“Không để ai bắt nạt mình!”

Tuổi: 35

Tổng Giám đốc công ty DX Fashion (phân phối các nhãn hàng Escada, Canali, Etro, van Laack, Hiltl, Comme des Garcons, Elie Saab, Talbot Runhof, Thakoon, Zilli, Victoria Beckham, Azzedine Alaia…)

Vào thời điểm bắt đầu, anh nhìn thấy tiềm năng gì ở thị trường tiêu dùng cao cấp ở Việt Nam?

Như tất cả các nước có sự phát triển vượt bậc về kinh tế trong thời gian ngắn, nhất là các nước châu Á, mà nổi bật nhất gần đây là Trung Quốc, kinh tế phát triển tất yếu sẽ đi cùng sự xuất hiện của một tầng lớp giàu có và cùng với họ là nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ngày càng nhiều người Việt Nam ra nước ngoài mua sắm thời trang cao cấp. Con số thống kê cho thấy việc chi tiêu này của người Việt tại nước ngoài lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm và ngày một tăng với tốc độ chóng mặt. Tôi nghĩ phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam vừa là một cơ hội làm ăn tốt, nếu thành công lại cũng giúp giảm được rất nhiều nguồn ngoại tệ đang chảy ra khỏi đất nước (vì hầu hết doanh thu hàng xa xỉ nằm tại kênh phân phối trong nước, từ thuế nhập khẩu, chi phí quảng cáo, tiếp thị, thuê mặt bằng, lương nhân viên, lợi nhuận nhà phân phối), đồng thời xây dựng được một ngành phân phối rất đặc thù.

 

– Anh cũng có lần chia sẻ là đang xây dựng một thương hiệu xa xỉ “made in Việt Nam”? Việc đó đến đâu rồi?

Nói cho đúng, cái mà chúng tôi đang làm là xây dựng một thương-hiệu-phân-phối-của-Việt-Nam, chuyên phân phối các sản phẩm thời trang và lối sống cao cấp. Điều này tôi đã từng chia sẻ trên báo một lần, nhưng mọi người dường như không hiểu lắm, lại cứ nghĩ là tôi đang định sản xuất hàng cao cấp “made in Việt Nam”.

Việc sản xuất hàng cao cấp “made in Việt Nam” là tốt, nhưng tôi chưa có ý định ngay lúc này. Phân phối luôn là khâu tạo ra nhiều giá trị tăng thêm nhất. Hàng hóa nước mình, ra nước ngoài hay kể cả ở trong nước, vẫn luôn phải chịu giá thấp hơn hàng ngoại, lý do chủ yếu là không làm tốt được kênh phân phối. Làm việc với các thương hiệu cao cấp nước ngoài, tôi học hỏi được rất nhiều cách họ làm thương hiệu và phân phối sản phẩm để nâng cao tối đa giá trị hàng hóa. Một lúc nào đó, khi đã làm chủ được công nghệ phân phối và cách làm thương hiệu, tôi mới tính đến chuyện làm hàng xa xỉ “made in Việt Nam”.

Đất Xanh – cái tên này có ý nghĩa gì vậy?

Tôi cũng xin nói ngay là hiện có hai công ty Đất Xanh. Công ty Đất Xanh chuyên về địa ốc không phải của chúng tôi. Cũng chỉ là trùng tên tình cờ thôi. Hồi năm 2006 khi lập công ty kinh doanh bán lẻ, nghĩ đến tên gọi thì cũng chỉ nghĩ đặt một cái tên gì đó lành lành và thân thiện với môi trường, tôi lại mạng thổ, thế nên đặt luôn là Đất Xanh. Hiện nay để tiện giao dịch, chúng tôi đã đổi tên chính thức là DX (DX Fashion).

Những nhãn hàng mà anh đang phân phối có thể nói là khá kén khách, nhất là khách hàng châu Á. Và anh vẫn kiên trì với con đường của mình?

Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp luôn phải chọn lựa cho mình một phân khúc thị trường và kiên trì theo đuổi phân khúc thị trường đó. Thị trường thời trang cao cấp tuy có vẻ hẹp nhưng thực ra rất đa dạng. Trong cùng một nhóm người có thu nhập cao cũng có rất nhiều phong cách, thị hiếu khác nhau. Chúng tôi chọn một phân nhánh nhỏ của thời trang cao cấp là những thương hiệu thỏa mãn đồng thời các tiêu chí: sang trọng một cách kín đáo, không chạy theo xu hướng một cách mù quáng, và có một tinh thần sống phóng khoáng, cởi mở. Đã có rất nhiều nghiên cứu về sự phát triển của tâm lý người mua thời trang cao cấp. Họ thường bắt đầu với những thương hiệu đình đám, để khẳng định đẳng cấp, để giống với những người mà họ ngưỡng mộ. Rồi sau đó, đa phần họ bắt đầu tiến đến bước không muốn giống nhau, muốn được độc đáo, khẳng định cá tính riêng của mình thay vì đồng loạt dùng một hiệu quen tên, quen mắt.

Nói cho đúng, những thương hiệu chúng tôi lựa chọn cho LUALA hầu hết đều rất thành công ở các thị trường châu Á như Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc, vì hợp với vóc người và phong cách sống của người Á châu, và tôi tin tưởng rằng thị trường Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Trên con đường của mình, có phép tính nào anh sai không?

Có chứ, nhiều là khác. Nghĩ lại tôi vẫn còn thấy đau xót lắm. Dù vẫn tự an ủi đấy là những bài học, nhưng mà giá như học phí thấp hơn một chút thì chắc đỡ buồn hơn.

On The 6 và La Cantine theo tôi là 2 nhà hàng có ý tưởng và định hướng tốt, tại sao đều đột ngột đóng cửa?

Tôi nhận ra rằng kinh doanh nhà hàng và kinh doanh bán lẻ đều là những việc đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý trong quản lý điều hành, và thật khó để cùng một lúc song song xây dựng và phát triển cả hai. Khi phải chọn lựa, tôi đã quyết định chọn phát triển mảng kinh doanh bán lẻ cao cấp.

Người mới gặp thường nhận xét anh trông có vẻ hiền lành nho nhã. Nhưng dường như những tố chất đó không phù hợp với một doanh nhân thành đạt? Có một Đỗ Ngọc Minh nào khác phía sau Ngọc-Minh-hiền-lành-nho-nhã không?

Chữ “nho nhã” thì tôi không dám bàn vì đó là nhận xét chỉ nên của người bên ngoài. Hiền lành thì cũng tùy chỗ thôi. Tôi cũng gặp nhiều doanh nhân thành đạt, có vẻ ngoài rất hiền lành, nho nhã. Nhưng khi vào việc, lúc cần quyết đoán, dứt khoát, thì tôi thấy họ đúng là đáng để học tập. Tôi nghĩ quan trọng khi sống, đặc biệt khi làm kinh doanh là phải biết mình biết người, không bắt nạt ai nhưng cũng không để ai bắt nạt mình.

 

Người ta “xem tướng” về đàn ông có râu quai nón thế này: đậm chất nam tính, bảo thủ, đôi khi hơi “hiểm”. Anh thấy có đúng với trường hợp của mình không?

Nói chung là nếu bạn đặt câu hỏi này với bất kỳ người đàn ông nào có râu quai nón, thì câu trả lời cũng giống nhau, là “đúng”. Đàn ông nào mà chẳng thích tự nhận là mình nam tính, kiên định (hiểu theo nghĩa tích cực của từ “bảo thủ”, đàn ông vốn lạc quan mà), và “hiểm” (phim “Bố già” hấp dẫn đấy chứ)? Tôi thì cũng không phải ngoại lệ, nhưng mà tự mình nghĩ là một chuyện, sự thực có phải như vậy không chắc phải để người ngoài, nhất là phụ nữ, đánh giá thì mới khách quan được.

Trong con người mình, anh thấy có bao nhiêu phần trăm của người bố – một chủ tịch HĐQT ngân hàng lớn – và bao nhiêu phần trăm của mẹ – một giáo viên dạy văn?

