Khốn khổ vì Đài phát thanh “con vịt” - Tạp chí Đẹp

Khốn khổ vì Đài phát thanh “con vịt”

Sống

Do có môi trường sống gần nhau, thường xuyên chạm mặt nhau và trong điều kiện mà các thành viên tồn tại ít phải dùng đến các quy tắc xã hội nên chuyện có hàng xóm lắm điều, hay tò mò, tọc mạch cũng dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài.

Bỗng dưng bị… ghét

Anh Chí Đông, 35 tuổi, công nhân công ty điện lực ở Q Tân Phú, TP.HCM mấy hôm nay đang bực mình về chuyện bà giúp việc trong nhà đem chuyện giận hờn của gia đình anh làm mồi cho cơn khát của các bà tám hàng xóm. Thảo nào, sáng dắt xe ra ngõ, chạm mặt chị hàng xóm, anh cười, chào hỏi nhưng chỉ nhận được cái gật đầu miễn cưỡng đáp lại, khác hẳn mọi ngày. Từ chuyện vợ anh ghen với mấy tin nhắn trêu chọc của bạn bè, qua hãng phát thanh con vịt của mấy bà hàng xóm, giờ thì anh là người chồng trăng hoa, bội bạc đang rắp tâm tìm kiếm một phụ nữ sinh cho anh con trai. Vì vợ anh chỉ sinh cho anh hai cô con gái.

Chuyện cũng chẳng có gì nếu câu chuyện chỉ “phát” quẩn quanh trong xóm. Đằng này, không hiểu bằng cách nào, nó lan cả vào công ty anh. Đang lúc sếp cân nhắc anh vào vị trí trưởng phòng, những lời bàn tán của các nhân viên khác về tư cách của anh khiến sếp đắn đo và dành thêm thời gian cho quyết định quan trọng.

 

“Mất lửa” vì… hàng xóm

Chuyện bỗng dưng bị ghét của anh Đông cũng chưa “kinh hoàng” bằng chuyện anh Đỗ Mạnh Hùng, 29 tuổi, giáo viên một trung tâm Anh ngữ khá nổi tiếng trong thành phố. Chạng vạng, anh Hùng dắt xe ra đi dạy, thấy mấy bà chị tụm năm tụm ba, bà thì rổ rau đang nhặt dở, bà đang ngồi hong tóc chải đầu, gật đầu chào thì mấy chị đồng thanh “vâng, mô phật, chào thầy” rồi hí hí cười làm anh cứ ngẩn tò te.

Mang thắc mắc đó suốt buổi dạy đến tối về, anh hỏi vợ. Sau một hồi mới hay anh bị ám chỉ là “ăn chay” do lịch sinh hoạt vợ chồng thưa thớt đã được vợ anh… cập nhật cho một bà hàng xóm thân thiết. Ai ngờ… chuyện tế nhị của nhà anh chị nhanh chóng được cập nhật đến mấy cái “loa phóng thanh” xung quanh đó. Khỏi phải kể đến nỗi xấu hổ và cơn giận của anh Hùng. Sau khi phàn nàn vợ “một trận nên thân”, anh còn cảnh cáo nếu cứ tiếp tục mang chuyện “tế nhị” của vợ chồng cho mấy bà siêu tám thì đừng trách anh lạnh nhạt, vì mỗi khi nghĩ đến chuyện những “pha gay cấn” của vợ chồng bị mang ra bàn tán là anh “xìu” hẳn.

Dọn nhà để thoát… “radar”

Mấy hôm nay thấy nhà ông Tân (An Giang) liên tục “thanh lý” các vật dụng như giường, tủ, tivi… các bà các chị quanh xóm lại có thêm bản tin để lên sóng. Họ đồn ông mua căn nhà ở Sài Gòn hơn 7 tỷ và con gái ông Tân lấy được chồng đại gia, làm lương tháng cả 50 triệu đồng. Nhà ông Tân có hai người con. Cả hai đều đang học tập và làm việc tại TP.HCM. Mục đích mua nhà Sài Gòn của ông đã tiến hành sớm hơn dự tính. Một phần để gần gũi con cái, và có một lý do tế nhị khác là ông Tân đã chán cảnh suốt ngày bị hàng xóm soi mói. Nhà ông Tân ít giao du với các nhà lân cận càng làm tăng “cơn khát thông tin” của mấy bà tám trong xóm.

 

Từ ngày căn nhà tường một trệt, hai lầu của ông Tân mọc lên giữa xóm làng toàn những căn nhà gỗ cũ kỹ, nhiều câu chuyện được thêu dệt nên. Người bảo ông Tân trong quá trình đào xới đất vườn đã đào được hũ vàng, người bảo ông trúng số, người bảo mẹ vợ ông Tân vốn nổi tiếng giàu có và họ đã dành tiền của cho cô con gái út là vợ ông Tân…

Những câu chuyện đồn thổi của họ sẽ chẳng có vấn đề gì nếu anh em nhà vợ ông không nghi ba mẹ họ đối xử không công bằng với con cái đâm ra tình cảm anh em cũng lợt lạt. Thêm nữa, trộm liên tục rình rập nhà ông Tân làm hai ông bà ăn ngủ cũng chẳng yên. Hai con ông trên thành phố nghe chuyện cũng thấy thương cho ba mẹ, có người còn định bỏ hơn 20 triệu để lắp camera chống trộm ở nhà để yên tâm. Nhưng sau đó, may mắn đi xem một ngôi nhà vừa ý trên thành phố, con trai ông Tân bàn với ba mẹ bán nhà ở quê, lên sống cùng các con cho gia đình được sum họp.

