Lá cờ trắng, hay đơn giản là một miếng vải màu trắng, trở thành hình ảnh quen thuộc ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Malaysia. Những lá cờ này đã cho thấy sự kiệt sức của người dân và cả sự phẫn nộ đối với những ứng phó chậm chạp của chính phủ trong đại dịch.
Mặc dù 57% dân số Malaysia đã nhận mũi vaccine ngừa Covid-19, đất nước này vẫn đang chứng kiến số ca nhiễm leo thang trở lại. Chỉ trong ngày 26-8, Malaysia đã có tổng cộng 24.599 ca nhiễm mới. Và tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 15.200 ca tử vong được ghi nhận tại đây. Trước tình hình đó, lệnh phong tỏa toàn quốc ở Malaysia tiếp tục được thắt chặt ở Kuala Lumpur và bang láng giềng Selangor, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Đợt giãn cách này gắt gao hơn khi yêu cầu người dân một số khu vực không được rời khỏi nhà, chỉ trừ khi mua nhu yếu phẩm.
Thay vì cho thấy hiệu quả, người dân Malaysia đã đang tới hồi kiệt quệ. Tình trạng thiếu lương thực thuộc hàng báo động ở nhiều nơi. Jean Vanesha, thành viên của Challenger (một nhóm người trẻ hoạt động xã hội ở Malaysia) đã nói rằng: “Ngay cả những bà mẹ bầu chỉ được ăn một bữa một ngày, như thế thì con cái họ mới không bị đói lúc này”.
Chiến dịch #benderaputih (tạm dịch Chiến dịch treo Cờ trắng) ở Malaysia bắt đầu cùng lúc các vụ tử tự gia tăng ở nước này, được cho là có liên quan đến khó khăn kinh tế do đại dịch gây ra. Cảnh sát Malaysia cho biết đã xảy ra 468 vụ tự tử trong 5 tháng đầu năm, tương đương khoảng 4 vụ/ngày, tăng mạnh so với 631 vụ trong cả năm 2020.
Chiến dịch treo cờ trắng đã rầm rộ trên mạng xã hội suốt nhiều tuần qua, nhằm kêu gọi sự giúp đỡ cho nhóm người thu nhập thấp. Khi một lá cờ trắng xuất hiện, hàng xóm, người nổi tiếng hoặc các doanh nghiệp sẽ tìm đến giúp đỡ, bằng cách cung cấp lương thực và các nhu yếu phẩm. Nhiều hội nhóm facebook đã chia sẻ địa điểm những khu vực cần sự giúp đỡ. Ở đó, mọi người sẽ đăng tải hình ảnh thực phẩm hoặc nhu yếu phẩm có thừa, tình nguyện nhường lại cho những người đang thiếu.
Các doanh nghiệp ở Malaysia cũng không nằm ngoài chiến dịch. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng tiện lợi Econsave đã công khai kêu gọi sự lộ diện của “những chiếc cờ trắng” trên Facebook, người nào khó khăn thì tìm đến họ để có thể nhận được hỗ trợ. “Cũng ổn thôi nếu bạn nói mình không ổn”, Econsave viết trên website. Bằng cách cung cấp bữa ăn miễn phí cho những gia đình khó khăn, Awesome Canteen, hãng cà phê nổi tiếng ở Petaling Jaya là gương mặt tiếp theo tham gia chiến dịch này. Ngoài ra, những người nổi tiếng cũng là lực lượng hỗ trợ tích cực phải kể đến. Nổi bật như anh chàng rapper Altimet đã cặm cụi để lại lương thực phẩm trước cửa những nhà vẫy cờ trắng.
“Thật bất ngờ. Rất nhiều người đã đến giúp đỡ, ủng hộ và động viên tôi”, Mohamad Nor, một người lao động nghèo nói khi ngồi trước những túi gạo, dầu ăn, nước và bánh được ủng hộ. Anh vốn thuộc nhóm lao động hè phố, tàn tật và không thể trả nổi chi phí trong mùa dịch nên đã quyết định treo cờ trắng bên ngoài cửa sổ.
Australia James Chin, chuyên gia về châu Á tại Đại học Tasmania cho rằng phong trào treo cờ trắng ở Malaysia đã phản ánh sự tức giận của người dân đối với sự ứng phó kém của chính phủ trước đại dịch. Cụ thể, thủ tướng Muhyiddin Yassin vào đầu tuần này đã triển khai các gói hỗ trợ mới, bao gồm 150 tỉ ringgit (tương đương 36 tỉ đô) tiền mặt, áp dụng đối với các nhóm thu nhập thấp và trung bình. Đối với các diện rất nghèo, gói hỗ trợ sẽ là 1.300 ringgit (tương đương 312 ngàn đô) cho mỗi hộ. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post cho rằng gói hỗ trợ này “ít phát huy hiệu quả” vì tiền mặt chỉ đến tay người dân vào tháng 8 trong khi họ đang thực sự héo mòn rồi.
Kelvin Yii, một quan chức thuộc tổ chức liên hiệp Pakatan Harapan đã chỉ trích chính phủ Malaysia vì sự chậm trễ khi giúp đỡ người dân gặp khó khăn tài chính do đại dịch. Zuraida Kamaruddin, một bộ trưởng làm việc cho chính phủ Muhyiddin đã công khai ủng hộ phong trào cờ trắng trên tài khoản Twitter. Ngoài ra, còn có nhiều chỉ trích cho rằng chính phủ Muhyiddin đã ưu tiên sức mạnh chính trị thay vì sự sống còn của người dân. Như đổ thêm dầu vào những cáo buộc đó, Syahredzan Johan, thành viên của phe dân chủ tại nói rằng: “Các vị bộ trưởng là người nắm giữ quyền lực. Bây giờ mong họ hãy dùng quyền lực đó để người dân không phải vẫy cờ trắng nữa”.
Trước những chỉ trích đó, một quan chức cho rằng “người dân nên giơ tay hướng về Chúa thay vì giơ cờ trắng phản đối chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Lá cờ là tượng trưng cho sức mạnh và niềm lạc quan trước thử thách cuộc đời. Đừng dùng nó để thừa nhận thất bại khi bị thử thách”. Bình luận này ngay sau đó đã vấp phải phản đối gay gắt của người dân, họ cho rằng sự phục hồi của Malaysia đang ngày càng khó khăn hơn vì sự thiếu nhanh nhạy của nhà nước.
Wong, nhà khoa học chính trị, cho rằng rất khó đoán chuyện gì đang chờ đợi Malaysia phía trước, nhất là khi sự mệt mỏi về kinh tế đã được minh chứng bằng những lá cờ trắng phập phồng trên quốc gia này. “Làm sao để có thể cân bằng giữa kinh tế và sức khỏe? Làm sao quyết định được nhóm đối tượng nào đang cần giúp đỡ nhất? Tất cả đều không phải là câu hỏi dễ. Nhưng thật buồn bã khi ngay cả chính phủ cũng không trả lời được, họ thậm chí còn không có cả một phương án thay thế khả quan”, một bình luận trên mạng chia sẻ.