Kiếp đẻ thuê

Năm 1979, bác sĩ Richard M.Levin tiếp một cặp vợ chồng mà người vợ đã không sinh đẻ được từ nhiều năm. Khi được bác sĩ giải thích là mình không thể sinh đẻ, người vợ cho biết rất mong muốn có một đứa con của chồng, dù bản thân bà không mang thai.

Biết được nguyện vọng này, bác sĩ Levin mới nghĩ đến cách nhờ một phụ nữ khác đẻ giúp bằng cách thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng. Người mẹ mang thai hộ lần đầu tiên trên thế giới đó đã được một nhóm thầy thuốc và các nhà hoạt động pháp luật khám, tư vấn rất kỹ lưỡng. Sau đó, theo thỏa thuận giữa người mẹ mang thai hộ và cặp vợ chồng vô sinh, người ta đã tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của người chồng vào đầu năm 1980. Người phụ nữ mang thai hộ đã thụ tinh ngay tháng đầu tiên và 9 tháng sau bay trở lại Lousville để các bác sĩ gây chuyển dạ. Chỉ vài giờ sau, bà đã sinh được một bé trai khỏe mạnh để trao cho cặp vợ chồng đang mong đợi. 

Năm 1981, Hội hoạt động cho công nghệ mang thai hộ (Surrogate Parenting Associates) đã chính thức được thành lập ở bang Kentucky do bác sĩ Levin đứng đầu. Cho tới nay, Hội đã giúp đỡ hơn 500 cặp vợ chồng vô sinh và tất cả đều thành công, không hề gặp một rắc rối nào với người phụ nữ mang thai hộ trong khi mang thai hoặc sau khi đẻ.

Những phụ nữ Ấn Độ chuyên mang thai hộ tại phòng khám Anand Surragoccy bang Gujarat

Du lịch sinh con

Ở Ấn Độ hiện nay, mang thai hộ hay còn gọi là đẻ mướn là một “ngành kinh tế” đang phát triển mạnh. Hiện tại ở Ấn Độ có khoảng 1000 phòng khám chuyên cung cấp dịch vụ đẻ mướn cho khách du lịch nước ngoài tới Ấn Độ với tên gọi du lịch chữa bệnh. Năm ngoái có hơn 2000 đứa trẻ ngoại quốc ra đời tại Ấn Độ. Anh hiện đang là thị trường lớn nhất của dịch vụ để mướn, chiếm hơn 50% tổng số ca mang thai hộ tại Ấn Độ. 

Tình trạng đẻ mướn ở Ấn Độ hiện đang phát triển nở rộ gây chú ý giới báo chí truyền thông rất mạnh. Tờ Sun Herold ở Úc cho biết Ấn Độ hiện là nơi đang tiếp nhận rất nhiều du khách đến từ Âu châu và Anh quốc muốn có con bằng cách thụ thai nhân tạo. Những mẫu quảng cáo nhan nhản trên báo chí truyền thanh truyền hình rất hấp dẫn như: “Đàn bà trẻ, khỏe mạnh có trứng rụng tuyệt vời sẵn sàng giúp bạn có con”.  Ấn Độ không chỉ cung ứng người mẹ đẻ mướn mà còn cung cấp trứng cho các bà từ nhiều nơi khác đến Ấn Độ cấy thai để mong có con. 

Tờ Sun Herold kể lại trường hợp bà Ekaterina Aleksandrova, quốc tịch Đức đã tới Ấn Độ và được cấy 5 thai phôi trong bụng nhưng cuối cùng chỉ có một phát triển thành công. Bà Aleksandrova không có một liên hệ di truyền máu mủ nào với đứa nhỏ mới chào đời vào tháng 9 năm 2008. Ngoài ra cha mẹ ruột thịt (biological) của đứa nhỏ lại ở xa cách cả 7.000 cây số và ngôn ngữ phong tục thì lại hoàn toàn khác biệt. Cả trứng lẫn tinh trùng đều do những người vô danh hiến tặng. Tinh trùng được mua trên internet tại Ngân hàng tinh trùng Danish, còn trứng thì lấy từ một người đàn bà Ấn Độ. 

Một bà mẹ đẻ mướn Ấn Độ nhận được thù lao khoảng từ 2.500 đến 3.500 pounds (vào khoảng từ 3.922 đến 5.475 đô la), tương đương với  10 năm lương của một người trong số họ. Tờ International Herald tribune cho biết giá thụ thai nhân tạo tại Ấn Độ -gồm cả tiền vé máy bay và tiền thuê khách sạn cho một cặp vợ chồng đến từ ngoài Ấn Độ- là khoảng 25.000 USD, tức bằng một phần ba (1/3) giá phải trả tại Hoa Kỳ. 

Trắc trở kiếp đẻ thuê

Có những người đã chấp nhận đẻ mướn, nhưng khi sinh đứa trẻ ra thì lại đổi ý không trao đứa nhỏ cho người đã thuê mình đẻ. Hoặc ngược lại có người bỏ tiền ra thuê người khác chửa đẻ hộ mình, nhưng khi đứa trẻ chào đời, thì lại không muốn nhận đứa nhỏ là con nữa. Có khá nhiều trường hợp lắt léo khiến cuộc tranh luận lại nảy sinh nhiều vấn đề khúc mắc khác. 

Trường hợp một bé gái mới sinh đựợc 3 tháng do một bà mẹ Ấn Độ đẻ mướn sinh ra đã phải sống những ngày tháng đầu đời trong cảnh tranh cãi mờ mịt về pháp luật không biết ai là mẹ. Bà ngoại đứa bé đã từ Thủ đô Ấn Độ, New Delhi bay qua Osaka, Nhật Bản để trao đứa bé tên Manjhi cho người cha của bé. 
Bé Manjhi là kết quả phối hợp giữa tinh trùng của một người đàn ông Nhật và trứng của một người đàn bà vô danh được cấy rồi thụ thai trong bụng một người đàn bà Ấn Độ ở thành phố Anand thuộc tiểu bang Gujarat. 

Vấn đề pháp luật đặt ra là  người cha là ông Ikufumi Yamada và vợ ông là Yuki Yamada đã đồng ý trả tiền thuê người đàn bà Ấn Độ mang thai và đẻ hộ lại bất ngờ ly dị nhau trước khi đứa bé chào đời. Bây giờ, người chồng bằng lòng muốn giữ đứa nhỏ làm con, nhưng bà vợ đã ly dị lại không muốn đứa nhỏ nữa.

Người “nhờ mang thai” và người “được mang thai” đều phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định liên quan đến “công nghệ” mang thai hộ. Với người mang thai hộ, người bố sinh học đồng ý cung cấp đầy đủ bằng chứng tình trạng sức khỏe của mình về mặt thể chất, tinh thần và bệnh xã hội, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và tài chính cho việc sinh ra đứa trẻ, thanh toán mọi phí tổn trong quá trình mang thai, kể cả những xét nghiệm cần thiết sau đẻ; giúp đỡ về tài chính cho người phụ nữ mang thai hộ như đã thỏa thuận. Còn người phụ nữ mang thai hộ trước khi đồng ý cho làm thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người bố sinh học (không phải của chồng mình) phải cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe của mình (về mặt sản khoa, nội khoa, tâm thần, tâm lý); chấp nhận mọi nguy cơ của thai nghén…

Theo ANTĐ

From the same category