Không ngủ trên khoang tàu - Tạp chí Đẹp

Không ngủ trên khoang tàu

Sống

1. Những dòng này thực sự là được viết trong nhịp đong đưa của con tàu từ Lào Cai về Hà Nội. Tàu rời ga vào lúc 20 giờ 5 phút và dự tính sẽ về đến thủ đô khi thành phố chưa bình minh. Nghe nói Hà Nội đang trong những ngày oi nhất, cái nóng cực đại lên tới 450C.



Thị xã Lào Cai khi chiều xuống, cái nóng vắt qua dãy Hoàng Liên cao chót vót mà vẫn khiến người ta phải liên tục lau mồ hôi, viễn cảnh sẽ phải chạm đến cái nóng kinh hoàng mà người thân đã cảnh báo liên tục qua điện thoại.

Vậy mà trên khoang tàu này, 4 hành khách gồm 2 người Việt và 2 người nước ngoài đã bắt đầu thiu thiu ngủ. Cái ngủ đến rất sớm trong nhịp võng của con tàu, tiếng quạt gió từ máy điều hòa mát lạnh và nhất là sự im ắng lịch sự tối thiểu trong một khoang tàu cá nhân…

Tôi cũng mang theo một cuốn sách trong hành lý du lịch của mình. Đọc chập chờn xen giữa những chuyến đi cũng đã gần hết. Đó là cuốn mới nhất về Hà Nội của anh bạn Nguyễn Trương Quý. Quý viết thú vị và cuốn hút, với cách diễn đạt cũng như phô bày những hiểu biết phong phú của mình về đời sống.

Bỗng nhiên, lật tới một tạp văn viết về Quy Nhơn – “Thành phố đã đi ngủ trưa”, tôi đọc một lèo rồi gấp sách lại và muốn đi ra ngoài khoang tàu hút thuốc… Đêm đã bắt đầu phủ bóng đen trên tất cả những lùm cây lướt qua khung cửa sổ. Chỉ có trăng, trăng đầu tháng như nhoẻn miệng cười trừ cho cái sự tẻ nhạt của không gian bên ngoài… Quý kể, Quy Nhơn chỉ bán vé tàu S1 nhưng không có ga tàu…

Một thành phố bình yên, bị lãng quên trong cái mạch chảy hàng ngày của những con tàu nối hai đầu đất nước. Ngẫm vui ra, đúng là ở xứ ấy chỉ có Hàn thi sĩ hối hả viết những dòng thơ điên, chứ làm sao mà có Thạch Lam ngồi kể câu chuyện nhìn ngắm những chuyến tàu qua con mắt của hai chị em hàng ngày…

Cũng đã chừng hơn một năm tôi mới lại bước chân lên một chuyến tàu. Mà cũng đã từ lâu lắm, tôi cũng chỉ chọn tàu hỏa cho những chuyến đi gần, hoặc thuận tiện. Chẳng hạn ngại phóng xe máy trên đường 5 vì nhiều tai nạn nên chọn đi tàu nhanh về Hải Phòng (mà giờ về đấy chạy xe Hoàng Long giá 40 nghìn vừa nhanh lại vừa sạch sẽ thuận tiện hơn nhiều); hoặc đó là chuyến tàu về Vinh hoặc Lào Cai (đi du lịch nên tận hưởng luôn những thứ sắp xếp của chuyến tàu máy lạnh – nằm mềm, tối vào ga ngủ một giấc là đến nơi cần đến)…

Khái niệm về những chuyến tàu của sự chậm chạm, ồn ào bị đẩy lùi vào những trang ký ức hoài cổ từ lâu lắm rồi… Khoang tàu của tôi dành cho bốn người, sạch sẽ và có phục vụ nước uống đàng hoàng. Đồng hành cùng tôi là một cặp tình nhân người Bắc Âu. Họ hôn nhau đường hoàng trước khi đi ngủ. Rồi mỗi người ôm một cuốn sách, lịch sự bật đèn cá nhân và thi thoảng ngó đầu ra khỏi giường tầng và âu yếm hỏi nhau “Are you fine?”.

