong: Skull Isaland” bắt đầu ra mắt khán giả Việt Nam từ 10/3.