Khi đặt chân đến Bali mùa hè năm ngoái, tôi đa nghĩ rằng, thế là đa “tạm đủ” để có một khái niệm về Indonesia. Nhưng khi có cơ hội đến đất nước này lần thứ 2 – ở một hòn đảo khác – tôi nhận ra rằng, có quá nhiều thứ thú vị ở đất nước này, để khám phá, để chiêm ngưỡng và thậm chí để kinh ngạc trước những di sản kỳ vĩ, cả của thiên nhiên tạo hóa lẫn do con người tạo ra… Đúng vậy, Indonesia không chỉ có Bali.
Chú bạch mã đưa khách lên núi Bromo rồi thong dong ngắm cảnh
Cũng giống như hành trình đến Bali, tôi và nhóm bạn của mình cũng chọn điểm transit ở Singapore rồi nối chuyến bay của hãng SilkAir đến Surabaya, một thành phố lớn nằm ở phía Đông của đảo Java. Đây là hòn đảo lớn thứ 13 của thế giới và từng là một quốc gia cường thịnh trong quá khứ. Ngày nay, Java là hòn đảo trung tâm của Indonesia, nơi có đến 130 triệu cư dân sinh sống, chiếm hơn 60% dân cư của Indonesia, trên một diện tích không quá lớn; dù ở quốc gia đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới này có hơn 17.000 hòn đảo và gần một nửa trong số đó không có tên và không có người ở. Mật độ dân cư của Java được xếp loại cao nhất thế giới, nhưng có vẻ như điều đó không xảy ra ở Surabaya. Máy bay hạ cánh ở sân bay cùng một cơn mưa lớn khi trời vừa nhá nhem tối. Đường về khu trung tâm sạch bong với những hàng cây xanh ngắt hai bên. Anh hướng dẫn viên du lịch cho biết, đây là thành phố xanh và sạch nhất của Indonesia. Anh cũng cho biết thêm, Surabaya trong tiếng địa phương có nghĩa là cá mập và cá sấu, khi xe đi qua một biểu tượng có hai con cá dữ đang uốn lượn vào nhau. Tôi cũng không hiểu tại sao hai loại cá này lại có liên quan đến nhau! Cái tên một thành phố, đôi khi có một giai thoại đặc biệt nào đó, nhưng đôi khi cũng chỉ đánh vào trí tò mò của du khách mà thôi.
Mt Bromo – Ngọn núi ảo ảnh
Dù là thành phố lớn thứ2 của Indonesia sau Jakarta, Surabaya cũng không đến mức quá sầm uất và cũng không có gì quá đặc biệt. Nó giống như các đô thị khác của các quốc gia khác ở Đông Nam Á, cũng có các tòa building hay các khu shopping mall hoành tráng. Nhưng Surabaya có một điểm mà nhiều du khách mê khám phá thiên nhiên buộc phải đặt chân đến, bởi đây là nơi có ngọn núi lửa Mt Bromo, được đánh giá là một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động đẹp nhất của thế giới. Núi lửa là một đặc sản của đảo Java, bởi hòn đảo này được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa hàng chục ngàn năm trước. Trên đảo có đến 38 ngọn núi lửa và gần như dàn hàng ngang từ Tây sang Đông, trong đó Bromo là ngọn núi đáng để chiêm ngưỡng nhất!
Sau 2 chặng bay, ăn tối và check-in khách sạn, chúng tôi chỉ nghỉ ngơi được khoảng 2 tiếng rồi lên đường ngay đúng nửa đêm để tiến về Bromo, kịp ngắm bình minh ở trên đỉnh núi, được xem là một trong những nơi ngắm bình minh đẹp nhất thế giới. 3 giờ sáng, xe bus đến điểm cuối cùng có thể di chuyển – ngôi làng Cemoro Lawang, ở độ cao 700m. Để ngắm bình minh của Bromo, chúng tôi phải chuyển qua loại xe Jeep tự chế, mỗi xe chỉ chở được 4, 5 người – leo lên đỉnh của ngọn Penanjakan cao 2.770m. Mất hơn 1 giờ đi lên những cung đường quanh co uốn lượn mà chỉ có các tay tài xế bản địa mới có thể cầm vô lăng điều khiển nổi, chúng tôi đặt chân đến đỉnh ngọn núi.
