Cùng triết lý tôn vinh vẻ đẹp tuyệt sắc của thế giới trên những kiệt tác trang sức thủ công tinh xảo được gìn giữ bao đời, BST Beautés Du Monde đưa giới mộ điệu du ngoạn đến miền ký ức tươi đẹp của anh em nhà Cartier để cảm nhận hết sự kỳ công của kỹ thuật chế tác truyền thống cùng những dấu ấn văn hóa độc nhất đến từ Nhật Bản.
Vòng cổ Ocelle: Niềm đam mê nghệ thuật Hồi giáo đã giúp Louis Cartier cảm nhận được quyền lực của màu xanh dương và xanh lá cây, sự kết hợp này đã trở thành một phần trong bảng màu của Cartier với tên gọi “họa tiết khổng tước”. Sợi dây chuyền còn điểm xuyết những đốm mắt đặc trưng của lông công hết mực sinh động, mềm mại. Đặc biệt, phần đá opal phía trên có thể tháo rời để đeo như một chiếc trâm cài.
Vòng cổ Splendens: Tác phẩm nghệ thuật này được làm từ các hạt spinel (đá tia lửa) được lựa chọn tỉ mỉ để có sự hài hòa về màu sắc và kích thước. Mỗi hạt được cố định trong một loại nắp vô hình, khi tiếp xúc với ánh sáng, phần bề mặt long lanh tựa như những tia nước lấp lánh trên vảy cá.
Vòng cổ Camail: Vào khoảng năm 1910, sự kết hợp màu giữa trắng, xanh lá cây và đen xuất hiện lần đầu tiên, và từ đó trở thành biểu tượng của Cartier. Màu đen của mã não, sơn mài và men mang lại độ tương phản và chiều sâu, đồng thời làm nổi bật họa tiết hình học đặc sắc, gợi nhớ đến phong trào Nghệ thuật Art Deco do Cartier khởi xướng.
Vòng cổ Obi: Lấy cảm hứng từ các loại vải Nhật Bản được trang trí với họa tiết mặt trời mọc, chiếc vòng cổ Obi tôn vinh văn hóa Nhật Bản, vùng đất đầy cảm hứng được Cartier trân trọng trong hơn một thế kỷ.