Kiêng cữ và nỗi cô đơn của người mẹ trẻ

Đón dâu lúc 2h sáng

Vừa khỏe lại từ trận ốm kéo dài ngay sau đám cưới của cậu con trai, bà Trần Thị Huê (Ý Yên- Nam Định) vẫn chưa hết lo lắng : “Cũng may mà chỉ có một đứa con trai, chứ không thì …”

Cưới hai lần là lựa chọn của nhiều gia đình để tránh những xui xẻo sẽ sảy ra sau này .

Chả là, nhà bà Huê chỉ có Thắng là con trai duy nhất. Tuy nhiên, khi cậu con trai dẫn bạn gái về để ra mắt và xin cưới thì bà Huê mới biết, con dâu tương lai của bà sinh năm 1988 là tuổi Mậu Thìn. Đi xem thầy thì thầy bói nói, tuổi này, con gái cao số, dễ phải qua hai lần đò – đó là số mệnh.

Nhưng con người vẫn có thể thay đổi được số mệnh bằng cách cho “cưới hai lần”. Tức là, hai bên gia đình có thể chọn ngày lành tháng tốt rồi đến đón cô dâu về, khấn trước bàn thờ tổ tiên. Rồi, cô dâu sẽ ở lại nhà chồng 1 hôm. Hôm sau, cô dâu sẽ tự trốn về nhà mẹ đẻ. Như thế là đã coi như qua một lần đò. Đến ngày cưới chính thức, sẽ lại làm lại các nghi lễ bình thường..

Bà Huê nghe thầy nói vậy thì tin lắm nên quyết định làm theo vì dẫu sao bà cũng chỉ có mình Thắng là con trai. Chỉ khổ nỗi, nhà bà ở Nam Định, trong khi nhà gái lại ở cuối Thanh Hóa nên hai lần đi rước dâu trở thành cực hình của bà cũng như các cụ cao niên trong họ.

Đã vậy, lần đón dâu đầu tiên, thầy bói bấm giờ lại cho biết, chú rể phải ra khỏi nhà từ lúc 5h chiều, nhưng lại đón dâu vào lúc 2 giờ sáng. Có nghĩa là, nhà trai sẽ phải mất mấy tiếng đồng hồ vật vờ ngoài đường để chờ đến giờ … được vào đón dâu.

Chả biết chuyện tổ chức đám cưới hai lần cho cậu con trai có tác dụng đến đâu, chỉ biết, sau đám cưới của Thắng không chỉ bà Huê mà còn nhiều người trong họ bỗng dưng “đổ bệnh”.

Hai họ mặt nặng mày nhẹ

Không rơi vào trường hợp phải đón dâu 2 lần như vợ anh Thắng, nhưng chuyện cưới xin của Hoan (Hoa Lư – Ninh Bình) cũng đã không được “xuôi chèo mát mái” chỉ vì nhà chồng quá kỹ tính trong chuyện kiêng cữ. 

Cuộc khẩu chiến giữa hai bên gia đình khiến Hoan khóc sưng cả mắt. Ảnh minh họa

Số là, chồng Hoan là con trai trưởng của dòng họ, cho nên từng chi tiết nhỏ trong đám cưới đều được nhà chồng Hoan kiêng kỵ và tính toán một cách kỹ càng, nhất là khi Hoan đã mang bầu đứa con của dòng họ hiếm người.

Ngặt một nỗi, bà nội Hoan lại mới qua đời chưa được 100 ngày. Bố mẹ, và các cô các bác bên nội vẫn đang chịu tang bà. Nhưng vì tình hình cấp bách nên nhà Hoan cũng đồng ý để tổ chức đám cưới cho Hoan.

Mọi chuyện tưởng đến đây là suôn sẻ, vì hai gia đình đã bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Tuy nhiên, khi trao đổi với Hoan, nhà chồng Hoan lại nói rõ quan điểm kiêng không cho những người có tang đến dự đám cưới để tránh xui xẻo. Và vì “có kiêng có lành”, chuyện cưới xin là chuyện của cả một đời nên không thể qua loa.

Nhà Hoan, chỉ có các cô các bác bên họ nội là ruột thịt còn bên họ ngoại, mẹ Hoan chỉ có một mình. Thế cho nên, việc nhà chồng tỏ ý không cho những người có tang đến dự đám cưới cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có ai bên nội được đến dự đám cưới Hoan, và cũng sẽ không có ai làm đại diện cho họ nhà gái.

Lời qua tiếng lại, nhưng không có bên nào chịu nhường bên nào khiến hai bên mất hòa khí. Bố mẹ Hoan thì nhất định không chịu xả tang, và sẵn sàng để Hoan đẻ con một mình chứ không thể tổ chức đám cưới cho con mà anh em họ hàng không được đến dự vì đang chịu tang của mẹ. Còn nhà chồng Hoan thì bằng giá nào cũng giữ nguyên quan điểm khiến Hoan khóc đến sưng cả mắt vì tủi thân…

Theo Vietnamnet


From the same category