Kiều Trinh: Lọ lem chân đất

Không biết vô tình hay duyên số, phim đầu tiên Kiều Trinh đóng là “Mùa len trâu” – một tác phẩm khiến cả người làm và người xem đều phải căng sức ra. Trong phim, Kiều Trinh như một bà nông dân. Kiên cường, cứng cỏi và gai góc, Kiều Trinh khai phá mảnh đất đầy kỳ lạ và hoang sơ của điện ảnh.

a-2

Có lẽ chính Kiều Trinh cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một diễn viên. Cho nên với váy đầm, phấn son, xe hơi, dạ hội,… nàng luôn ngơ ngác, vụng về và bỡ ngỡ.
Hình ảnh duy nhất nàng tạo ra là vẻ chất phác và chân thành. Giao một vai diễn cho nàng, chả khác gì giao thửa ruộng cho chị nông dân khỏe mạnh và hăng say, thế nào cũng được hoàn thành, thế nào cũng được thu hoạch đầy đủ và ngon lành – không bóng bẩy, không có chim hót líu lo nhưng chồn cáo cũng chả bao giờ dám bén mảng.

Tiếp xúc với Kiều Trinh – tất cả đều có cảm giác quý mến, sau đó là nể phục và sợ hãi.

Quý mến vì nàng quá giản dị từ trang phục, đầu tóc tới ăn nói, như thể ta đang gặp một bà chị thân quen ở dưới quê lên, mang cho ta con gà với ký gạo mới. Nể phục vì nghe những điều nàng từng trải qua, những vất vả nàng đã đối diện trong cuộc đời khiến ta toát mồ hôi, run lên bần bật. Còn sợ hãi vì nếu trong các hoàn cảnh ấy mình đã nát nhừ từ lâu, vậy mà chả hiểu sao Kiều Trinh vẫn sống.

Điều vừa đáng ngạc nhiên vừa đáng khổ tâm là dù thật thà, Kiều Trinh cứ bị hết tai vạ này đến tai vạ khác. Tình yêu liên tiếp tan vỡ, bị lừa tiền nhiều lần đến mức khán giả tự hỏi phải chăng chính điện ảnh cũng đang lừa nàng nốt.

Có thời Kiều Trinh từng làm quản lý quán bar. Mà ai chả biết quản lý quán bar thì không phải sư tử cũng là cọp beo, hàng đêm ăn thịt biết bao nhiêu khách và nhân viên. Nhưng Kiều Trinh làm quản lý kiểu quái nào mà cuối cùng chính nàng bị xơi tái.

a-1

Về nhan sắc, Kiều Trinh có một vẻ đẹp rất khác lạ. Da bánh mật, tóc đen dày, thân hình đầy sức sống và đặc biệt nhất là cặp mắt vừa sâu thẳm vừa đượm buồn. Đàn ông trẻ nhìn thấy nàng hốt hoảng bỏ chạy, đàn ông trung niên nhìn thấy nàng đờ đẫn tức khắc, còn đàn ông già nhìn thấy sẽ đập đầu vào tường để căm thù tuổi tác. Do đó, Kiều Trinh cả đời hầu như chỉ va vấp với đàn ông trung niên, hết lần này đến lần khác, và tuyệt vời ở chỗ là dù tình yêu có kết thúc ra sao, Kiều Trinh hầu như chỉ tự trách mình, không khi nào mở miệng oán trách ai cả.
Đã tưởng mọi thứ đã xong xuôi, điện ảnh đã lấy đi và đã cho Kiều Trinh tất cả thì đùng một cái thiên hạ ngã ngửa khi thấy con gái Kiều Trinh đi đóng phim. Cô bé thừa hưởng tất cả những gì ở mẹ và nhân lên gấp hai lần cả về tài năng lẫn sắc đẹp. Vẻ như lại một lần nữa, Kiều Trinh không hề đề phòng, không hề lo lắng, quyết chiến với điện ảnh một trận đánh lớn cuối cùng. Bà con nín thở, cầu mong cho nàng chiến thắng.

Nếu điện ảnh không có Kiều Trinh, sẽ chẳng khác nào mảnh đất có hoa, có cỏ, có ánh trăng và hương thơm nhưng không có máy cày.

Bài: Lê Hoàng

Leave a Comment


From the same category