Khóc ở 'thánh địa' ung thư - Tạp chí Đẹp

Khóc ở ‘thánh địa’ ung thư

Tin Tức

Con số thống kê sơ bộ từ Trạm Y tế xã cho thấy, chỉ trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng trăm người đi gặp Diêm vương vì căn bệnh nan y quái ác này. Những người nông dân chân chất vốn chỉ quen với bùn đất đồng ruộng bỗng dưng lần lượt mắc bệnh để rồi tán gia bại sản vì chữa bệnh là những nét chấm quá buồn trong bức tranh thôn quê u ám. Đã có đợt, người ta nhao nhao đi tìm nguyên nhân, các cơ quan chuyên môn cũng đã vào cuộc nhưng đến giờ vẫn chưa ai làm rõ được nguyên nhân ấy.

Ung thư nối tiếp… ung thư

Xã Giao Tân mang đậm nét đặc trưng của vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ với những cánh đồng lúa ngút mắt cùng tầng tầng lũy tre xanh tự muôn đời rì rào. Đất đai bằng phẳng, phì nhiêu với những thửa ruộng vuông vắn như trong tranh vẽ để những người khách mới đến khẳng định rằng: Đây là vùng đất “thượng đẳng điền”, là nơi xây dựng cơ nghiệp cho muôn đời. Nếu nhìn trên bản đồ thì thấy rằng, xã Giao Tân như một ốc đảo giữa mênh mông là đồng lúa. Đường vào trung tâm xã phải đi xuyên qua cánh đồng, đường liên thôn cũng vòng vèo qua cánh đồng, nhiều căn nhà mới xây cũng lọt thỏm giữa đồng. Chẳng thế mà người dân vẫn đùa nhau rằng, Giao Tân là vùng sâu, vùng xa của huyện Giao Thủy, bởi đây là xã duy nhất trong huyện không có đường liên huyện. Những đặc trưng địa lý ấy về sau lại được lý giải có thể là nguyên nhân biến vùng đất này thành thánh địa của căn bệnh ung thư.

 

Có phải lượng thuốc sâu từ cánh đồng là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư cho người dân xã Giao Tân?

Ông Đinh Xuân Hiểu – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Giao Tân đã có mấy chục năm chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã. Ông là người duy nhất trong xã chứng kiến hầu hết những ca bệnh ung thư: phổi, dạ dày, thực quản, máu… và lần lượt tiễn đưa họ về nơi chín suối. Ông thật thà kể: “Dù đã nghe quá nhiều thông tin ai đó bị ung thư trong làng, trong xã nhưng mỗi lần nghe tôi vẫn thấy bàng hoàng. Người nông dân vốn nghèo, ông giời đã không cho họ ở lại dương gian nữa thì nên chọn một cách để họ chết đơn giản hơn, đỡ tốn kém hơn thì tốt. Bị ung thư, đau đớn tột cùng, nhằng nhẵng chạy hết từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, từ địa phương đến trung ương khiến nhiều người bán nhà bán cửa, nợ ngập đầu ngập cổ nhưng rồi vẫn… chết và đó là cách chết mà chẳng ai muốn chọn”.

Lẽ đời, có bệnh, dù biết trọng bệnh, vô phương cứu chữa nhưng tình máu mủ của những người thân vẫn làm họ cố gắng chạy chữa đến kiệt cùng. Vậy nhưng ở đây, nhiều trường hợp bệnh nhân đã nhất trí buông xuôi để chết cho nhanh, để gia đình đỡ tốn kém thuốc thang. Nhiều người ủ bệnh vài năm, biết bị ung thư nhưng cắn răng không nói, đến khi bệnh phát ra người thì cả nhà mới biết. Vì thế, số liệu thống kê những ca bệnh ung thư trong xã Giao Tân có vẻ như thấp hơn nhiều so với thực tế!

