Không có ước mơ, trẻ con không còn là trẻ con

Cuộc trò chuyện giữa nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhà báo Chu Minh Vũ, hai thế hệ bên cái mốc chuyển giao 1975.


Chu Minh Vũ (CMV): Ngày ấy, lũ trẻ bọn tôi không phải đi học thêm như học trò bây giờ. Đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ đi làm. Bố mẹ tôi làm giáo viên, nên may mắn có một căn gác xép để đầy những cuốn sách… Một căn gác xép tạm bợ và tối tăm, những trang sách đen nhẻm… Lúc đó, những cuốn sách ấy chưa cuốn hút tôi bằng thế giới bên ngoài ổ khóa kia… Nhưng ngoài thời gian ngồi thò chân qua cửa sổ trò chuyện với đám bạn, tôi không biết làm gì ngoài cách đọc đi đọc lại những cuốn truyện đẹp nhất – giấy trắng tinh, chữ to và nhiều hình minh họa…, của Nhà xuất bản Cầu Vồng. Đọc đi đọc lại đến thuộc lòng từng chi tiết, đọc đến ngủ quên cho đến lúc tiếng xe đạp của mẹ tôi đã lách cách đi đến đầu hồi… Đọc hết “sách trắng” thì đến những cuốn “sách đen” – dày và in bằng giấy đen của Việt Nam, từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng”, “Tuổi thơ dữ dội”… cho đến “Truyện cổ Grim”, “Truyện cổ An-đéc-xen”, “Những tấm lòng cao cả”… và thậm chí cuối cùng tôi cũng đọc xong cả những “Hảo hán nơi trảng cát”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Đất vỡ hoang”, “Thép đã tôi thế đấy”… trước khi vào cấp 2… Bố mẹ tôi không cấm tôi đọc sách trong nhà, kể cả cuốn người lớn kiểu như “Tình sử Angelic”… nhưng tuyệt đối cấm những cuốn sách thuê ngoài tiệm mà mãi sau này tôi mới biết đó là sách kiếm hiệp, dã sử… Mà càng cấm tôi lại càng… tò mò để đọc lén lút. Bởi thế ngày cấp 2, khi say mê truyện dã sử kiếm hiệp, tôi bực bố mẹ đã cấm tôi đọc những cuốn này từ sớm. Rồi khi lớn hơn nữa, đọc những cuốn sách khác, tôi lại thắc mắc ngày xưa bạn bè được đọc, được biết mà tôi lại không. Nhưng có lẽ, chuyện đọc là như vậy, bước lên từng nấc thang, tôi có thể rời một cuốn sách và đến với một câu chuyện khác.

Đỗ Trung Quân (ĐTQ): Năm 10 tuổi cũng vì tò mò, tôi sa vào căn phòng sách cố tình không khóa lại của mẹ mình. Mẹ tôi là người đọc sách và đã “bẫy” thằng con hiếu động ưa lê la đầu đường cuối ngõ hơn trong nhà bằng căn phòng (giả vờ) “bí mật” ấy. Thế là một thế giới mênh mông khác lại được mở ra, cái thế giới ở trong bóng tối lại tràn ngập thứ ánh sáng của trí tưởng tượng từ nhân vật và những cuộc phiêu lưu có chiều dài, rộng bằng cả thế giới.

Trong bóng tối, bởi vì thằng bé lên 10 không dám bật đèn để đọc khi đã bị mẹ “cấm vào”, nó bị cận thị sớm khi chưa hết tiểu học. Vì thế, đấy cũng là nỗi ân hận của bà mẹ sau này… Trong căn phòng cấm ấy có gì? Có Triệu Tử Long, Quan Vân Trường, Trương Phi, Tào Tháo, Lưu Bị của thời Tam quốc tranh hùng… Có bóng dáng của chàng tiểu lãng tử Yến Thanh, tiếng gầm của Võ Tòng khi đả hồ trên núi Cảnh Dương, có tiếng thét của Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ rung động cả vùng Thủy Hử…

Có thuyền trưởng Nemo trên con tàu bí mật ẩn hiện trong lòng đại dương mênh mông… Có tiếng sói tru trải dài trên cánh rừng thâm u của Jack London từ Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã… Có một bầu trời lấp lánh sao trong một đêm trên sườn núi của chàng chăn cừu và cô chủ nhỏ 16 tuổi đẹp như một giấc mơ của Alphonse Daudet… có luôn cả Z28, Tống Văn Bình – chàng điệp viên mang quốc tịch Việt Nam mà sau này khi lớn lên tôi mới biết là nguyên mẫu từ chàng điệp viên nổi tiếng nhất thế giới James Bond-007.

