“Mất bạn nhảy nghĩa là mất tất cả”
– Điện thoại Nhã Khanh không có tín hiệu, trong thời gian diễn ra đám cưới của Chí Anh. Thật ra, em có ổn không?
– Thôi từ giờ gọi em là Nhã Uyên đi! Em đã chủ động chia tay anh Chí Anh được hai năm và cũng là người biết rất sớm chuyện vui của anh ấy, nên chẳng có gì là sốc ở đây cả. Điện thoại chỉ đơn giản là tình cờ bị hỏng.
– Hai năm vừa qua với em là dài hay ngắn?
– Em lành vết thương khá nhanh vì về mặt tình cảm đã xác định rồi. Buồn về nghề là nhiều hơn, vì phải bắt đầu lại từ đầu. Xáo trộn có lẽ là gấp đôi so với một cuộc chia tay thông thường. Trong nghề này, dù có danh hiệu, hay thâm niên, thì mất bạn nhảy cũng có nghĩa là mất tất cả, đều phải quay về với con số 0. Nhìn các bạn nhảy cùng trang lứa cứ ào ào tiến lên phía trước, bay nhảy thi đấu khắp nơi, còn mình thì chỉ biết ngồi một chỗ, cảm giác rất tủi thân. Rồi thì lứa học sinh mới, không phải ai cũng biết em từng là Nhã Khanh, luôn hỏi: “Bao giờ thì cô được đi thi đấu?”, em đành chỉ biết trả lời: “Sẽ. Sẽ được nhìn thấy…” (khóc).
– Ở thời điểm chưa tìm được bạn nhảy, em có nghĩ đến chuyện bỏ nghề?
– Em hiện tại đang đi học trở lại để thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Phần vì thích sự gai góc của nghề báo, phần vì em cũng khá “cay cú”. Em từng bị mang tiếng… “bỏ học theo giai” và chỉ biết nhảy, trong khi em từng hẳn hoi là một đứa học rất giỏi và đều các môn, nên em nhất định phải được nhìn nhận như một người có trình độ học vấn. Nhưng không phải để bỏ nghề nhảy mà vì em không muốn chỉ lệ thuộc vào một nghề. Song song, em cũng muốn trở thành một trọng tài trong bộ môn khiêu vũ thể thao, khi hết tuổi thi đấu. Muốn thế, bắt buộc phải thi đấu tiếp, vì theo luật, phải sau 21 tuổi và phải đạt được danh hiệu ở một giải quốc tế. Ngày 22/10 tới, em mới tròn 21 tuổi.
Trần Minh Cường – bạn nhảy mới của Nhã Uyên
– Cái bóng mà Chí Anh để lại có quá lớn?
– Cũng hẫng chứ chị, ít nhiều là thế, dù em là người chủ động! Vì sau bao nhiêu công sức mình bỏ ra, từng giành được danh hiệu kiện tướng, từng thi đấu ở những hạng mục khó nhất, vậy mà giờ đây, do bạn nhảy của em mới đang bắt đầu mà em đành phải chấp nhận tụt hạng, đi lên dần từ những hạng thấp. Nhiều giám khảo thậm chí còn không biết cái tên Nguyễn Trọng Nhã Uyên là ai và rất ngạc nhiên vì sao một “lính mới” mà lại có thể có những động tác thành thục thế (cười). Nhưng em vẫn quyết quay về với tên cúng cơm của mình, chứ không muốn dùng cái tên Nhã Khanh kia nữa…
– Cùng trong nghề, chắc hẳn Chí Anh phải là người hiểu hơn ai hết những khó khăn mà em gặp phải, khi không còn bạn nhảy? Có sự áy náy nào không?
– Thật ra, lúc mới chia tay, em vẫn còn dạy thêm một thời gian nữa ở chỗ anh Chí Anh, rồi mới chuyển qua chỗ mới. Và anh ấy thậm chí còn chủ động tìm bạn nhảy mới cho em, vì cũng đã xác định ngay từ lúc chưa chia tay là đến một tuổi nào đấy sẽ ngừng thi đấu, chuyển hẳn qua làm trọng tài. Bạn nhảy này cũng khá hợp, nhưng sau đó, hình như anh Chí Anh cảm thấy không được thoải mái sao đó nên lại thôi…
“Những cặp như Khánh Thi – Phan Hiển trong giới này đầy!”