Ông Hiểu lặng lẽ giở “sổ Thiên tào” cho chúng tôi xem. Thật kinh hoàng, số người chết vì ung thư chiếm trên dưới 30% tổng số người chết trong năm. Người chết vì “bệnh già” quá ít, chủ yếu là chết vì ung thư và tai biến mạch máu não! Số liệu như sau: Năm 2007, tổng số người chết 41 trong đó 13 người ung thư, 7 người tai biến mạch máu não; năm 2010, tổng số người chết 50 trong đó 14 người ung thư, 14 người tai biến mạch máu não; năm 2011, tổng số người chết 55 trong đó 11 người bị ung thư, 14 người tai biến mạch máu não; năm 2012 đã có 6 người bị ung thư…

Đây chỉ là thống kê sơ bộ với những người từng qua Trạm Y tế xã và có kết quả xét nghiệm chính thức của những bệnh viện tuyến trung ương. Theo dõi danh sách này, chúng tôi nhận thấy nhiều vô kể những trường hợp bệnh chết vì viêm phế quản mãn tính, nhược cơ đường thở… mà nhiều người cho rằng, đó cũng là triệu chứng của bệnh ung thư.

Điệp khúc bệnh tật

UBND xã không hiểu vì sao rất ngần ngại khi làm việc với chúng tôi để nhìn thẳng vào sự việc này. Quanh đi quẩn lại, họ cứ viện dẫn lý do họp này họp kia để thoái thác việc cung cấp thông tin cho báo chí. Một cán bộ trực ban khi chúng tôi đề nghị đặt lịch làm việc với lãnh đạo xã Giao Tân đã xua tay nói rằng: “Có gì đâu, giờ không khí độc hại, chỗ nào mà chẳng nhiều ung thư, chỗ nào chẳng có bệnh này tật kia. Tỷ lệ ung thư như thế ở xã này không có gì bất thường hết”.

Không bất thường sao được khi tỷ lệ người chết vì ung thư năm nào cũng trên dưới 30%. Không bất thường sao được khi tỷ lệ này đã tái diễn hàng thập niên qua. Chúng tôi cũng hiểu rằng, việc UBND xã không muốn dư luận đổ dồn vào tình hình bệnh tật của người dân trong xã để nhận định này nọ, nhưng so sánh giữa việc công khai tình hình để tìm giải pháp là tốt hơn hay bưng bít thông tin để ủ bệnh là tốt hơn.

 

Dằng dặc danh sách bệnh nhân bị ung thư ở xã Giao Tân

Tìm hiểu từng trường hợp của bệnh nhân ung thư sắp sửa thêm vào bản danh sách buồn của Trạm Y tế xã mà sao buốt lòng đến vậy. Nhà bà Đinh Thị Quýt, 65 tuổi ở xóm 2, xã Giao Tân bé như một túp lều, nằm lọt thỏm sau những vòng vèo tre pheo rậm rạp. Bà Quýt bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về, chỉ chờ ngày đi gặp tiên tổ. Bà nằm thoi thóp trên giường, bụng trương lên như cái trống, chỉ đợi các mạch dịch vỡ ra là… chết. Chị Thu – con gái út của bà Quýt nói trong sụt sùi nước mắt: “Mẹ em có biểu hiện bệnh từ 2 năm trước rồi, nhưng vì nhà nghèo quá, cũng chỉ dám lên trạm xá xã xin ít kháng sinh này nọ về uống. Cách đây 3 tháng, bụng mẹ em đau dữ dội, nôn ra toàn dịch màu vàng, sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình xét nghiệm thì người ta kết luận đã ung thư giai đoạn cuối rồi. Mấy anh chị em định gắng vay nợ để đưa mẹ em đi trị xạ, kéo dài được ngày nào hay ngày đấy nhưng mẹ em không đồng ý. Mẹ em bảo nợ nần thế thì bao giờ trả được, nếu còn cố tình cứu mẹ thì mẹ sẽ… cắn lưỡi chết ngay”.

Vậy thôi, nhưng gia đình bà Quýt cũng đã phải vay đến 30 triệu đồng để chi trả tối thiểu cho quá trình đi lại, khám xét bệnh tình cho bà. Con cái bà đều loanh quanh đồng ruộng cả, số tiền 30 triệu là to lắm rồi, gian nan lắm rồi!