Toa tàu có 6 khoang cá nhân như thế, tính tổng cộng cả một toa cũng chỉ có 24 hành khách. Nửa đêm, tôi bỏ chân đất đi ra ngoài hút thuốc, nhìn cả toa xe như một dãy phòng khách sạn im lìm đang trôi đi. Mọi người đã chìm vào giấc ngủ, kể cả cô nhân viên nhà tàu cũng đã gà gật trên chiếc ghế của mình phía cuối kia. Nhẹ nhõm nhưng dường như thiếu một điều gì.

2. Nếu là con tàu của xa xưa, của tuổi thơ và ký ức không còn rõ ràng của tôi là những chiếc ghế gỗ kéo dài bỏ một khoảng trống ở giữa la liệt người ngồi, hoặc là những ghế đôi dựa lưng vào nhau, từng cặp nhìn nhau, chen giữa là một cái bàn nhỏ xíu – nhỏ bởi hình như chẳng ai có gì để bầy biện lên.

Khoang tàu ngày xưa dễ chừng đến cả trăm người, hiếm lắm mới có những người đi một mình nếu như không phải là một anh áo vải xanh khoác ba lô tòn ten một chiếc bi đông cũ. Cả khoang tàu í ới tiếng nói cười, cứ rộn lên mỗi khi vào ga hoặc nghỉ tránh tàu.

Rồi chính những âm thanh chộn rộn ấy cứ loãng dần đi trên tiếng xình xịch đều đều của đầu máy hơi nước, người ta cũng vùi vào sự thả lỏng, hoặc ai đó đã kiếm được một việc gì để làm, một ai đó để làm thân.

Trong cái khoảng không cố định kia, chừng đó con người, bỗng nhiên lại thấy gần nhau. Dễ nhất là mấy bà mấy chị mang theo con nhỏ, bắt đầu có ngay những câu chuyện về bầy con nheo nhóc mang theo. Từ chuyện chữa chốc đầu, rôm sảy cho đến tác dụng của lá vòi voi, nhọ nồi hạ sốt.

Những người phụ nữ hồn nhiên vạch vú trắng hồng lấp miệng đứa con nhỏ chưa quen với đám đông. Ông chồng thì hầu như phải đứng hoặc ngồi bệt nhường chỗ cho vợ con, nên cái quạt giấy tím đen được bà cô mới quen kia phe phẩy giùm… Thời đó, cái sự chật hẹp, khó khăn đã qua ấy tuy vất vả nhưng nồng ấm.

Người ta cắt lát miếng cơm nắm mà chuyền tay nhau, người ta nhường nhau mảnh áo mưa thay nhau ngả lưng trên chặng đường dài… Tôi ấn tượng nhất ngày ấy là hầu như ai cũng có một chiếc làn nhựa. Hoa văn thưa thớt của nó bày ra tất cả hành lý mang theo của mỗi người.

Dăm quả chuối, cái bánh chưng, can nước sôi, hay túm vải thiều, thậm chí là cả một con gà trống thò cái mào đỏ chót cục cục suốt quãng đường… Rõ là người ta cũng không thể giữ khư khư một mình nếu như đó không phải là quà quê mang theo, nếu như lúc nào cũng có một đứa trẻ không rời mắt khỏi nó.

Cũng vẫn chiếc làn nhựa ấy, tôi không thể quên được những người thương binh già bám vào từng hàng ghế và chen giữa những đám hành khách lố nhố. Họ đến giữatoa tàu, rao mời nước trà nóng trong chiếc tích được ủ ấm bằng áo bông, phụ nữ trẻ con có thể nhâm nhi quà vặt là mấy chiếc kẹo dồi, kẹo lạc, bánh chả hay quả quýt xanh, dậm bụng bằng mấy quả trứng luộc.

Người bán hàng rong ấy chả khác gì một ông Bụt hay ông già Noel, người xách theo rất nhiều những thứ quà nhỏ nhỏ cho mỗi người, mà trong mắt của đứa trẻ tôi ngày đó, ngọt ngào và không dễ gì có được hàng ngày. Mà hình như, trên mỗi chặng đường, người lớn cũng dễ dàng chiều chuộng trẻ con hơn chăng. 

   


3. Rồi tôi lớn hơn, lớn đủ để được ngồi tự do nhìn ngắm những khung trời lướt qua bên ngoài. Đủ lớn để gác mặt lên khung cửa ấy mà không phải nhắc đừng có thò đầu ra ngoài, ngộ nhỡ những cành lá lòa xòa bên đường quẹt phải.

