Không mua vàng dưới 1 lượng: Dân phát hoảng

Không ai cấm vàng lẻ

Đầu năm, rất nhiều người dân lo lắng khi xuất hiện thông tin chỉ cho phép mua bán bán vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất. Đây thực sự là một điều gây sốc với nhiều người khi phần lớn người giữ vàng với khối lượng nhỏ, vàng nhẫn…

Thông tin trên xuất hiện khi có Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN khiến người dân có cảm giác thị trường vàng tiếp tục bị siết chặt. Tuy nhiên, giải thích về điều này, đại diện NHNN cho biết đây chỉ là thông tin chưa chính xác về dự thảo quy định của NHNN.

Theo đó, điều 7, Dự thảo Thông tư quy định: loại vàng miếng được giao dịch mua, bán, NHNN mua, bán vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất.

Giải thích điều này, Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, đây là sự tiêu chuẩn hóa trong việc mua, bán với NHNN để tránh việc khó khăn trong khâu kiểm định. Tuy nhiên, đây là việc mua, bán vàng miếng của các tổ chức với NHNN chứ không phải mua bán trên thị trường. 

“Mọi giao dịch mua bán trên thị trường đều không thuộc phạm vi điều chỉnh này. Không ai hạn chế quyền mua bán vàng của dân. Mọi giao dịch mua bán lớn nhỏ, các thương hiệu và chất lượng vẫn diễn ra như hiện nay”.

Chính vì thế, lo ngại về việc quy định chỉ vàng miếng loại 1 lượng mới được sử dụng trong giao dịch sẽ gây khó khăn cho người dân và ép giá vàng nhỏ (dưới 1 lượng) là không đúng. Những việc gây ra những thông tin gây lo ngại trên là chưa hiểu đúng về phạm vi của quy định chính sách.

Đại diện NHNN giải thích vấn đề và phạm vi xử lý ở đây là vàng miếng, thực hiện với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đầu mối, chứ không trực tiếp với người dân. Lợi ích là nhằm bình ổn, tạo những vận động hợp lý chung cho cả thị trường chứ không riêng cho vàng miếng.

Hơn nữa, việc quy định hàm lượng và đơn vị như trên là để đảm bảo tiêu chuẩn trong giao dịch. NHNN không thể đứng ra mua bán các loại vàng nhẫn nhiều chủng loại, có tuổi và hàm lượng khác nhau hiện nay để đưa vào dự trữ ngoại hối nhà nước, cũng như không dùng chúng để giao dịch trên thị trường quốc tế.

Bán thêm vàng, giảm chênh lệnh giá

Cùng với việc xây dựng và chuẩn bị ban hành thông tư trên, NHNN đang chờ Bộ Tư pháp thẩm tra dự thảo quyết định về việc NHNN tham gia mua bán vàng; xây dựng các chính sách đồng bộ để có thể thực hiện can thiệp thị trường vàng. Mà cụ thể là sẽ thực hiện bán vàng ra thị trường thông qua đấu thầu cho các tổ chức tín dụng và DN kinh doanh vàng.

Đại diện NHNN cho biết, đã chuẩn bị sẵn nguồn lực, đang gấp rút và chờ đợi khung pháp lý chính thức ban hành để vào cuộc mua bán, điều tiết thị trường.

Tuy nhiên, quan chức NHNN khẳng định, việc NHNN tham gia vào thị trường vàng không phải là kinh doanh, mà là một biện pháp, một nghiệp vụ để quản lý thị trường. Hoạt động này không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm can thiệp để đưa giá vàng tong nước về mức hợp lý so với thế giới.

Việc mua bán sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu với mục đích tạo ảnh hưởng đến giá trên thị trường về vùng hợp lý, để bình ổn, khác với các loại đấu thầu – kinh doanh khác.

Nhìn nhận về động thái sắp diễn ra này, chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, nên xem đây là một nghiệp vụ quản lý của NHNN khi thị trường có biến động bất thường, gây xáo trộn lớn. Cơ chế thực hiện ở đây cũng giống như việc tham gia mua bán, điều tiết cung – cầu ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng hiện nay, nhằm thực hiện vai trò điều hành chính sách tỷ giá và quản lý thị trường ngoại hối. Nếu thị trường ổn định, đi đúng quỹ đạo thì cơ quản lý sẽ rút về chủ yếu là chức năng giám sát. .

Trong dự thảo quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ có nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Điều này cũng gây ra nhiều lo ngại về việc can thiệp giá phi thị trường của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, đây không phải là giá mua bán trên thị trường mà giá này là giá NHNN quyết định để đấu thầu với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng, chứ không phải giá giao dịch giữa các tổ chức đó với người dân. Một điều chắc chắn là NHNN không đủ sức để quyết định được giá thị trường, cũng không thể chạy theo được sự biến động từng giờ, từng phút của thị trường. Chỉ khi thị có những biến động bất thường thì mới can thiệp để điều tiết giá cho hợp lý.

Bên cạnh đó, tại dự thảo thông tư cũng quy định, khi đăng ký mua, bán với NHNN chính là cam kết không thể hủy bỏ của TCTD. Việc này, cùng với thông tin tạm xuất tái nhập vàng đã xuất hiện những lo ngại có thể tác động căng thẳng tới thị trường ngoại tệ.

Tuy nhiên, giải thích của NHNN, về nguyên tắc, các TCTD đã có tài khoản ở nước ngoài. Còn nếu TCTD có ký quỹ đặt cọc thì cũng chỉ ở mức 15% – 20% số vàng họ tạm xuất, tái nhập thì không thể ảnh hưởng gì tới trạng thái tài khoản của TCTD. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới tỷ giá.

Theo VEF


From the same category