Khỏe đẹp chờ “đèn đỏ” - Tạp chí Đẹp

Khỏe đẹp chờ “đèn đỏ”

Sức Khỏe

Nguyên nhân chính của những khó chịu trong kỳ kinh là do sự mất cân bằng của progesteron và estrogen trong cơ thể.

Các nghiên cứu y học cho biết trong những ngày cuối của chu kỳ, progesterone tác động mạnh, các tuyến nhờn hoạt động mạnh nên da mặt tiết nhiều dầu hơn, tóc cũng rít và dễ bết hơn.

Với nhiều người, triệu chứng này là tiền đề để trứng cá xuất hiện. Với một số khác trong thời kỳ này mặt hơi đỏ, đôi khi như nổi mề đay.

Ngoài ra, một số nguyên nhân như: ít vận động cơ thể, dinh dưỡng kém, thiếu vitamin E, B6, thiếu khoáng chất như sắt, magnesium, manganese cũng có thể là nguyên nhân của những ngày khó chịu định kỳ.

Phụ nữ sẽ thấy bực bội trong người, hay gắt gỏng, bồn chồn, lo âu, dễ khóc, hay giận, đau mình mẩy, nhức đầu, đầy bụng, sưng phù bàn chân, bàn tay.

 

Đây là hiện tượng thường gặp và sẽ tự mất đi khi chu kỳ chấm dứt. Song, bạn có thể tự làm giảm bớt những triệu chứng này cho mình theo các cách đơn giản sau:

Yêu chiều bản thân hơn

Trước hết, nêu ưu tiên giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Hãy tích cực rửa mặt bằng nước lạnh nhiều hơn những ngày thường (kể cả vào mùa đông). Mát xa mặt nhẹ nhàng bằng tay và tránh dùng khăn lau cọ kỹ. Dùng kem dưỡng ẩm sau khi tẩy trang và rửa mặt vào buổi tối. Cũng nên dùng các loại nước khoáng dạng xịt dành riêng cho mặt vào ban ngày, nhất là với phụ nữ văn phòng phải ngồi làm việc trong môi trường máy lạnh.

Tiếp đó, cố gắng duy trì trạng thái tâm lý ổn định. Việc gì khó nghĩ có thể gác lại sau. Việc gì khó chịu cũng nên tạm để qua một bên. Không cố gắng làm những việc đòi hỏi suy nghĩ hay sức lực nhiều, tránh tiếp xúc với người mình vốn ít cảm tình và quan trọng hơn là ý thức được tình trạng của mình để biết kiềm chế.

Nhật ký ngày ấy

Cuốn nhật kỳ này có thể đơn giản chỉ là vài dòng ghi chú trong cuốn sổ khám bệnh riêng của mỗi người. Một vài thông tin quan trọng bạn không nên bỏ qua như: ngày bắt đầu và kết thúc kỳ kinh. Lượng kinh nhiều hay ít. Màu sắc, tình trạng kinh: có bị vón cục, lổn nhổn hay không. Những khó chịu về tâm sinh lý trong những ngày này thường kéo dài bao lâu. Bạn đã ăn, uống, tập luyện như thế nào để giảm thiểu những khó chịu ấy…

Nhờ cuốn nhật kỳ này, về phía bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để đối phó với những khó chịu của kỳ sau. Cũng là cuốn nhật ký này, rất hữu hiệu để mang đến bác sĩ khi bạn có vấn đề về sức khỏe tình dục và sinh sản.

Ăn uống hợp lý

Trong thời kỳ kinh nguyệt, nên ăn uống nhẹ nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Hãy bớt các chất đạm và chất béo, ăn nhiều rau trái, các loại hạt. Cũng có thể chia phần ăn trong ngày ra làm nhiều bữa nhỏ để tránh nặng bụng. Tránh các thức ăn mặn, bởi muối bắt cơ thể trữ nước. Không nên uống nhiều cà phê và trà bởi những thức uống này dễ gây căng thẳng thần kinh. Đường và đồ uống ngọt cũng là những thứ nên tránh.

Bạn cũng nên bỏ thuốc và rượu vì những thứ này gây cảm giác nặng nề và những rối loạn tình cảm.

Theo một số bác sĩ, thức ăn giàu canxi, magiê và mangan cũng có tác dụng giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh. Một số các chuyên gia khác còn khuyên nên dùng thêm kẽm và vitamin B6 cũng như axit béo chưa no.

Cũng có thể dùng thêm các loại viên sủi bổ sung vitamin B, C và khoáng chất.

Nghỉ ngơi hợp lý

Ngủ đủ giấc và chơi thể thao cũng có thể là những phương thuốc hiệu nghiệm.

Việc tập thể thao, vận động sẽ kích thích não tăng sản xuất endorphins. Đây là một chất chống đau tự nhiên đồng thời cũng tạo ra cảm giác hưng phấn, yêu đời.

Trước khi đi ngủ, ngâm mình trong bồn nước ẩm khoảng 30 phút để bớt căng thẳng cũng là điều ưa thích của nhiều phụ nữ. Ngủ đầy đủ, 8 giờ mỗi đêm để ngày hôm sau có sức chịu đựng với các khó chịu của tiền kinh nguyệt.

Đọc tiểu tuyết tình cảm, xem phim hài, nghe nhạc để hướng sự chú ý của cơ thể vào những thứ khiến cho tinh thần có thể thư giãn tối đa.

Dùng thuốc hỗ trợ

Thường thì phụ nữ chịu đựng được các rối loạn này, và không cần phải tới gặp bác sĩ. Nhưng đôi khi các khó chịu trong kỳ kinh gây trở ngại tới công việc và cuộc sống của họ. Trong trường hợp này, các bác sĩ khuyên dùng thuốc.

Có thể dùng thuốc tránh thai để ngăn ngừa các rối loạn trong kỳ kinh. Hoặc thuốc giảm đau liều nhẹ. Tuy nhiên, cả hai loại thuốc này đều phải do bác sĩ kê đơn, bệnh nhân không nên tùy tiện sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

BS. Nguyễn Minh Thùy
Theo Người đẹp

Thực hiện: depweb

19/12/2012, 11:48