Khôi hài nước mắt - Tạp chí Đẹp

Khôi hài nước mắt

Review
Đến hẹn lại…khóc
 
“Màn nước mắt” như một cú tát vào dư luận thời gian qua có lẽ là…nước mắt Cao Thái Sơn. Tôi tạm tóm tắt hành trình của nước mắt anh ta thế này: một người bạn tự tử. Bên cạnh sự kiện “đêm khóc lóc”, Cao Thái Sơn có gửi một lá thư dài thõng thượt đến dư luận tỏ ý tiếc thương người bạn xấu số và mong báo chí đăng tải vì anh cho rằng (theo như lời lẽ trong lá thư), thì có “kẻ xấu” nào đó muốn làm hại Cao Thái Sơn và đặt điều dựng chuyện rằng anh là căn nguyên dẫn đến hành động dại dột của người xấu số.
 
Dĩ nhiên là chẳng báo chí nào đi đăng tải những kiểu “tâm thư” la làng đó, vì nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân cơ bản nhất là báo chí (dù hiện nay báo lá cải đang rất nở rộ), vẫn còn nhiều việc để làm hơn. Bức “tâm thư” “đau xót” và “bức xúc” cũng đã được một tờ báo mạng bình chọn là một trong 3 “tâm thư” khó thông cảm nhất của showbiz Việt (hai bức còn lại, một của bạn người mẫu mới kết thúc tuổi vị thành niên Hồng Quế sau sự cố bộ ảnh bán nude và một của cựu người mẫu Dương Yến Ngọc sau sự cố bị tố quỵt nợ). 
 
Rồi trên mạng ra rả clip Cao Thái Sơn vừa hát vừa khóc bạn. Khóc dầm dề não nùng. Nước mắt chảy lênh láng từ mắt xuống cổ ướt đẫm. Khóc ầm ĩ thế nhưng giọng hát thì tỉnh và chuẩn hơn cả… “chuẩn men”, không có dấu hiệu gì là nó bị méo mó bởi “cảm xúc” đang trôi chảy ầm ầm kia. Sau đêm khóc, có một người nào đó lên mạng hoan hỉ chúc mừng và…chia vui rằng clip kia đã được số phiếu bình chọn khá cao!  
 
Nhưng mọi người thực sự tá hỏa khi trên một tờ báo mạng, ông bầu của chương trình thẳng thắn thừa nhận màn hát này của Cao Thái Sơn chính là…hát nhép. Dù Cao Thái Sơn có lên tiếng rằng đó là do phần kỹ thuật bật nhầm file…nhép thì nhiều người vẫn không bao giờ tin được. Còn chuyện đóng kịch diễn tuồng, Cao Thái Sơn là người rõ hơn ai hết chuyện mình làm và dù thế nào thì scandal trên đã phần nào khép lại không ít những cánh cửa mến yêu mà bao năm qua khán giả đã mở ra để chào đón tiếng hát của anh. Và nếu quả thật việc khóc lóc kia là “kịch” thì có lẽ người “diễn viên” đã quá nhẫn tâm trong việc dùng một cái chết để bồi đắp vào những tham lam danh vọng. Và một sự thật là, không hành động nào xấu hơn của người nghệ sĩ, là sự lừa dối chính những khán giả của mình.
 
Trước đây, màn khóc lóc của ca sĩ đàn anh (cũng tên Sơn) đã bị không ít người cho là phản cảm và xếp anh ta vào danh sách những…phù thủy PR bằng nước mắt của showbiz Việt. Anh ta cũng vừa hát vừa khóc đêm nào như đêm đấy đều như vắt chanh, nhất là đến những bài hát về mẹ về cha (mà thú thật, mấy bài về mẹ về cha anh ta viết, nghe một số ca từ đã phải “nổi da gà” vì sự…thảo mai rồi). Đến nỗi, nhiều người đã mệnh danh anh ca sĩ này vào hàng những ca sĩ…khóc hay nhất Việt Nam. Nhưng thành thật chia buồn với anh rằng giờ đây ngôi vị đó của anh đã bị chính đàn em…phế truất!
 
 
Chuyện những cái “máy khóc” của showbiz Việt giờ cũng chẳng còn gì lạ lẫm. Một ca sĩ đàn chị (cũng là một tên tuổi của dòng nhạc trữ tình Sài Gòn), trong chuỗi chương trình xuyên Việt tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cứ đến bài hát mà chị sắp thể hiện, là một chút kể lể kỷ niệm và khóc đêm nào cũng y chang như đêm nào. Khán giả cứ thế mà “ngậm ngùi” theo nhưng những đồng nghiệp diễn chung show phía trong cánh gà cứ việc nhìn nhau…tủm tỉm cười.
 
