Không bao giờ để trẻ ra ngoài một mình, dù sống ở một đất nước văn minh hay vùng quê hiền hoà - Tạp chí Đẹp

Không bao giờ để trẻ ra ngoài một mình, dù sống ở một đất nước văn minh hay vùng quê hiền hoà

Sống

Cả châu Á đang dậy sóng sau câu chuyện đau lòng – một bé gái người Việt bị hãm hại trên đường đến trường ở đất nước được cho là an toàn nhất thế giới – Nhật Bản. Sự việc không chỉ khiến các gia đình người Việt sống ở Nhật mà các bậc phụ huynh của đất nước mặt trời mọc vô cùng lo lắng trước sự an toàn của trẻ em, bởi ở đây trẻ được cha mẹ và nhà trường rèn luyện tính tự lập bằng cách để các bé tự đến trường từ khi 5-6 tuổi, có khi là 3 tuổi.

2-youtube
Trẻ em Nhật Bản trên đường đi học. (Ảnh:Youtube)

Mỗi khi về Việt Nam, tôi thấy trẻ con chơi ngoài đường rất nhiều mà không phải em nào cũng có ba mẹ kèm bên. Ở nông thôn tình trạng còn đáng lo ngại hơn khi ba mẹ thường có thói quen để các con ở nhà rồi đi làm, mặc cho con lớn trông con nhỏ. Những hành động nguy hiểm đôi khi có thể đến từ những người thân quen gần nhất mà cha mẹ không lường tới, như tình trạng ấu dâm xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian vừa qua.

Em bé người Việt sống ở Nhật được biết là một cô bé hoạt bát, nhanh nhẹn, năm nay em 10 tuổi. Em thường đến trường một mình vì nhà cách trường chỉ 10 phút đi bộ, vậy mà kẻ xấu vẫn kịp ra tay hãm hại, sự việc đau lòng đó đã gióng lên hồi chuông báo động cho các bậc làm cha mẹ. Trên mạng xã hội, các bậc phụ huynh đều tỏ ra lo lắng –  có nên để con đến trường một mình nữa hay không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, tôi chỉ có thể nói: KHÔNG BAO GIỜ! Không bao giờ chúng ta để các con ra ngoài một mình. Trong một đất nước văn minh hay kém văn minh, những kẻ xấu vẫn luôn luôn tồn tại. Sự an toàn của trẻ là trên hết, cho nên dù ở một vùng quê hiền hoà – bạn cũng không bao giờ nên để các con ra ngoài một mình.

11
Ở Mỹ, trẻ em không đến trường một mình. Xe buýt của trường sẽ đậu trước nhà đón các con, hoặc ba mẹ đưa con ra tận xe, nếu chỉ đi vài bước thì luôn có ánh mắt của ba mẹ và tài xế xe buýt theo dõi

Ở Mỹ, trẻ em không đến trường một mình. Xe buýt của trường sẽ đậu trước nhà đón các con, hoặc ba mẹ đưa con ra tận xe, nếu chỉ đi vài bước thì luôn có ánh mắt của ba mẹ và tài xế xe buýt theo dõi. Con lên xe, cửa đóng an toàn, người lớn mới tiếp tục công việc của mình. Khi con đi học về cũng thế.

Các con lớn hơn, 11, 12 tuổi thường đi cùng bạn về nếu nhà ở gần trường, nhưng tuyệt nhiên ít khi đi một mình. Ba mẹ đứng trước cửa nhà đợi con nên khi có gì bất thường thì mọi người có thể phản ứng ngay lập tức. Đó là giờ tan học. Ngoài ra, cả thành phố có cùng một giờ tan trường nên chỉ trong khoảng thời gian đó mới thấy nhiều trẻ con, còn trước hoặc sau đó không bao giờ thấy bóng dáng trẻ con trên đường phố.

Nếu thấy một em nhỏ đi lang thang ngoài đường mà không có sự giám sát của người lớn là một sự việc bất thường. Phản ứng của người Mỹ trong những tình huống thế này một là đến hỏi thăm, hai là gọi cảnh sát. Tôi đã từng chứng kiến cảnh cả một đoàn người lớn 5-7 người vừa lấy điện thoại gọi cảnh sát vừa đi theo một em nhỏ cho đến lúc em tìm được mẹ của mình. Người mẹ đó lại là một người châu Á đang mải mê nói chuyện điện thoại nên để con chạy lung tung.

huyen-ny
MC – Tiến sỹ Dược Huyền Ny

Cách giáo dục của người Nhật cũng có cái hay của họ là tập cho các con tính tự lập. Nhưng tôi vẫn nghĩ, chúng ta có thể dạy con tự lập bằng nhiều cách khác an toàn hơn. Nói vậy không có nghĩa là cách dạy của người Nhật không đúng, chỉ là chúng ta nên tìm cách nào để đảm bảo an toàn nhất cho các con khi xã hội luôn có những mầm mống tội ác đang tồn tại.

Tôi cho rằng, dạy trẻ tính tự lập có thể bắt đầu từ những việc nhỏ trong gia đình. Khi con có khả năng tự vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp, tự ăn uống… cha mẹ hãy để con tự làm. Nếu con làm sai cũng không sao, trẻ sẽ quen dần rồi sẽ bớt sai khi lớn hơn, cha mẹ đừng vội sốt ruột khi con còn vụng về mà làm thay, còn việc cần làm là bảo vệ an toàn cho con lại chủ quan.

Thêm một điều cực kỳ quan trọng trong việc hình thành tính cách độc lập của trẻ đó là sự kiên nhẫn của ba mẹ. Các bậc phụ huynh nên bỏ tính cầu toàn sợ con làm sai, sợ phải thu dọn “chiến trường”, sợ con té, con đau… Con vừa định làm gì đã vội la toáng lên lo con làm hỏng… lâu ngày trẻ sẽ sợ và không dám làm gì cả, tính thụ động từ đó mà hình thành…

Trừ những việc nguy hiểm đến tính mạng, phần lớn những việc khác – cha mẹ nên đứng lùi lại phía sau một chút để trẻ phát triển độc lập. Nhưng không nên để con ra ngoài một mình khi trẻ vẫn còn bé, còn là mầm non cần sự bảo vệ từ cha mẹ.

“Tôi chỉ có thể nói: KHÔNG BAO GIỜ! Không bao giờ chúng ta nên để các con ra ngoài một mình. Dù ở một đất nước văn minh đi chăng nữa thì vẫn luôn tồn tại cả những người xấu.” – Huyền Ny.

Thực hiện: depweb

28/03/2017, 10:03