Con gái nghe rock đã không phải nhiều, đằng này Tố Phương là con gái chơi rock, mà là rock “xịn” chứ không phải thứ “rock nửa mùa” của những người chạy theo làm dáng.
Phương là giọng ca quen thuộc của Yoko – quán cà phê dành cho giới trẻ yêu rock, jazz và blues – và được coi là một chân dung lạ trong dòng chảy nhạc trẻ Sài Gòn.
Phương kể, ngày bé cô hay nghe rock&roll, rồi rủ bạn bè lập nhóm. Bây giờ, mỗi người một nơi, riêng Phương vẫn đêm đêm trung thành với rock.
Phương hát rock, mê rock, nhưng trang phục lại khác hẳn hình dung thông thường về những rocker.
Tố Phương hẹn tôi ở quán Yoko. Phương đến trễ, tóc rối, quần áo rộng thùng thình với vẻ ngoài khá “sốc”.
Ngồi nói chuyện hơn 1 tiếng, tôi nhâm nhi ly cam sữa, còn Phương uống hết ly cà phê đắng và “đốt” 1/4 bao thuốc. Thông thường, tôi lắng nghe như “nuốt” từng lời người ta nói, còn lần này, có bao nhiêu vốn từ tôi phải tung ra hết, bởi nếu không, cuộc nói chuyện này sẽ rơi vào… thinh không. |
Không phải đen “bụi”, mà Phương thích “màu mè”. Trang phục của Phương bộ nào cũng hội đủ loại sắc màu, và hôm nay phải khác ngày mai.
Nhìn Phương “chơi màu” ai cũng sốc, vì nó chói lòa, hỗn độn, chẳng bao giờ giống ai. Nhưng sốc hơn, phải kể đến những thứ liên quan trên người cô gái 25 tuổi này.
Trên gương mặt xinh xắn của Phương nổi bật nhất là chiếc khuyên mũi… xỏ ngang (chứ không phải đính đá trên cánh mũi).
Nó được thực hiện một cách rất ngẫu hứng: một người bạn chuyên làm khuyên rủ Phương làm khuyên rốn, nhưng Phương không bao giờ mặc đồ hở, nên thay bằng khuyên rốn, cô quyết định khuyên thẳng lên… mũi.
Phương kể: “Khi xuyên qua mũi, hai dòng nước mắt chảy xuống. Hết”. Chưa dừng ở đó, nếu làm một phép “thống kê” sẽ thấy, trên người Phương có tới… 7 hình xăm.
Hình xăm hai tai, hình xăm hai cánh tay, hình xăm sau lưng… chủ yếu là hoa văn của thổ dân Canada.
Mẹ là người Hoa, nên trên cổ tay phải của mình, Phương xăm tên ba bằng chữ Tàu (ba của Phương đã mất, và đó cũng là cách Phương tưởng nhớ ba, vì được thấy tên ba mỗi ngày).
Phương sưu tập đủ các loại hoa văn, họa tiết của Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan… Trên đôi cánh tay mỏng manh của Phương, khó mà đếm được có bao nhiêu chiếc vòng, chiếc lắc với đủ loại họa tiết.
Một trong những “bảo bối” chứng tỏ sự nữ tính của phụ nữ là mái tóc, ấy vậy mà cách đây 4 năm, Phương “gọt” hết tóc của mình để tham gia một show quảng cáo về trang sức.
Không phải vì cát xê (cát xê lúc đó chỉ 400USD), mà bởi Phương thay đổi kiểu tóc liên tục nên việc “xuống tóc” cũng vì thế mà hết sức đơn giản.
Cô bảo: “Tóc đang dài, cắt, sửa riết, còn đúng một phân. Thế là em sửa thành đầu đinh, xem cái đầu mình có tròn không để cạo, chính lúc đó có người cần người mẫu cạo tóc quảng cáo. Đúng ý quá, thế là em… cạo đầu luôn”.
Phương nói, lúc đó 21 tuổi, trẻ, sốc nổi, muốn làm gì thì làm, và cái đầu trọc cũng là một “sản phẩm” của sự sốc nổi.
Ai xem Phương hát cũng dễ dàng nhận thấy sự mê say, hóa thân, sự “nhập đồng” của Phương – người ta vẫn gọi đó là cách hát của trái tim.