– Bạn nhảy mới của em là ai?
– Bạn ấy còn trẻ lắm, sinh năm 2000, từng học taekwondo và dancesport theo kiểu tài tử nên chưa có danh hiệu nào trong tay. Chỉ đến khi gặp em mới quyết định theo nghề.
– Đừng nói là sẽ có thêm một cặp Khánh Thi – Phan Hiển nữa đấy nhé!
– Ôi những cặp như Khánh Thi – Phan Hiển trong giới này đầy, và hầu hết bọn họ đều sống rất hạnh phúc! Chẳng qua đấy là cặp nổi nhất (chị Khánh Thi thì là đỉnh cao rồi!), nên ai cũng nhìn vào và tưởng là chuyện hiếm đấy thôi! Chẳng thể nói trước chuyện gì cả. Cũng chẳng việc gì phải tránh. Nhưng mà nếu có gì đó thì cặp này chắc cũng “đỡ” hơn chút: chỉ kém nhau 5 tuổi… (cười)
– Chí Anh từng không thoải mái khi em có bạn nhảy mới, dù đó là do chính Chí Anh tìm. Vậy liệu có bất tiện cho em không, khi Chí Anh luôn được mời ngồi ghế giám khảo các giải đấu lớn trong nước?
– Đấy chỉ là lúc bọn em mới chia tay thôi, và cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan của em. Một buổi chấm thường có từ 8 đến 10 trọng tài và anh ấy chỉ là một trong số đó, nên nếu có sao, thì cũng không ảnh hưởng lắm. Nhưng từ hồi đi thi đấu lại đến giờ, em thấy anh ấy luôn chấm cho em đúng khả năng, nên em rất phục.
– Một cuộc tình đủ lâu để có thể đề cập đến chuyện cưới xin, chỉ chờ cô dâu… đủ tuổi, vì sao không thể cập bến?
– Thật ra đã bao giờ anh ấy nói chuyện cưới em đâu. Và bản thân em cũng không đặt nặng chuyện đó. Nên chuyện kết thúc, không phải vì anh ấy không cưới.
– Có câu: “Cưới vợ thì cưới liền tay/ Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”…
– Tác động khách quan thì hầu như không có gì, gia đình hai bên đều ủng hộ… Và nghề này nếu không thật sự hợp nhau thì không thể gắn bó với nhau suốt 6 năm trời. Vì chỉ cần cãi nhau thì sẽ nhảy tệ ngay. Muốn biết một đôi như thế nào thì hãy lên sàn tập. Có đôi mới tập được chừng 3-4 phút đã gằm ghè, lôi nhau ra hành lang… tát (trong nghề này chuyện đó là bình thường). Nhưng bọn em thì chưa bao giờ cãi nhau.
– Vậy chia tay liệu đã hẳn là một quyết định nhất thiết?
– Lựa chọn dừng lại em nghĩ là chắc chắn đúng. Đúng, vì em nghĩ rằng mình nên sống thật với cảm xúc của mình, để vừa đỡ làm khổ mình khổ người, hơn là cố tiếp tục chỉ vì áp lực từ bên ngoài.
– Trong một lần trả lời phỏng vấn, Chí Anh từng thừa nhận về tính nóng nảy của mình, lúc còn trẻ. Điều đó liệu có phải là nguyên nhân không?
– Không hề. 6 năm yêu nhau, em và anh ấy thậm chí còn chưa cãi nhau bao giờ, vì tính em hiền lắm. Em ít tuổi hơn, vào nghề sau, anh ấy còn như là thầy của em, và trong công việc thì khá hợp nhau, người này chưa nói người kia đã hiểu… nên đấy hoàn toàn không phải là vấn đề.