Có lẽ, mọi người quên rằng, “vũ khí” nước mắt chính là con dao hai lưỡi mà nếu bạn sử dụng lưỡi nào cho mục đích “lấy lòng”, thì nó đều dễ đẩy xa bạn khỏi chính những người thân yêu bạn. Xin lỗi vì nhắc lại một sự cố quá cũ, đó chính là sự cố clip sex của Hoàng Thùy Linh. Ngày đó, khi mà rất nhiều người đang nhìn cô với những sự cảm thông và bênh vực thì chính giọt nước mắt trong đêm xin lỗi trên truyền hình của cô đã đẩy văng không ít những người đã nhìn nhận cô là nạn nhân ra khỏi phạm vi yêu quý nhất có thể mà họ đã dành cho cô. Để rồi từ đó đến nay, dù sự nghiệp của Hoàng Thùy Linh vẫn diễn ra đều đặn, sự đứng dậy sau vấp ngã được nhìn nhận là có thật nhưng sự tin tưởng đã gần như là một mảnh vỡ của hòn đá mà không biết khi nào người trong cuộc mới mài cho nó nhẵn lại được.
 
Phần nổi và phần chìm
 
Thông thường ở các cuộc thi hoa hậu, ngoài những phần đã quá trở thành trò giễu cợt của thế gian như là: “Em yêu màu hồng em ghét màu trắng, em yêu hòa bình em ghét chiến tranh”, thì một phần dễ nhận thấy đó là phần…khóc. Dĩ nhiên, ta không thể vơ đũa cả nắm rằng cô nào khóc cũng là giả tạo, nhưng có lẽ khóc trước…ống kính đang chiếm phần đa những “giọt nước mắt ngà” của các giai nhân. 
 
Hai cảnh khóc dễ thấy nhất của các cô chính là lúc vào thăm các trại mồ côi và các trại dưỡng lão và khóc trong phút nhận giải. Thực tế, đứng trước hoàn cảnh này mà không xúc động thì quả là một kẻ vô cảm. Và cũng có thể, xúc cảm tuổi mười tám đôi mươi hồn nhiên có thể là điều có thật nhưng nếu để chờ cho đến khi trưởng thành, đi thi hoa hậu rồi mới biết thế nào là những người cơ nhỡ thì quả thật hơi ảm đạm cho tâm hồn của các nhan sắc quá! 
 
Nhắc đến đây, tôi nhớ có lần trò chuyện với á hậu Trịnh Kim Chi, chị có tâm sự rằng một trong những cách dạy con của chị là cứ mỗi tuần chị đều đưa bé đến trại trẻ mồ côi để bé chơi với các bé kém may mắn. Các con của chị cũng đều ý thức việc những đồ chơi nào đã cũ, thay vì vứt đi, các bé xếp lại trong tủ để dành cho các bé mồ côi này. “Tôi muốn khi các con trưởng thành, các con phải là người biết chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh và đã làm được một số việc cho họ chứ không phải chỉ biết khóc một cách bất ngờ như không biết chuyện gì từ trước đó”-chị nói.
 
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc tiếp xúc với các hoàn cảnh kém may mắn không có gì lạ lẫm dù bạn chỉ ở trong tủ kính và giao lưu bằng thế giới phẳng. Thế nên, hãy đừng có ngỡ ngàng gì để rồi mà khóc lóc làm cho mọi thứ thêm ảm đạm, thay vì phải làm một điều gì đó thiết thực hơn. Có lẽ, hoa hậu Ngọc Hân là một trong những hoa hậu tích cực nhất trong việc hành động thay vì khóc lóc, cô đã không ngần ngại lăn xả đến mọi miền đất nước, ở nơi có những người bất hạnh để chia sẻ với họ dù ít dù nhiều. Những hành động đó đã thể hiện được một Ngọc Hân có một tâm hồn đẹp và xóa dần đi những dị nghị về nhan sắc “chưa thực sự là hoa hậu” như trước.
 
Tuy nhiên, trong thời buổi bùng nổ hoa khôi hoa hậu cũng như bùng nổ các dịch vụ kinh doanh thi hoa khôi hoa hậu như hiện nay, thì việc các người đẹp đi thi tìm danh nhiều hơn là đi thi để thành những đại sứ xã hội. Không ít người ngán ngẩm về cảnh mỗi lần các ống kính chĩa về các cô: rồi, chuẩn bị khóc! Hay lúc nhận vương miện: rồi, lại chuẩn bị màn rưng rưng cảm ơn cha mẹ, tri ân ban giám khảo. Thế nên, không nhiều người tin được nước mắt hoa hậu. Một trong số họ so sánh một điều hơn chua chát (dù hơi cực đoan) rằng: nước mắt Mỹ Xuân trong trại giam có lẽ là giọt nước mắt thật nhất trong số nước mắt của hoa khôi hoa hậu hiện nay!