Chính từ nhân vật được phóng tác thành Việt Nam này mà kiến thức địa lý của tôi hơn hẳn những đứa bạn cùng tuổi, cùng lớp. Đơn giản chàng điệp viên ấy hoạt động khắp thế giới, hầu hết mọi quốc gia quan trọng. Văn hóa, địa lý của những quốc gia ấy luôn được miêu tả cặn kẽ trong các điệp vụ của mình. Trong trí thằng bé lên 10 chưa có khái niệm chính trị, chỉ có niềm kiêu hãnh “ngây thơ”: A! Việt Nam có một… siêu điệp viên hào hoa và oách nhất thế giới mang tên Tống Văn Bình…

Căn phòng bí mật của mẹ thật sự đã trói chân tôi bớt lê la ngoài đường sá, hẻm ngõ, nhưng lại đẩy trí tưởng tượng của tôi vượt khỏi địa lý bản đồ khi tuổi chưa quá 15. Sách là như thế, kho tàng vô hình mà nếu chạm vào ta sẽ giàu có. Nó là thứ tài sản duy nhất khi vào đầu thì miễn phá sản.

CMV: Tôi vẫn nhớ ngày xưa tôi yêu sách đầu tiên vẫn là vì sách Cầu Vồng đẹp quá, chợt nhớ đến anh thường vẽ minh họa cho sách của Nguyễn Nhật Ánh một thời thiếu niên tôi cũng từng mê mẩn. Nhưng xét cho cùng, điều gì cuốn hút trẻ con chạm được đến sách vở cũng được, miễn đó không phải là cuốn truyện tầm phào. May mắn đến với cha mẹ chúng tôi bởi vô tình trong sự thiếu thốn vật chất, họ lại có một sự tinh khiết về tinh thần dành cho con cái. Đơn giản như những cuốn sách, những gì còn lại và có thể được trao gửi cho con cái là những tác phẩm văn học thiếu nhi trong đó phần lớn được in ở Liên Xô… Không hiểu, thời niên thiếu của anh, nơi anh sống hoàn toàn khác với thế hệ đi sau chúng tôi, văn học thiếu nhi có khác?

ĐTQ: Tuổi thơ tôi thuộc thế hệ có chiến tranh, khi đất nước chưa thống nhất. Chiến tranh ảnh hưởng đến tất cả, cho dù với trẻ con người lớn thường nghĩ không ảnh hưởng gì sâu sắc. Nhưng có đấy, không trẻ con nào không thích chơi trò chơi của ca khúc “Bang Bang” mà tiếng Việt là “Pằng! Pằng!”. Chia hai phe bắn nhau bằng súng ống tre là một ví dụ về trò chơi thông dụng của tuổi thơ tôi.

Chiến tranh vô hình trung làm tuổi thơ già sớm hơn một chút. Nhưng sự mơ mộng, trí tưởng tượng của trẻ thơ may thay được những nhân vật từ sách, những tác phẩm văn học nuôi dưỡng. Peter Pan là nhân vật gợi mở cho tôi cả một thế giới phi hiện thực sâu đậm nhất khi tôi lên 8 tuổi.

Đấy là cậu bé từ chối trở thành người lớn, mãi mãi muốn là trẻ con để phiêu lưu trong thế giới có đủ cả cái tốt lẫn cái xấu, nhưng vẫn giải quyết bằng sự trong veo của linh hồn mình.

Bạn tôi, nhà văn hàng đầu cho tuổi mới lớn và thiếu nhi hiện nay – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là hình ảnh của một nhà văn khác trong tôi khi 15 tuổi: Duyên Anh – Vũ Mộng Long. Tôi lớn lên ở Sài Gòn. Hoàn cảnh lịch sử của đất nước chưa thống nhất, tất nhiên, chúng tôi phải đọc những nhà văn miền Nam như Duyên Anh.

Những “thằng Vũ, thằng Côn, con Thúy, bồn lừa, những hoa thiên lý, mơ thành người Quang Trung…” của nhà văn này thổi vào tâm hồn đám trẻ đang lớn như chúng tôi sự mơ mộng và niềm tự hào làm trẻ con Việt Nam rõ nhất. Lũ trẻ trong truyện của ông sẵn sàng đánh nhau với những thằng nhãi tóc vàng mắt xanh ở các cư xá dành cho người Mỹ.

Những nhân vật trẻ con Việt Nam ấy đủ làm lu mờ anh chàng Lucky Luke tận miền viễn tây xa xôi, hay người hùng của bóng đêm Batman khi ấy cũng đã có mặt ở Sài Gòn. Hôm nay, Nguyễn Nhật Ánh cũng thổi vào tâm hồn trẻ thơ những rung động tuyệt đẹp của Chương, Ngạn, Cúc Hương, Thục…

CMV: Ngay từ ngày còn bé, tôi đọc truyện và thường mắc bệnh nhập vai. Còn anh thì sao? Và bây giờ, khi là nhà văn anh nghĩ thế nào khi con trẻ không quan tâm đến ai là cha đẻ của nhân vật mà chúng chỉ nghiễm nhiên nghĩ rằng đó là thế giới của chúng – sẵn có vậy?

