Sắc đẹp có phải là hàng hóa hay không? Trả lời câu này không chỉ cần kiến thức của một nhà kinh tế học, mà còn xã hội học, đạo đức học và… giả đạo đức học.
Tôi thì hình như không phải là một trong những nhà đó, cho nên tôi có quyền đáp một cách “thiếu suy nghĩ”: sắc đẹp là hàng hóa! Ai muốn la ó thì la!
Giả sử có hai cô gái tuổi như nhau, trình độ như nhau và… trong sáng như nhau cùng đóng một đoạn phim quảng cáo như nhau thì chắc chắn cô đẹp hơn sẽ được trả thù lao cao hơn (nếu không nói rằng sẽ loại hẳn cô kia).
Ví dụ như thế đã chính xác chưa nhỉ? Cái đấy tùy các bạn xem xét. Nếu bản chất của hàng hóa là:
1. Có giá trị trao đổi (tôi không dám dùng từ mua bán. Tôi nhát gan).
2. Có giá trị tiêu dùng.
3. Có thể quảng cáo (tính chất này mới nảy sinh)
4. Có thể buôn lậu.
5. Có thể tàng trữ.
6. Có thể mất giá và hư hỏng.
7. Có thể làm giả.
Thì sắc đẹp đều mang đủ các đặc điểm đó. Ngoài ra, còn một vài đặc điểm chỉ riêng nó mới có như:
1. Không thể sản xuất hàng loạt (chả có đất nước nào toàn là hoa hậu).
2. Không thể tiêu chuẩn hóa: Một hoa hậu ở châu Phi có thể được coi là con ma ở châu Á và ngược lại.
3. Không tăng giá trị theo thời gian (nhiều thứ càng cổ càng tốt, riêng người đẹp đâu thế).
4. Có thể phản bội chủ (một cục kim cương trên cổ bạn sẽ chẳng làm hại bạn, một cô bồ đẹp của ta có thể sẽ hại ta).
Vân vân và vân vân.
Nhưng tôi viết điều này ra để làm gì? Để một số người đọc, sau đó một số người sẽ phản đối và một số người sẽ đồng tình. Hai bên cãi nhau quyết liệt (như Viettel và VNPT)
Song sẽ có một nhóm người không quan tâm tới những lý luận ấy. Họ kinh doanh!
Sự kinh doanh sắc đẹp là có thật. Nó diễn ra mọi lúc mọi nơi. Người ta dùng người đẹp làm bìa báo, người ta dùng người đẹp để bán hàng, người ta dùng người đẹp để bán đủ cái đẹp và đủ cái … xấu mà người ta cương quyết bảo là đẹp!
Nói cho cùng, nghề tổ chức thi sắc đẹp không có gì tệ. Đáng trân trọng là khác. Nhưng ở đây, có một số anh đã đi quá xa. Những anh ấy chỉ dùng các cuộc thi để hợp thức hóa các tham vọng của mình về tài chính, về địa vị và về… nhan sắc. |
Từ xe hơi cho tới xà phòng, từ thuốc đánh răng hay… thuốc trừ sâu, sắc đẹp luôn làm tăng giá trị sản phẩm. Tăng cả khi tưởng như không còn tăng được nữa (uống bia trúng ô tô là tột đỉnh rồi, tột đỉnh hơn là còn được đứng cạnh người đẹp cùng với cái ô tô ấy!).
Rõ ràng sắc đẹp trở thành một chất phụ gia không thể thiếu, đôi khi chất phụ gia còn trở thành “chính gia”. Không gọi đó là sản phẩm thì gọi là gì? Đến mức, một công ty bán vũ khí ở Thụy Điển còn quảng cáo súng tiểu liên do người đẹp cầm.
Thú thực tôi chả hiểu như vậy có nghĩa là phụ nữ thích đàn ông có súng hay đàn ông chỉ thích súng khi có phụ nữ đeo (những khẩu súng này được lính tráng mua nhiều hay không thì chả biết, song chắc chắn là trái đất chưa có một ngày hòa bình).
