Khơi trong cái thần văn hiến

Giọng chuẩn địa phương, cùng mọi thứ khác chuyển động theo thời thế, giao thoa, hội nhập, có khi phôi pha, hoà tan. Khư khư giữ cũng chả được, xô bồ đổi cũng không dễ.

Ngàn năm văn vật được giải thích “đểu” là ngàn năm “lấy văn ra vật nhau”, văn vẻ còn ức thế, nói gì choang choang “chém cha không bằng pha tiếng”. Mấy bà giữ lề xưa thói cũ nền nếp, chỉnh tề, nhỏ nhẹ, uốn lưỡi đến cả chín lần mới nói… choáng cả ngày với đám @ ngữ pha, tiếng trộn.

Sau năm năm tư, người ta bảo Hà Nội cạn người gốc, hết khăn vấn áo đóng, hiếm tiếng chuẩn tròn vành, rõ tiếng, thanh, ngọt. Người gốc bán xới, người mới tràn về, mang theo cách nói, giọng lạ. Đất kẻ chợ thành một chợ mới, phe phẩy lai tạp, tạo chuẩn mới.

“Chuẩn mới” lại đang đứng trước nguy cơ đào thải bởi một “thế lực lao động” mới tham gia phân công lao động mới: osin.

Lực lượng này phát triển, khác về chất. Anh xe, chị sen xưa giúp việc các mợ Hà Nội đúng chức năng nhiệm vụ, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Nhưng osin nay chủ động, sáng tạo, phát huy thế mạnh, hoàn thành trên cả xuất sắc các nhiệm vụ được mợ giao phó.

Tinh tế ẩm thực phôi phai đổi lại nhà mát bát ngon, thôi đành. Nhưng cái vụ bế em xưa, nay còn kiêm xe ôm, bác sĩ, cô giáo, vú em thay cả mẹ. Cậu với mợ bận trăm công ngàn việc, osin thay hết, chiếm trọn cả trái tim lẫn khối óc của em. Em chỉ nghe lời vú, nói giọng vú, ứng xử kiểu vú…

Bỗng ngã ngửa người, em sẽ thành người tỉnh, ngọng, ngô tá lả,… Một thế hệ mới, với văn hoá, thế giới quan mới, “lệch chuẩn”, pha trộn… có thể đổi hết trong tương lai.

Nay Hà Nội nổi tiếng “bún mắng, cháo chửi”, khùng văng xối xả, chả cần biết chung quanh… Tiếng nói, phong cách, văn hoá ứng xử đang bị đổi. Sao cái nền nã nết na, chân quê tứ xứ không chen vào được, bị sàng lọc, chỉ lọt vào cái thần ganh đua bất chấp?

Hà Nội sánh vai cùng TPHCM “được” tạp chí Business Week của Mỹ bầu chọn vào danh sách 55 thành phố kém nhất về môi trường làm việc, cả văn hóa, lối sống.

Cái hào hoa, phong nhã đâu rồi? Thói tư duy sắc bén, lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng, lối sống bình lặng, lịch lãm… đâu rồi? Ngẩn ngơ tiếc.

Thế nên, làm sao “gợi đục khơi trong” để tiếp nhận thời hội nhập? Nó là chuyện to, không chỉ của Hà Nội, mà của việc “quản lý” cái thần văn hiến nước Nam.

Trần Giang Phương


From the same category