Khóc vì bội thu… trứng

Trứng nội địa vẫn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước tuy nhiên trứng ngoại vẫn tiếp tục được nhập về. Một số chuyên gia cho biết phải nhập trứng bất đắc dĩ vì có hạn ngạch, việc giá trứng giảm mạnh chủ yếu do đòn tâm lý của tiểu thương.

Thừa vẫn nhập vì…có hạn ngạch

Theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, có 4 mặt hàng phải có hạn ngạch thuế quan, trong đó có trứng gia cầm. Theo đó, 40.000 tá trứng nằm trong quy định sẽ dần được nhập về Việt Nam bắt đầu từ tháng 8/2012. Điều này đang khiến giá trứng trong nước đã giảm do bội thu nay lại tiếp tục rớt giá, người chăn nuôi trở nên điêu đứng.

“Từ trước đến nay, các yếu tố tăng giảm giá phần lớn là do tâm lý đưa lại, tiểu thương đưa tin thất thiệt để ép giá người chăn nuôi. Trong hoàn cảnh này người chăn nuôi phải thật vững vàng. Người tiêu dùng hiện nay rất thông thái, họ biết cách chọn thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe gia đình. Vì vậy, trứng nội địa vẫn có chỗ đứng tốt”. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội

Hiện nay, trứng gia cầm đang được bán với mức giảm đáng kể. Theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ ở khu vực Hà Nội như Cầu Giấy, Thành Công, Phùng Khoang, Khương Trung, Kim Liên, Hà Đông… trứng gia cầm được bày bán la liệt với mức giá giảm từ 5.000- 8.000 đồng/chục, có chợ giảm đến 10.000 đồng/chục: Trứng gà công nghiệp 18.000 đồng/chục, trứng gà Ai Cập khoảng 20.000 đồng/chục, trứng vịt 20.000- 22.000 đồng/chục, trứng gà ta khoảng 25.000 đồng/chục.

Giá trứng giảm mạnh khiến người chăn nuôi lỗ nặng.

Chị Đỗ Thị Hà, bán trứng tại chợ Kim Liên cho biết: “Nhà tôi chăn nuôi gà, vịt. Trước đây tôi không phải mang trứng đi bán vì tiểu thương đến tận nhà lấy hàng, gà đẻ đến đâu, người cất buôn lấy hết đến đấy nhưng dạo này, trứng giảm mà người buôn cũng không đến lấy hàng. Gọi điện cho dân buôn, người thì nói giá rẻ hơn 2.000- 5.000 đồng/chục và phải giao hàng tận nơi, có người khéo léo thì bảo chưa bán hết. Trứng để lâu thì hỏng mà mỗi ngày trại cho mấy trăm quả trứng không mang đi bán thì hỏng hết”.

Anh Phan Văn Oánh, chủ trang trại chăn nuôi ở thôn Chúc Lý (xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ) cho biết: “Năm nay được mùa trứng, gà vịt phát triển tốt mà chúng tôi vẫn phải khóc ròng. Vì từ thịt gà, thịt vịt đến trứng cất buôn tại chuồng bây giờ đều bị ép giá. Gà loại thải vẫn được nhập về thị trường với mức giá rẻ bèo 20.000 – 30.000 đồng/kg thì làm sao chúng tôi theo được?”. Anh Oánh cũng than rằng cách đây hơn chục hôm đọc trên mạng thấy Bộ Công Thương cho nhập thêm tới 40.000 tá trứng nên đành phải bán để cắt lỗ. “Trứng thì đang ngập thị trường lại còn thêm trứng nhập khẩu. Càng nuôi càng lỗ, chán quá vừa rồi tôi quyết định nghỉ một ngày đi liên hệ với một loạt nhà hàng để bán tháo, lỗ gần 90 triệu đồng để thu hẹp phạm vi chăn nuôi”, chủ trang trại này ngán ngẩm

Đòn tâm lý để ép giá?

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, nguyên là Giám đốc trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Nội) thừa nhận, hiện nay cung và cầu trứng trên thị trường không tương xứng. Người chăn nuôi trong nước đang bội thu trứng khiến giá trứng giảm, cộng thêm với việc cạnh tranh khốc liệt với nguồn trứng nhập khẩu khiến giá giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, nửa triệu trứng gia cầm nhập khẩu theo cam kết và quy định của WTO chưa thấm tháp gì so với sản lượng trứng mà người chăn nuôi nước ta làm ra khoảng 5 – 6 tỷ quả/năm. Việc nhập khẩu trứng chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Giá trứng giảm mạnh phần lớn là do yếu tố tâm lý. Cụ thể là đòn tâm lý của tiểu thương (người buôn trứng) tung tin hỏa mù đối với người chăn nuôi nhằm ép giá để được mua rẻ”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, người có thâm niêm 30 năm với ngành thương mại nước nhà cho rằng: “Chúng ta mới manh nha xuất khẩu trứng ra nước ngoài. Cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ và hỗ trợ người chăn nuôi để họ yên tâm đầu tư, chăn nuôi, tái đàn đảm bảo sản lượng cho xuất khẩu. Các hỗ trợ phải kịp thời, không nên để khi người dân đã dập đàn, bỏ trại mới tiếp ứng thì chăn nuôi gia cầm trong nước bị mai một và phải lệ thuộc vào nguồn từ nước ngoài”.

Theo GiadinhNet

From the same category