Chỉ mới hơn 4 giờ sáng, đỉnh ngọn núi vẫn chìm trong bóng tối bao phủ bởi màn sương mù lạnh lẽo, nhưng đa có hàng trăm người có mặt, chuẩn bị cho thời khắc đẹp nhất. Phải đợi thêm gần 2 tiếng nữa trong những quán nước địa phương, nhâm nhi ly cà phê Bromo đặc trưng, hơ tay trên than hồng và ăn bắp nướng, chúng tôi mới leo lên Viewpoint để chiêm ngưỡng toàn cảnh quần thể dãy núi lửa Tengger, trong đó có ngọn Bromo đang chìm trong sương sớm và đám mây trắng trôi bồng bềnh khi ánh dương vừa ló dạng. Toàn bộ chân núi Bromo và những ngọn núi khác như Batok và Semeru lúc bấy giờ vẫn đang chìm trong mây, chỉ nhìn thấy được miệng núi lửa nhô cao, cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Nếu ngắm Bromo trên đỉnh một ngọn núi khác mang lại một cảm giác như ảo ảnh thì khi xe Jeep đổ dốc, quay xuống chân núi và tiến về phía Bromo, ngọn núi này lại mang một hình hài khác, kỳ vĩ không kém. Không hẹn mà gặp, hàng trăm chiếc xe Jeep tự chế đủ các màu sắc, giờ đây đều quay đầu xuống núi, vượt qua bãi cát được hình thành từ nham thạch núi lửa, nơi chỉ có những cây hoa dại trổ bông trắng muốt để vượt qua thung lũng dưới chân núi. Thiên nhiên tạo ra những cảnh quan thật kỳ ảo. Những ngọn núi lửa xung quanh Bromo đều đã chết, không còn hoạt động nữa, nhưng dấu tích của chúng vẫn còn, thể hiện qua những vết tích xẻ quả núi ra hàng chục đường rãnh hình răng cưa hoặc sống trâu do những đợt phun trào nham thạch mà thành, nay được bao phủ bởi các loài cây cỏ xanh ngắt. Đoàn xe Jeep tiếp tục tiến vào điểm trung tâm của thung lũng, tại đó, du khách phải di chuyển hoặc bằng đi bộ, hoặc leo lên lưng ngựa để lên Bromo. Ngọn núi lửa Bromo khác biệt với hầu hết các ngọn lửa xung quanh bởi nó đang hoạt động nên toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi một màu xám tro của nham thạch, không có loài cây cỏ nào sống được. Lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào đầu năm 2011 đa khiến 2 du khách thiệt mạng và nhiều sân bay trong vùng đóng cửa…
Chú ngựa trắng đưa tôi lên đến độ cao lưng chừng núi, để đến miệng núi lửa, phải leo hơn 200 bậc cầu thang dốc đứng nữa. Vòng tròn bao quanh Bromo được bảo vệ bởi một hàng rào khá đơn giản và sơ sài quá mức. Ở ngay miệng núi lửa, những cột khói trắng vẫn phun lên. Thi thoảng có một tiếng nổ từ bên trong lòng núi, chất lưu huỳnh bốc lên nồng nặc khiến hàng trăm du khách ho rũ rượi. Một vài du khách bản địa thì mang hoa và đồ cúng để thả vào miệng núi lửa, bởi họ tin rằng đây là một ngọn núi thiêng. Với các tín đồ của đạo Hindu, từng phát triển rực rỡ trong quá khứ ở Java trước khi bị đạo Hồi xâm lấn, Bromo có nghĩa là thần của các vị thần. Nghe nói vào dịp lễ hội lớn nhất của đạo Hindu ở đây, những tín đồ mang rất nhiều đồ cúng, thậm chí là những chú bò, lợn, gà còn sống ném vào miệng núi để cúng thần linh và rất nhiều người dân địa phương đa trèo xuống miệng núi để chụp những đồ cúng đem về ăn. Tôi không tưởng tượng được họ đứng ở đâu để chụp đồ cúng trong miệng núi lửa dốc đứng và nguy hiểm như vậy, bởi chỉ cần sẩy chân là rơi tõm vào miệng núi lửa sâu hoắm không biết đâu là đáy. Tôi cũng đa thử mạo hiểm một phen, tay bám chặt lấy thanh bảo vệ để leo vào bên trong miệng núi, dù miệng thì cười để cô bạn chụp hình mà chân thì run lẩy bẩy…
