Không thể thiếu một chiếc xương sườn!

Thường thì ta chỉ biết sự quan trọng của một điều gì đó khi ta không còn nó nữa. Như không khí. Như nước. Hay như phụ nữ. Cứ thử thiếu mà xem!

Khi Haruki Murakami đặt tựa đề cho tập truyện ngắn của mình là “Những người đàn ông không có đàn bà”, ông thực ra cũng chẳng nghĩ ra chân lý gì mới. Ông chỉ tái khẳng định điều mà một người tiền bối sinh trước mình nửa thế kỷ và sống cách mình nửa vòng Trái Đất đã viết từ lâu.

Ernest Hemingway, một trong những người đàn ông nam tính nhất trong số những người đàn ông, người đã từng thoát chết sau một lần bị 237 mảnh đạn ghim vào người, 3 vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng, 2 lần rớt máy bay, 1 vụ cháy rừng cùng hàng trăm hàng ngàn cuộc đi săn cá mập, cá voi, sư tử và chỉ chết khi ông lựa chọn tự sát, thế nhưng trong tập sách mang tên “Những người đàn ông không có đàn bà” của mình, vị văn hào “mình đồng da sắt” gần như không thể bị đả bại, luôn ngạo nghễ trước tử thần lại mô tả những người đàn ông thật thê thảm, đáng thương hại khi không có những người đàn bà.

Hai truyện ngắn được xếp vào hàng kiệt tác trong tập truyện trên, một kể về một ông thiếu tá với đôi tay nát bấy sau chiến tranh, điều đó dường như không làm ông bận lòng bởi bác sĩ nói đôi tay có thể phục hồi dù ông không tin lắm, ông chỉ thối chí sau cái chết của người vợ, và cay đắng quả quyết rằng “đàn ông không được lấy vợ”, bởi “anh ta phải tìm những gì mà anh ta không thể mất”. Truyện còn lại kể về cuộc hội thoại dài giữa một người đàn ông cùng người tình của anh khi họ ngồi trên sân ga đợi tàu và ngắm nhìn những ngọn đồi trải dài dưới nắng, trong một khoảnh khắc, người phụ nữ thốt lên một lời bình đầy chất thơ: “Chúng giống như đàn voi trắng”, nhưng người đàn ông đáp lại một cách thiếu trí tưởng tượng: “Anh chưa từng thấy những con voi như thế”.

Tiếp nối truyền thống ấy, một cách còn “cực đoan” hơn, Haruki Murakami trong tập truyện ngắn của mình cho một người đàn ông bắt đầu nhịn ăn rồi dần tiêu biến sau khi người phụ nữ anh yêu rời bỏ anh. Trong tiếng Anh có cụm từ “make the fool out of somebody”, nghĩa là biến ai đó thành một trò hề. Những người phụ nữ dường như luôn biết cách biến những người đàn ông của họ thành trò hề, cả bằng cách ở bên anh ta, cả bằng cách không ở bên anh ta. Murakami và Hemingway có thể khác nhau nhiều thứ nhưng nếu quen nhau, họ hẳn sẽ đập tay vì chung quan điểm về phụ nữ.

Còn ngược lại thì sao? Nếu một người đàn bà không có đàn ông thì như thế nào? “Một người đàn bà không có đàn ông thì cũng giống như con cá không có xe đạp vậy”, nhà hoạt động nữ quyền Gloria Steinem từng nói. Ai cũng biết rằng một con cá không có xe đạp thì cũng chẳng vấn đề gì.

Thường thì khi kể lại câu chuyện của Adam và Eva, người ta (chính xác hơn là những nhà tuyên truyền nam giới) thích xoáy vào cái ý tưởng chỉ tại Eva bị con rắn dụ dỗ ăn trái cấm mà loài người bị Thượng Đế đuổi khỏi Địa Đàng sung sướng để nếm trải cuộc sống phàm tục khổ sở. Nhưng họ lại lơ đi cái khía cạnh rằng Adam đã hoàn toàn tin tưởng khi Eva rủ rê ăn trái cấm cùng, chẳng mảy may nghi ngờ hay kháng cự, rồi chính nhờ ăn trái cấm mà họ đã nhận thức được về thế giới. Kiến thức, sự khôn ngoan luôn phải trả giá bằng nỗi đau, và nếu chẳng có thói tò mò của nàng Eva thì chàng Adam đã sống hạnh phúc nhưng khù khờ và vô tri suốt đời!

