Không có ngày 20/11, nhưng ngày nào với người Nhật cũng là "Ngày Nhà Giáo" - Tạp chí Đẹp

Không có ngày 20/11, nhưng ngày nào với người Nhật cũng là “Ngày Nhà Giáo”

Sống

Nói về giáo dục Nhật Bản, có thể mỗi người sẽ nhìn nhận ở những góc độ khác nhau, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập tới những điều mà tôi được tận mắt chứng kiến khi cho con học tiểu học ở Nhật.

Giáo dục Nhật Bản luôn đề cao yếu tố con người, vì thế những bài học đầu tiên con sẽ được thầy cô dạy đó là nhân cách, quy tắc ứng xử. Ở trường, thầy cô không ”nhồi” cho trẻ nhiều chữ và những bài toán khó nên học sinh tiểu học không hề có áp lực. Nhà trường đặc biệt quan tâm tới giáo dục thể chất và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Thầy cô rất thân thiện và tôn trọng học sinh, lớp học luôn vui vẻ nên không có tình trạng các con không thích đi học vì sợ cô giáo.

Học sinh tiểu học bắt buộc phải mang cặp có gắn hệ thống còi cấp cứu

Nhật Bản chọn ngày đầu tháng 4 làm ngày khai giảng. Ngày đầu tiên ở trường học trùng với hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trong năm – mùa hoa anh đào nở rộ. Một năm học ở Nhật khác với Việt Nam là có 3 học kỳ. Học sinh được nghỉ hè trong 6 tuần lễ và có thêm hai tuần nghỉ đông.

Trẻ em ở Nhật khi bắt đầu vào lớp 1 thường được cha mẹ mua cho một cái cặp randoseru. Chiếc cặp này có gắn thiết bị vệ tinh GPS kèm theo một hệ thống còi cấp cứu rất to. Nếu trong trường hợp các con bị tấn công hay sàm sỡ, chỉ việc bấm còi là cả khu phố nghe thấy và công an sẽ có mặt ngay. Đây là trang bị học tập bắt buộc các gia đình phải chuẩn bị cho con. 

Học sinh tiểu học Nhật bắt buộc phải dùng cặp randoseru có gắn thiết bị vệ tinh GPS kèm theo một hệ thống còi cấp cứu, và em nào cũng phải có một cái ô để phòng những cơn mưa bất chợt

Do đặc thù ở Nhật Bản hay xảy ra động đất, nên ngoài chiếc cặp, học sinh thường mang theo một cái túi vải mềm, bên trong có một lớp đệm dày. Khi xảy ra động đất các bé sẽ chụp lên đầu và chui xuống dưới gầm bàn theo hướng dẫn của giáo viên. Túi xách đựng những đồ mang đi học phải để riêng, ghi tên ở ngoài không để bị thất lạc. Vì thế ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã rất tự lập và thành thục trong việc sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Dù luôn phải mang nhiều thứ lỉnh kỉnh đi học như cặp, túi, ô… nhưng các con không cần tới bố mẹ hỗ trợ mà tự đi bộ rất nhanh đến trường.

Với các học sinh mới vào học lớp 1, ngày khai giảng các con sẽ tập trung tại các khu vực công viên quanh nhà (công viên này cách trường khoảng 7  – 10 phút đi bộ) và cùng xếp hàng đi đến trường, lớn nhất đi đầu, bé đi cuối.  

Tôi còn nhớ, ngày con trai đi học buổi đầu tiên, cô giáo tới tận công viên để đón các học sinh nhí. Khi chụp một bức ảnh cùng cậu nhóc nhà tôi, cô giáo cúi thấp hẳn người xuống ngang bé để thể hiện sự trân trọng với học trò của mình. Cử chỉ nhỏ nhưng mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, bé rất vui thích khi đến trường chứ không bị cảm giác căng thẳng hay sợ sệt. 

Cô giáo đến tận công viên chào đón học sinh nhí vào lớp 1, cô cúi thấp người để chụp ảnh cùng học sinh thể hiện sự tôn trọng, thân thiện với học trò của mình

Vấn đề đúng giờ luôn được đặt lên hàng đầu

Mỗi lớp học ở Nhật thường chỉ có 30 học sinh và không phân biệt trình độ hay lớp chọn như ở Việt Nam. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở được miễn phí tiền học, chỉ đóng tiền ăn trưa. Nếu có bị đau ốm bênh tật sẽ được bệnh viện chữa trị không mất chi phí. 

Ở trường, ngoài đồng phục quần áo, các con còn có đồng phục mũ, trường nào mũ nấy. Bạn nào cũng phải có một cái ô để phòng những cơn mưa bất chợt khi đi bộ. Học sinh có trách nhiệm dọn vệ sinh ở lớp, hành lang lớp, khu vực chung của nhà trường. Học sinh cấp 1 không được mang đồng hồ điện thoại đến trường (cấp 1 từ lớp 1 – 6; cấp 2 từ lớp  7 – 9; cấp 3 từ lớp 10-12).  

