Kim Oanh: Thư giãn trong kinh doanh là điều không tưởng

Kim Oanh là hoa khôi thể thao đầu tiên của Việt Nam, và là chủ của chuỗi nhà hàng Wrap & Roll với 8 chi nhánh ở Tp.HCM và ba chi nhánh nhượng quyền tại Singapore. Là giám khảo nữ duy nhất trong cuộc thi này, Kim Oanh chia sẻ rằng chị mang tới nguồn cảm hứng mới cho các thí sinh. 

– Như chị từng chia sẻ, lúc nấu ăn là thời điểm riêng tư và thư giãn nhất. Việc nấu ăn cho người thân, và việc nấu ăn cho khách hàng, với cá nhân chị có sự khác nhau như thế nào? 
– Nhà hàng của tôi là một hệ thống với 8 nhà hàng tại Tp.HCM và Hà Nội với hơn 150 nhân viên, một ngày chúng tôi phục vụ trên 1,000 khách hàng với chuẩn mực nhất định theo một thực đơn độc đáo là các món gói và cuốn Việt. Đây là một công việc đòi hỏi niềm đam mê trong ẩm thực lẫn kinh doanh. 
Còn việc thư giãn trong kinh doanh là điều không tưởng. Tôi cân bằng được việc giám sát chất lượng và kiểm duyệt món ăn của nhà hàng với thú vui nấu nướng trong gian bếp nhỏ của gia đình. Điều đó khiến tôi luôn giữ sự hứng thú để vào bếp sau giờ làm việc.

– Các món ăn trong nhà hàng của chị rất đơn giản trong cách chế biến, có lẽ món ăn ngon chủ yếu nhờ việc chọn nguyên liệu. Chị khó tính và kỹ lưỡng ra sao với công đoạn này?

– Phong cách nấu nướng của các nền ẩm thực lớn trên thế giới thường không hề phức tạp. Ví dụ các món của vùng Địa Trung Hải thật tuyệt, nguyên vật liệu luôn rất tươi và mùa nào thức ấy mang đặc trưng của từng vùng miền. Cốt lõi là ở sự hài hòa và tươi ngon về nguyên liệu. 
Đặc trưng của món ăn nhà hàng tôi là sự tươi ngon và tinh tế trong khâu lựa chọn nguyên liệu và pha chế gia vị. Một điểm đặc biệt khác nữa là 10 loại nước chấm đi với các món cuốn. Tuy nhiên, để làm nên thành công của một chuỗi nhà hàng thì sự tìm tòi cái mới kèm theo tính đồng bộ và ổn định về chất lượng là điểm mạnh của mô hình kinh doanh của chúng tôi. 

– Đồ ăn trong nhà hàng của chị đơn giản và tinh tế, nhưng để tạo được điều ấy thì cần không ít nguyên tắc. Chị có thể chia sẻ đó là những nguyên tắc nào? 

– Nguyên tắc không nhiều, tôi nghĩ chỉ có một nguyên tắc là giữ kỷ luật và duy trì tốt các quy tắc của quy trình chế biến. Yếu tố đầu tiên là nguyên liệu đầu vào, cách nấu càng đơn giản thì nguyên liệu càng cần phải tươi. Khâu lưu trữ và bảo quản nguyên liệu rất nghiêm khắc. Bên cạnh đó, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng nhân viên giám sát cũng luôn được chú trọng.



– Món Việt ngon và nổi bật nhưng không xuất khẩu được nhiều, theo quan sát của tôi, đồ ăn Việt chủ yếu hiện diện ở trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, chị có tìm hiểu nguyên nhân?

– Cộng đồng người Việt ở nước ngoài chưa trải rộng ra nhiều nước, chưa kể do tính chất lịch sử và xã hội, chúng ta thường tập trung thành từng cộng đồng lớn riêng biệt tại một số nước. Trong khi đó, sự đầu tư vào các nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài chưa thật sự đến nơi đến chốn. Điều đó dẫn đến việc chúng ta bị lép vế hơn so với các nền ẩm thực trong cùng châu lục như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, và thậm chí là Malaysia. 

