Cuộc họp báo sáng 5.7 của Bộ Tài chính lại nóng chuyện của ngành than, xăng dầu, điện là ba ngành còn đang thực hiện lộ trình thị trường hóa.
Xăng dầu tự chịu trách nhiệm
Vấn đề giao lại quyền tự định giá cho doanh nghiệp xăng dầu được công bố hôm 21.6 đã trở thành điểm nóng tại cuộc họp. Liệu, trong bối cảnh hiện nay, khi Nghị định 84 vẫn đang có đề xuất sửa đổi thì việc giao lại quyền định giá này cho doanh nghiệp xăng dầu có là vội vã? Nghị định này có hiệu lực từ 15.12.2009, trao quyền cho doanh nghiệp xăng dầu tự tăng tự giảm trong 3 tháng, nhưng sau đó, Bộ Tài chính đã rút lại quyền này và hoàn toàn điều hành giá trong hơn 2 năm qua.
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thẳn cho biết, gốc của vấn đề thị trường xăng dầu hiện nay là riêng Petrolimex đã tỷ trọng tới 63% nên không còn cạnh tranh nữa. Tuy nhiên, phải từng bước tiến tới cạnh tranh ở thị trường này. Tại các nước, một doanh nghiệp chiếm thị phần quá 12% thì đã buộc bị giám sát, hoặc giải thể.
“Giờ, chúng ta phải thực hiện giải pháp tình thế. Giao quyền cho doanh nghiệp định giá nhưng phải có sự giám sát, quản lý của Nhà nước. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký giá với Bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải công khai các phương án giá “, ông Tuấn cho biết.
Hiện nay, cùng với giảm giá xăng dầu, thuế mặt hàng xăng đã tăng tới 12%. Theo ông Tuấn, đây là mức tăng hợp lý. Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách.
Tuy nhiên, một trong những tồn tại lớn và là lý do khiến cho doanh nghiệp luôn đòi tăng giá, đó là khoản lỗ 5.000 tỷ đồng còn treo lại, tích lũy của thời kỳ trước. Theo Bộ Công Thương, đây là khoản lỗ phát sinh doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trong 2 năm qua, nghĩa là lúc phải tăng giá nhưng Nhà nước yêu cầu phải giữ giá. Báo cáo mới đây về hiệu quả của Nghị định 84, Bộ này cũng cho hay vẫn chưa có cơ chế xử lý khoản lỗ đó.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kinh doanh của mình, nghĩa là năm nay và sang năm doanh nghiệp phải phấn đấu tiết kiệm chi phí, cải tiến công nghệ, tăng lợi nhuận”. “Như vậy, đối với khoản lỗ 5.000 tỷ đồng, Nhà nước không áp dụng cơ chế bù lỗ, các doanh nghiệp xăng dầu phải tự tính toán, tự chịu trách nhiệm”, ông Tuấn khẳng định.
Không tính lỗ ngoài ngành vào việc tăng giá điện
Vấn đề nóng khác được nêu tại cuộc họp là việc bất ngờ tăng giá điện 5% từ 1.7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khoản tăng doanh thu tới 3.700 tỷ đồng nhờ tăng giá điện sẽ được dùng để bù đắp chi phí cho tăng giá than, các khoản lỗ treo lại của thời kỳ trước chưa phân bổ vào các đợt tăng giá điện trước đây. Tuy nhiên, việc tăng giá điện còn có nhiều ý kiến đánh giá là chưa có cơ sở.
Phản bác lại ý kiến này, ông Tuấn cho rằng: “Chúng ta cần đánh giá khách quan, toàn diện về giá điện. Giá điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành. Nếu tiếp tục để giá bán dưới giá thành như vậy, rồi từ đó, lại yêu cầu giá than bán cho điện thấp hơn giá thành thì sẽ méo mó nền kinh tế, làm sao quản lý được?”.
Vì thế, giá điện cần phải được tính đúng, đủ đảm bảo cho ngành điện tái đầu tư, đảm bảo yêu cầu tăng nhu cầu điện lên 14-15%/năm, chống bao cấp cho một bộ phân dân cư, doanh nghiệp thông qua giá điện.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng 5% giá điện là cần thiết và hợp lý. Thực chất, việc tăng giá điện vẫn dưới sự quản lý của Nhà nước.
Ngoài ra, mặc dù EVN lỗ lớn, nhưng ông Tuấn khẳng định, các khoản lỗ ngoài ngành của EVN không được tính vào trong giá điện. Còn các khoản lỗ kinh doanh điện là lỗ thật, đã được kiểm toán xem xét.
Thông tin tăng giá điện được công bố bất ngờ và áp dụng ngay vào ngày sau đó. Trong khi đó, suốt 2-3 tháng qua, mỗi lần có thông tin này ồn ào trên dư luận thì lãnh đạo các Bộ và EVN luôn bác lại và khẳng định, chưa trình phương án tăng giá. Điều này liên quan đến câu chuyện minh bạch giá điện hiện nay. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính đã cho rằng, vấn đề này phải hỏi ở Bộ Công Thương.
Kiên quyết không giảm thuế 0% cho than
Trở lại đề xuất cách đây 2 tháng của Tập đoàn Than, do khó khăn nên TKV đòi giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10%. Trong khi đó, việc tăng thuế xuất khẩu than cũng là một lý do tăng giá thành than, có thể sẽ là một trong các nguyên nhân là tăng giá than bán cho điện tới 10-11,5% vừa qua.
Ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính không khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản như than. Vì thế, các mặt hàng này phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Quốc hội cho phép khung thuế xuất khẩu than từ 10-20%, Tập đoàn than xin giảm xuống 0% là rất khó.
“Do đó, quan điểm của chúng tôi là giữ nguyên thuế xuất khẩu than là 20%. Đặc biệt, Bộ sẽ không thể xử lý quan hệ khó khăn giữa điện và than bằng cách hạ thuế xuất khẩu than xuống, tức là lấy ngân sách ủng hộ các việc khuyến khích xuất khẩu khoáng sản là sai”, ông Tuấn nói.
Theo VEF