Chuyện không có gì mà ầm ĩ
Chuyện xảy ra cách đây một tháng. Khi vợ chồng bà Khoa Lan, đi dự đám tiệc cưới con trai của bạn bà. Một người bạn cũ nhận ra ông chồng, vội chạy từ bàn khác sang, tay bắt mặt mừng, cười nói hỉ hả. Ông Khoa chưa kịp giới thiệu bà vợ, thì anh bạn đã liến thoắng: “Nè, cô H còn thương ông lắm đó nghen, cổ vẫn chưa chịu lấy chồng đâu, lâu nay ông có thư từ với cổ không? Số ông thiệt là đào hoa…”. Vậy là suốt dọc đường đi về, bà Lan tra hỏi ông chồng về cô H. Vừa ăn no, có hơi men, lại buồn ngủ, nên ông cũng ừ à cho qua, rằng đó là người bạn gái học chung cấp 3. Nhưng bà Lan không hài lòng, bà đặt ra một loạt các câu hỏi nhằm làm sáng tỏ mối quan hệ “mờ ám” giữa ông và cô H. Sự ậm ừ của chồng làm bà nổi cáu. Bà xâu chuỗi tất cả những sự kiện trước đến giờ để chứng minh ông là một người chồng vô tâm, thờ ơ. Từ việc ông hay quên ngày cưới, quà cáp ngày sinh nhật bà gợi ý mới mua… đến việc bà bệnh ông cũng không biết. Tất cả té ra chỉ có một nguyên do, lâu nay ông vẫn nhớ đến người yêu cũ.
Trước sự hùng biện đầy tính chủ quan của bà vợ, ông chồng chỉ có một câu: “Bà muốn nghĩ sao cũng được, để yên cho tôi ngủ”. Bà vợ phát điên: “Ông muốn yên, thì biến cho khuất mắt tôi…”. Đã quá nửa đêm, trời mưa gió thấy cậu em trai lò dò tới gõ cửa xin ngủ nhờ, bà chị của ông xót xa em ruột bao nhiêu, tức tối em dâu bấy nhiêu. Bà chị cũng giàu trí tưởng tượng, nên không cần nghe em mình nói, đã hình dung ra sự nanh nọc của cô em dâu. Bà giữ cậu em trai ở lại, an ủi động viên em. Hai hôm sau, chờ mãi không thấy chồng về, bà Lan sang nhà chị chồng, định bụng sẽ méc với chị về ông chồng hư hỏng, để nhờ chị phân xử. Nào ngờ, bà chưa kịp mở miệng, thì bà chị chồng đã phán: “Mợ khỏi phải lo cho chồng nữa, chúng tôi lo được cho em trai mình, mợ có muốn ly hôn thì tụi này cũng chẳng cản. Vợ chồng ăn ở, có con với nhau, vậy mà đang đêm mợ dám đuổi chồng ra khỏi nhà, mợ khinh chồng quá đáng”. Vậy là phát sinh thêm một mâu thuẫn nữa giữa bà và chị chồng. Sự việc trở nên phức tạp hơn.
Cô Minh Hương, nhân viên của một nhà xuất bản, không quen lao động nội trợ, nên ngại công việc nhà chồng. Nỗi giận hờn của cô càng cao khi ông chồng đi sớm về trễ, gặp bạn nhậu, quên cả vợ con… Tủi thân, cô gọi điện về gặp mẹ ruột khóc lóc, than thở. Thương con, bà mẹ vợ, tốc hành sang gặp con rể, lên án: “Ngày xưa, cậu lạy lục xin xỏ mãi, tôi mới gả con gái tôi cho cậu. Bây giờ, cậu trơ tráo, trở mặt… Con gái tôi không phải loại dơ dáng, tệ hại, cậu không biết yêu quý, gìn giữ, tôi mang con tôi về”. Một tháng sau, cô con gái nguôi ngoai, phần nhớ chồng, phần lo anh chồng không có vợ bên cạnh sẽ tự do quá trớn, nên cô muốn quay về nhà chồng. Nhưng bà mẹ bảo: “Chồng con phải sang xin lỗi mẹ, xin lỗi con rồi rước con về, chứ tự dưng con về, cả gia đình chồng sẽ coi thường con”. Với sự “tham mưu” của người thân ruột thịt cha mẹ, anh chị em, anh con rể cũng chẳng vừa, anh giữ vững lập trường: “Bà tự mang con gái đi khỏi nhà tôi, thì tự mang con về trả lại đàng hoàng”. Vậy là mâu thuẫn không mấy trầm trọng giữa cặp vợ chồng trẻ lại bùng lên cuộc chiến khốc liệt giữa chàng rể và mẹ vợ. Một năm sau, hai vợ chồng đưa nhau ra tòa, vì thời gian ly thân làm họ nhạt nhòa tình cảm.