Ngồi trên miệng núi lửa một lúc, hầu hết du khách phải leo xuống bởi nồng độ khí lưu huỳnh cao, rất khó thở. Từ điểm các chú ngựa dừng chân trước khi đưa du khách quay xuống chân núi, cảnh quang bao quanh rất nên thơ bởi tất cả những ngọn núi xung quanh thuộc dãy Tengger tạo thành hình một vòng cung ôm thung lũng vào giữa. Cảnh đẹp thế, chả trách mấy chú ngựa thong dong đứng ngắm…
Hai kiệt tác kiến trúc ở Yogyakarta
Ngôi đền Borobudur – được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới và là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới
Từ Surabaya chỉ cần mất hơn một giờ bay, chúng tôi đến thành phố lớn thứ 2 của Java có tên là Yogyakarta, nằm ở trung tâm của đảo. Đây từng là một cố đô và được xem là một thành phố văn hóa, triết học và tri thức nhất của Indonesia. Yog cũng có nhiều trường đại học lớn nhất của quốc gia này, nên lượng sinh viên khắp mọi nơi đổ về đây rất đông. Nếu Jakarta và Surabaya là 2 thành phố phồn thịnh, thì Yogyakarta có vẻ cổ xưa, truyền thống và vẻ đẹp yên bình của một thành phố có nhiều di sản lịch sử.
Indonesia là một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Nhưng trước khi Hồi giáo trở thành tôn giáo lớn nhất ở quốc gia này, Phật giáo và Hindu giáo cũng đa từng có sức ảnh hưởng lớn ở đây, thể hiện rất rõ qua những di sản kiến trúc còn sót lại ở Yogyakarta, trước khi bị Hồi giáo đánh bật và phải chạy sang một vùng đất khác. Ở Java hiện tại có đến 93% cư dân theo đạo Hồi, trong khi đó ở Bali, hòn đảo nhỏ nằm kề ở phía Đông, 93% dân cư lại theo đạo Hindu – điều này đa minh chứng cho những cuộc di cư mang màu sắc tôn giáo trong lịch sử.
Hai di sản chứng minh cho sự tồn tại thịnh vượng và vàng son của Hindu giáo và Phật giáo ở Yogyatarta chính là ngôi đền Prambanan và quần thể Borobudur – ngày nay được Unesco công nhận là hai di sản văn hóa thế giới, hai kiệt tác kiến trúc của Indonesia. Để chiêm ngưỡng hai di sản này chỉ cần mất một ngày bởi nó nằm khá gần trung tâm của Yog. Buổi sáng, điểm đến của chúng tôi là ngôi đền Prambanan, cách trung tâm khoảng 18 cây số. Ngôi đền tọa lạc trên một không gian rộng lớn với 5 tháp lớn, trong đó tháp chính giữa cao tới 47m. Ngôi đền thờ đạo Hindu, với ba vị thần tối cao là thần sáng tạo Brahma, thần duy trì sự sống Vishnu và thần hủy diệt Shiva. Toàn bộ ngôi đền có 8 lăng mộ chính và 250 lăng mộ nhỏ xung quanh. Cách đây khoảng 7 năm, một trận động đất lớn làm cho khu đền bị hư hỏng nghiêm trọng buộc phải đóng cửa để phục dựng, sau đó mới mở trở lại để đón du khách tham quan.
Thời tiết ở Java tháng 3 giống như Sài Gòn tháng 6, sáng nắng chiều mưa. Bởi vậy mà trong khi chiêm ngưỡng Prambanan dưới cái nóng như nung của mùa hè thì buổi chiều, khi đến Borobudur, bầu trời trở nên xám xịt báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đến. Chúng tôi là những du khách đặc biệt nên được tiếp đón khá trọng thị, không phải đi qua cửa soát vé mà đến một khu resort ở gần đó, ở vị trí có thể ngắm toàn cảnh ngôi đền kỳ vĩ này. Nghe nói đây là khu resort có giá cao nhất ở Indonesia.