Vì vậy, chúng ta cần có thêm nhiều đại sứ của ẩm thực Việt là các nhà hàng Việt chuyên nghiệp, kinh doanh thành công trên nhiều quốc gia và nhắm tới đối tượng khách hàng là dân cư địa phương. 

– Nhưng dù món Việt xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng chúng ta vẫn không “xuất khẩu được văn hóa” như Nhật Bản đã làm được sushi, Hàn Quốc làm được với kim chi? 

– Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tới một sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân trong một “chiến dịch” được truyền thông mạnh mẽ. Ẩm thực cũng có trào lưu của nó. Đồ ăn Nhật tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, đặc biệt ở các nước châu Á. Chúng ta đi đâu cũng thấy có nhà hàng Nhật mọc như nấm, mà tại Singapore và Thái Lan là một điển hình. 

Tôi tin với trào lưu ăn uống dinh dưỡng thì món ăn Việt Nam sẽ tạo nên một trào lưu mới so với sự nhen nhóm hiện nay của đồ ăn Thái, nền ẩm thực có nhiều điểm khá tương đồng về gia vị với Việt Nam, đặc biệt là nền ẩm thực của miền Nam nước ta. Tuy nhiên, đồ ăn của chúng ta dinh dưỡng hơn, ít bị ngọt và mặn, gia vị tinh tế, nhẹ nhàng và dễ ăn hơn rất nhiều. Chưa kể đến tính chất địa lý và lịch sử đã tạo sự đa dạng về các món ăn trải dài từ Bắc vào Nam. 

Tôi ước mong sẽ có một “chiến dịch” nào đó được khởi xướng. 

– Khi xuất khẩu món Việt ra thế giới, chị muốn giới thiệu triết lý nào, nét văn hóa nào đi cùng?

– Tôi đang làm mọi thứ trong khả năng cho phép của mình ở ba nhà hàng nhượng quyền của Wrap & Roll đã được khai trương tại Singapore trong vòng 18 tháng qua. Món ăn Việt Nam mang tới một hơi thở mới, với các loại bánh tráng, bánh ướt trắng từ bột, bún và các loại nước chấm đặc biệt. Trong đó, thực đơn các món cuốn đặc trưng của ba miền bao gồm món cuốn sẵn và các món tự cuốn, cùng sự kết hợp tuyệt vời với các loại nước chấm. Đó chính là một phong cách ăn uống rất đặc biệt kèm theo sự tinh tế và hài hòa của các món ăn. 

– Chị là giám khảo nữ duy nhất trong cuộc thi này. Theo như chia sẻ trên báo chí, chị sẽ mang tới nguồn cảm hứng cho các thí sinh. Ngoài ra là những điều gì, thưa chị? 

– Tôi tới với MasterChef Việt Nam để được chứng kiến không khí tuyệt vời mà chính niềm đam mê nấu nướng và ước muốn vươn lên của các thí sinh mang lại. Chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho nhau. 

Tôi tin với những nhận xét chân thành và cách động viên khích lệ các thí sinh của cá nhân tôi sẽ phần nào giúp các thí sinh thấy thêm sự đa chiều trong quá trình thực thi công việc của mình để các bạn tự làm cho hành trình trong gian bếp MasterChef Việt Nam mùa thứ hai trở nên đáng nhớ hơn bao giờ hết. 

– Xin cảm ơn những chia sẻ của chị! 

Hoa Đường (thực hiện)

Ảnh: MasterChef Việt Nam


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Chef Phạm Tuấn Hải: “Đam mê, hi sinh và chăm chỉ chính là những yếu tố mà bất cứ ai muốn theo nghề bếp phải hiểu rõ. Nếu không thì bạn sẽ mãi chỉ là một người biết nấu ăn đơn thuần mà thôi.”



From the same category