Ngoài kia là bao la. Là những cánh đồng lúa chín vàng. Là đám trẻ con mặt mũi nhem nhuốc đứng ngơ ngác nhìn chuyến tàu chạy ngang cửa nhà. Là đám trẻ trâu chạy líu ríu ven đường hò reo những ô cửa háo hức xa dần. Là lúc con tàu leo qua cầu sắt, đanh nghiến lỗ tai nhưng rờn rợn con mắt bởi xa khơi kia là con thuyền, là dòng sông không tên dọc đường đã đi qua…

Tôi nhớ những khúc quanh, khoảnh khắc mà mình có thể nhìn ngắm cả con tàu như con rắn xanh đang trườn trên đường ray, hùng dũng thở ra từng làn khói trắng. Là những lúc rúc vào lòng núi, cả không gian đông cứng tối tăm, ầm ì âm u rồi lại òa ra trong ánh sáng… Quãng đường còn dài mà bao nhiêu bức tranh, bao nhiêu phận đời lướt qua.

Tất cả như những thước phim câm, không lời mà chỉ có hình ảnh trôi qua. Đám trẻ dưới kia đang nói gì, là tiếng chị dỗ dành đứa em “nín đi… nhìn kìa, kia là đoàn tàu đó”. Là tiếng gọi đàn của đám dê núi ngơ ngác nhìn hay tiếng gà mẹ tìm con. Là nghĩ suy của người thợ cấy ngước mắt lên, quẹt ngang trán mồ hôi nghĩ về một hành trình về quê xa của riêng mình. Hay tiếng thở dài của bác thợ vá xe đang ngả mình trên võng, “Tàu về, lại một ngày đã qua”.

Tôi háo hức nhìn ra bên ngoài. Bên ngoài lại bình thản nhìn tôi. Họ tự tại bởi khi sinh ra họ đã thấy những chuyến tàu, đều đặn hàng ngày trong nhịp sống? Chỉ có con tàu là chuyển dịch, lướt qua chỗ họ ngồi mà không bao giờ dừng lại, không thể đưa họ ra khỏi cuộc sống nhìn những chuyến tàu? Tôi không biết, nếu tôi ngồi dưới kia, tôi cũng dõi mắt theo những khung cửa sổ. Tự hỏi những hành trình này sẽ về đâu, có điều gì phía trước. Cũng sẽ chợt thở dài khi toa cuối cùng mất dạng và tiếng còi loãng dần phía xa xa…

4. Và bẵng đi. Tôi lãng quên những chuyến tàu cho những hành trình ngược xuôi. Những cung đường từ phương Bắc đến đồng bằng sông nước miền Tây thuận tiện hơn bởi những đường bộ phẳng lỳ, những chiếc Boeing sang trọng… Mẹ tôi bảo, giờ về ngoại không đi tàu được rồi, bởi tàu S1 không dừng lại ở nơi cha đã đón mẹ con tôi bước xuống hoặc lên tàu…

Ga xép ngày xưa vốn đã nhỏ, nay còn nhỏ hơn bởi sự vắng lặng, họa chăng chỉ ồn ĩ lên đôi chút khi đón những chuyến tàu hàng lầm lì… Nỗi buồn ga xép ngày xưa, chỉ dừng đón chuyến tàu trong dăm mười phút rồi lại tiễn chân đi, nay buồn hơn khi người gác đèn chỉ vẫy tay ngước theo, nhưng con tàu lại xình xịch lướt qua, những ô cửa kính kín đặc lấm tấm hơi nước vô tình.

Chào ga xép nhé. Tôi lục tung trong ký ức những cái tên mình đã được nhẩm đi nhẩm lại, đến nơi này là sắp đến nơi kia… Vậy mà tôi đã quên, quên tất cả cho dù trong lúc này trong một chuyến tàu đêm có những ga xép vừa đi qua, vẫn có những ánh đèn le lói của người gác barie hay bẻ ghi đứng bên đường. Tôi muốn hỏi, tôi đã qua nơi nào… Bạn đồng hành của tôi đang thở đều đều trong chăn ấm. Nhân viên nhà tàu cũng đã ngủ gục phía cuối toa…

Bài: Chu Minh Vũ



Thực hiện: depweb

15/07/2010, 16:01