Chỉ nói về tính cách, trong nhiều tình huống, tôi thấy mình giống bố 100%, nhưng cũng có khi giống mẹ 100%. Mà bố mẹ tôi tính cách khác nhau: mẹ tôi sôi nổi, bố tôi trầm tính.

Tôi cũng bất ngờ khi biết ngoài việc xây dựng thương hiệu “Luala Concert” – một phép tính tôi cho rằng ngoài trái tim “nóng” của người yêu nghệ thuật có cả phần “lạnh” của một người kinh doanh thông minh, anh còn là chủ của trang soi.com.vn. Tóm lại thì đâu là điểm chung của những Đỗ Ngọc Minh này?

Điểm chung rõ nhất là tôi yêu nghệ thuật, nên hay chọn những việc có liên quan đến nghệ thuật để ủng hộ. Điểm riêng thì cũng rất rõ. “Luala Concert” là một dự án nghệ thuật cộng đồng xuất phát từ nhu cầu làm thương hiệu cho LUALA. Soi thì hoàn toàn là một dự án mà nhiều người bảo là “tào lao”, làm chỉ vì thích, hoàn toàn không có ý đồ lợi nhuận hay thương hiệu gì. Khi làm Soi, tôi thích có một trang chuyên về mỹ thuật (và sau này chúng tôi lấn qua chút chút nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc), đọc thật dễ hiểu, nhẹ nhàng thôi, và vui nữa, để làm cho người ta yêu đời. Nhưng mà tôi cũng có được nhiều thứ từ Soi. Quan trọng nhất là học thêm được nhiều kiến thức thú vị, mà nếu không làm Soi chắc tôi cũng không bao giờ chịu khó tìm tòi. Và đôi khi được người đọc gửi thư cảm ơn, tôi và mọi người trong nhóm làm Soi đều thấy rất vui vì mình cũng làm được chút gì đó có ý nghĩa.

 

Còn Đỗ Ngọc Minh trong vai trò một ông bố trẻ tuổi và sành điệu với 3 cậu con trai?

Nói tôi sành điệu thật ra cũng không đúng lắm đâu, vì tôi không rành về xe cộ hay những môn thể thao của người sành điệu. Hồi mới làm thời trang tôi cũng sưu tập đủ loại sách hướng dẫn ăn mặc cho nam giới về nghiên cứu và thử áp dụng, nhưng được một hồi thì cũng chỉ thích những gì thoải mái nhất. Các con tôi thì suốt ngày chê tôi là  “béo, xấu, nhiều râu”. Tôi nghĩ mình là kiểu người về căn bản là của gia đình, mặc dù việc nuôi dạy con chủ yếu là do vợ tôi đảm nhiệm, tôi như kiểu “tiên ông”, lâu lâu xuất hiện trước mặt con cái trong bộ dạng vui vẻ dễ dãi nhưng thật ra là phá bĩnh công cuộc dạy con của vợ. Cả hai vợ chồng tôi đều thích có nhiều con. Ông bà ngoại, ông bà nội đều còn trẻ và cũng thích trong nhà có nhiều cháu.

Trong gia đình anh, vai trò của người vợ là…?

Người vợ.

Anh có biết rằng tuy thường đứng lui về sau, nhưng anh và vợ được rất nhiều thành viên trên một diễn đàn dành cho phụ nữ hâm mộ? Nhưng liệu hình ảnh đó có lý tưởng quá không nhỉ?

Bạn nói thế tôi rất tự hào và cảm động. Vì tôi biết, phụ nữ thường hâm mộ nhất những gì mang vẻ đáng tin. Và đó cũng là phẩm chất mà chúng tôi trân trọng nhất, dù ở bất kỳ ai. Lý tưởng quá hay không thì tôi cũng không rõ, nhưng mà lý tưởng thì có bao giờ là thừa đâu nhỉ?

Bài: Quế San
Ảnh: JUNDAT
Trợ lý: Linh Nguyễn 


From the same category