ĐTQ: Trẻ con quả thật ít quan tâm đến cha đẻ của nhân vật. Chúng chỉ quan tâm đến chính nhân vật – người hùng của nó. Chẳng đứa trẻ nào nhớ tên tác giả của Batman, Superman hay Spideman… Khi 10 tuổi, tôi thỉnh thoảng cũng khoác áo choàng cánh dơi nhảy từ… cửa sổ xuống nền nhà, thỉnh thoảng cũng “pằng pằng” vào chiếc bóng của mình trên tường như anh chàng Lucky Luke.

Con trai tôi ngày còn bé cũng hệt thế, có khi là Songoku của “Bảy viên ngọc rồng”, có khi là Nobita vụng về của “Đôremon”. Trí tưởng tượng là món quà mà không cha mẹ nào giúp con cái được ngoài sách vở, tác phẩm văn học (hay chỉ là giải trí) mà đứa trẻ chọn đọc.

Nhân vật của mỗi thế hệ có thể khác nhau, nhưng sự tưởng tượng của trẻ con thời nào cũng giống nhau. Nhưng văn học đích thực của của thế giới để lại sự bất tử cho dù là thời đại nào cũng thế. Nàng Bạch Tuyết bất tử, Peter Pan bất tử, Cô bé quàng khăn đỏ bất tử, Thuyền trưởng Hook bất tử…


CMV: Cả thế giới đang lên cơn sốt với những thế giới 3D mộng mơ siêu thực. Và đột nhiên tôi nghĩ rằng, biết đâu là chúng có thật, chúng tồn tại và hoàn toàn không phải là sáng tác. Văn chương thiếu nhi chỉ là một bài học đầu tiên về thiên nhiên, về vạn vật, về xúc cảm nhân văn… Còn điểm kết cho câu hỏi lớn “Chúng có thật hay không?” chỉ đến khi chúng ta đã già đi, nhắm mắt lìa cõi tạm này… Tôi có nghe một chia sẻ của chị Minh Hồng – người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam cực nói rằng, chị mê từ bé cuốn sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển” và bắt đầu ước mơ được bước chân đi vào đại dương. Với chị, hãy cứ ước mơ, không có ước mơ nào là viển vông, Cuộc sống mà không có ước mơ thì chẳng có ý nghĩa nào hết…

ĐTQ: Không có ước mơ, không có trí tưởng tượng viển vông trẻ con không còn là trẻ con, tâm hồn sẽ nghèo nàn. Khi lớn lên chúng ta không còn tin Ông già Noel có thật nhưng nếu trước đó, khi còn là trẻ con ta đã… không tin vào cổ tích, cuộc sống sẽ ảm đạm vô cùng.

Nuôi nấng những giấc mơ cho con trẻ là điều mọi cha mẹ phải làm và phải tự chọn lựa cách làm. Khi con trai tôi còn bé, nửa đêm tôi trèo nóc nhà đặt vào phòng nó một món quà ký tên “Ông già Noel”. Phần thưởng lớn lao dành cho ông bố leo trèo là hôm sau khi thức dậy, ôm lấy món quà Giáng sinh, nó nói “Sao con thích gì ông già Noel cũng biết nhỉ!”

CMV: Biết chia sẻ với anh thế nào nhỉ, bởi anh là một người làm văn học… Chỉ biết rằng không có những con chữ và trang sách đã qua trong đời, có lẽ tôi đã không phải là tôi ngày hôm nay… Tôi đã lớn còn những người bạn ấu thơ của tôi thì vẫn vậy, không bao giờ bớt thơ ngây và mộng mơ… Nhưng tôi cứ thắc mắc rằng, liệu con tôi, cháu anh, lũ trẻ bây giờ có còn yêu những người bạn của tôi nữa không, hay chúng đã có những người bạn khác, hữu hình hơn (truyện tranh, phim ảnh)? Và liệu chúng cũng đọc, nhưng chúng có yêu họ như tôi… Bởi thực tế chúng có nhiều hơn nữa những người bạn mới.

ĐTQ: Thế hệ nào tuổi thơ và tuổi trẻ cũng có những mơ mộng đẹp. Những nhân vật Việt Nam của anh có thể song hành cùng những nhân vật danh tiếng của truyện tranh Nhật Bản đang chiếm lĩnh cả thế giới hôm nay. Bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay vẫn có thể yêu Đôremon, Songoku bên cạnh những nhân vật của “Kính vạn hoa”.

Tôi tin như thế. Và tôi thường trao đổi với anh đề tài “có tủ sách dành cho thiếu nhi hay không?” khi anh và tôi cùng đọc Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử khi lên 10. Jack London, M.Twain khi chưa 15 tuổi mà những tiểu thuyết ấy người lớn cũng say mê… Có lẽ, những khái niệm phân loại tủ sách, loại sách chỉ mang ý nghĩa tương đối mà thôi.

Bài: Chu Minh Vũ – Hình ảnh: LoanBB


From the same category