Richard Haberken, nhà sáng lập Soundlazer, đã từng thiết kế một số loa hướng âm như model SL-01 và Snap, tuy nhiên những bộ loa này sử dụng sóng siêu âm để điều hướng âm thanh và không mang lại chất lượng âm thanh cao cho những mục đích phổ thông như nghe nhạc, xem phim và chơi game. Do đó, Haberken đã bỏ ra tới 3 năm nghiên cứu và phát triển thành công Soundlazer VR, một bộ loa điều hướng với chất lượng âm thanh cao.
Sự khác biệt về góc tỏa âm giữa loa thường và Soundlazer
Soundlazer VR bao gồm một hệ thống các loa con stereo gắn vào một tấm gỗ mỏng, dài được phủ một lớp tinh thể cellulose. Phía bên ngoài loa là một miếng nhựa acrylic trong suốt hình vòng cung, chịu trách nhiệm hội tụ hay gọi là “uốn cong” âm thanh từ loa xuống tới người nghe. Âm thanh sẽ tập trung trong khoảng không gian chỉ 60-120cm thẳng phía dưới loa, với dải tần rộng từ 150Hz đến 20kHz. Nhược điểm duy nhất của Soundlazer VR là âm thanh siêu trầm (dưới 150Hz) không thể điều hướng được, nhưng theo Haberken, hạn chế này không làm ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm âm thanh cá nhân.
Có mấy chục cái loa con tí, nằm sau thanh gỗ này và cả bộ ampli nữa
Soundlazer VR được trang bị một ampli hai kênh công suất 15W và có thể phát nhạc không dây kết nối với smartphone hay máy tính qua Bluetooth. Hai dây cáp treo bộ loa này cũng chính là dây điện nguồn. VR có hai phiên bản dài 41cm và 61cm, rộng 26cm và nặng chỉ 1,5 và 2,1kg.
Mẫu loa Soundlazer loại lớn được treo lên trần thòng dây xuống như đèn tuýp
Dĩ nhiên, nếu bạn chỉnh mức âm lượng lên rất cao, những người ở xung quanh vẫn có thể nghe thấy được ít nhiều âm thanh – điều này cũng tương đương khi bạn nghe nhạc bằng tai nghe ở âm lượng lớn, âm thanh có thể rò rỉ ra bên ngoài. Dù vậy, ở mức thông thường thì chỉ có bạn mới nghe thấy được âm thanh từ Soundlazer VR. Bộ loa này cũng có thể dùng để triệt bỏ tạp âm bên ngoài, nhất là khi sử dụng ở môi trường công sở ồn ào.
Trên chỗ ngồi làm việc mỗi nhân viên có một bộ Soundlazer VR, không phiền ai!
Thư giãn tại nhà với Soundlazer
Soundlazer cũng đang chế tạo một model loa điều hướng để bàn gọi là VR Junior, nó sử dụng công nghệ tương đương như bộ loa VR nhưng với kích thước 25,4 x 12,7 x 16cm và nặng 1,2kg, ampli công suất thấp 3W và dải tần 300Hz-20kHz. Đổi lại, phần vòng cung điều hướng có thể xoay được.
Loa Soudlazer Junior nhỏ hơn, để bàn được và điều chỉnh góc hướng âm được
Từ nay, bạn có thể yên tâm xem phim, nghe nhạc hay kể cả nghe lời thì thầm… oang oang của bạn giai nơi công sở mà không sợ ai nghe thấy, chỉ với 5 triệu đồng cho Soundlazer VR, và 3,9 triệu đồng cho VR Junior. Hai sản phẩm sẽ chính thức được bán vào khoảng tháng 10/2016 tới đây.
Ảnh: Soudlazer