Borobudur xứng đáng được gọi là kỳ quan Phật giáo. Tôi đa xem nó trên ảnh nhưng thực sự phải đến gần và nhìn ngắm ngôi đền được xem là tòa kim tự tháp với rất nhiều tượng Phật, những điêu khắc hay tạc nổi trên mặt đá… mới thấy hết sự vĩ đại của nó.
Ngôi đền Prambanam – cũng được xem là một kiệt tác kiến trúc Hindu giáo ở Yogyakarta
Borobudur cách Yogyakarta khoảng 42km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 và từng bị lãng quên rất lâu, trước khi được phục dựng và trở thành một di sản kiến trúc đáng tự hào nhất của Indonesia. Ngôi đền nằm trên một mặt bằng hình vuông rộng tới 2.500m2, gồm 5 tầng thềm trên hình vuông, tiếp theo là ba tầng trên hình tròn và trên cùng là một bảo tháp lớn. Tính từ chân đến đỉnh cao 43m. Ngôi đền hoàn toàn được xây dựng và tạc bằng một loại đá núi lửa màu xám, được khai thác ngay chính Java.
Để chiêm ngưỡng ngọn núi lửa đang hoạt động Bromo hay hai ngôi đền kỳ vĩ Prambanan và Borobudur, bạn có thể chọn Singapore Airlines từ TP.HCM sang Singapore rồi nối chuyến của hãng SilkAir bay đến Surabaya. Từ Surabaya, nối một chuyến bay nội địa đến thành phố Yogyakarta rồi sau đó chọn chuyến bay của SilkAir để trở về. Hãng hàng không SilkAir có rất nhiều chuyến bay từ Singapore đến các thành phố lớn nhỏ của đảo Java, và từ đó, bạn có thể khám phá nhiều cảnh đẹp thiên nhiên cũng như di sản văn hóa của hòn đảo đông dân nhất Indonesia này.
Nhà sử học nổi tiếng người Mỹ Will Durrant từng viết về Borobudur trong cuốn “Lịch sử Văn minh Ấn Độ” rằng: “Thực đáng lấy làm lạ, ngôi chùa Phật lớn nhất – có vài nhà chuyên môn còn cho là ngôi đền lớn nhất thế giới nữa – không phải trên đất Ấn mà ở trên đảo Java. (…). Nó vĩ đại là vì có cái bệ mênh mông (mastaba) vuông vức, mỗi chiều một trăm hai chục thước, cao bảy tầng, càng lên càng hẹp lại. Có hết thảy 436 tượng Phật, mỗi tượng có những nét khác nhau. Rồi thấy vậy chưa đủ, người Java còn đục trong vách đá của bảy tầng, hết thảy được 5 cây số hình chạm nổi ghi lại đời Phật Tổ, từ khi Ngài sinh cho đến khi Ngài đắc đạo. Nét đục rất tinh vi, khắp châu Á không nơi nào đẹp bằng. Ngôi chùa đó và các ngôi đền Bà La Môn ở Prambanam cũng gần đó, đánh dấu sự tiến bộ tuyệt đỉnh của môn kiến trúc ở Java, sau đó bắt đầu ngay thời kỳ suy vi”.
Mặc cho bầu trời xám xịt và sau đó cơn mưa lớn ào đến, chúng tôi leo lên tới đỉnh của ngôi đền khổng lồ này, nhìn ngắm từng được nét chạm trổ tinh vi cầu kỳ hay những bức tượng Phật nằm bên trong các stupa với lòng thành kính. Cũng ở đỉnh của ngôi đền, nhìn về phía xa, có một dãy núi chìm trong mây chiều khi cơn mưa vừa dứt. Không chỉ là những kiến trúc sư tài hoa, người xưa luôn biết cách để thể hiện niềm thành kính của họ với đức Phật! Với tôi, ngồi giữa hàng trăm đức Phật được bảo vệ trong những stupa trong cơn mưa chiều vừa dứt hạt, dù cơ thể thấm lạnh nhưng lòng bình yên khó tả…
Khói trắng bốc lên từ miệng núi lửa Bromo
Bảo Khánh