Không mắc corona, nhưng có thể đã mắc coronaphobia - Tạp chí Đẹp

Không mắc corona, nhưng có thể đã mắc coronaphobia

Sống

Hơn bao giờ hết, 4 tháng qua là thời điểm chúng ta lo ngại nhiều nhất về sức khỏe. Một cái hắt xì hơi, cơn mỏi mình trước lúc ngủ, chứng đau đầu và mất ngủ cũng làm ta hoảng loạn không biết mình có bị mắc Covid hay không. Nếu bạn lo lắng quá mức về điều đó, thì có lẽ bạn đã mắc chứng coronaphobia.

Coronaphobia là một dạng rối loạn lo âu bệnh tật. Trong bối cảnh ca nhiễm leo thang đi kèm thắt chặt lệnh phong tỏa, những lo âu này sẽ liên quan đến việc sợ bị nhiễm bệnh, cách ly và ám ảnh cái chết. Dấu hiệu nhận biết chứng “bệnh tâm tưởng” này chính là khi bạn liên tục chất vấn mình: “Tôi chắc là đã bị nhiễm Covid; Tôi sẽ chết nếu nhiễm bệnh; Sau dịch tôi có thể sẽ thất nghiệp; Lệnh phong tỏa có lẽ kéo dài mãi mãi”. Những lo lắng đó sẽ khiến bạn điên cuồng tra cứu triệu chứng trên google, sa sút thể chất và tâm trạng ủ dột kéo dài, thậm chí lạm dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe như rửa tay liên tục.

Ở một mức độ vừa phải, sợ bị nhiễm Covid sẽ là động lực để ta chủ động bảo vệ sức khỏe. Nhưng sợ hãi quá mức lại hại nhiều hơn lợi. Thậm chí bây giờ đây, bạn có thể đang “toát mồ hôi” vì nghĩ rằng mình đang mắc coronaphobia rồi. Nhưng đừng lo lắng quá, bạn có thể giải quyết coronaphobia tại nhà nhờ vào 4 lời khuyên từ các chuyên gia.

Kiên trì hoạt động thể chất

Vận động thể chất sẽ giúp bạn giải phóng tinh thần. Nó có tác dụng tương đương với một giấc ngủ trưa, khi cơ thể bạn được “chạy lại chương trình”. Mặc dù chứng rối loạn lo âu khiến bạn né tránh việc tập luyện, nhưng hãy kiên trì ít nhất 5 lần/ngày vì lợi ích của nó. Theo gợi ý của Steven Taylor, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học British Columbia (Canada), bài tập thể dục theo động tác, bài tập thể dục cường độ cao như nhảy dây, chạy bộ sẽ giúp bạn giảm lo lắng rõ rệt.

Nghĩ về những thứ bạn kiểm soát được

Thứ bạn kiểm soát được chính là hiện tại. Thứ bạn không kiểm soát được chính là quá khứ và những gì sẽ xảy ra với bạn trong tương lai. Có một sự thật là, bạn sẽ tốn công vô ích nếu cứ nghĩ mãi về thứ ngoài tầm kiểm soát. Hãy tập trung cho hiện tại, vạch ra thời gian biểu cho một ngày (với một tâm thế nó không xảy ra y xì như thế). Bạn cũng có thể viết những muộn phiền vào sổ, sau đó đóng chúng lại và tập trung cho việc khác. Bằng cách đó, bạn sẽ tự động biết cách gác lo lắng qua một bên.

Tập thở

Bạn nghĩ thở là một hoạt động dĩ nhiên ư? Có lẽ điều đó đúng ở một thời điểm nào đó. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, thở cũng cần phải tập. Mà theo nhà tâm lý Asmundson, làm chủ cách thở là một bước thành công lớn giúp chúng ta “đưa hệ thần kinh chúng ta về trạng thái bình thường thay vì trạng thái đối mặt với nguy hiểm, nhờ đó giúp giảm lo lắng”. Hãy thử hít vào từ từ bằng mũi, đếm 1 đến 2, tạm dừng một hoặc hai nhịp, sau đó thở ra đếm 1 đến 2. Cứ như thế, lặp lại bài tập 15 phút mỗi ngày.

Google không phải là bệnh viện

Khi phát hiện triệu chứng bất thường, chúng ta thường lật tung google trước tiên. Nhưng thay vì trấn an, Google lại khiến những bệnh nhân bất đắc dĩ thêm hoang mang và sợ hãi. Hãy nhớ Google không phải là bệnh viện, nếu có triệu chứng gây lo lắng, bạn tốt nhất nên tìm đến bác sĩ. Ngoài ra, đừng lân la khắp các trang thông tin sức khỏe để trấn an tinh thần, vì rốt cuộc bạn chỉ rước thêm nỗi sợ. Trong thời gian rảnh rỗi, bạn nên viết nhật ký, tô màu, tập thể dục hoặc nghe nhạc, làm bất cứ cái gì để rơi vào trạng thái “flow”.

Tác giả: Hằng Trần

10/09/2021, 07:00