Hát bằng đam mê, nên hết phận sự mà khách yêu cầu Phương vẫn ở lại hát, có khi thấy khách dễ thương, cũng hát tặng họ.
Có điều, Phương hát xong là phải xuống “tu” bia (thường là thế). Chẳng phải đàn ông, nhưng mỗi lần Phương có thể “nạp” được… 10 chai bia.
Và cũng đừng bất ngờ, nếu thấy cô gái trẻ này ngồi nói chuyện với ai cũng “châm” thuốc liên tục, dù có thể “lấp liếm” bằng một hàm răng trắng bóng.
Tôi “tả” đến đây, có lẽ cũng đã đủ để hình dung ra chân dung của Tố Phương – cô gái có cái tên “rất con gái”, mà mọi người có thể gặp hằng đêm ở Yoko.
Em có thấy mình lập dị không?
Đúng là em hơi lập dị thật. Em sẽ chẳng biết được điều đó đâu, nếu không có một lần bạn em đi phía sau, chỉ thấy lưng và tóc thôi, thế mà họ tưởng em là bà khùng, nên chạy lên xem, thì hóa ra là em!
Em có nghĩ, khi chúng ta sống trong xã hội nào, thì chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc, chuẩn mực của xã hội đó. Ví dụ ở Anh, người ta lái xe bên tay trái, nên họ đi bên tay trái.
Nhưng ở Việt Nam, mọi người lái xe bên tay phải, thành thử tất cả những người tham gia giao thông phải đi bên phải. Nếu em đi bên trái, hoặc em sẽ bị cảnh sát giao thông bắt, hoặc em sẽ bị người ta đụng mà té.
Chúng ta khoan hãy nói đến đúng sai, mà hãy nói đến vấn đề mình phải tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực của xã hội mình đang sống.
Đành rằng ở Việt Nam, chẳng có luật nào cấm phụ nữ đeo khuyên mũi, xăm mình, uống bia, hút thuốc… nhưng đó là luật bất thành văn, mà các cụ mình nói đâu có sai – phép vua thua lệ làng?
Em biết khi em chọn cách sống đó, sẽ có nhiều người ngắm nghía, bình phẩm. Nhưng cái em muốn làm và em đã làm đâu có ảnh hưởng đến người khác.
Em đeo khuyên, xăm mình, uống bia là chuyện của em. Khi nào anh đeo khuyên, xăm mình, uống bia mới ảnh hưởng tới anh chứ.
Em nghĩ, quy luật của cuộc sống không quá phức tạp, mà cái phức tạp nhất là phải xác định được: Sống làm sao? Sống để làm gì? Làm thế nào để cuộc sống của mình được vui và có ý nghĩa?
Sau buổi phỏng vấn “kiệm lời”, tôi về thẳng nhà, ngồi trước màn hình máy tính và tìm cách vẽ bức chân dung Phương.
Tôi đã thử vẽ như vậy đấy: một hình thức… không giống ai, những thói quen “rất con trai” và những lập luận có lẽ chỉ có… ở Phương.
Nhưng tôi lại cũng muốn vẽ một bức chân dung khác, mà trong đó là một Tố Phương với khuôn mặt của người thiếu nữ dịu dàng, đôi mắt chân phương và đôi môi thật sự gợi cảm.
Phương cũng là týp phụ nữ ít nói và biết lắng nghe. Đặc biệt là hình ảnh cô trong gian bếp của mình. Phương khẳng định tài nội trợ của mình bằng cách “thách” tôi đến nhà để thưởng thức những món ăn do cô nấu.
Phương còn khoe, mình có thể nấu được 40 món khác nhau với những mùi vị khác nhau. Ngoài ca hát, Phương thích vẽ, may vá, thiết kế giỏ xách, và đó cũng là nghề đã giúp cô gái miền Tây sống tự lập ở thành phố đắt đỏ này. Như vậy đã đủ chưa nhỉ, Tố Phương?
Lựa chọn cho mình một màu riêng biệt này, giá trị em nhận được là gì? Và cái giá em phải trả là gì?
Giá trị nhất là em được làm điều mình thích, không phải sống bức bối trong những chuẩn mực. Còn cái giá phải trả thì đến nay em chưa lãnh nên em chưa biết!
Dương Thúy |