Tiền mất, mạng sống cũng chẳng còn, người nông dân ở rẻo đất này cứ nối tiếp khổ đau, nối tiếp nỗi buồn, run rẩy sống để… chờ đến lượt mình hoặc người thân của mình.

Vì đâu nên nỗi?

Theo các tài liệu khoa học chính thống thì ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến nơi xa (di căn).

Nguyên nhân gây ung thư là sự sai hỏng của ADN, tạo nên các đột biến ở các gene thiết yếu điều khiển quá trình phân bào cũng như các cơ chế quan trọng khác. Một hoặc nhiều đột biến được tích lũy lại sẽ gây ra sự tăng sinh không kiểm soát và tạo thành khối u. Khối u là một khối mô bất thường, có thể ác tính, tức ung thư hoặc lành tính, tức không ung thư. Chỉ những khối u ác tính thì mới xâm lấn mô khác và di căn. Khái niệm ác hay lành tính ở đây nên hiểu về mặt giải phẫu bệnh học nhiều hơn là về khả năng gây chết người. Thật vậy, một người có thể sống nhiều năm với một ung thư hắc tố da, trong khi một khối u “lành tính” trong hộp sọ có thể chèn ép não gây tàn phế hoặc tử vong.

 

Bà Quýt đang thoi thóp trên giường bệnh

Ung thư có nhiều triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào vị trí, đặc điểm và khả năng di căn của khối u. Chẩn đoán xác định ung thư thường đòi hỏi phải sinh thiết rồi quan sát trên kính hiển vi. Người bị ung thư có thể được chữa trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu hoặc xạ trị liệu. Nếu không được chữa trị sớm, hầu hết các loại ung thư có thể gây tử vong, đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính trong những nước phát triển. Hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Đây là thông tin mang tính hàn lâm, khoa học về bản chất và nguyên nhân gây nên bệnh ung thư. Và đương nhiên, những người nông dân ít học ở xã Giao Tân khó có điều kiện để tiếp xúc với kiến thức này. Họ chỉ lờ mờ phán đoán rằng, có hiện tượng bệnh ung thư bất thường ở đây là do đất độc, long mạch không tốt và rất nhiều nguyên nhân dở khóc dở cười khác.

Một trong những nguyên nhân biến xã Giao Tân thành ổ ung thư được chính ông Hiểu và người dân phỏng đoán là: Người dân đã “ăn” phải quá nhiều thuốc trừ sâu từ nhiều năm nay. Họ đã bị độc tố trong thuốc trừ sâu ngấm dần vào người, qua thời gian nó bộc phát thành nhan nhản các thể loại ung thư. Cụ thể là: xã Giao Tân bị bủa vây bởi cánh đồng, chia cắt giữa làng là một con sông mang chức năng thủy lợi cho mỗi mùa vụ. Thời đại công nghiệp hóa, người nông dân quá lạm dụng thuốc trừ sâu đến nỗi, mỗi vụ họ chấp nhận phun thuốc trừ sâu đến hàng chục lần để chống các loại rầy nâu, kén đòng. Thuốc trừ sâu chưa kịp giết sâu, gặp mưa liền trút hết xuống nước, nước chảy xuống mương, mương chảy ra sông, sông theo mạch ngầm ngấm vào hệ thống giếng khơi tự đào là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân trong xã.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều người dân ở đây, việc xử lý rác thải là bao bì của những túi thuốc trừ sâu cũng rất thủ công và thô sơ. Đúng là cán bộ các thôn liên tục vận động người dân nâng cao ý thức trong việc xử lý những bao bì thuốc trừ sâu nhưng hiện tại, việc này vẫn chỉ dừng lại ở hành động gom vỏ bao bì độc hại thành một đống và… để đó. Sự độc hại về bản chất cũng chẳng thay đổi gì. Thuốc sâu vẫn bị theo mưa mà tràn xuống sông rồi ngấm vào giếng và đi trực tiếp vào cơ thể người qua đường… uống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân trong xã Giao Tân sử dụng 2 loại giếng là giếng tự đào và giếng khoan. Giếng tự đào thường chỉ có độ sâu 8-10m và giếng khoan cũng chỉ trên dưới 50m.