– Hai người từng đến với nhau thế nào?
– Lúc em còn học ở trường múa, thì cũng có biết nhau loáng thoáng, trong các giải đấu thiếu niên. Thế rồi có một lần tình cờ gặp nhau ngoài đường, cũng là lần đầu tiên chính thức nói chuyện. Thật ra lúc ấy anh Chí Anh không phải đang đi tìm bạn nhảy. Em cũng từng khuyên anh ấy đừng chọn em, vì anh ấy ở một đẳng cấp khác, trong khi em là một người mới. Mãi đến 1-2 tháng sau khi yêu nhau, em mới quyết định học nhảy…
– Vậy nếu được làm lại, em có bước vào cuộc yêu đó không?
– Chắc chắn là vẫn vậy, vì nó là cảm xúc tự nhiên. Chỉ là, mình không may yêu phải người nổi tiếng thôi…
“Anh Chí Anh từng buồn khổ vì chị Khánh Thi”
– Chí Anh và Khánh Thi vẫn giữ được một tình bạn đẹp sau khi chia tay, thậm chí Khánh Thi còn xuất hiện tại lễ cưới của Chí Anh, còn em thì không…
– Anh ấy cũng có gửi thiệp cưới mời em đấy chứ! Kể ra, nếu hôm đó không bận, biết đâu em cũng có thể tới dự. Chỉ là sẽ hơi phiền, nếu bị mọi người để ý quá hoặc có thể khiến ai đó cảm thấy không được thoải mái… Còn thì, về cơ bản, mọi sự đều tốt đẹp, cho đến tận thời điểm này. Nói chung vẫn là một mối quan hệ giúp nhau tốt lên, chứ không kéo nhau xuống. Ngày trước, trừ một số lần sai thì anh ấy luôn đối xử rất tốt với người yêu. Kể ra thì cũng hơi khô khan một chút, chưa được thật sự chăm chút, nhưng cũng là biết lo cho sự nghiệp tương lai của người yêu. Kể cả khi chia tay rồi vẫn sẵn lòng giúp đỡ, không bao giờ tính thiệt hơn gì… Thế nên trách anh ấy cũng đúng, mà cũng không đúng. Còn giận, thì không.
– Chí Anh toàn yêu người trẻ nhỉ?
– Thì anh ấy như thế, các cô gái trẻ ngưỡng mộ cũng là dễ hiểu! Thôi cũng mừng cho anh ấy, cũng nên như thế…
– Xin lỗi em khi nhắc tới điều này: Chí Anh nói rằng, cuộc gặp gỡ với cô dâu là một “tiếng sét”, và chưa từng chinh phục ai khó như cô ấy…
– Vậy à? Em thì không gặp phải tiếng sét ái tình nào cả. Hồi em gặp Chí Anh là lúc anh ấy đang bế tắc, buồn khổ chuyện chị Khánh Thi. Chí Anh từng kêu với em (cũng có thể là nói đùa): “Anh chẳng bỏ ai bao giờ, toàn ai thích bỏ thì bỏ thôi…”. Nhìn anh ấy xanh xao vàng vọt, ăn chẳng ra ăn, đi tập thì đôi lúc cứ thẫn thờ và kêu với em là anh nhớ hồi xưa từng tập thế này thế nọ…, em thấy thương lắm. Một cuộc tình sâu nặng như thế, ai mà không hụt hẫng…
– Vậy mà khi nhìn thấy Chí Anh sánh bước cùng Khánh Thi trên ghế nóng “Bước nhảy hoàn vũ”, em không thấy bất an sao?
– Không, em không thích phụ nữ phải lệ thuộc thế. Em vẫn bình thường. Chí Anh đi suốt, em ở nhà một mình làm hết mọi việc, từ trông coi trung tâm đến dạy học sinh… Chưa bao giờ có một động thái gì gọi là kiểm soát. Vấn đề ở đây không phải là chị Khánh Thi, vì nếu không có chị Thi thì cũng có thể có đầy cô khác cơ mà? Quan trọng là người yêu mình thế nào mà thôi.