Các con học từ 9 giờ sáng – 12 giờ 30, sau đó nghỉ trưa nhưng không ngủ, chiều học từ 2 giờ – 4 giờ. Ở Nhật vấn đề đúng giờ luôn được đặt lên hàng đầu, đúng tới từng phút, cho nên ở trường học, trẻ em Nhật được rèn rất sát sao về giờ giấc và tác phong. Các hoạt động của lớp thường chia thành nhóm để các con học cách phối hợp với nhau sao cho tốt và nhanh nhất, cũng là rèn tính tự lập, kỷ luật cho trẻ, ví dụ đến giờ học thể dục, vào ngày trực của nhóm nào nhóm đó phải chuẩn bị dụng cụ học của môn thể thao đó cho cả lớp, không vì bất cứ lý do gì mà nhóm làm chậm, gây mất thời gian của lớp .

Đến giờ ăn trưa các con cũng chia nhóm tự phục vụ bữa ăn của mình, cũng mặc tạp dề, đội mũ của đầu bếp và làm như người lớn. Thức ăn thường có một nồi cơm, một nồi súp, một nồi cá hoặc thịt… Mỗi tuần phân công 5 bạn chia cơm cá, súp cho các bạn khác. Các phần ăn bằng nhau, về cơ bản là ăn theo suất, nếu đói phải ráng chịu không mè nheo, tị nạnh. Hôm nào có món ngon nhưng thiếu, các con sẽ oẳn tù tì để chia đồ ăn trên tinh thần vui vẻ.  

Đến giờ ăn trưa các con chia nhóm tự phục vụ bữa ăn của mình

Rèn luyện kỹ năng, nhân cách cho học sinh chứ không chú trọng học lý thuyết

Ở Nhật, thầy cô chủ yếu rèn luyện kỹ năng cho học sinh tiểu học chứ không chú trọng học lý thuyết. Các con chỉ làm những bài kiểm tra nhỏ chứ không thi. Họ tin rằng mục tiêu của 3 năm đầu tiên không phải đánh giá trình độ kiến thức của các bé mà là hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách. Học sinh được dạy về nhân cách, cách tôn trọng người khác, luôn đối xử với mọi người bằng tấm lòng biết ơn, luôn quan tâm tới những gì người khác nói, cũng như học cách bảo vệ động vật và môi trường. Ngoài ra, các con cũng được rèn tính can đảm, tự chủ và công bằng. 

Các bậc phụ huynh ở Nhật cũng gắn kết sát sao với nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Trẻ học kém không bị nhắc nhở nhưng nhiều bố mẹ phải cho con đi học thêm ở trung tâm bên ngoài gọi là kumon. Ngoài ra, mỗi khi ở trường tổ chức các sự kiện, hoặc lễ khai giảng hay tốt nghiệp… các mẹ cũng sẽ tình nguyện đến tham gia giúp đỡ. 

Thầy cô Nhật Bản không có ngày lễ riêng, nhưng ngày nào cũng là ngày của nhà giáo

Tuy nhiên ở Nhật không có ngày tri ân các thầy cô như ngày 20-11 ở Việt Nam và phụ huynh không cần phải tặng hoa hoặc quà cho các thầy cô giáo vào bất kỳ ngày lễ nào. Thầy cô không đánh giá chất lượng học sinh qua phong bì và quà tặng. Họ coi việc giảng dạy tốt là giá trị dịch vụ đương nhiên học sinh được hưởng. Và như đã nói ở trên, bài học về sự tôn trọng, lòng biết ơn đối với người khác là những bài học quan trọng đầu tiên mà học sinh Nhật Bản được dạy khi vào tiểu học. Vì thế ở Nhật, nghề giáo được coi là một nghề thiêng liêng, thầy cô luôn được xã hội đề cao mọi lúc mọi nơi và được hưởng những ưu đãi trong các dịch vụ ở siêu thị, cửa hàng. Khi đi xe buýt, mọi người nhìn thấy thầy cô đeo thẻ giáo viên sẽ lập tức dậy nhường chỗ, kể cả người lớn tuổi… Nên dù giáo viên Nhật Bản không có ngày lễ riêng, nhưng có thể nói ngày nào cũng là ngày của nhà giáo, học sinh rất trân trọng thầy cô của mình, điều đó hình thành tự nhiên trong nhân cách của các em trong quá trình học tập.

Vào lễ tốt nghiệp hàng năm, nếu phụ huynh quý mến thầy cô có thể mua hoa đến tặng, việc này xuất phát từ sự quý trọng đối với giáo viên chứ không nặng nề về lễ nghĩa.

Một lớp học ở Nhật. (Ảnh: Shutterstock)

Với cách giáo dục tân tiến, trẻ em được học hành trong môi trường tôn trọng, được rèn luyện tính độc lập, tính kỷ luật cao… Nhật Bản luôn được coi là quốc gia có nền giáo dục chuẩn mực, bởi vậy khi trưởng thành, dù làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào, người Nhật luôn được đánh giá cao về tác phong, thời gian và hiệu quả công việc. Thế mới nói, trẻ em Nhật Bản nên người ra sao phụ thuộc phần lớn vào sự định hướng của nền giáo dục và môi trường sống mà các em được hưởng, chứ không phải từ điểm số thành tích qua các kỳ thi căng thẳng như nhiều học sinh và phụ huynh Việt đang phải vất vả chạy đua – học rất nhiều nhưng kết quả được những gì? Đó luôn là một câu hỏi nan giải.

Bài và ảnh: Michaeljo
logo

 

 

 

Thực hiện: depweb

16/11/2016, 16:29