Kiến ba khoang lại gây lo lắng

Hình ảnh viêm da do tiếp xúc côn trùng – Ảnh: D.H.T.

Thông tin từ Viện Da liễu trung ương, tính từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.300 bệnh nhân, chủ yếu ở khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bị viêm da tiếp xúc do côn trùng (trong đó có kiến ba khoang) tới khám. Đây là con số cao nhất tính từ đầu năm tới nay và tất cả các tháng trong năm 2011.

Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, anh N.X.T. ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho chúng tôi xem một vùng da tấy đỏ sưng nề, giữa vùng da đỏ có vết thâm to bằng nửa bàn tay, anh phàn nàn bị ngứa ngáy và sưng nề ba ngày, biểu hiện nề có kèm theo đau rát.

Thêm đau do… uống thuốc nhầm bệnh

Anh T. đã ra hiệu thuốc mua ba loại thuốc, trong đó có cả thuốc kháng virút vì được tư vấn đã mắc bệnh zona thần kinh. Anh T. vừa bôi vừa uống trong hơn một ngày nhưng đau, nề không đỡ mà còn có biểu hiện tăng. Cùng tình trạng với anh T. là chị N.T.N. ở Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Theo chị N., gia đình chị có ba dì cháu thì cả ba đều có biểu hiện viêm, ngứa, sau đó là sưng nề, loét vết sưng ở các vùng da hở như mặt, cổ, cánh tay. Tuy nhiên, tình trạng mọi người trầm trọng đến nỗi vết nề này hết thì lại xuất hiện vết khác, rất ngứa ngáy, khó chịu.

Chị N.B.H., cư dân khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội, bệnh nhân viêm da tiếp xúc tới khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết từ khoảng ba tuần nay khu chị ở xuất hiện loại côn trùng lạ bay vào nhà, tuy không đến mức thu được hàng nắm như thiêu thân nhưng bắt rất dễ. Chị lấy giấy mềm bắt vài con so sánh với hình ảnh kiến ba khoang được giới thiệu trên mạng thì thấy rất giống, với ba khoang khác màu nhau.

Không nên tự điều trị

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho hay bệnh nhân viêm da kích ứng liên quan đến các loại côn trùng như kiến ba khoang, bướm, thiêu thân… bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội từ khoảng ba tuần trở lại đây khiến số lượng bệnh nhân đến viện khám bệnh tăng khá mạnh.

Bác sĩ Quang khuyến cáo người dân nên đóng cửa khi trời tối. Trường hợp côn trùng đã vào nhà nên tắt đèn điện để đuổi côn trùng. Khi đã bị côn trùng bay vào người, không nên lấy tay giết côn trùng mà nên xua để côn trùng bay đi. Trường hợp bị dịch tiết của côn trùng dính vào người nên lấy nước sạch, nước muối, xà phòng xối vào vùng có côn trùng đậu. Nếu đã bị bỏng da, nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị đúng. Theo ông Quang, khác với bệnh zona thần kinh mà nhiều người lầm tưởng, viêm da tiếp xúc liên quan đến côn trùng thường xuất hiện ở các vùng da hở, sau khi bị dịch tiết của côn trùng làm bỏng da, người bệnh thường có biểu hiện đau, rát vùng bỏng nhưng đó là cảm giác đau ngoài da, còn cảm giác đau của zona thần kinh là hiện tượng giật, đau thần kinh dưới da. Tuy nhiên do lầm tưởng và tự mua thuốc chữa bệnh, nhiều người chữa không đúng bệnh khiến bệnh nặng thêm.

PGS.TS Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét và ký sinh trùng – côn trùng trung ương, cũng cho biết kiến ba khoang thật ra không đáng lo ngại như những loài côn trùng gây bệnh truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn) vì loài côn trùng này thật ra không cắn (tấn công) người, mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc có trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. PGS.TS Châu chia sẻ người dân có thể bẫy kiến bằng cách đặt một bóng đèn ở ngoài căn nhà, phía dưới có đặt chậu (khay) nước, kiến sẽ bị ánh sáng phản chiếu ở chậu (khay) nước như thế thu hút và chết ở chậu (khay) nước đó. Hoặc có thể giết kiến trực tiếp thông qua các dụng cụ hỗ trợ như găng tay, vỉ đập ruồi… (không để kiến tiếp xúc với da).

Phân biệt viêm da tiếp xúc do côn trùng và zona

Viêm da tiếp xúc gây ra do côn trùng trước đây thường xuất hiện vào những tháng thời tiết giao mùa, có mưa bão, đã có nơi thành dịch. Đến nay vẫn chưa xác định chính xác loại côn trùng nào gây bệnh.

Nếu tiếp xúc vào chất tiết của chúng, người bệnh hay xuất hiện các triệu chứng đột ngột sau buổi sáng ngủ dậy, ở những vùng hở như: cổ, mặt, tay, chân… Thường là một thương tổn nhiều hơn là nhiều thương tổn, ở một hoặc hai bên, viêm đỏ giống như vết cào xước, có xu hướng tạo thành vệt dài, người bệnh cảm thấy bỏng rát, phù nhẹ, ít ngứa, kèm theo nhiều mụn nhỏ có màu vàng nhạt giống như mụn mủ. Điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ khỏi trong khoảng một tuần, không để lại sẹo.

Còn bệnh zona thường gặp ở những người trước đó đã bị thủy đậu, sau đó virút di chuyển đến sống tiềm ẩn tại các hạch cảm giác ở thần kinh vùng thắt lưng. Khi cơ thể suy nhược, mệt mỏi hoặc sau những ngày làm việc căng thẳng, mắc các bệnh khác làm suy giảm miễn dịch như bệnh lao, AIDS… thì virút sẽ theo đường thần kinh tái hoạt gây bệnh.

Khởi đầu thường sốt nhẹ khoảng 38oC, nhức đầu, mệt mỏi, đau xương sống, đau nhức dọc theo dây thần kinh vùng da chuẩn bị nổi thương tổn và chỉ xuất hiện ở một bên người (trừ trường hợp ở bệnh nhân AIDS). Tiếp theo là nổi mụn nước, thường liên kết lại với nhau (dính chùm), quan sát kỹ có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước. Đau nhức chứ không ngứa. Vị trí hay gặp là liên sườn. Thường có viêm hạch liên quan.

Bệnh sẽ khỏi trong 2-3 tuần, sau khi lành bệnh có thể để lại dấu hiệu giảm sắc trên da, ở bệnh nhân lớn tuổi thì đau sau zona là rất thường gặp.

Bs DƯƠNG HỮU THÀNH (phó trưởng khoa da liễu Bệnh viện Trung ương Huế)

Theo Tuổi trẻ


From the same category