Các sự kinh doanh ấy không những phong phú, đa dạng, muôn hình vạn trạng, ngày càng phát triển mà hình như còn rất khó chống lại.
Mà chống lại để làm gì? Để tỏ ra “đứng đắn” ư? Hỡi những độc giả đứng đắn, nếu tạp chí này, thay vì tên “Đẹp”, đổi thành tên “Xấu” hoặc tên “không xấu – không đẹp” thì các bạn có mua không? Cho dù bài vở bên trong vẫn giữ nguyên. Tôi thì không!
Nhưng điều đáng lưu ý ở đây là sắc đẹp chẳng thể có mặt xấu (một cô hoa hậu bây giờ được xem xét cả hai mặt: bên trong, bên ngoài, sau lưng và dĩ nhiên, đằng trước).
Nhưng kinh doanh sắc đẹp thì có những mặt xấu và rất xấu, khác hẳn với ngành kinh doanh khác. Nổi bật là mặt đạo đức giả!
Tôi có thể cam đoan rằng trong mọi cuộc thi sắc đẹp, dù cấp phường hay cấp toàn cầu, Ban giám khảo cũng do đàn ông chiếm đa số.
Tại sao ư? Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ được mời vào đấy (như đa số những người tầm thường, nếu được mời thì giọng lưỡi của tôi đã khác).
Đàn ông chẳng phải chỉ giám khảo không. Đàn ông còn tổ chức, còn tài trợ, và còn cấp phép cho các cuộc thi người đẹp nữa. Ai không tin thì cứ mở hồ sơ ra xem.
Trong những người đàn ông này, rất nhiều người đáng kính, rất nhiều người chưa đáng kính nhưng cũng đáng nghe vì họ có chuyên môn.
Và rất nhiều anh bịp bợm. Những anh đó thường có vẻ ngoài sang trọng, có tài sản hoặc luôn luôn úp mở là mình có tài sản. Nhưng điều chắc chắn là có quen biết. Nếu có thêm tý bằng cấp nữa thì càng tiện.
Các anh này chỉ có mỗi một việc, từ lúc nọ tới lúc kia, nghĩ ra các cuộc thi người đẹp, chạy các nguồn tài trợ và các giấy phép. Nhân thể, cơ cấu nốt ban giám khảo.
Nói cho cùng, nghề tổ chức thi sắc đẹp không có gì tệ. Hay nói đúng hơn, tất cả những gì có tính phát hiện, lưu giữ, phát triển và bảo tồn cái đẹp đều không thể xấu được. Đáng trân trọng là khác.
Nghề tổ chức các cuộc thi người đẹp có giá trị chẳng kém gì nghề truy quét người xấu. Tìm được một cô hoa hậu cũng vĩ đại như tìm được một quy luật tự nhiên.
Nhưng ở đây, có một số anh đã đi quá xa. Những anh ấy chỉ dùng các cuộc thi để hợp thức hóa các tham vọng của mình về tài chính, về địa vị và về… nhan sắc.
Nói cụ thể, gọi là thi, chứ các anh đưa “gà” của bản thân hoặc đưa “gà” của nhà tài trợ, và nếu không thế, cố gắng biến những thí sinh “cứng cổ” thành… gà.
Rất nhiều tiếng xì xào đã lan truyền trong nhiều cuộc thi nhan sắc, và rõ ràng không phải tất cả đều sai. Một cô gái trông vào sắc đẹp cao để đoạt giải cũng ngây thơ như một doanh nghiệp trông vào giá thành thấp để trúng thầu. Cả hai đều bấp bênh như nhau.
Phải lành mạnh hóa các cuộc thi người đẹp, có thể đấy không phải là yêu cầu khẩn thiết của xã hội (bởi nói chung, với đa số đàn ông hiện nay sắc đẹp vẫn còn quá xa xỉ) nhưng ít ra, là yêu cầu chính của các người đẹp và phụ huynh của họ.
Chân dung các anh bợm trong “thị trường” người đẹp cũng rất dễ nhận biết. Các anh ấy thường “nổ” và “sến”. Đồng thời hay pha một chút “dễ thương”.
Và thêm một điều này: Các anh ấy không trẻ và không… đẹp!