Có lẽ là vậy, như chính lời “tự thú” về giới của Hemingway trong truyện ngắn về cuộc hội thoại giữa người đàn ông và người đàn bà khi ngắm nhìn vạt đồi dưới nắng, người đàn bà hay ít nhất là “tính nữ” luôn nhạy cảm hơn và sở hữu một tri giác vượt lên khỏi những logic đời thường. Cũng vì thế, đàn bà mong manh, dễ tổn thương và dễ trở thành đối tượng của những đớn đau.

Phụ nữ: họ khó hiểu, họ thất thường, họ buồn vu vơ và sớm nắng chiều mưa. Họ bực bội vì những thứ đàn ông cho là chẳng có gì đáng để bực bội, đã vậy, họ lại mau nước mắt. Họ thích tự dằn vặt bản thân kinh khủng, và trời ạ, đôi khi họ còn tự đày đọa mình vì những lỗi lầm không do họ gây nên. Có hàng tá truyện cười về những nỗi buồn vô lý của phụ nữ. Đàn ông coi đó là trò cười, bởi họ không hiểu, chính những “thói xấu” ấy nắm giữ trí khôn ngoan của người phụ nữ, trực giác của người phụ nữ. Sự khôn ngoan cùng trực giác đó đã một cách vô hình, điều khiển đàn ông theo cách đàn ông cũng không ngờ tới.

Đàn ông luôn tưởng rằng họ vận hành thế giới, chí ít là trong phần lớn thời gian lịch sử. Họ đánh nhau này, chia chác đất đai này, tạo nên các vương quốc này, dấy lên những cuộc khởi nghĩa này, sáng tạo nên các chủ nghĩa này, định hình quả đất theo mường tượng của mình này. Song đấy là họ tưởng vậy thôi.

Như huyền thoại Thành Cát Tư Hãn chẳng hạn. Có người đàn ông nào vĩ đại hơn, giàu có hơn, quyền lực hơn Thành Cát Tư Hãn? Gần như toàn bộ thế giới này, đã từng có thời, nằm dưới sự cai trị của ông. Và những di sản của ông thậm chí còn để lại tới tận hôm nay. Thế nhưng, cậu bé Thiết Mộc Chân có lẽ đã chẳng mơ ước trở thành một chiến binh, có lẽ đã chẳng trở thành Thành Cát Tư Hãn nếu không vì chứng kiến cái chết của cha mình do tranh đoạt mẹ cậu – một người phụ nữ xinh đẹp – và gây oán chuốc thù. Thế đấy, người đàn bà có thể không lộ diện, nhưng nhiều khi chính họ là động lực khiến lịch sử sang trang.

Và xin bật mí một điều nếu bạn chưa từng nghe nói, còn một phần cực kỳ quan trọng mà rất rất ít người từng đề cập về Eva, đó là trong truyền thuyết của người Do Thái cổ, nàng Eva thực ra là vợ hai của Adam.

Người vợ đầu của Adam được nhào nặn từ cùng thứ bụi đất mà Chúa đã dùng để nặn Adam. Nàng là người đàn bà đầu tiên trên trái đất, tên là Lilith. Nàng Lilith đã khước từ phục tùng Adam, nàng bảo rằng nàng cũng làm ra từ bụi đất như y, cho nên nàng với y bình đẳng. Khi Adam không đồng ý, nàng chạy trốn khỏi Địa Đàng, tuyên bố tự do độc lập. Thấy đàn bà thực là rắc rối, Chúa mới tạo ra Eva từ xương sườn của Adam.

Lilith sau này luôn bị tô vẽ là thứ ác quỷ dâm loạn, chết chóc. Người tô vẽ hẳn cũng là những người đàn ông. Nhưng ngay cả Eva, dù phái sinh từ Adam đi chăng nữa, nàng cũng vẫn “dắt mũi” y, như câu chuyện trái cấm mà ta đã biết. Phụ nữ luôn hướng về những trí tuệ bị cấm đoán, luôn hướng tới cái chưa biết, luôn sẵn sàng khám phá và bác bỏ những lằn ranh. Chẳng phải, loài người, nếu thành công hơn và vĩ đại hơn những sinh vật khác, thì chính là nhờ những phẩm chất ấy hay sao?

Nói chung thì, Eva là xương sườn của Adam cũng được, nhưng cứ thử thiếu một chiếc xương sườn mà xem!


From the same category