– Vậy em đã đặt lòng tin sai hay đúng?
– Đã từng đúng. Nhưng cũng có lúc sai.
– Lúc nhìn thấy Khánh Thi khóc trên sóng truyền hình vì Chí Anh, em có khó chịu không? Hay chỉ nghĩ, đấy là chiêu trò của truyền hình thực tế?
– Không, em không nghĩ thế. Em tin đấy là cảm xúc thật. Chính Chí Anh cũng từng thế mà. Cũng là 6-7 năm chứ ít đâu! Hồi lâu lâu, lúc em còn yêu Chí Anh, chị Thi cũng có lần mời em vào dạy ở trung tâm chị ấy đấy chứ! Đợt gần đây em còn được dự sinh nhật Ku Bi. Em cũng kết bạn với chị Thi trên facebook nữa. Có dạo đọc được những status tâm trạng của chị ấy, em cũng thấy thương lắm, phụ nữ tháo vát thường vất vả…
“Làm gì đến mức là vết sẹo! Vết xước thôi!”
– Gia đình em có sốc vì cái kết này không?
– Em là con một, được chiều từ bé. Bố mẹ luôn cho em được tự do đưa ra những quyết định liên quan đến cuộc đời mình. Em nhớ hôm đấy về, em chỉ nói: “Đây là quyết định chín chắn của con, mong bố mẹ tôn trọng”. Và mẹ em bảo: “Không sao, con vẫn là con của bố mẹ, và bố mẹ thì luôn ở đây…”. Nhưng mọi người thì lo em tự tử đến nơi, hay nhẹ ra cũng là tự kỷ, nhất là khi thấy em nghỉ dạy những hai tuần liền. Ai cũng bảo: “Khổ thân con bé quá, yêu chừng ấy năm trời…”. Chỉ mình em biết vì sao em nên dừng lại.
– Vậy, vì sao em dừng lại?
– Hẳn chị cũng có thể đoán, một người đàn ông hấp dẫn, có tiếng tăm, thì chắc họ không chỉ có một cơ hội, và không phải ai cũng đủ sức đứng vững trước trước nó, vào một lúc nào đó… Cũng có lúc em đã bỏ qua, cho đến lúc không thể bỏ qua…
– Em có nghĩ mình đã chọn nhầm? Có hối tiếc?
– Thật ra, em chưa bao giờ cân đo đong đếm. Nhiều người cũng bảo em, con gái thì luôn phải chịu thiệt, là cả một thời thanh xuân này nọ… Kể ra, nếu mà cố thì cũng được đấy! Nhưng điều em quan trọng là người kia còn yêu mình một cách đúng nghĩa hay không…
– Trước khi gặp Chí Anh, em đã từng là một cô bé thế nào?
– Bố mẹ em làm nghề kinh doanh, nhưng lại rất yêu nghệ thuật, nên cho em đi học đủ thứ từ nhỏ: nhảy, múa, đàn, hát… Hồi đó, em còn từng được đi lưu diễn ở Mỹ một tháng cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, từng vừa đàn vừa hát solo và múa chính trong tốp múa trẻ… Sức học của em hồi ấy rất tốt, nhưng vì đam mê múa mà năm 12 tuổi, em đã phải xin sống xin chết bố mẹ để được vào trường múa. Thứ duy nhất bố mẹ cấm em là… đi xe đạp, vì sợ chân tay con sứt sẹo. Mẹ toàn chở em đi học. Đến bây giờ cũng vẫn chờ em, lúc em tan dạy, vào 10 giờ tối. Còn lúc đi thì em họ em đèo đi. Em chẳng biết đi bất cứ một loại xe nào, kể cả xe đạp.
– Thế nên, lèo lái cuộc đời đôi lúc cũng loạng choạng, và để lại sẹo?
– Làm gì đến mức là sẹo! Vết xước thôi, lành rồi!
Thực hiện: Thư Quỳnh
Nhiếp ảnh: Lê Lai (Lieta Studio)