Không đem tiền thuế của dân đi cứu DN - Tạp chí Đẹp

Không đem tiền thuế của dân đi cứu DN

Tin Tức

– Vấn đề lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là nợ xấu, được ví như cục máu đông đang gây tắc nghẽn cho huyết mạch của nền kinh tế. Cục máu này to hay nhỏ, phá vỡ bằng cách nào là điều mà người dân và các chuyên gia rất quan tâm. Nhưng lại có các số liệu khác nhau do Ngân hàng nhà nước (NHNN) và UB Giám sát tài chính quốc gia công bố khiến dư luận đặt câu hỏi. Ví dụ số nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản do UB đưa ra cao gấp 8 lần con số NHNN đưa ra trước đó. Chính phủ đã kiểm tra những số liệu này để tìm ra bức tranh thật của nợ xấu?

Ông Vũ Đức Đam: Chính phủ cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân khi gửi tiền vào ngân hàng

– Đây là vấn đề mà trong phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa rồi, Chính phủ đã đề cập và thảo luận. Thủ tướng đã yêu cầu NHNN tiếp tục xu thế công khai, minh bạch hóa, sẽ sớm công bố chính thức về nợ xấu của các ngân hàng, các doanh nghiệp để những người quan tâm và nhân dân theo dõi.

Các số liệu công bố khác nhau do xuất phát từ các nguồn khác nhau. Một nguồn là tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, một nguồn do cơ quan thanh tra của NHNN đi tìm hiểu. Thời điểm thống kê cũng khác nhau. Một số tiêu chí xếp loại nợ xấu cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả.

Nhưng đúng là nợ xấu của chúng ta đang có xu hướng gia tăng. Số nợ xấu cần giải quyết như Thống đốc NHNN từng đề cập trước QH lên đến 100 nghìn tỷ đồng.

– Nợ xấu theo tiêu chí nào thì cũng rất cao. Là người dân, nếu có chút tiền muốn gửi ngân hàng thì tình hình này có đáng lo ngại?

– Tôi nghĩ không phải lo ngại bởi hai lý do. Thứ nhất, NHNN luôn quy định các ngân hàng thương mại phải ký một khoản quỹ nhất định, phòng khi rủi ro nợ không đòi được thì không bị đổ bể. Khoản tiền đó, theo tôi biết, làm tròn số là gần 70 nghìn tỷ đồng. Như vậy, dù số nợ xấu có lớn thì vẫn có một khoản mà NHNN nắm chắc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào đến vay ngân hàng thương mại đều phải có cơ chế bảo lãnh, thế chấp, nên không phải cứ nợ xấu là mất.

Thứ hai, chủ trương của Chính phủ luôn nhất quán từ trước đến nay là không để đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng, cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân khi gửi tiền vào các ngân hàng thương mại. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt NHNN tiến hành chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, một trong những mục tiêu là để có một hệ thống ổn định mà người dân không phải lúc nào cũng thấp thỏm lo đổ bể. 

– Trong cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng đã phủ nhận thông tin cần thành lập một công ty xử lý nợ xấu có số vốn lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng. Giải quyết nợ xấu đương nhiên là cần, nhưng người dân lo ngại tiền của Chính phủ, chính là tiền đóng thuế của người dân, lại đổ vào cứu doanh nghiệp. Tại sao những người dân nghèo lại phải cứu những người giàu có?

– Giải quyết nợ xấu có nhiều biện pháp chứ không chỉ lập công ty mua bán xử lý nợ, bằng chứng là hiện nay công ty đó chưa được lập nhưng nợ xấu vừa qua đã đươc từng bước giải quyết. Nếu lập thì số vốn của công ty cũng không nhất thiết phải bằng số nợ cần xử lý, nếu làm khéo thì số vốn ban đầu có thể rất nhỏ cũng có thể giải quyết một số nợ lớn hơn. Ngay số vốn nhỏ đó cũng không nhất thiết do nhà nước bỏ ra hết, nhà nước có thể chỉ tham gia một phần nhỏ, còn lại huy động các thành phần kinh tế tham gia vào. 

Tôi có thể khẳng định không có chuyện Nhà nước lấy tiền ngân sách ra để cứu các doanh nghiệp, nghĩa là nhà nước sẽ không dùng tiền thuế của dân lo cho một số doanh nghiệp như dư luận băn khoăn.

Theo VTV

Thực hiện: depweb

06/08/2012, 08:42