Kiếm triệu đô nhờ viết blog thời trang - Tạp chí Đẹp

Kiếm triệu đô nhờ viết blog thời trang

Thời Trang

Cô nàng Jane Aldridge của trang Sea of Shoes chẳng bao giờ thích xuất hiện ở các tuần lễ thời trang, nhưng để được quảng cáo trên blog của cô, số tiền bỏ ra tối thiểu không dưới 5 chữ số. Điều gì đã làm nên “cái giá” ấy?

Blogger thời trang – họ là ai?

Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và Tumblr ra đời đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang. Các thương hiệu dần dần tiếp cận với khách hàng hiệu quả hơn trên những mạng xã hội này, gần gũi hơn với khách hàng, thay đổi thói quen mua sắm (cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến) và cách mọi người trải nghiệm thời trang.

Và ngược lại, các thương hiệu không sử dụng mạng xã hội chỉ để quảng bá sản phẩm mà còn thông qua đó để được lắng nghe khách hàng. Giờ đây, họ có thể theo dõi, trao đổi và thậm chí tham gia đóng góp ý kiến về những nhu cầu và phong cách của mình cởi mở hơn.

So với việc tiếp cận với thế giới thời trang đòi hỏi chi phí và sự đầu tư đủ nhiều thì việc viết blog và tự do chia sẻ ý kiến, góc nhìn về những khía cạnh của thời trang là việc nhanh gọn và đơn giản hơn nhiều. Không tốn nhiều tiền đầu tư, ít phát sinh chi phí, ban đầu cũng không cần phải thuê nhân viên, rất nhiều blogger nổi tiếng đã bắt đầu như thế.

Họ đã bước vào thế giới thời trang như thế nào?

Đầu thập niên 2000 là thời điểm các blogger thời trang bắt đầu xuất hiện, góp phần thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về thế giới xa hoa này. 

Năm 2003, Bryan Grey Yambao (Bryanboy) – một trong những blogger đình đám và thành công nhất, bắt đầu làm blog. Thông qua đây, anh chia sẻ câu chuyện của mình về mục tiêu giảm cân, về cách phối hợp trang phục, đồng thời thể hiện sự phản đối kịch liệt của mình với các sản phẩm nhái. Trong khi đó, Rumi Neely bắt đầu đam mê của mình bằng tài khoản trên trang ebay với tên gọi “Fashion Toast”. Vào năm 2009, sự hợp tác của Neely với CNN Money đã gây được tiếng vang khi thu hút hơn 35.000 lượt theo dõi chỉ trong 1 ngày.

Scott Schhuman – “cha đẻ” của trang The Sartorialist – là một trong những người khởi xướng cho blog chụp hình thời trang đường phố

Dù những thương hiệu không thật sự theo chân các blogger mà cái họ cần là độc giả, nhưng sau những năm tháng làm blog vì sở thích cá nhân, các blogger giờ đây đã không còn vô hình trong ngành công nghiệp thời trang. Họ trở thành người nổi tiếng và kiếm tiền được từ việc viết sách, đóng quảng cáo, hợp tác thiết kế và thậm chí Bryanboy từng trở thành giám khảo trong chương trình America’s Next Top Model.

Vai trò của blogger trong ngành công nghiệp thời trang

Nhận ra tầm ảnh hưởng của các blogger đến lượng khách hàng mục tiêu của mình ngày càng lớn, Dolce&Gabbana gây bất ngờ khi dành hàng ghế đầu trong show diễn Xuân Hè 2009 cho các blogger thời trang, vị trí mà trước nay chỉ có các ngôi sao hạng A hay Anna Wintour, tổng biên tập Tạp chí Vogue Mỹ, mới được ưu ái. 

Hãng Mulberry mời blogger thời trang Tanya Burr cùng tham gia biên tập một video để mang những thông điệp của nhãn hiệu này đến gần hơn với những khách hàng mục tiêu

Khi nhận ra rằng khách hàng ưa chuộng các sản phẩm của nhãn hiệu Marc Jacobs có độ tuổi lớn hơn khách hàng của Marc by Marc Jacobs (dòng sản phẩm thấp hơn), thương hiệu này đã kết nối khách hàng mục tiêu với một blogger có tầm nhìn và thấu hiểu các nhu cầu, sở thích của họ. Marc Jacobs bắt tay với blogger Leandra Medine để phát sóng trực tiếp bộ sưu tập Xuân Hè 2014 trên trang blog Man Repeller của cô.

Nhưng thương hiệu “chiều chuộng” khách hàng nhất phải kể đến Louis Vuiton. Họ tạo mọi điều kiện cho các blogger từ việc tham gia chương trình Give Away (trao tặng) đến hợp tác ghi hình chiến dịch quảng cáo “Small is Beautiful” cho dòng túi xách mini của mình.

Louis Vuitton còn mời blogger Kristina Bazan chủ trì cho sự kiện ra mắt cửa hàng tại khu nghỉ dưỡng mùa đông Gstaad, Thụy Sĩ

Ngoài ra, Instagram cũng là công cụ hiệu quả cho công việc của các blogger khi lượt người theo dõi khổng lồ lúc nào cũng tò mò muốn biết các blogger mặc gì và sẽ mặc chúng như thế nào. Có tới 90% lượng người dùng Instagram có độ tuổi dưới 35, từ đó các thương hiệu biết được nên tập trung quảng cáo những dòng sản phẩm dành cho các đối tượng của mình ở đâu.

Blogger thời trang đắt giá nhất hiện nay Chiara Ferragni với tài khoản Instagram có 3,7 triệu người theo dõi

Sau những gì các blogger đã làm được, cùng với sự phát triển rộng khắp của truyền thông và mạng xã hội, blogging trở thành xu hướng phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang. Nó sẽ là công cụ đắc lực cho những ai thật sự muốn “dấn thân” vào thế giới này bằng con đường ít tốn kém. Tuy nhiên, giữa thời kì bão hòa với hàng triệu blogger, để trở thành một Susie Lau hay Leandra Medine thứ hai, sự độc đáo là điều cần thiết.  

Bài: Thy Lam

Ảnh: Kayture, Pinterest, Instagram

logo

Thực hiện: depweb

17/05/2015, 21:40