Trong một lần về quê ăn đám giỗ, ông Hoàng Sơn, một kỹ sư ngành hóa học, chỉ đi một mình, bà con xúm vào hỏi thăm vợ ông. Ông nói cho qua: “Cô ấy bận lắm, công việc lu bù không bỏ việc được”. Có thế thôi, mà một hôm, bà vợ tức tối nói với chồng: “Anh về quê ăn mặc luộm thuộm thế nào mà để cho cả họ nhà anh bảo rằng tôi bỏ bê, không quan tâm đến anh. Anh ăn nói thế nào mà họ nghĩ rằng tôi chỉ lo kiếm tiền, không thiết gì đến ông bà tổ tiên… Họ hàng nhà anh rảnh quá nên sinh ra nhiều chuyện. Đã mang tiếng như thế, tôi khỏi về luôn. Bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ tôi ngăn cản việc anh gởi tiền về quê, bây giờ hóa ra đối với họ hàng nhà anh, tôi là đứa đểnh đoảng, ích kỷ”. Cũng từ đó, mối quan hệ của bà và gia đình chồng trở nên xấu đi, làm lây lan sang tình cảm vợ chồng cũng chẳng còn mặn mà như trước.
Mỗi khi có trục trặc, hai phe vội vã “báo cáo” ngay với người thân của “phe mình” nhằm lôi kéo đồng minh. Và hậu quả là những “đồng minh” ngoài cuộc này nhảy bổ vào giải quyết một cách bức xúc hơn, nôn nóng hơn người trong cuộc để rồi biến những mâu thuẫn nhỏ trở thành những xung đột lớn…
Cơ chế tự giải quyết
Theo bà Nguyễn Thị Hòa Minh, phó giám đốc TT Tư vấn tâm lý TY-HN-GĐ, mâu thuẫn chỉ giữa hai vợ chồng đã khó giải quyết, nếu lây lan nảy nở sang mâu thuẫn với người thân của hai bên, thì sự việc càng rối thêm. Đối với những cặp vợ chồng đang xung đột, tốt nhất hai người trong cuộc phải tự giải quyết mâu thuẫn, bởi hơn ai hết, người trong cuộc hiểu rõ nguyên nhân của mâu thuẫn và thống nhất cách giải quyết như thế nào. Hơn nữa, người trong cuộc biết rõ mức độ tình cảm đối với nhau. Nếu thiếu kỹ năng trò chuyện, làm lành, đổi mới… thì có thể tham khảo ý kiến của các chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm.
Khi phát sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, cả hai người không nên “báo cáo” ngay với người thân của “phe mình” vì người ngoài cuộc không nắm rõ vấn đề, thường chỉ nghe từ một phía. Họ hay suy diễn vấn đề theo ý chủ quan của mình, nên sự việc không còn nguyên tính chất như ban đầu. Người ngoài cuộc luôn bênh vực cho người thân của mình. Và khi đã nhảy vào cuộc giải quyết mâu thuẫn của người khác họ lại thường hay bức xúc hơn, nôn nóng hơn người trong cuộc, luôn muốn khẳng định vai trò “tư vấn” của mình. Họ không phải là người xấu bụng, ác ý, nhưng sự tác động quá tích cực của họ làm cho người trong cuộc mất phương hướng giải quyết và hay nghe theo một cách thiếu cân nhắc. Họ chỉ “tư vấn” bằng sự cảm tính, bằng sự nhiệt tình, thiếu nhiều kỹ năng và kiến thức hòa giải.
Thông thường hai vợ chồng đang có mâu thuẫn, không nên giải quyết khi cả hai chưa thật bình tĩnh. Những tác động bên ngoài rất dễ kích động sự tự ái của người trong cuộc. Nếu người thân của mình, vô tình biết được và tham gia đóng góp ý kiến, thì hai vợ chồng chỉ nghe với thái độ sáng suốt, minh mẫn, để tham khảo, suy xét chứ không phải bị dư luận cuốn đi.
Có những cặp vợ chồng trẻ, sợ lây lan mâu thuẫn nên đưa ra quan điểm: “Không dính dáng gì đến gia đình, cha mẹ, họ hàng hai bên”. Theo chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên, “tự bế quan tỏa cảng” như thế cũng không nên. Hai vợ chồng vẫn có trách nhiệm quan tâm chăm sóc cha mẹ người thân của cả đôi bên. Điều này hoàn toàn khác với việc đi tìm đồng minh từ gia đình mình trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Các bậc cha mẹ cũng có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc cho con, cung cấp cho con những kinh nghiệm bảo vệ, nuôi dưỡng tình yêu, làm lành khi xảy ra xung đột. Điều này cũng không có nghĩa là can thiệp vào cuộc sống riêng tư của các con, mà hãy để người trong cuộc tự giải quyết.
Tuy nhiên, theo bà Hiên, có những trường hợp người vợ, người chồng đã hết lời khuyên can mà người bạn đời vẫn chứng nào tật ấy, phải nhờ đến người thân của hai bên hỗ trợ, khuyên bảo giùm, thì bạn hãy chọn người khéo léo tế nhị, có uy tín và đừng bao giờ khuyên bảo “đương sự” trước mặt vợ (chồng) con, vì đương sự sẽ có cảm giác bị bêu rếu, bôi nhọ, xúc phạm nên rất khó nhận ra sai lầm. Cũng đừng quá câu nệ, khắt khe với người có lỗi. Có một cặp vợ chồng trẻ gây lộn với nhau. Cha mẹ hai bên xúm vào phân tích. Anh chồng có lỗi, bà mẹ vợ buộc anh phải xin lỗi vợ trước mặt các bậc phụ huynh. Một lời xin lỗi giữa hai vợ chồng không có gì khó, nhưng phải nói trước mặt người lớn, anh chồng cảm thấy thật quê độ và cảm giác khó chịu đó đeo theo anh ta suốt một thời gian dài.
(Trường Sơn)
Chia sẻ bài viết này