Bỗng nhiên, tôi muốn bắt chước nhà thơ Hồ Dzếnh: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” và “chế” thành: “Không có giải nên em không đến nhé”, nhân sự kiện Uyên Linh Idol và nhạc sĩ Lưu Thiên Hương không đến dự chung kết chương trình Bài hát yêu thích năm 2012.
Nói cho ngay rằng hai nghệ sĩ này không phải là người tiên phong, mở ra tiền lệ “không có giải, không đến”. Trước hai cô, có không ít nghệ sĩ đã hành xử như thế.
Có lẽ chưa ở xứ nào như xứ ta, những giải thưởng văn hóa văn nghệ tha hồ rò rỉ kết quả trước khi được ông A bà B công bố chính thức. Của đáng tội nhất là các giải thưởng về phim ảnh và có trực tiếp truyền hình. Chẳng phải thế sao? Một người bạn của tôi, làm báo mảng văn nghệ kiêm luôn thành viên ban tổ chức một giải thưởng có liên quan vẫn khóc mếu cười mếu khi đến hẹn lại lên với giải thưởng do báo mình tổ chức: “Không hé lộ chút xíu với họ là họ có giải thì khó mà kéo họ đến với chương trình lắm. Cục tự ái của nghệ sĩ to đùng à!”.
Cứ thử nhìn lại các lễ trao giải Cánh diều với Bông sen mà xem… Chẳng mấy lễ trao giải trở thành “ngày hội” như ban tổ chức hằng quảng cáo lẫn kỳ vọng. Chỉ chừng đó người trao giải, chừng đó người nhận giải và chẳng có mấy tiếng vỗ tay reo mừng từ đồng nghiệp.
Giải thưởng Làn sóng xanh mới đây – chẳng biết có phải là do không tiết lộ kết quả top 10 ca sĩ hay không – mà chỉ có hai người lên nhận giải. Nghĩ mà buồn và xót cho ban tổ chức vì họ đã tốn công tốn sức cho giải thưởng.
Cũng có những ngoại lệ nho nhỏ nhưng những người chịu đến khi không có giải thì cũng phải có chút “chiêu trò” nào đó cho họ để bù đắp lại. Chẳng thế mà khi thông tin ca sĩ “ông hoàng” bị loại khỏi danh sách nhận giải vẫn sẽ đến dự lễ trao giải làm không ít người ngạc nhiên theo dõi rồi, sau đó à thì ra “ông ấy” có hẳn một tiết mục “đinh” khi giả dạng ngôi sao mình yêu thích và có xích mích sau đó – tiết mục ấy được nhắc đến nhiều nhất trên các báo mạng hậu lễ trao giải.
Khó trách ban tổ chức các giải thưởng nếu như họ có tiết lộ tí ti giải thưởng để kéo ngôi sao đến với lễ trao giải. Cái mình muốn nói ở đây là thái độ đối với giải thưởng của nghệ sĩ. Ðầu tiên là sự trân trọng giải thưởng, tiếp đến là sự chia sẻ với đồng nghiệp và cuối cùng là sự tôn trọng khán giả, tôn trọng người hâm mộ và thể hiện tầm văn hóa của mình.
Còn nhớ ba năm trước, nữ minh tinh Sandra Bullock đã hăm hở đến nhận giải… Mâm xôi vàng cho nữ diễn viên tệ nhất và chia giải “cặp diễn viên tệ nhất trong năm” với vai diễn trong phim All albout Steve. Cô đến và kèm theo một chiếc xe nhỏ chở rất nhiều đĩa phim All albout Steve để phát cho những người có mặt và nói: “Tôi sẽ lại xuất hiện trên sân khấu này vào năm tới nếu các bạn hứa với tôi sẽ xem phim một cách nghiêm túc và kết luận tôi đã diễn chẳng ra gì”. Và ngày hôm sau, Sandra lại đến nhà hát Kodak để dự lễ trao giải Oscar – cô có được một tượng vàng với vai diễn chính trong phim The blind side. Sandra đã để Mâm xôi vàng cạnh tượng vàng Oscar và nói: “Chúng ta đang sống trong ngành công nghiệp giải trí và điều bạn nên làm là hãy nhận cả điều tốt và không tốt về nó. Cả hai giải Oscar và Mâm xôi vàng gần như xảy ra đồng thời và nó mang lại sự cân bằng tuyệt vời cho tôi”.
Sự bình thản trước giải thưởng, nói rộng ra là dư luận khen chê, là điều mà có lẽ không nhiều nghệ sĩ của ta, nhất là nghệ sĩ trẻ, có được. Chẳng thế mà không ít nghệ sĩ đã nhảy nhổm lên, mắng xơi xơi những người viết đã không khen ngợi, tâng bốc tác phẩm hay con người họ.
Giải thưởng, suy cho cùng, cũng chỉ là một loại thước đo và đoạt giải hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là sự phù hợp với loại giải thưởng nữa. Có những nghệ sĩ được yêu mến suốt đời họ mà chẳng nhận được giải thưởng nào cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một ví dụ.
Thế nên, các nghệ sĩ nhà ta cũng không cần ngâm hoài câu thơ “chế” như trên và cứ thong thả sống, thong thả cống hiến cho nghệ thuật mà chẳng phải nhức đầu sân si làm chi ba cái giải thưởng…