Nếu như những màn khóc lóc là phần nổi của thói đạo đức giả (dù không dễ nhận thấy), thì phần chìm còn nhiều lắm. Nó được thể hiện chính trong những tác phẩm mà dễ thấy nhất chắc chắn là…âm nhạc. Một thời, các nhạc sĩ tên tuổi cứ thi nhau tố nhạc trẻ, thi nhau cùng lo lắng cho đại sự nền âm nhạc nước nhà đang tuột dốc vì lớp trẻ lai căng thì xin lỗi các quý vị, chính một số các quý vị cũng cho ra đời không ít những tác phẩm sáo mòn, cũ kỹ, giáo điều và giả dối.

Có lần, nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự, đại khái là: Viết về quê cho hay, cho thật, không phải là một điều dễ. Có khi, bạn phải ủ nước mắt đến gần một đời người mới có thể viết nổi vài bài hay và thật. Còn nữa, nó màu mè và làm đỏm. Và quả thật, đâu đó trên đài, trên đĩa đang loạn lên những bến nước, con đò, chim sáo, ao làng, vườn nhà, chuồn chuồn, lưng còng dáng mẹ, ơi con sông quê…Tình quê tình người là những điều tốt đẹp cho bất cứ ai có một quê hương trong lòng, nhưng nếu cứ sa sả những điệu sáo mòn, hô hào thì…giễu cợt lỗ tai người nghe quá. Một câu chuyện rất vui, một ông nhạc sĩ (tự xưng), lên báo chửi nhạc sĩ Phạm Duy (và dĩ nhiên là chửi rất chợ búa và thiếu hiểu biết), sau đó chứng minh bằng cách viết nhạc và đưa cho ca sĩ hát. Cô ca sĩ nhìn bản nhạc xong thì cáo lui  với lý do: “không hợp với giọng cháu” nhưng thực ra là cô quá sợ về những giai điệu lên gân và những ca từ quá “bảo tàng” dù nó được khoác bởi lớp áo “tình quê tình mẹ”, “nước mắt tuôn trào”.
 
Vâng, thì cứ tuôn trào nếu nguồn nước mắt dào dạt. Nhưng hãy nên biết tiết kiệm nước mắt để nó thực sự nó là viên ngọc quý trong lương tâm người nghệ sĩ, hơn là lãng phí nó để rồi khi bạn khóc thật cũng chẳng còn ai tin là thật, đó mới là bi kịch!

Nên và không nên

 

Ca sĩ Mỹ Lệ: Bản thân tôi cũng từng có vài lần khóc khi hát trên sân khấu. Đó là cảm xúc thật. Và người nghệ sĩ thì ai cũng có những lần sống cùng bài hát khi biểu diễn trên sân khấu. Khi hóa thân thành công vào linh hồn của ca khúc, người nghệ sĩ không kìm nén được xúc động là chuyện bình thường thôi. Ví dụ như giai điệu, hay ca từ hoặc nội dung bài hát đó gợi lại cho họ được kỷ niệm nào đó, và họ khóc, thì tại sao lại phải đặt ra một vấn đề nên hay là không nên?
Nếu nghệ sĩ khóc khi biểu diễn vì cảm xúc thật sự thì điều đó rất đáng tôn trọng và hãy tôn trọng họ. Chỉ có cái gì giả vờ, lộ liễu… mới đáng bị lên án mà thôi!
 
Ca sĩ Hoàng Lê Vi: Hầu như đã là ca sĩ thì ai cũng có những lúc muốn khóc với ca khúc mình thể hiện. Bản thân tôi cũng thế. Nhiều bài hát tôi thể hiện thành công lại là những bài hát nói lên thân phận của người phụ nữ với những điều ngang trái, không vui. Và khi hát tôi cũng đồng cảm với số phận nhân vật trong ca khúc và có lúc không kìm được xúc động. Vậy nên để đặt ra một vấn đề, nghệ sĩ có nên… khóc khi biểu diễn không là không nên. Vì cảm xúc tự nhiên khi diễn xuất đến lúc nào mình đâu lường trước được. Và đó là sự hóa thân vào bài hát, người nghệ sĩ đáng được nhận tình cảm trân trọng từ phía công chúng. Chỉ có nước mắt được dàn dựng trước như một kịch bản khi biểu diễn mới cần phải bàn lại. Tôi chỉ lưu ý một điều, nếu khi phải hát nhiều ca khúc cùng một lúc, đứng trên sân khấu, ca sĩ không làm chủ được xúc cảm của mình sẽ có hai yếu tố bị ảnh hưởng: giọng hát và sắc thái sẽ bị nhòe đi bởi… nước mắt!

Theo TGNNT

Thực hiện: depweb

14/08/2012, 14:31