Việc thuốc trừ sâu có thực sự ngấm vào nguồn nước giếng hay không và việc thuốc trừ sâu có phải là tác nhân chính gây nên ung thư hay không đương nhiên không ai dám khẳng định, người dân và cán bộ xã cũng không thể khẳng định được. Nó chỉ tồn tại ở dạng phỏng đoán ban đầu mà thôi. Muốn biết rõ điều này sẽ phải cần đến quá trình đo đạc, điện phân mẫu nước của những cơ quan y tế có chuyên môn.

Một nguyên nhân khác cũng được đưa ra để lý giải tình trạng này là nguồn nước của xã Giao Tân bị nhiễm độc asen trầm trọng. Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn công nghệ hóa học (Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) thì asen hay còn gọi là thạch tín, nếu ngộ độc chất này thì vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, thạch tín lại không phải là nguyên tố hiếm mà phân bố với hàm lượng tương đối lớn trên vỏ trái đất, tồn tại dưới dạng ít tan và hầu như không tan.

Những người dùng nước giếng khoan, hoặc nước máy nhiễm asen có nguy cơ nhiễm độc chất này. Bệnh mãn tính thường bị ngộ nhận là bệnh da liễu. Một phần không nhỏ dân số Việt Nam đang dùng nước ăn lấy từ giếng khoan, nguy cơ ô nhiễm asen (thạch tín) là không nhỏ. Trong nước, asen là chất không mùi, không màu, không vị nên nếu không có phương tiện thử, người dân không thể biết. Triệu chứng nhiễm độc mạn tính xuất hiện sau 3 năm dùng nước nhiễm độc hoặc sớm hơn nếu nồng độ asen cao. Sử dụng nước có nồng độ asen từ 0,3mg/l (hay 300ppb) trở lên sẽ bị các bệnh ung thư ở gan, da, phổi… sau 3-4 năm.

Người dân xã Giao Tân cũng bán tín bán nghi về nhận định này. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, theo ông Hiểu thì cũng có một số đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên Môi trường, của một số viện nghiên cứu và tổ chức khác nhau đã về địa phương nắm tình hình, lấy mẫu nước đem về để đo nồng độ chất độc. Nhưng theo phản ánh, những tổ chức này đến rất rầm rộ nhưng rồi… lặn mất tăm. Ông Hinh, một cán bộ của xã Giao Tân cho biết: “Ít nhất, họ cũng phải thông báo cho địa phương kết quả những lần đo đạc ấy để xã chúng tôi còn biết để có kế hoạch phòng tránh cho bà con. Đằng này, họ không thông báo gì, chúng tôi cũng không thể biết được rằng, nguồn nước sinh hoạt của bà con trong xã có nhiễm độc hay không. Nếu không nhiễm độc gì thì họ cũng phải thông báo cho chúng tôi biết chứ”.

Việc tù mù thông tin, bán tín bán nghi về nguy cơ nhiễm bệnh đã diễn ra nhiều năm nay ở Giao Tân. Nếu nguồn nước ở đây nhiễm độc thật thì hóa ra rằng, người dân đang hàng ngày uống thuốc độc để hủy hoại sức khỏe của mình. Để đến nỗi, ung thư và bệnh tật nhiều quá, người dân không ai dám đi khám bệnh vì sợ phát hiện ra cả ổ bệnh trong người thì nguy. Họ cứ thế sống, cứ thế hy vọng mong manh rằng, nguyên nhân ung thư là… chẳng có nguyên nhân nào, là do giời hành nên phải vậy. Những đám ma của người bị ung thư khi tuổi còn quá trẻ khắp xã Giao Tân vẫn diễn ra hàng tháng, hàng ngày, trong khi, để ngăn chặn nó với biện pháp tối thiểu là đo nồng độ độc chất trong nguồn nước là việc không quá phức tạp, không mất quá nhiều thời gian. Vì ai, vì đâu mà nên nông nỗi thế?

Theo Petrotimes

Thực hiện: depweb

25/10/2012, 15:00