Sao “ả” sướng thế!

Đôi khi, việc chú ý, nghe ngóng và đưa chuyện của hàng xóm xuất phát từ tính “nhiều chuyện” chứ không có ác ý. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tám chuyện của người khác xuất phát từ sự ghét ghen, ganh tỵ. Nhà chị Tố Như, 28 tuổi, nhân viên bán hàng ở Q7, TP.HCM ở cạnh gia đình người đồng nghiệp của chồng. Hai ông chồng là đồng nghiệp, hai bà vợ cũng thành hàng xóm, lại cùng tuổi nên ban đầu cả hai rất thân thiết. Nhưng dần dần, Tố Như phát hiện ra cô hàng xóm kia được chồng chiều… sướng quá. Lối ăn mặc phục sức lại có gu nên rất duyên dáng, khiến người khác ghen tỵ.

 

Tố Như mặt mũi sáng sủa nhưng người thô, sinh con xong cũng bị phát tướng. Nghĩ mình kém cạnh, vậy là những dịp hàng xóm chưng diện, cô lại tìm ra điểm gì đó chưa hoàn thiện để nhận xét. Mọi thứ khác người hoặc hơn người đều sẽ trở thành xấu xí đối với những người hiếu thắng, đặc biệt là chuyện nhan sắc áo quần giữa các chị em phụ nữ.

Từ bao giờ, Tố Như đã không còn tự tin khi nhìn thẳng vào mắt hàng xóm của mình vì sợ mình sẽ để lộ ra những bực bội, chán ghét cho người kia thấy và đồng thời cũng sợ phải nhận lại những thông điệp như thế từ “đối thủ”. Những lúc gặp gỡ không còn là niềm vui mà chỉ là dịp quan sát áo quần, dáng điệu của nhau và so sánh. Tố Như thường xuyên nghe ngóng câu chuyện của hàng xóm. Ngoài thông tin có được, cô còn đi phân tích thông tin đó với những bà tám khác. Cô rất muốn hạ bệ cô hàng xóm xinh đẹp để những người hàng xóm còn lại yêu quý mình hơn. Đó là lý do cô luôn phải tìm các câu chuyện để nuôi sống mối quan hệ bà tám đó.

Khó tắt “đài”!

Theo một số nghiên cứu khoa học xã hội về con người, nhu cầu chia sẻ, tìm kiếm thông tin và giải mã chính bản thân mình là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Người ta có nhiều cách để thỏa mãn những điều đó. Họ nói về chuyện của mình và chuyện của người khác. Khi hết thông tin, người ta sẽ lại tạo ra thông tin và đôi khi còn tô vẽ cho câu chuyện thêm phần “hút khách”. Mối quan hệ xóm giềng có thể coi là “mồi ngon” cho những chiếc loa làng.

Tám chuyện kiểu này thường mang tính cá nhân, ít gây hậu quả pháp luật, đó là lý do mà nhiều người ưa thích, dễ dàng tham gia vào hội nhóm tám liên miên và hãng tin “con vịt” vì vậy cũng khó lòng dẹp bỏ được. “Nạn nhân” xuất hiện trong các bản tin không phải lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái khi bị mổ xe bởi mấy bà tám. Ở mức độ nhẹ thì hàng xóm giận nhau vài ngày, ít tuần, nặng thì… nghỉ chơi. Nhiều người chọn cách làm lơ kiểu các ngôi sao để sống yên và giữ tình làng nghĩa xóm mà không biết giải quyết “rốt ráo” ra sao.

Đề phòng vẫn tốt hơn là chống

Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý thì cách hiệu quả nhất để ngăn chặn hậu quả từ những hàng xóm hay tò mò, tọc mạch là chúng ta phải có những nguyên tắc trong mối quan hệ nhạy cảm này. Khi phát hiện thông tin bị rò rỉ hay thành đối tượng bị đàm tiếu, bạn cần rà soát xem lỗ hổng lọt tin ở đâu. Bạn cần kín kẽ hơn trong thể hiện tình cảm; không chia sẻ chi tiết chuyện riêng của gia đình; hạn chế tham gia bàn tán về chuyện riêng tư như tiền bạc, quan hệ vợ chồng của hàng xóm.

Sau mọi chỉnh đón mà vẫn không thể tắt được “đài địch” thì khôn ngoan nhất là phớt lờ. Bởi đối với loại bệnh mãn tính của xã hội này thì phòng bao giờ cũng tốt hơn chống. Sớm muộn kẻ đơm đặt cũng bị tẩy chay, bởi ai cũng ngán khi sợ rồi cũng tới lượt mình trở thành nạn nhân của những “bản tin” từ đài phát thanh con vịt.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

04/09/2012, 14:38